Chính quyền mỗi tỉnh là vua một cõi (FB Trịnh Kim Tiến)
Đó là cái nạn trên bảo dưới không nghe
và mạnh ai người đó làm ở các cấp chính quyền hiện nay. Nội bộ đấu đá từ
trung ương đến địa phương. Khi địa phương không thuận thì trung ương
cũng đành im lặng để xây dựng lực lượng giành giật quyền lực trong bộ
máy. Chính sách chung, Hiến pháp, luật pháp bị coi nhẹ và biến tấu tuỳ
vào các quan viên địa phương. Tham nhũng, lũng đoạn, lạm quyền là điều
tất yếu khi đất nước phân quyền theo kiểu phong kiến với mục tiêu chung
của chế độ là độc tài cai trị.
Loạn 12 sứ quân kéo dài trong hơn 20 năm
là một trong những thời kỳ đen tối của lịch sử Việt, xã hội phân hoá,
lòng dân chia rẽ. Các hào trưởng mỗi người chiếm cứ một phương gây bao
đau khổ và tổn thất cho dân lành, cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho
hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc.
Hơn ngàn năm sau, không có binh biến,
không gươm đao nổi dậy nhưng lịch sử dường như đang bị tái diễn. Có
người nhận định rằng loạn của hôm nay là loạn của 63 tỉnh thành. Chính
quyền mỗi tỉnh là mỗi thủ lãnh cai trị tỉnh thành đó.
Nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra
trong xã hội hiện tại thì có vẻ như cách nghĩ loạn 63 tỉnh thành vẫn
chưa hẳn chính xác. Bởi trong mỗi tỉnh thành, người dân còn phải chịu sự
quản lý của mỗi quận huyện mà họ sinh sống. Cuộc sống của họ tốt hơn
hay xấu đi không phụ thuộc vào một chính sách chung của Quốc gia mà phụ
thuộc vào vui buồn của các vị lãnh đạo địa phương. Loạn của hôm nay là
cái loạn mất định hướng và khó diễn tả được thành lời.
Sự việc ông phó chủ tịch quận 1, thành
phố HCM, ông Đoàn Ngọc Hải, hứng lên tuyên bố dọn sạch vỉa hè cho người
đi bộ và thực hiện trong thời gian qua khiến dư luận không thể rời mắt.
Bởi những tuyên bố hùng hồn đầy chất kích thích trí tò mò của dư luận,
ông nhanh chóng ra quân giải tỏa quận 1, nơi mà ông đang nắm quyền.
Tôi cho rằng mục tiêu mà ông Hải hướng
đến, xây dựng quận 1 thành một Singapore thu nhỏ đáng được ủng hộ. Sống
quen với những nếp sống cũ, sự bảo thủ và ai cũng chỉ nghĩ đến cái lợi
cho bản thân thì xã hội không thể phát triển và thay đổi tốt đẹp lên.
Việc kiên quyết dẹp bỏ những sai phạm đang diễn ra trong nơi mình quản
lý và xây dựng một nếp sống mới là điều mà không phải lãnh đạo Cộng Sản
nào cũng dám làm và làm tới.
Thế nhưng một lãnh đạo thật sự có tâm,
một thủ lĩnh thực sự có tài sẽ phải đưa ra giải pháp ổn định song song
với hành động đổi mới chứ không thể vội vã và phong kiến như ông Hải
đang làm. Ông Hải muốn giải tỏa trắng vỉa hè vậy khoảng 1m được phép để
xe của các hộ kinh doanh theo luật có bị xâm phạm? Nếu vậy giải phóng
trắng toàn bộ vỉa hè thì ông phải có phương án để xe cho các hộ kinh
doanh trước khi tiến hành dẹp bỏ. Xem một số clip, cảnh ông trực tiếp
chỉ huy giải tỏa thì dù có thiện cảm với kế hoạch của ông đến đâu cũng
không thể đồng tình và chấp nhận cách ông xử lý. Ông chỉ thị thu đồ hay
đập bỏ vi phạm khi chưa hề có công văn báo xuống để người dân có sự
chuẩn bị. Hành động thích là làm và lối chỉ đạo trịnh thượng của ông với
cấp dưới khiến người ta suy nghĩ về ông như một người đang làm lấy danh
và lạm quyền hơn là một vị lãnh đạo đang muốn thay đổi xã hội.
Tôi tin ông Hải có thể làm những điều mà
ông ta tuyên bố vì ông đang nắm thực quyền tại quận 1 chứ không được
vài ngày lại như cũ như ông Đinh La Thăng ngày mới về làm bí thư Thành
phố. Mặc dù quyền lực của ông Thăng có thể nhiều hơn và lớn mạnh hơn ông
Hải gấp nhiều lần nhưng một khi các lãnh đạo quận 1 đã quyết thì ông
Thăng cũng khó mà xen tiếng vào.
Đó là cái nạn trên bảo dưới không nghe
và mạnh ai người đó làm ở các cấp chính quyền hiện nay. Nội bộ đấu đá từ
trung ương đến địa phương. Khi địa phương không thuận thì trung ương
cũng đành im lặng để xây dựng lực lượng giành giật quyền lực trong bộ
máy. Chính sách chung, Hiến pháp, luật pháp bị coi nhẹ và biến tấu tuỳ
vào các quan viên địa phương. Tham nhũng, lũng đoạn, lạm quyền là điều
tất yếu khi đất nước phân quyền theo kiểu phong kiến với mục tiêu chung
của chế độ là độc tài cai trị.
Cuối cùng, loạn, dù ở thời kỳ nào thì nạn nhân vẫn luôn là nhân dân và đất nước.