Kinh tế Nam Hàn và tai họa Chaebol (Nguyễn-Xuân Nghĩa-RFA)
Nhưng cũng do sức nặng kinh tế quá lớn đó mà các tập đoàn chi phối cả
xã hội và hệ thống chính trị, điển hình là việc năm người cầm đầu hệ
thống Samsung đều đang bị truy tố về tội gian lận hoặc hối lộ viên chức
nhà nước. Khía cạnh thứ hai đáng chú ý không kém là khi bành trướng địa
bàn hoạt động như vậy, các đại tổ hợp cản trở việc phát triển các tiểu
doanh nghiệp vốn có sức thu dụng nhân lực cao hơn và góp phần ổn định xã
hội, như mô hình của Đài Loan.
Hôm 6 tháng 3, công tố viên đặc biệt của Hàn Quốc công bố cáo trạng
truy tố người đang thực tế lãnh đạo tập đoàn SamSung về tội hối lộ, biển
thủ, ngụy tạo hồ sơ để che giấu việc hối lộ nhằm trốn thuế. Bị tạm giam
từ Tháng Hai, ông Lee Jae-yong sẽ ra trước tòa vào ngày Thứ Năm mùng
chín tới đây. Vụ án này gây chấn động cho Nam Hàn trong một năm có tranh
cử tổng thống và đặt lại vấn đề về vai trò quá lớn của các tổ hợp
Chaebols đã từng tạo ra phép lạ kinh tế của xứ này.
Chaebols là gì?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Tuần này,
người thực tế cầm đầu tập đoàn lớn nhất của Nam Hàn là Samsung sẽ ra
tòa về nhiều tội danh liên hệ đến Tổng thống Park Geun-hye đã bị Quốc
hội đàn hặc và tạm đình chỉ công tác vì tội nhận hối lộ và bao che cho
người thân tín. Những tai tiếng rồi thất bại dồn dập của các tập đoàn
kinh doanh gọi là Chaebols có thể gây hậu quả tại hại cho kinh tế Nam
Hàn khi năm nay xứ này có bầu cử Tổng thống. Thưa ông, câu hỏi được
nhiều người nêu ra là liệu lãnh đạo Nam Hàn sau này có thể nghĩ đến việc
cải tổ đường lối chính sách để tránh được những tai họa đó hay không.
Ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đây là đề tài rất hữu ích nhưng khá phức
tạp nên tôi xin đi từng bước cho thính giả của chúng ta cùng theo dõi.
Noi gương Nhật Bản thời trước chiến tranh, Nam Hàn hay Đại Hàn Dân Quốc
cũng cho thành lập các tổ hợp kinh doanh họ gọi là “Chaebols”, dịch từ
chữ “tài phiệt”. Sau Chiến tranh Cao Ly và từ thập niên 60, Tổng thống
Park Chung-hee, thân phụ của bà Park Geun-hye hiện nay, áp dụng chính
sách chủ động công nghiệp hóa để phát triển nhanh, trong đó có vai trò
của các tập đoàn cột trụ này.
Dù là tư doanh chứ không là tập đoàn kinh tế nhà nước như tại Trung
Quốc hay Việt Nam, các đại tổ hợp ấy thường do một gia đình ngấm ngầm
kiểm soát, nhưng nương theo chính sách kinh tế nhà nước mà phát triển
mạnh cũng do sự yểm trợ của nhà nước với một nét văn hóa chung là vì chủ
nghĩa quốc gia dân tộc Đại Hàn.
Kết quả thì Nam Hàn hãnh diện vì đã tạo ra phép lạ kinh tế người ta
gọi là “Hán giang Kỳ tích” để thành một nước công nghiệp hóa giàu mạnh
trong có mấy chục năm.
Nguyên Lam: Như vậy, có phải các tập đoàn tư doanh
này có công trong việc phát triển quốc gia không? Thưa ông, thế thì vì
sao mà ngay nay người ta lại gặp những tai họa như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vai trò của các tập đoàn Chaebols trong
phép lạ kinh tế đó là thực tế khó phủ nhận. Thí dụ như số thương vụ của
năm tổ hợp lớn nhất, đứng đầu là Samsung và Hyundai, lên tới 60% của
Tổng sản lượng GDP và trên thị trường cổ phiếu, các Chaebol chiếm 77%
của kết giá tài sản. Đấy là mũi xung kích vì thúc đẩy khả năng xuất khẩu
và đầu tư ra toàn cầu. Ít ai ngờ là Nam Hàn nay đứng hạng thứ tư về sản
lượng xe hơi, sau Đức, Nhật và Mỹ.
Nhưng cũng do sức nặng kinh tế quá lớn đó mà các tập đoàn chi phối cả
xã hội và hệ thống chính trị, điển hình là việc năm người cầm đầu hệ
thống Samsung đều đang bị truy tố về tội gian lận hoặc hối lộ viên chức
nhà nước. Khía cạnh thứ hai đáng chú ý không kém là khi bành trướng địa
bàn hoạt động như vậy, các đại tổ hợp cản trở việc phát triển các tiểu
doanh nghiệp vốn có sức thu dụng nhân lực cao hơn và góp phần ổn định xã
hội, như mô hình của Đài Loan.
Trong quá khứ, từ 20 năm nay, Nam Hàn từng có nỗ lực cải tổ mà chưa
thành. Tôi nhớ là năm 2003, chương trình chuyên đề của chúng ta đã phân
tích hiện tượng tiêu cực đó khi tập đoàn dầu khí SK Global bị nguy cơ vỡ
nợ vì nợ đến gần sáu tỷ đô la mà lại bị truy tố tội gian lận sổ sách
đến hơn một tỷ hai. Cách nay 12 năm, diễn đàn này cũng nhắc tới vụ
Chaebol khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF khuyến cáo Nam Hàn việc bán rẻ các
Chaebols với sổ sách thiếu minh bạch. Theo Trung Quốc, Việt Nam cũng học
mô hình phát triển kinh tế Nam Hàn với các tập đoàn kinh tế nhà nước
cho nên cần theo dõi chuyện này để tránh vết xe đổ của thiên hạ.
Cải tổ bất thành
Nguyên Lam: Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đi từ đó. Các
Chaebols đã có công lớn và trở thành cột trụ kinh tế của Nam Hàn nhưng
giới lãnh đạo cũng trở thành những đại gia quyền thế nên có thể lũng
đoạn hệ thống chính trị như chúng ta đã thấy từ năm ngoái. Theo dõi sự
kiện này từ đã lâu, ông nghĩ sao về yêu cầu cải cách tình trạng bất
thường đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Các nước đang phát triển có thể tính trước
là kinh tế quốc dân phải từng bước phát triển các ngành nghề sản xuất ưu
tiên theo một trình tự hợp lý nào đó, họ gọi đó là “chính sách công
nghiệp” của nhà nước. Điều các nước nghèo khó thấy trước là chính sách
công nghiệp ấy nâng đỡ ngành này hơn ngành khác, tức là nhà nước chủ
động quyết định chứ không theo quy luật thị trường và mặc nhiên tạo ra
một sân chơi không bình đẳng. Thứ hai, khi nhà nước chủ động nâng đỡ một
số cơ sở sản xuất thì tất nhiên gây ra nạn tham nhũng và tác động
ngược, tức là làm lệch lạc chính sách kinh tế của nhà nước. Đấy là
nguyên lý chung mà vài chục năm sau người ta mới thấy ra hậu quả tệ hại.
Nam Hàn có chính sách công nghiệp đó sau các năm 1960 nên từ một xứ
nông nghiệp nghèo bị Nhật xâm lược rồi chiến tranh tàn phá, họ vươn
thành cường quốc kỹ nghệ dưới một chế độ độc tài anh minh mà thanh bạch
của lãnh tụ Park Chung-hee. Nhưng hậu quả bất lường là các tập đoàn đã
góp phần tạo ra phép lạ kinh tế cũng lại là trung tâm quyền lực mờ ám có
thể chi phối chính sách kinh tế quốc gia và còn lũng đoạn bộ máy nhà
nước qua hối lộ và tham nhũng.
Sau năm 1990, xứ này chủ động dân chủ hóa như chúng ta có tìm hiểu kỳ
trước và việc cải tổ chế độ kinh doanh của các Chaebol được Tổng thống
Kim Young-sam đặt ra từ năm 1993, nhưng chẳng thành công cho tới khi bị
khủng hoảng tài chính năm 1997 khiến một phần ba các Chaebols phá sản,
trong đó có tập đoàn hạng nhì là Daewoo bị sụp đổ năm 1999, và gây ra
khủng hoảng kinh tế. Từ đó, ba đời Tổng thống được dân Nam Hàn bầu lên
đều muốn cải sửa mà chẳng xong cho tới khi nạn tham ô gây khủng hoảng
chính trị cho Tổng thống Park Geun-hye với vai trò nổi bật của giới lãnh
đạo tập đoàn Samsung.
Nguyên Lam: Tức là hai chục năm trước, Nam Hàn đã bị
khủng hoảng vì các Chaebol. Thưa ông, thế thì vì sao mà việc cải cách
lại chẳng thành công?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là một lý do cơ bản là hiện tượng
“cộng sinh” là sống bám vào nhau, giữa thành phần kinh doanh ưu tú là
các Chaebols với bộ máy nhà nước khi cả hai đều tự cho mình nhiệm vụ
phát triển đất nước bằng chính sách chủ động công nghiệp hóa. Các tập
đoàn thành trung tâm sản xuất có yêu cầu rất cao về tư bản để thụ đắc
loại thiết bị cho các ngành kỹ nghệ rồi điện tử tiên tiến và được ngân
hàng của nhà nước tài trợ theo diện chính sách.
Từ đấy, sự hợp tác giữa chính trường với doanh trường trở thành sự
cấu kết. Rồi ỷ thế nhà nước, họ gian lận sổ sách, là chuyện đã và đang
xảy ra, mà còn có thể cản trở nỗ lực cải cách của lãnh đạo. Các Tổng
thống Hàn Quốc lại chỉ có một nhiệm kỳ năm năm thôi nên chưa hoàn tất
việc cải tổ chắc chắn là mất nhiều năm thì phải nhường cho vị kế nhiệm
đi lại từ đầu. Họ trở thành “dã tràng xe cát biển Đông”! Lần này, khi
Samsung lại làm một Tổng thống mất chức trong nỗi nhục của cả nước, thì
có lẽ là một cơ hội mới. Như Tháng Chín vừa qua, Quốc hội Nam Hàn yêu
cầu lãnh đạo của chín tập đoàn mạnh nhất ra điều trần về việc họ đã gom
tiền mua chuộc một cố vấn thân tín của Tổng thống Park Geun-hye. Vì vậy,
trong cuộc tranh cử Tổng thống năm nay, các ứng cử viên đều quan tâm và
phải có chủ trương về việc cải cách.
Cải cách cách nào?
Nguyên Lam: Trong hồ sơ này, người ta thấy ra một ưu
điểm của Nam Hàn là có dân chủ và Quốc Hội có thực quyền khiến Tổng
thống bị ngưng chức vì tình nghi về tội tham nhũng. Theo như ông nghĩ
thì lãnh đạo chính trị có thể làm những gì về một yêu cầu được đặt ra từ
mấy chục năm trước mà chưa xong?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cứ hay nghĩ ngược! Việc cần làm ngay là
tu chỉnh Hiến pháp cho Tổng thống được hai nhiệm kỳ tổng cộng 10 năm
thì mới có thể tái tranh cử để hoàn tất việc cải cách dở dang. Tổng
thống Park Geun-hye cũng đề nghị như vậy nhưng người phụ nữ cô đơn này
có những mềm yếu khó hiểu trong quan hệ với một kẻ thân tín nên đã bị
thân bại danh liệt.
Thứ hai, mọi sự đang thay đổi kể từ năm 2014, khi kinh tế Trung Quốc
sa sút, kinh tế Âu-Mỹ chưa phục hoạt thì Nam Hàn bị hiệu ứng bất lợi
khiến xuất khẩu sụt mất 30%. Có nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu, Nam
Hàn đang thấy lại nguy cơ của năm 1997. Tai hại nhất là giới trẻ bị thất
nghiệp, có thể quá 12% là gấp đôi bình quân toàn quốc. Họ bất mãn và
không chấp nhận nổi sự bất công về lợi tức và bất lương của giới có
quyền và có tiền. Tức là khó khăn kinh tế khiến xã hội Nam Hàn mất ổn
định nên giới lãnh đạo trong tương lai không thể không giải quyết một
vấn đề quá nóng hiện nay là sự khống chế của các tập đoàn kinh tế.
Nguyên Lam: Như vậy, bối cảnh quốc nội và quốc tế
cho thấy tình hình có thể thuận tiện cho một việc cải cách rộng lớn.
Thưa ông, đâu là những nguyên lý chỉ đạo việc cải cách này của Hàn Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về đại thể thì tương đối dễ! Từ nửa thế
kỷ, chính là chủ nghĩa dân tộc đã tạo ra sức quật khởi của người dân
Hàn Quốc sau khi bị Nhật xâm lăng từ năm 1910 rồi bị lụn bại vì chiến
tranh. Sự quật khởi đó kết tinh vào thành tựu chói lọi của các Chaebols
cho tới vụ khủng hoảng ngày nay làm người dân thấy nhục. Vì vậy, giới
lãnh đạo chính trị có hậu thuẫn của quần chúng để cải tổ cơ chế quản lý
doanh nghiệp hầu các gia đình làm chủ bên trong không thể kiểm soát và
lũng đoạn được nữa. Thứ hai là phải phá vỡ sự cấu kết giữa các đại gia
với bộ máy hành chánh công quyền bằng luật lệ công minh chấp hành nghiêm
chỉnh.
Nói về luật lệ thì từ năm 1980, Nam Hàn có đạo luật ngăn nạn độc
quyền và kinh doanh thiếu công bằng để giúp các tiểu doanh nghiệp có thể
thành hình. Đấy là loại cơ sở sản xuất thu dụng nhân công, chứ các
Chaebols chỉ dùng có 3% của lực lượng lao động thôi. Từ đạo luật đó, họ
lập ra một ủy ban giám sát tình trạng cạnh tranh bất chính của các
Chaebols để khỏi lấn lướt giới tiểu doanh. Nhưng đạo luật chưa được thi
hành đúng đắn nên mới gây ra tình trạng chúng ta đang thấy. Sau vụ khủng
hoảng ngày nay, Chính quyền mới phải khởi đầu bằng tăng cường khả năng
cưỡng hành của luật lệ sẵn có.
Cũng về luật lệ thì có lẽ Nam Hàn phải cải tổ sắc thuế đánh vào di
sản kế thừa, hiện thuộc loại cao nhất thế giới và là một nguyên do đưa
tới gian lận sổ sách để tránh thuế mà chủ tịch đương nhiệm của Samsung
đang bị truy tố. Kết luận ở đây là chúng ta đang chứng kiến một đổi thay
mang ý nghĩa lịch sử của một quốc gia đã được thế giới khâm phục về tài
quản trị kinh tế nay bị chê cười trong một vụ khủng hoảng chính trị từ
trên xuống trong khi còn bị Bắc Hàn Cộng sản uy hiếp bằng hỏa tiễn bắn
ngang qua đầu.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.