PetroVietnam có thể bị ‘mổ’ theo cách nào? (Phạm Chí Dũng)
Hoàn toàn rõ ràng, chiến dịch tổng công
kích của truyền thông nhà nước dành cho PVN đã phát pháo. Nếu không có
gì thay đổi, chính trường hứa hẹn sẽ diễn biến những cú đánh tiếp theo,
dành cho những “cá mập” trong ngành dầu khí còn lớn hơn hẳn PVFC.
Tháng Ba năm 2017, việc Hội đồng xét xử
tạm ngưng xử vụ “Hà Văn Thắm và đồng bọn” để trả hồ sơ và yêu cầu điều
tra làm rõ hơn một số vụ việc, trong đó có số tiền 800 tỷ đồng “biến
mất” mà trước đây PVN đã góp vào Ngân hàng Đại Dương, cho thấy chiến
dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng không hề muốn “khoanh” vụ
án chỉ nằm trong phạm vi ngân hàng này như một số đồn đoán trước đây.
Mà còn “phát triển” đến PVN – mảnh đất từ đó đi lên của ông Đinh La Thăng…
Để bàn cờ nhân sự và “cơ cấu thị phần”
nhiều khả năng sẽ được “tái cấu trúc”. Sẽ xuất hiện những gương mặt mới
cùng “tư duy” mới, đại diện cho những nhóm quyền lực mới. Những ai không
còn phù hợp với trào lưu lịch sử thì đương nhiên sẽ bị lịch sử đào
thải.
Đã có những dấu hiệu không còn mơ hồ về quy trình đào thải có thể biến động trong tương lai gần ấy.
800 tỷ đồng và 7 tỷ USD
Trùng với thời gian tháng 3/2017 xét xử
vụ đại án Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương có liên quan đến Nguyễn Xuân
Sơn – cựu chủ tịch Hội đồng quản trị PVN, một nhân vật cao cấp là Chủ
tịch PVN Nguyễn Quốc Khánh “bất ngờ” bị điều chuyển về làm “công chức
thường” ở Bộ Công Thương, trong lúc thâm niên của nhân vật này tại PVN
mới chỉ hơn 1 năm, sau khi có khoảng nửa năm tạm quyền chức danh Chủ
tịch khi người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức.
“Tuổi thọ” quá ngắn ngủi tại PVN của ông
Nguyễn Quốc Khánh đã khiến phát sinh ngay dư luận về việc ông Khánh bị
thôi chức hoặc cách chức chứ không phải “được điều chuyển”.
Nhưng dù có bị cách chức thì âu vẫn là
“hạ cánh mềm”. Một cách thoát nạn khả dĩ chấp nhận được, nếu không muốn
bị vướng vào vòng điều tra và cả lao lý.
Bây giờ thì dù có muốn, ông Nguyễn Quốc
Khánh cũng không thể cản bước Ủy ban Kiểm tra trung ương, nếu sắp tới ủy
ban này lùng sục từng ngóc ngách thu chi tài chính trong PVN theo lệnh
của Tổng Bí thư Trọng.
Khác hẳn Ban Nội chính trung ương của
cựu ủy viên trung ương kiêm trưởng ban Nguyễn Bá Thanh, Ủy ban Kiểm tra
trung ương lại được lãnh đạo bởi một ủy viên Bộ Chính trị là ông Trần
Quốc Vượng – người trước đây là chánh văn phòng trung ương đảng và được
xem là “cánh thân hữu” với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ sau Đại hội 12 và kể cả từ sau mệnh
lệnh “việc cần làm ngay” của ông Trọng phát ra từ tháng 6/2016, câu
chuyện cần tách bạch là cho đến giờ Ủy ban Kiểm tra trung ương vẫn chưa
có nổi một thành tích đáng kể nào, ngoài việc kiểm tra xe hơi của Trịnh
Xuân Thanh và một số công việc mang tính hành chính khác.
Do vậy, vụ PVN có thể là một cơ hội để
ông Trần Quốc Vượng “lấy điểm” trước Tổng Bí thư Trọng, nhất là trong
quan điểm của ông Trọng vẫn ngầm mang hơi hướng so sánh giữa Ủy ban Kiểm
tra trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam với Ủy ban Kỷ luật trung ương
của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ngay sau
Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra làm rõ số tiền 800 tỷ đồng của PVN
không cánh mà bay tại Ngân hàng Đại Dương, đã bùng lên loạt bài “Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN” trên báo Thanh Niên
vào giữa tháng 3/2017 về những sai phạm ở Tổng công ty tài chính cổ
phần dầu khí (PVFC) thuộc PVN mà đã gây ra thiệt hại của PVFC trên 500
tỷ đồng.
Thanh Niên hẳn là một tờ báo
không chỉ mang truyền thống “cánh tay phải của đảng”, mà giờ đây còn
phải làm sao để được đảng phục hồi độ tin cậy, nhất là sau vụ tờ báo này
nhận tiền quảng cáo của đại gia để đánh nước mắm truyền thống khiến
người sản xuất điêu đứng mà đảng vẫn để yên cho tổng biên tập tờ báo
này.
Hoàn toàn rõ ràng, chiến dịch tổng công
kích của truyền thông nhà nước dành cho PVN đã phát pháo. Nếu không có
gì thay đổi, chính trường hứa hẹn sẽ diễn biến những cú đánh tiếp theo,
dành cho những “cá mập” trong ngành dầu khí còn lớn hơn hẳn PVFC.
Để sau đó hẳn phải là “cả hệ thống chính trị quyết tâm vào cuộc” với căn cứ “báo nói như vậy…”.
Cú ra đòn mới nhất của tổng bí thư hiển
nhiên đang tập trung vào PVN – tập đoàn nhà nước thuộc loại sung túc
nhất Việt Nam. Chỉ riêng tài sản lưu động của tập đoàn này đã lên đến
166 ngàn tỷ đồng (trên 7 tỷ USD) tiền mặt gửi ngân hàng để lấy lãi –
theo báo cáo tài chính năm 2016 của PVN.
Con số 7 tỷ USD trên, giả dụ vào một
ngày đẹp trời nào đó có thể được “trưng thu” để trả nợ công quốc gia, sẽ
đạt đến 70% số cần trả nợ quốc tế cho một năm. Mà trong tình cảnh ngân
sách quốc gia “ngàn cân treo sợi tóc” như hiện thời, bất cứ một tỷ đô la
nào cũng quý.
Nhưng trong trường hợp PVN, có lẽ tiền không phải là tất cả.
Tổng Bí thư Trọng đang ‘tâm tư’ về ai?
Với PVN, sai phạm rõ ràng nhất là tập
đoàn này đã góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương thời Hà Văn
Thắm, nhưng cho đến nay toàn bộ số tiền đó đã không thu hồi được và thực
tế là đã mất trắng khi ngân hàng này bị âm đến 2,5 lần vốn điều lệ.
Tại phiên tòa xét xử “Hà Văn Thắm và
đồng bọn”, dĩ nhiên người tiền nhiệm của ông Nguyễn Quốc Khánh là ông
Nguyễn Xuân Sơn – cựu chủ tịch PVN – phải chịu trách nhiệm về số 800 tỷ
đồng không cánh mà bay. Nhưng dư luận thì vẫn chưa chịu dừng ở đó: ngoài
Nguyễn Xuân Sơn, còn có quan chức lãnh đạo nào khác của PVN “dính” vụ
Hà Văn Thắm?
Tại phiên tòa xét xử vụ Hà Văn Thắm,
giới lãnh đạo của Ngân hàng Đại Dương lại khai tuột rằng việc Ngân hàng
nhà nước mua Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng vào năm 2015 là “quyết
định đơn phương của Ngân hàng nhà nước”.
Từ sau Đại hội 12 cho tới nay lại nổi
lên nhiều dư luận đặt nghi vấn về việc Ngân hàng nhà nước đã lấy nguồn
tiền từ đâu, và bao nhiêu tiền, để “ôm” cả 3 ngân hàng Đại Dương, Xây
Dựng và Dầu Khí Toàn cầu. Không ít người cho rằng đó là tiền từ ngân
sách nhà nước, tức tiền đóng thuế mồ hôi xương máu của nhân dân.
“Tác giả” của vụ mua bán 0 đồng quá tai
tiếng ấy chính là Nguyễn Văn Bình – thời còn là thống đốc Ngân hàng nhà
nước và là trợ thủ đắc lực cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Còn hiện nay
ông Bình đang ngự trên ghế ủy viên Bộ Chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế
trung ương.
Ở một “mũi” khác, hãy chú ý cái cách tạm kết trong loạt bài “Tài chính dầu khí và ‘vũng lầy’ PVN” của báo Thanh Niên: “Trao
đổi với Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, các khoản đầu tư bất
chấp pháp luật của PVFC và PVFC Invest trong giai đoạn 2006 – 2011 có
trách nhiệm từ lãnh đạo Tập đoàn PVN. Bởi PVN là công ty mẹ, sở hữu 78%
vốn tại công ty con PVFC, PVFC lại sở hữu 59% vốn của công ty cháu PVFC
Invest và 99% tại Mỹ Khê VN. “Những vi phạm này cần được các cơ quan
chức năng làm rõ”, ông Long kiến nghị”.
Vậy ai là “lãnh đạo Tập đoàn PVN giai đoạn 2006 – 2011”?
Cũng như chiến thuật thường thấy trước
Đại hội 12, cách đi của những người bên đảng không quá khó hiểu. “Đường
lối” đã mở, chỉ cần chú thích theo kiểu “tên anh đã có trong danh sách”.
Bàn cờ chính trị đang thay đổi từng tuần và có thể đảo lộn lớn trong thời gian tới.
‘Loạn xà ngầu’
Làm thế nào để Trần Quốc Vượng có thể trở nên Vương Kỳ Sơn?
Và làm thế nào Nguyễn Phú Trọng tạo dựng
được một chiến dịch “Săn Cáo” hồi tố tài sản tham nhũng được coi là khá
thành công mà Tập Cận Bình đã làm từ năm 2013 cho đến nay?
Đòn thế của ông Trọng đã phát ra và đang
phát triển. Nguyễn Phú Trọng – người đã từng thắng đậm Nguyễn Tấn Dũng
tại Đại hội 12, đang tung ra một trong những đợt tấn công tổng lực và
mãnh liệt nhất, nhưng không nhất thiết phải dùng tới Bộ Công an mà ngay
trước mắt là công cụ “19 điều đảng viên không được làm” thông qua vai
trò của Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Gần đây, lại có dư luận cho biết Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ công bố một “cáo trạng” về PVN kể từ năm 2008.
Như một “phong cách” của bên đảng, việc
đầu tiên và dễ nhất luôn là “kiểm điểm đảng viên” để làm cơ sở cho “điều
chuyển cán bộ”. Còn sau đó, nếu “điều kiện thuận lợi”, sẽ đẩy tới “hình
sự hóa dân chính đảng”.
Sau một số động tác “chống tham nhũng”
vào nửa cuối năm 2016 đối với một số đơn vị thành viên của PVN, đến đầu
năm 2017 chiến dịch của Tổng bí thư Trọng đang áp sát tập đoàn mẹ cùng
giới quan chức lãnh đạo đương nhiệm và có thể cả những “tư lệnh” đã thôi
chức của nó.
Với cái đà này, không cách này thì cách
khác và có muốn cũng khó mà tránh được, PVN phải một lần “lên thớt”.
Cũng là để bàn cờ chính trị được “tái cơ cấu”.
Tuy nhiên, vẫn còn một khúc mắc không hề
nhỏ. Nếu trước Đại hội 12 bàn cờ chính trị ở Việt Nam chỉ là “hai phe”,
thì nay đang phức tạp đến mức “đa trung tâm quyền lực”. Mọi thứ hiện
giờ “loạn xà ngầu” và không phải cứ muốn là “xử” được.
Chưa kể nếu Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa
hiện diện công khai trước công luận ở sân bay quốc tế Nội Bài, chiến
dịch được xem là “chống tham nhũng” của ông Trọng vẫn thiếu hẳn một con
át chủ để chốt hạ ván bài…
Theo VOA