Trump và "cắt cổ rồng" (FB Mạnh Kim)

Ngay khi vào Nhà trắng, một trong những việc Trump làm là xóa sổ TPP (Trans-Pacific Partnership). “Việc thông qua TPP quan trọng với tôi như có thêm một hàng không mẫu hạm vậy” – (cựu) Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter từng nói. TPP là bản thiết kế mà báo chí Trung Quốc từng chỉ trích quyết liệt. Khi bỏ TPP, Trump đã có sẵn một kịch bản đối phó thay thế, hay Trump chỉ đơn giản muốn xóa dấu vết di sản Obama?

 
Không dập máy cắt ngang như cuộc gọi với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ngày 28-1-2017, Trump đã có cuộc điện đàm dài với Tập Cận Bình vào đêm thứ năm 9-2-2017 (giờ Washington); và Trump, như yêu cầu Tập, đã bày tỏ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh – theo thông cáo báo chí Nhà trắng. Trước đó một ngày, Trump gửi thư chúc tết đến Tập, trong đó nêu rằng Mỹ và Trung Quốc tiếp tục quan hệ trên tinh thần xây dựng. Trước đó nữa, 2-2-2017, Ivanka Trump post đoạn video quay cảnh con gái cô, Arabella 5 tuổi, hát chúc mừng năm mới bằng tiếng Hoa…

Không như việc “giữ lời hứa” thắt chặt chính sách nhập cư, Trump đã xì hơi quả bóng “chống Tàu” mà ông liên tục thổi căng nhiều lần. Việc James Mattis chọn Nhật và Hàn Quốc làm nơi đầu tiên công du (đầu tháng 2), với tư cách tân bộ trưởng quốc phòng, khiến người ta tin rằng Trump muốn thể hiện rõ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Trong thực tế, chuyến đi James Mattis đã không được chú ý, phần vì sự kiện hỗn loạn tại Mỹ bởi lệnh cấm nhập cư, nhưng phần lớn hơn là vì chuyến công du là một sự kiện nhạt nhẽo.

Tại Seoul, Mattis nhắc lại cam kết Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh Hàn Quốc, với ngôn ngữ gần tương tự những gì các viên chức thời Obama tuyên bố: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Mỹ hoặc đồng minh của chúng ta cũng sẽ bị đánh bại; bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ đối mặt phản hồi hiệu quả và áp đảo”. Mattis tái khẳng định cam kết (từng được đồng quyết bởi Obama và Park Geun-hye) về việc triển khai hệ thống tên lửa THAAD ở bán đảo Triều Tiên. Tại Tokyo, Mattis cũng lặp lại cam kết bảo vệ Nhật trước mối đe dọa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Nói cách khác, những gì Mattis nói tại Nhật và Hàn Quốc đều không có gì thật sự đặc biệt.

“Tôi đã đọc hàng trăm quyển sách về Trung Quốc trong nhiều thập niên” – Trump viết trong quyển The Art of the Deal (1987) – “Tôi biết rõ người Trung Quốc. Tôi kiếm bộn tiền khi làm ăn với người Trung Quốc. Tôi hiểu tâm lý người Trung Quốc”. Năm 2013, trong một tweet (ngày 12-6), Trump viết: “Tôi đã cảnh báo về Trung Quốc từ đầu thập niên 1980. Chẳng ai thèm nghe. Bây giờ thì đất nước chúng ta đang gặp rắc rối to”. Trong suốt chiến dịch tranh cử và thậm chí sau khi đắc cử, Trump cũng nhắc đi nhắc lại ông sẽ cho Trung Quốc nếm đòn.

Ngay khi vào Nhà trắng, một trong những việc Trump làm là xóa sổ TPP (Trans-Pacific Partnership). “Việc thông qua TPP quan trọng với tôi như có thêm một hàng không mẫu hạm vậy” – (cựu) Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter từng nói. TPP là bản thiết kế mà báo chí Trung Quốc từng chỉ trích quyết liệt. Khi bỏ TPP, Trump đã có sẵn một kịch bản đối phó thay thế, hay Trump chỉ đơn giản muốn xóa dấu vết di sản Obama? Nhiều người ủng hộ tin rằng Trump có cách “cắt cổ rồng” mà không cần con dao TPP. Bất luận thế nào, Trump đã khiến nhiều đồng minh châu Á hụt hẫng (dù điều này không hoàn toàn bất ngờ).

Một số nước trong thực tế đã lường trước và chọn con đường nhích gần với Trung Quốc hơn là đặt “niềm tin” vào sự bất định của một người bất định. Vài nước bắt đầu cân nhắc tham gia RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) mà Bắc Kinh đang hối hả xây dựng. RCEP là mô hình 10 nước ASEAN cộng thêm 6 nước khác trong đó có Úc, New Zealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và tất nhiên Trung Quốc. Joshua Kurlantzick, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Hội đồng đối ngoại Hoa Kỳ, từng viết: “RCEP, vốn nhắm đến việc loại trừ Mỹ, sẽ giúp Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn để thiết dựng các luật chơi lẫn quy tắc thương mại” (Nikkei Asian Review 10-2-2017).

Trong bản ghi nhớ trước khi rời vị trí Đại diện thương mại của Nội các Obama, Michael Froman cảnh báo: việc vứt bỏ TPP “sẽ là mất mát của chúng ta và là ưu thế giành được của Trung Quốc”, vì RCEP “sẽ không bảo vệ lao động lẫn môi trường; sẽ không đảm bảo tự do internet; sẽ không bảo vệ bản quyền khỏi các vụ làm giả, đánh cắp, vi phạm; và sẽ không áp đặt được kỷ luật nhằm kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước” (obamawhitehouse.archives.gov; 5-1-2017). Sự hình thành RCEP dường như rõ dần. Ngày 24-1-2017, Thủ tướng Malaysia giục các bên đàm phán nhanh chóng thỏa thuận thành lập RCEP (Newsweek 31-1-2017). Đây có thể xem là động thái phản ứng của Malaysia đối với chính phủ Mỹ mới.

Vấn đề không chỉ là TPP. Từng cáo buộc gay gắt chính sách đối ngoại mềm yếu của Obama khiến niềm tin đồng minh dành cho Mỹ bị xói lở nhưng Trump đang tạo ra một cuộc khủng hoảng niềm tin thật sự. Kể từ sau thời Chiến tranh lạnh, chưa bao giờ phản ứng thế giới đối với Washington gay gắt như lần này, thậm chí nghiêm trọng hơn nhiều lần so với thời George W. Bush. Chỉ sau hai tuần Trump gây bão táp với sắc luật nhập cư, Quốc hội Anh đã đề nghị cấm nguyên thủ Mỹ đến phát biểu trước Hạ viện. Một triệu người Anh cũng ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Trump “biến đi” (sod off), trước lời mời Trump kinh lý Anh của Thủ tướng Theresa May.

“Chúng tôi luôn nói rằng Mỹ là người bạn tốt nhất” – Jeroen Dijsselbloem, chủ tịch Eurogroup trả lời phỏng vấn New York Times (số 30-1-2017) – “Nếu điều này không còn đúng nữa, nếu điều này là những gì chúng tôi cần hiểu từ Donald Trump, thì dĩ nhiên châu Âu sẽ tìm bạn mới. Trung Quốc là một ứng cử viên rất mạnh cho điều đó… Nếu đẩy bạn bè ra xa, bạn đừng ngạc nhiên nếu bằng hữu đi tìm bạn mới” (New York Magazine 6-2-2017).

Trở lại vấn đề Trung Quốc. Trump có một dàn cố vấn sừng sỏ chuyên về Trung Quốc (điều này đã được nhắc đến trước khi Trump vào Nhà trắng). Đọc những quyển sách họ viết không thể không khâm phục sự uyên bác kiến thức lẫn hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc của họ. Đọc họ cũng thấy rằng quan hệ Trung Quốc và Mỹ phức tạp hơn nhiều lần so với những võ đoán vô căn cứ dựa vào vài phát biểu giật gân. Như được kể trong “The Hundred-Year Marathon: China’s Secret Strategy to Replace America as the Global Superpower” (Michael Pillsbury), Trung Quốc cũng có những ban bệ chuyên nghiên cứu Mỹ. Trung Quốc hiểu Mỹ cũng ngang bằng Mỹ hiểu Trung Quốc. Nếu chỉ đánh họ bằng “võ mồm”, Trung Quốc – chuyên gia “chơi chữ bẩn” – có thể “đánh” giỏi hơn gấp nhiều lần.

James McGregor (nhà báo Mỹ từng sống ở Trung Quốc hơn 25 năm) viết trên Foreign Policy (3-2-2017): “Như Trump, họ (Trung Quốc) cũng tạo ra và lặp đi lặp lại những “dữ kiện có thể thay đổi” cho đến khi chúng được xem là sự thật. Như Trump, họ không chấp nhận sự thóa mạ hoặc khinh bỉ mà không trả đòn lại. Dù vậy, không như Trump, sự trả đũa của Trung Quốc không phải là một tin tweet hằn học lúc 6g sáng mà là một phản hồi được nghiên cứu kỹ, có chọn lựa mục tiêu cẩn thận, để tung ra cú trừng phạt cao nhất”.

Trong “The Hundred-Year Marathon”, tác giả Michael Pillsbury gần như dành cả quyển sách để phân tích về chữ “thời” (“shi”) trong lịch sử chính trị Trung Quốc lẫn mối tương quan đối ngoại thời hiện đại. “Thời”, với ý nghĩa bao quát về thời gian, thời cơ, cơ hội…, là một từ mà Trung Quốc là bậc thầy sử dụng. Để đánh Trung Quốc, phải biết họ xài chữ “thời” nào ở giai đoạn nào. Và để “cắt cổ rồng”, chữ “thời” còn phải được hiểu là nắm bắt “thời cơ” xây dựng đồng minh; và đặc biệt, không bao giờ tự mình tạo ra “thời” cho đối phương. Thật “không may” là “sự kiện nhập cư” đã khiến Mỹ bị đẩy vào một sự hỗn loạn nội bộ cực độ. Chữ “thời” của Mỹ mất, trong khi Trung Quốc tự khắc có được một chữ “thời”, như thể được “thiên sứ” bất định nào đó trao cho một cách bất ngờ. Bao lâu mà Washington còn lao vào cuộc chiến pháp lý của mình thì Trung Quốc càng có nhiều “biên độ” thời gian để củng cố tham vọng “100 năm” của họ.

“Make China great again” – David Leonhardt viết trên New York Times (31-1-2017). Hàng tít tương tự xuất hiện trên The Guardian (3-2-2017), trên The Straits Times (26-1-2017), trên Bloomberg (25-1-2017), trên South China Morning Post (14-12-2016)… Có thể những bài báo này viết hơi quá. Vì Trump, như được miêu tả, có một ban cố vấn tài giỏi chuyên về Trung Quốc. Với kiến thức và bề dày kinh nghiệm, họ có thể giúp xây dựng nên những kịch bản kiềm hãm Trung Quốc. Vấn đề là: Trump có nghe họ không, hay Trump có sẵn “kế hoạch” riêng để tự mình “giao dịch”?