Tại sao "giàu thì nó ghét"? (FB Mạc Văn Trang)

 Tại sao ngày nay ở ta “giàu thì bị ghét”? Chắc ai cũng biết, lý do là người ta giàu bất chính, không phải bằng lao động lương thiện, tử tế, nên mới bị ghét. Ai cũng biết đặt câu hỏi: xuất phát điểm, chẳng có gì đáng kể, anh ta/chị ta đã làm gì, làm thế nào để trong khoảng thời gian ngắn, có khối tài sản lớn đến vậy? Vì sao kê khai tài sản phải gian dối, không dám công khai? Vì sao Việt Nam vẫn không dám công khai xếp hạng những người giàu?


Xã hội thường hay nêu gương những người “đói sạch, rách thơm”, những học sinh nghèo vượt khó thành đạt… Đúng rồi! Nhưng những người “giàu mà tốt” càng cần nêu gương chứ! Những tỉ phú như Bill Gates, tỉ phú Zucker Max (Mark Zuckerberg)… là những nhân cách lớn, những mẫu người đáng ngưỡng mộ, noi gương. Có lẽ chỉ ở Việt Nam thời nay mới có câu: “Giàu thì nó ghét, Nghèo thì nó khinh, Thông minh thì nó diệt, Hào kiệt nó bỏ tù, tham Ngu thì lãnh đạo”!

Ở Việt Nam, những người giàu trước 1954 tại miền Bắc và trước 1975 tại miền Nam hẳn trong đó có nhiều người được ngợi ca mến mộ, chứ đâu phải cứ giàu là ghét! Những người giàu chân chính là những người tài giỏi, làm rạng danh quê hương, đất nước; họ lại trải đời, họ hiểu phải giáo dục, rèn luyện con cái ra sao để trở nên người tử tế, nối nghiệp vững bền…

Tại sao ngày nay ở ta “giàu thì bị ghét”? Chắc ai cũng biết, lý do là người ta giàu bất chính, không phải bằng lao động lương thiện, tử tế, nên mới bị ghét. Ai cũng biết đặt câu hỏi: xuất phát điểm, chẳng có gì đáng kể, anh ta/chị ta đã làm gì, làm thế nào để trong khoảng thời gian ngắn, có khối tài sản lớn đến vậy? Vì sao kê khai tài sản phải gian dối, không dám công khai? Vì sao Việt Nam vẫn không dám công khai xếp hạng những người giàu?

Và một khi đã làm giàu bằng những thủ đoạn gian manh, chiếm đoạt được của cải dễ dàng, không phải do lao động chân chính làm ra thì những người giàu ấy làm sao tử tế được? Khi trong tay có thừa mứa của cải không phải do “mồ hôi, nước mắt” làm ra thì họ sẵn sàng tiêu xài hoang phí, dùng tiền của làm những trò lố bịch, nhân cách của họ càng tha hóa và con cái họ cũng dễ sa vào ăn chơi, đua đòi, nghiện ngập, hư hỏng về đạo đức, lối sống… Chính vì vậy những trẻ em, thanh thiếu niên lớn lên trong những gia đình giàu có bất lương, vượt qua được những cám dỗ của đời sống xa hoa để học hành, lao động lương thiện thành người tử tế không hề dễ dàng. Cho nên có câu “Vượt giàu càng khó”!

Thực ra, gia đình càng giàu càng có nhiều điều kiện cho con phát triển tốt. Vấn đề là tiền của và người khác bên ngoài không làm nên sự phát triển của trẻ được; phải tự bản thân đứa trẻ tự học hành nghiêm túc, làm những việc tốt, sống lành mạnh, tiến bộ và giao tiếp ứng xử tử tế thì nó mới trở nên tử tế được.

Đến bao giờ thì những người giàu nước mình không “đáng ghét” mà là những tấm gương đáng ngưỡng mộ? Lúc ấy hẳn hào kiệt lên lãnh đạo, thông minh được trọng dụng, xã hội công bằng và trung thực, bớt dần thói ích kỷ và gian manh…