Đổi mới 30 năm, VN thu nhập vẫn thua Kosovo (BBC)

Việt Nam có GDP 193,5 tỷ USD là con số khá lớn nhưng dân số lại đông gấp bội (91,7 triệu) nên thu nhập bình quân đầu người mới đạt 1.990 USD, chưa bằng một nửa Albania (4.280 USD năm 2015).
Quốc gia nhỏ bé chỉ có 1,8 triệu dân là Kosovo sau khi tách ra khỏi Albania vì cuộc chiến tàn khốc hiện có thu nhập bình quân đầu dân 3.970 USD.


Số liệu Ngân hàng Thế giới cho thấy các nước XHCN cũ ở Đông Âu và Cuba có thu nhập bình quân hơn Việt Nam mặc dù nước này đã thực hành công cuộc Đổi mới trên ba thập niên, từ 1986.

Sau chuyển đổi thể chế, các quốc gia Đông Âu tiếp tục có nền kinh tế tốt hơn Việt Nam, tính cả bằng tổng thu nhập quốc dân (GDP) và thu nhập bình quân đầu người (per capita), theo trang GDP Ranking của World Bank.

Không tính nước Đức gồm cả phần Đông Đức (DDR) có nền kinh tế khổng lồ (3,3 nghìn tỷ USD), ví dụ về GDP và dân số một số nước ở khu vực Đông Âu hậu cộng sản như sau:

Ba Lan: 545 tỷ USD; 38 triệu dân

Slovakia: 87,2 tỷ USD; 5,4 triệu dân

Hungary: 121 tỷ USD; 9,8 triệu dân

Cả ba nước này đều có thu nhập từ 13 nghìn đô la Mỹ mỗi đầu dân một năm trở lên.
Nhóm nước thu nhập thấp hơn:

Romania: 177 tỷ USD; 19,8 triệu dân

Bulgaria: 50 tỷ USD; 7,1 triệu dân

Nước thuộc hàng nghèo nhất châu Âu là Albania cũng có GDP 11,3 tỷ USD cho 2,8 triệu dân.

Việt Nam có GDP 193,5 tỷ USD là con số khá lớn nhưng dân số lại đông gấp bội (91,7 triệu) nên thu nhập bình quân đầu người mới đạt 1.990 USD, chưa bằng một nửa Albania (4.280 USD năm 2015).
Quốc gia nhỏ bé chỉ có 1,8 triệu dân là Kosovo sau khi tách ra khỏi Albania vì cuộc chiến tàn khốc hiện có thu nhập bình quân đầu dân 3.970 USD.

'Động đất chính trị'

Nhân kỷ niệm sự tan rã của Liên Xô (25/12/1991-2016) và quá trình giải thể chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, một số tác giả Việt Nam tiếp tục coi đây là sự kiện xấu.
Họ cũng khẳng định con đường của Việt Nam những thập niên qua là đúng đắn hơn.

Nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hà Đăng, viết hôm 16/01/2017 rằng khối Đông Âu tan rã đầu thập niên 1990 như 'cơn động đất chính trị' của thế kỷ 20.

Trước đó, TS Hà Ngọc Tấn viết trên Quân đội Nhân dân rằng sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa là "bài học đau đớn không chỉ cho những người cộng sản, mà còn cho nhân loại tiến bộ".

Nhưng có vẻ như ý thức hệ cộng sản không phải là lý do chính khiến Việt Nam còn có thu nhập thấp.
Tại Tây Bán Cầu, nước cộng sản Cuba dù bị cấm vận vẫn có thu nhập bình quân 5.880 USD đầu người một năm.

Còn tại châu Á, thu nhập bình quân đầu dân của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc do đảng cộng sản lãnh đạo (7.930 USD).

Việt Nam hiện có nền kinh tế năng động và nhiều tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á.

Ralph Jennings gần đây có bài trên trang Forbes (05/01) nêu ra nhiều lý do khiến kinh tế Việt Nam tiếp tục có đà phát triển tích cực trong năm 2017.

Nhưng có vẻ như dân số đông khiến thu nhập bình quân của nước này bị kéo thấp hẳn xuống so với các nước nghèo nhất trong khối Đông Âu cũ.

Thị trường lao động thiếu việc làm tạo hiện tượng không ít người Việt Nam vẫn tiếp tục tìm đường sang vùng thuộc Liên Xô cũ, Đông Âu và cả Tây Âu để kiếm sống.