Việt Nam, đảo đầu lâu và vua khỉ (Việt Hoàng - Thông Luận)
Dù
là khỉ nhưng Kong rất "khôn", nó không tiêu diệt tất cả các sinh vật
khác sống trên đảo, nó vẫn dành cho "con người" một mảnh đất riêng để
sống với điều kiện đám người đó phải biết cam chịu, im lặng, không được
có cảm xúc và phải tôn thờ Kong (trong phim là một "bộ tộc người" không
nói, không cười, không cảm xúc, im lìm và lặng lẽ như những bóng ma).
Những người thổ dân đó cũng chính là hình ảnh của 90 triệu người dân
Việt Nam hiện nay. Những người sống riêng biệt và có khoảng cách nhất
định với đảng, họ sống trong chịu đựng và sợ hãi.
Bộ phim giải trí của điện ảnh Mỹ, Kong : Skull Island
(Kong : Đảo Đầu lâu) đã được công chiếu hôm 10/3 trên toàn thế giới
nhưng trước đó hàng năm trời, nó đã được quảng bá một cách rầm rộ tại
Việt Nam. Sỡ dĩ người Việt Nam quan tâm đặc biệt đến bộ phim này vì nó
được quay tại nhiều địa danh của Việt Nam như Tràng An, Vân Long, Tam
Cốc (Ninh Bình), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình).
Du
lịch Việt Nam hy vọng được đón nhiều khách hơn sau khi phong cảnh đẹp
và hữu tình của Việt Nam được quảng bá miễn phí trên phim. Báo chí Việt
Nam đã tung hô bộ phim lên tận mây xanh và đỉnh điểm của nó là Bộ Văn
hóa, thể thao và du lịch Việt Nam đề nghị dựng mô hình của vua khỉ Kong ở
Hồ Gươm, và tỉnh Quảng Bình còn muốn biến vua khỉ Kong trở thành biểu
tượng của tỉnh Quảng Bình.
Nội dung của bộ phim cũng đơn giản, những ai chưa xem phim thì có thể đọc ở đây : Tập tin : Kong Đảo đầu lâu.jpg – Wikipedia tiếng Việt (1).
Vì
đây là một bộ phim giải trí và giả tưởng cho nên kỹ xảo điện ảnh là
chính và người xem hoàn toàn mãn nhãn trước kỹ xảo điện ảnh Holywood.
Tuy nhiên khó có thể gọi đây là "bom tấn" vì nó còn kém xa những bộ phim
giải trí đình đám khác cùng loại như phim Avatar (Thế thân) hay
Jurassic World (Thế giới khủng long).
Nhân
dịp cuối tuần và để thư giãn một chút, người viết xin liên tưởng bộ
phim này với hiện thực xã hội Việt Nam, mục đích là hài hước chứ không
nhằm suy diễn bất cứ điều gì.
Nhà sử học Dương Trung Quốc quả là thông minh và sâu sắc khi nói rằng : "Việt
Nam không phải là đảo đầu lâu ! Việt Nam cũng không phải là xứ sở của
loại linh trưởng đã bị "khủng hóa". Vì thế, cách nói có phần quá lời về
một bộ phim mang tính giải trí và chứa đựng đầy hư cấu về một hòn đảo
mang tên "Đầu lâu" với những giả tưởng kinh dị, đầy chết chóc như "biểu
tượng của Việt Nam" hoàn toàn là không đúng" (2).
Đúng
là "cha nó lú, có chú nó khôn", "chú Dương Trung Quốc" quả thật là rất
"khôn". Chỉ có mấy kẻ "lú" mới tung hô "quá lời" về bộ phim này như vậy.
Chúng
ta hãy cùng liên tưởng và thử "phân vai" cho các nhân vật trong phim.
Nhân vật vua khỉ Kong rất giống với Đảng cộng sản Việt Nam, là vị chúa
tể, vị vua duy nhất trên mảnh đất biệt lập với thế giới và có hình hài
của cái đầu lâu, biểu tượng cho sự chết chóc và nguy hiểm. Đảng cộng sản
cũng là kẻ cai trị duy nhất đất nước Việt Nam và nó sẵn sàng chiến đấu
đến cùng để bảo vệ sự độc tôn của nó dù "kẻ thù" là các đảng đối lập (là
những con vật khác) hay ngoại xâm (những kẻ lạ đến từ nơi khác).
Dù
là khỉ nhưng Kong rất "khôn", nó không tiêu diệt tất cả các sinh vật
khác sống trên đảo, nó vẫn dành cho "con người" một mảnh đất riêng để
sống với điều kiện đám người đó phải biết cam chịu, im lặng, không được
có cảm xúc và phải tôn thờ Kong (trong phim là một "bộ tộc người" không
nói, không cười, không cảm xúc, im lìm và lặng lẽ như những bóng ma).
Những người thổ dân đó cũng chính là hình ảnh của 90 triệu người dân
Việt Nam hiện nay. Những người sống riêng biệt và có khoảng cách nhất
định với đảng, họ sống trong chịu đựng và sợ hãi.
Kong
(cũng như Đảng) rất khôn khi nhận ra ngay trong "hàng ngũ địch" luôn có
hai tư duy và lập trường trái ngược nhau, một bên là diều hâu, cực đoan
và một bên là ôn hòa, mềm mỏng. Kong cũng tùy theo đối tượng là ai để
có đối sách thích hợp. Ví dụ với tay trung tá chỉ huy đoàn thám hiểm
(Packard), biểu tượng của phe cực đoan thì Kong đập thẳng tay không
khoan nhượng. Còn với những kẻ "ôn hòa" như Conrad (cựu nhân viên đặc
nhiệm) và Mason Weaver (nữ phóng viên ảnh), hai nhân vật chính trong
phim, thì Kong rất mềm mỏng, khéo léo và sẵn sàng ra tay cứu giúp. Dù
đang đánh nhau với đối thủ chính "Big One", con thằn lằn khổng lồ duy
nhất còn lại trên đảo, nhưng Kong vẫn cứu cô gái khi cô bị rơi xuống
vực. Mục đích của Kong rất rõ ràng : phân hóa nội bộ địch. Và đúng là
Kong đã đạt được mục đích khi nhóm thám hiểm chia thành hai phe, sẵn
sàng chĩa súng vào đầu nhau.
Một
con vật trong phim cũng đáng chú ý là con Trâu nước khổng lồ. Mới nhìn
thì rất hầm hố, rất khủng với đôi sừng lớn nhưng lại hiền và yếu (nhũn
như con chi chi). Suốt ngày dầm mình dưới nước, thỉnh thoảng mới lên bờ
và dù gặp những sinh vật lạ hoắc (đoàn người thám hiểm), không cần biết
có nguy hiểm hay không thì nó cũng chỉ biết nhìn rồi quay đi. Một con
Trâu khổng lồ khác, bị một chiếc máy bay mà vua Kong phá hủy rơi xuống
đè lên mình, chỉ biết nằm im kêu be be nghe rất thảm thiết đến nỗi cô
phóng viên ảnh thấy tội quá định ra tay giúp đỡ thì đúng lúc vua Kong
xuất hiện và giải cứu. Người viết liên tưởng con Trâu nước này với giới
trí thức Việt Nam, đúng hay sai xin độc giả lượng thứ.
Hình
ảnh cô gái định nâng máy bay để cứu con Trâu nước khá hài hước và buồn
cười, tuy nhiên chính hành động "nghĩa hiệp" của cô phóng viên khi muốn
giúp con Trâu nước khổng lồ đã giúp vua Kong nhận ra "đồng minh" trong
hàng ngũ thù địch và bắt đầu dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho
cô gái. Với những người theo trường phái "yêu" thì đây là lúc "tình yêu"
của vua khỉ chớm nở khi nhìn thấy người đẹp, dù rằng người đẹp chỉ bé
bằng cái móng tay !
Đảo
đầu lâu cũng khá giống với mảnh đất hình chữ S có tên là Việt Nam (vì
ai cũng biết cảnh trong đảo là quay tại Việt Nam). Một miền đất xinh
đẹp, hữu tình và thơ mộng, nhìn thì rất bình yên nhưng thỉnh thoảng có
thể bắt gặp những sinh vật là lùng, nguy hiểm (như nhện khổng lồ), nhưng
ấn tượng hơn cả là những nghĩa trang khổng lồ với nhiều bộ xương và đầu
lâu khổng lồ, là dấu ấn của những trận thư hùng trong lịch sử giữa tổ
tiên của vua khỉ Kong và các loài bò sát khác. Trong các trận chiến đẫm
máu đó thì tổ tiên Kong đã chiến thắng dù trả giá rất lớn (loài khỉ bị
tuyệt diệt chỉ còn lại mình Kong). Hiện tại Kong vẫn phải tiếp tục cuộc
chiến đó với những kẻ thù cả mới lẫn cũ. Dù cô đơn, nhưng với bản năng
phi thường và vóc dáng khổng lồ (chiếm ưu thế hoàn toàn so với các chủng
loài khác) trên đảo đầu lâu, Kong vẫn là kẻ chiến thắng sau cùng trong
mọi cuộc chiến và vẫn giữ được ngôi vương trên mảnh đất xinh đẹp nhưng
biệt lập và đầy chết chóc này.
Hình
ảnh cuối cùng trong bộ phim là sự xuất hiện của ba chiếc máy bay cứu
nạn đến đón đám người sống sót và hình ảnh vua Kong xuất hiện để tiễn
những kẻ lạ mặt. Vua Kong đấm ngực và gầm lên như khẳng định vai trò
chúa tể của mình trên đảo đầu lâu. Trong phim thì vua khỉ Kong vẫn là vị
chúa tể tiếp tục trị vì trên đảo đầu lâu, nhưng còn câu hỏi cắc cớ của
nhà văn Lưu Trọng Văn (3) : Ai là Vua ? (đất này). Câu trả lời lại là
một câu hỏi khác : Còn ai trồng khoai đất này ?
Và cuộc đời vẫn tiếp tục trôi, trên màn ảnh ảo và trong cả cuộc đời thực…
Việt Hoàng
(17/3/2017)
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Kong:_%C4%90%E1%BA%A3o_%C4%90%E1%BA%A7u_l%C3%A2u
(2) https://www.baomoi.biz/ong-duong-trung-quoc-viet-nam-khong-phai-dao-dau-lau-21765939.html
(3) http://daubao.com/tu-van-truoc-kong-ai-la-vua/am-nhac/789361.html