Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại mới (Tổ Quốc) (TQ 240)

"...Trung Quốc sẽ thua cuộc chiến tranh thương mại này. Một lý do là trong một cuộc chiến tranh thương mại, kẻ ở thế yếu là kẻ bán nhiều hơn mua, như Trung Quốc. Một lý do khác là tương quan lực quá chênh lệch. Trung Quốc cần thế giới chứ thế giới không cần Trung Quốc..."





 Ngày 11 tháng 12-2016 vừa qua là đúng 15 năm từ ngày Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) với một qui chế tạm thời được gọi là "một nền kinh tế phi thương mại".  Đó cũng là thời hạn để các nước thành viên WTO đánh giá kinh tế Trung Quốc có phải là một nền kinh tế thị trường không. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu vừa trả lời là không và Bắc Kinh đã kiện lên WTO. Một cuộc chiến thương mại âm ỉ từ vài năm qua đã chính thức bắt đầu. 

Trong 15 năm qua nhờ tư cách thành viên WTO hàng hóa Trung Quốc đã tràn ngập thị trường Mỹ và Châu Âu, nhất là hàng may mặc, giày dép và vật dụng thông thường. Ưu thế này đã giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Tình hình trong những ngày sắp tới sẽ khó khăn hơn nhiều. 

Lý do khiến Hoa Kỳ và Châu Âu không nhìn nhận tư cách kinh tế thị trường của Trung Quốc đã rõ ràng: kinh tế Trung Quốc lấy quốc doanh làm chủ đạo, không có hiệp thương giữa công nhân và chủ nhân, không có công đoàn độc lập, phân biệt đối xử giữa quốc doanh và tư doanh, giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư nhà nước v.v. Ngoài ra còn một lý do khác, quan trọng hơn, là Trung Quốc bị cáo buộc đã phá giá để xuất khẩu với giá thực rẻ và cạnh tranh bất chính. Mặt hàng bị tố giác mạnh nhất là thép. Chính sách phá giá này bao gồm lương công nhân quá rẻ, thiếu an sinh xã hội, thiếu chuẩn mực bảo vệ môi trường và hối xuất thấp một cách giả tạo của đồng Nhân Dân Tệ. Theo ước tính của các chuyên gia lương thực sự của công nhân Trung Quốc chỉ bằng 1/30 lương công nhân tại các nước phát triển và 1/5 so với một số nước đang phát triển khác. Hối xuất của đồng Nhân Nhân Tệ được ước lượng là thấp hơn 40% so với hối xuất thực. Hoa Kỳ và Châu Âu đang dự trù một khoản phạt đối hàng bị coi là phá giá. Thuế phạt này có thể lên đến 139% tại Mỹ và 235% tại Canada đối với một số sản phẩm, đặc biệt là thép. Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump còn tuyên bố sẽ đánh thuế 45% trên tất cả mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Những biện pháp này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khốn đốn bởi vì nền kinh tế của Trung Quốc chủ yếu dựa trên xuất khẩu. Càng khốn đốn hơn vì kinh tế Trung Quốc thực ra đã bắt đầu suy thoái rồi.

Để phản công Trung Quốc sẽ có những vũ khí nào? Trước hết không nên nghĩ đến số công trái mà Trung Quốc mua của Mỹ (gần 2000 tỷ USD), và của Châu Âu (hơn 1.000 tỷ USD). Trung Quốc không thể bán ào ạt những công trái này, Trung Quốc cần mua những công trái này để giữ hối xuất đồng Nhân Dân Tệ ở mức thấp. Vả lại sẽ có những quỹ đầu tư sẵn sàng mua lại ngay, Trung Quốc sẽ không gây được khó khăn cho Mỹ và Châu Âu mà chỉ làm lên giá đồng Nhân Dân Tệ, điều mà Bắc Kinh hoàn toàn không muốn.

Áp lực duy nhất mà Trung Quốc có thể có là đối với một số nước có công ty sản xuất và bán hàng ngay tại Trung Quốc. Áp lực này có thực nhưng không quyết định vì từ ba năm nay, sức tiêu thụ của người Trung Quốc đã giảm hẳn sau khi Bắc Kinh chặn đứng việc tăng lương công nhân để phát triển sức tiêu thụ nội địa. Hoa Kỳ và Châu Âu không còn sợ mất một thị trường lớn nữa.

Tóm lại Trung Quốc sẽ thua cuộc chiến tranh thương mại này. Một lý do là trong một cuộc chiến tranh thương mại, kẻ ở thế yếu là kẻ bán nhiều hơn mua, như Trung Quốc. Một lý do khác là tương quan lực quá chênh lệch. Trung Quốc cần thế giới chứ thế giới không cần Trung Quốc.

Ban biên tập Tổ Quốc