Mỹ - Trung sẽ đối đầu vì chủ nghĩa dân tộc? (BBC)
"Khả
năng xung khắc giữa chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ và Trung Hoa tại vùng
Thái Bình Dương có vẻ tăng lên kể từ khi ông Trump thắng cử."
Những lời nhạo báng Tổng thống tân
cử Donald Trump nhắm vào Trung Quốc - mới nhất là đoạn Tweet phê Trung
Quốc không giúp kiềm chế Bắc Hàn dù kiếm nhiều tiền từ Mỹ - không còn là
'sự vụng về ngoại giao' của nhà tỷ phú chưa từng cầm quyền.
Năm
2017 ngày càng có khả năng trở thành thời điểm Hoa Kỳ ra chính sách mới
đối với Trung Quốc và đằng sau học thuyết Trump là sự trỗi dậy của một
xu hướng: chủ nghĩa dân tộc Mỹ.
Nhà phân tích Gideon Rachman vừa viết ngày đầu năm 2017 trên trang Financial Times ở Anh:
"Khả
năng xung khắc giữa chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ và Trung Hoa tại vùng
Thái Bình Dương có vẻ tăng lên kể từ khi ông Trump thắng cử."
Nhưng theo ông Rachman, Trump chỉ là người đi sau trong trào lưu này.
Trước khi Donald Trump tung ra khẩu hiệu 'Làm nước Mỹ
vĩ đại lần nữa' (Make America Great Again) Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
đã tạo ra mốt về 'chủ nghĩa dân tộc hoài niệm' (nostalgic
nationalism).
Ông Tập Cận Bình nêu mục tiêu "Phục hưng dân tộc
Trung Hoa", còn ông Vladimir Putin muốn Nga phục hồi vị thế đại cường
như thời Liên Xô.
Hiện
tượng "ôm ấp hoài niệm về chủ nghĩa dân tộc" đang xảy ra cả ở Nga,
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, nhà bình luận của
Financial Times viết.
Tuy thế, ông Rachman cũng cảnh báo việc đề cao 'hào quang quá khứ':
"Trong
thập niên 1930, nước Ý của Mussolini đã nhắc lại quá khứ La Mã huy
hoàng, còn Đức Quốc xã thì coi họ là người kế thừa của các hiệp sỹ
Teutonic thời Trung Cổ châu Âu."
Nhìn chung, hoài niệm dân tộc đang trở lại sau một giai đoạn nhấn mạnh hiện đại hóa, 'bắc cầu vào tương lai'.
Trước đây, Gideon Rachman viết, ở Hoa Kỳ "Bill Clinton từng muốn 'xây
cầu vào Thế kỷ 21', và Barack Obama vận động tranh cử bằng khẩu hiệu
'Hy vọng và Thay đổi'.
Tại Anh, Tony Blair từng nêu ra một 'Nước
Anh có phong cách' (Cool Britannia), sau đó David Cameron nhận vai trò
là người hiện đại hóa Đảng Bảo thủ.
Nhưng sự dịch chuyển cán
cân chính trị và kinh tế về châu Á mang tính toàn cầu đã khiến các nước
như Ấn Độ và Trung Hoa, các cường quốc đang trỗi dậy ở châu Á, "làm
sống lại tham vọng phục hồi sự vĩ đại dân tộc và văn hóa của họ vốn
từng làm lu mờ chủ nghĩa đế quốc Phương Tây".
Phản ứng trước toàn
cầu hóa cũng khiến chủ nghĩa dân tộc lên cao tại châu Âu và Bắc Mỹ tuy
ông Rachman cho rằng Canada dưới quyền Thủ tướng Justin Trudeau không
rơi vào xu hướng này.
Hết thời 'đối sách ngoại giao'?
Bên
cạnh khả năng căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng
năm 2017, một số giới tại Hoa Kỳ và Úc đang vận động để chính quyền
Donald Trump ra tay ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo ABC của Úc (17/12/2016), ông Ross Babbage, tác giả một phúc
trình Mỹ - Úc có tựa đề "Chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc
tại Biển Nam Trung Hoa" vừa cáo buộc Bắc Kinh "lợi dụng thái độ cẩn
trọng của Obama" để giành quyền kiểm soát hiệu quả (effective control)
tại vùng biển này.
Giáo sư Babbage, người Úc, còn cáo buộc Trung
Quốc dùng 'chiến tranh tâm lý' để làm mềm đi ý chí của Hoa Kỳ và các
đồng minh, nhất là giới cầm quyền ở các nước đó.
"Họ dùng các
chiến dịch thông tin, loan tải tin sai, họ xây đắp các nhóm thân Bắc
Kinh ở những nước đồng minh của Hoa Kỳ, họ trả tiền cho truyền thông in
phụ trương của Nhân dân Nhật báo," Giáo sư Babbage được ABC News trích
lời cho hay.
Ngay tại Úc, ông nêu ra chuyện "Viện Khổng tử do
Trung Quốc chi ngân sách xuất hiện tại 10 đại học của Úc, và ngoài ra
các hoạt động tình báo của Trung Quốc rất năng động ở các nước thân
Mỹ, gồm cả Úc."
Kết luận rằng đối sách ngoại giao hiện nay đã thất bại, tác giả phúc trình này đặt câu hỏi cho chính quyền mới ở Mỹ:
"Câu
hỏi quan trọng cho chính quyền Trump là Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực
- nhất là Nhật Bản và Úc - có thể làm gì để bóp nghẹt chủ nghĩa bành
trướng Bắc Kinh."