Vài suy nghĩ về "Chính sách đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới" (Việt Hoàng-Thông Luận)

Những "trí thức cộng sản" trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam cần nhìn rõ thời cuộc để lấy quyết định thoát khỏi con tàu sắp đắm. Nhanh chóng rời bỏ đảng để thành lập một lực lượng chính trị mới sau đó liên minh với các tổ chức dân chủ đối lập để cùng nhau kiến tạo lại đất nước, cùng nhau mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.
Vài suy nghĩ khi đọc bài "Chính sách đối ngoại Việt Nam giai đoạn mới" của tác giả Nguyễn Quang Dy
Tôi không biết có phải tác giả, ông Nguyễn Quang Dy là người đã từng học tập và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc (ANU, 1976-1979), Đại học Harvard (Nieman Fellow, 1992-1993), công tác tại Bộ Ngoại giao (1971-2005). Chuyên gia về nghiên cứu quốc tế, truyền thông báo chí, và đào tạo ; cố vấn cấp cao cho một số tổ chức/chương trình đào tạo ; hiện nay là nhà báo tự do và nghiên cứu/tư vấn độc lập.
Ông Nguyễn Quang Dy vừa có một bài viết mới "Chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn mới". Đây là một bài viết công phu, có tính tổng hợp cao. Tác giả đã phân tích rõ ràng và chi tiết tình hình chính trị của Việt Nam và thế giới sau "cơn địa chấn chính trị Mỹ" với tân tổng thống Donald Trump.
Thế giới đang đứng trước một bước ngoặc mới, trật tự thế giới được thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ Hai có thể bị đảo lộn hoàn toàn bởi ê-kíp của ông Trump.
Năm 1972, với "đạo diễn" Kissinger, Mỹ quyết định "bỏ rơi" đồng minh Việt Nam Cộng Hòa để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, bắt tay và làm ăn với Trung Quốc để chống Liên Xô thì nay ông Trump (có vẻ) đang làm ngược lại : hòa hoãn với Nga để chống Trung Quốc. (Tôi thì nghi ngờ ông Trump không thật lòng chống Trung Quốc vì ông đã rút khỏi hiệp ước TPP, một công cụ để kìm hãm Trung Quốc). Mỹ có lý do để làm như vậy vì Trung Quốc đã "trỗi dậy không hòa bình". Trung Quốc vừa hưởng lợi nhờ giao thương với Mỹ vừa thách thức vai trò bá chủ thế giới của Mỹ. Mỹ đã mất kiên nhẫn trước một Trung Quốc lớn mạnh và luôn "được đằng chân lân đằng đầu". Trong cuộc so găng này Mỹ "đánh" và Trung Quốc chỉ "đỡ" chứ không thể "đánh lại" và cuộc chiến này chỉ dừng ở chổ Mỹ sẽ cô lập Trung Quốc và giảm sự thâm thủng ngoại thương với Trung Quốc.
Theo ông Nguyễn Quang Dy thì đã đến lúc "Việt Nam phải xoay trục". Chính sách "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc của Việt Nam hết thời. "Đã đến lúc phải "kiểm toán" chính sách đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ "Hậu Thành Đô" (1990-2016), trên cơ sở thành công hay thất bại. Qua mấy thập kỷ, Việt Nam đã bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, cả về kinh tế, chính trị, và đối ngoại, vì mắc phải cái vòng "kim cô". Muốn khắc phục những hệ lụy to lớn và lâu dài đó, Việt Nam phải đổi mới thể chế toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị, cả về đối nội lẫn đối ngoại."
"Chính sách đối ngoại giai đoạn mới phải giúp Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc, để quan hệ dựa trên "tái cân bằng tích cực" (active rebalance). Tái cân bằng tích cực không phải là "đu dây", và "thoát Trung" không có nghĩa là quay lưng lại với Trung Quốc".
Trung Quốc ngày càng bị cô lập và các nguy cơ khiến Trung Quốc sụp đổ liên quan đến môi trường, kinh tế, chính trị càng bị khoét sâu và bùng phát. Việt Nam muốn dựa vào Trung Quốc cũng không được vì Trung Quốc lo cho mình còn không được thì làm sao lo cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Dy cho rằng chuyến thăm Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 7/2015 là một bước ngoặc trong quan hệ Việt-Mỹ để hai nước có thể trở thành "đối tác toàn diện". Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội này trong 8 năm cầm quyền của Obama với những chính trị gia Mỹ thân Việt Nam như John McCain, John Kerry…
Tác giả đưa ra ba tiêu chí cơ bản cho chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới :
- Một chính sách đối ngoại "độc lập trưởng thành" phải nhất quán về tư duy chiến lược, lấy lợi ích dân tộc làm mục tiêu tối hậu, không lệ thuộc vào ý thức hệ đã lỗi thời. Đã đến lúc người Việt phải đổi mới tư duy triệt để, không thể tiếp tục "đu dây" cả về đối nội và đối ngoại tại ngã ba đường, như mấy thập kỷ qua.
- Một chính sách đối ngoại "tái cân bằng tích cực" phải dựa trên sự cân đối và tương hỗ giữa đối nội và đối ngoại, giữa lợi ích quốc gia và hội nhập quốc tế, giữa cải cách thể chế kinh tế và đổi mới thể chế chính trị, để phát triển bền vững và dân chủ hóa.
- Một chính sách đối ngoại "hội nhập tích cực" phải giúp các doanh nghiệp có điều kiện và cơ hội để hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu…
Ông Nguyễn Quang Dy kết luận :
Khi môi trường quốc tế và khu vực có nhiều biến động khó lường, và tình hình kinh tế, chính trị trong nước có nhiều bất ổn, đòi hỏi phải cải cách thể chế toàn diện (cả kinh tế và chính trị), thì chính sách đối ngoại cũng phải đổi mới theo tương ứng (cf. bài đính kèm).
Điều này thì ai cũng rõ và chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Tuy nhiên việc "cải cách thể chế toàn diện, cả kinh tế và chính trị" bằng cách nào ? Ai, lực lượng nào có thể làm được việc đó ?
Tôi có thể cảm nhận được sự giằng xé và mâu thuẫn trong tâm hồn ông. Là một cựu quan chức của chế độ nhưng ông không hề nhắc đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam hay chính quyền Việt Nam một câu nào trong suốt bài viết và kết luận của mình. Có lẽ ông cũng hiểu được rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không thể nào thay đổi để (có thể) tìm kiếm bất cứ một giải pháp cho đất nước. Tôi đồng ý với ông điểm này. Nếu thay đổi được thì họ (Đảng Cộng sản Việt Nam) đã thay đổi. Họ đã cầm quyền 72 năm nay chứ không phải mới đây. Tôi nghĩ là họ cũng muốn thay đổi nhưng không thể được vì cơ chế độc tài toàn trị không cho phép họ làm việc đó. Bất cứ một ý kiến hay quan điểm khác biệt đều bị bộ máy đảng đào thải ngay tức khắc. Từ cựu ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến Trần Xuân Bách đều chung một số phận.
Ngay cả "nỗ lực phi thường" của ông Nguyễn Phú Trọng khi gác sang một bên mớ lý luận giáo điều và lỗi thời để xích lại gần Mỹ qua cuộc thăm viếng hồi tháng 7 năm 2015 cũng đã không dẫn đến đâu. Các thế lực bảo thủ trong đảng sẽ phá hoại mọi nỗ lực thay đổi và cải cách dù là nhỏ nhất. Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, ông Hà Đăng, cựu Trưởng ban Tư tưởng và Văn hóa Trung ương (Ban Tuyên giáo) đã viết trên tờ Quân Đội Nhân Dân rằng "Việt Nam sẽ giữ vững định hướng Xã hội chủ nghĩa, đổi mới nhưng không đổi màu…". Quyền lợi của đảng luôn được đặt lên trên quyền lợi của đất nước. Việt Nam "chơi" với Mỹ chỉ để câu giờ chứ không thật lòng (1).
Dù biết thế nhưng ông Nguyễn Quang Dy vẫn tự mâu thuẫn khi viết " "Báo cáo Việt Nam 2035" chính là đề cương đổi mới, làm cơ sở xây dựng chính sách đối ngoại thời kỳ mới. Muốn thay đổi, phải gắn kết được trên với dưới, trong với ngoài, để huy động tối đa nguồn lực của dân tộc, nhằm kiến tạo một quốc gia giàu mạnh và văn minh. Đến lúc người Việt phải chứng minh Việt Nam không phải là một quốc gia hèn kém và lệ thuộc, quen dựa vào viện trợ nước ngoài, rằng người Việt Nam có thể hòa giải dân tộc, đứng dậy từ đổ nát và li tán, để tái tạo một quốc gia độc lập và dân chủ. Chỉ có độc lập và dân chủ mới thu phục được nhân tâm để kiến tạo một quốc gia giàu mạnh và văn minh".
Tôi tìm hiểu và được biết nội dung của "Báo cáo Việt Nam 2035" là : "Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện (công bố ngày 23/02/2016). Báo cáo gồm 7 chương, nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, phác thảo các chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhằm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao hoặc cận trên của thu nhập trung bình cao đến năm 2035. Ba trụ cột chính của Báo cáo gồm : Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường ; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội ; Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Bản báo cáo này cũng như bao "báo cáo" và đề nghị khác, đều chủ quan và không thể thực hiện được trong một thể chế độc tài toàn trị. Tác giả nghiên cứu và viết nhiều về Trung Quốc nên cũng rõ, ngay cả mô hình của Trung Quốc cũng đang gặp vấn đề lớn huống gì Việt Nam, một bản sao nhỏ và mờ nhạt của Trung Quốc ?
Điều mỉa mai và bi hài nhất trong bản báo cáo 2035 là mục tiêu chính : "Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường" đã bị phá sản ngay lập tức. Tháng 2/2016 bản báo cáo ra đời thì 2 tháng sau (4/2016) xảy ra thảm họa Formosa. Chính quyền Việt Nam không những không giải quyết được thảm họa này mà còn cấp phép cho một dự án "Formosa 2" khác là dự án Thép Cà Ná-Ninh Thuận…
Tôi cho rằng mỗi người mỗi quan điểm và suy nghĩ nhưng theo quan điểm chúng tôi thì giải pháp cho Việt Nam chỉ có thể đến từ bên ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam. Tức là từ một liên minh chính trị dân chủ không cộng sản. Có thể tác giả và nhiều người sẽ hỏi : Ai, Đâu ? Tổ chức nào có thể làm giải pháp thay thế cho "giải pháp cộng sản" ? Nếu trí thức Việt Nam còn hỏi câu đó thì chứng tỏ rằng trí thức Việt Nam vẫn chưa vượt qua được cái di sản nặng nề của văn hóa Khổng giáo. Chính tầng lớp trí thức Việt Nam phải đứng dậy và nhận lãnh trách nhiệm tham gia, xây dựng một tổ chức chính trị dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc để làm giải pháp cho đất nước. Nếu trí thức Việt Nam không làm thì ai sẽ làm việc đó ?
Những "trí thức cộng sản" trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam cần nhìn rõ thời cuộc để lấy quyết định thoát khỏi con tàu sắp đắm. Nhanh chóng rời bỏ đảng để thành lập một lực lượng chính trị mới sau đó liên minh với các tổ chức dân chủ đối lập để cùng nhau kiến tạo lại đất nước, cùng nhau mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.
Việt Hoàng (11/02/2017)