Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang ‘hướng Trung’? (Blog VOA - Lê Anh Hùng)
Với tư cách người đứng đầu bộ máy hành
pháp, nắm thực quyền lớn nhất trong hệ thống chính trị, Thủ tướng Chính
phủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định,
trong việc đưa Việt Nam thoát khỏi gọng kìm kinh tế của Bắc Kinh. Vì
vậy, sau tất cả những gì đã xảy ra, công chúng Việt Nam có đầy đủ lý do
để lo ngại khi không khỏi phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đang “hướng Trung”?
Trong số “tứ trụ triều đình” xuất hiện
sau Đại hội XII Đảng CSVN, ngoài TBT Nguyễn Phú Trọng là người gần như
công khai bày tỏ thái độ thần phục Trung Quốc từ lâu, ba nhân vật còn
lại – Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – xem ra vẫn chưa thể hiện rõ lập
trường chính trị của mình trong mối quan hệ đầy tế nhị và nhạy cảm với
Bắc Kinh.
Vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc bấy giờ là đối tượng đả kích số 1 của blog Chân Dung Quyền Lực,
một blog mà người ta không khó giải mã là được lập ra để ca tụng Nguyễn
Tấn Dũng và tấn công các đối thủ của ông ta. Chính vì thế, để xét đoán
lập trường chính trị của tân thủ tướng, người ta có một cơ sở rất đáng
tin cậy – đó chính là lập trường chính trị của cựu thủ tướng.
Suốt một thời gian dài, cho đến trước
Đại hội XII, ông Nguyễn Tấn Dũng được coi là nhân vật quyền lực nhất
Việt Nam. Và thông qua những phát ngôn “lên án” Trung Quốc của ông ta
cùng những lời lẽ đáp trả của Bắc Kinh, xem ra phần lớn công chúng đều
có cảm tưởng ông ta là nhân vật “thân Mỹ, chống Tàu” số 1 trong ban lãnh
đạo Việt Nam. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhiều lần chỉ ra,[i]
ông Nguyễn Tấn Dũng chính là người Việt Nam lập được nhiều công trạng
nhất với Trung Quốc kể từ năm 1945 đến nay, và màn “ăn miếng trả miếng”
sinh động giữa đôi bên chỉ là trò bịp bợm theo đúng bản chất “thâm như
Tàu” của các ông chủ Trung Nam Hải.
Vì vậy, việc Chân Dung Quyền Lực
đả phá kịch liệt ông Nguyễn Xuân Phúc là một bằng chứng cho thấy ông
chưa bị Bắc Kinh khống chế và thao túng như người tiền nhiệm Nguyễn Tấn
Dũng.
Tuy nhiên, sau màn chào mừng hy hữu và
đặc biệt long trọng với 19 phát đại bác mà Bắc Kinh dành cho nhân vật
đứng thứ 3 trong ban lãnh đạo CSVN trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu
tiên trên cương vị thủ tướng từ ngày 10-15/9/2016, đồng thời cũng là
chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một thành viên trong “tứ trụ triều
đình” hậu Đại hội XII, mọi chuyện dường như đã thay đổi.
Chỉ vài ngày sau cuộc đón tiếp long trọng đó, bản Thông cáo chung
Trung – Việt ra đời với những nội dung mà bất kỳ người Việt Nam nào vẫn
dõi theo tình hình đất nước nói chung và mối quan hệ Việt – Trung nói
riêng cũng phải đón nhận với tâm trạng đầy lo ngại. Xin dẫn ra đây một
vài nội dung nhạy cảm:
(i) Thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng (2016 – 2020)
[mục 4]. Việc hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng thực chất chỉ là
việc Việt Nam cử cán bộ sang Trung Quốc để “học tập”, “nghiên cứu”, khi
Việt Nam không thể “đào tạo” cán bộ cho Trung Quốc. Và điều đó chẳng
khác gì “giao trứng cho ác”, bởi Bắc Kinh sẽ giở đủ mọi chiêu trò để mua
chuộc, gài bẫy, đe doạ… hòng tiến tới khống chế và thao túng số cán bộ
này, biến họ thành những tên tay sai đắc lực trong tương lai.
(ii) Thúc đẩy hợp tác đầu tư và kết
nối chiến lược phát triển giữa hai nước. Phát huy vai trò Nhóm công tác
hợp tác về cơ sở hạ tầng, tích cực nghiên cứu và thúc đẩy các dự án hợp
tác kết nối trong khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai” và “một vành
đai, một con đường”; khẩn trương lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu
chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; ủng hộ doanh nghiệp hai bên đẩy
nhanh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong các dự án hợp tác liên
quan giữa hai bên; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, khuyến
khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các dự án phù hợp với nhu
cầu và chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam [khoản iii mục
4]. Đây chính là cái bẫy đưa Việt Nam ngày càng lệ thuộc nặng nề về kinh
tế vào Trung Quốc, tiếp tục cuộc xâm lăng kinh tế mà họ đã thực hiện
rất thành công dưới “triều đại” Nguyễn Tấn Dũng.
(iii) Tăng cường hợp tác tài chính
và tiền tệ. Thực hiện tốt các công việc tiếp theo sau Phiên họp lần thứ 2
Nhóm công tác hợp tác về tài chính – tiền tệ [khoản iv mục 4]. Đây cũng là một phần quan trọng trong âm mưu “Hán hoá” nền kinh tế Việt Nam của Bắc Kinh.
(iv) Tích cực nghiên cứu và bàn bạc ký kết Hiệp định vận tải đường sắt biên giới mới [mục 7]. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hàng hoá “made in China” tràn vào Việt Nam, bóp chết nền sản xuất trong nước.
(v) […] hai bên đã ký kết… “Bản ghi
nhớ về Danh mục các dự án hợp tác năng lực sản xuất giữa Bộ Công Thương
nước CHCNXH Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách nước CHND Trung
Hoa”; “Bản ghi nhớ về cùng xây dựng Kế hoạch hợp tác cơ sở hạ tầng trên
bộ giai đoạn 2016 – 2020 giữa Bộ KH&ĐT nước CHXHCN Việt Nam và Ủy
ban Phát triển và Cải cách nước CHND Trung Hoa”; “Thỏa thuận hợp tác về
giáo dục giai đoạn 2016 – 2020 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước CHXHCN
Việt Nam và Bộ Giáo dục nước CHND Trung Hoa”… [mục 14]. Bất kỳ ai hiểu được tâm địa của Trung Quốc cũng đều không khỏi giật mình trước những nội dung “hợp tác” này.
Trong thời gian ở Trung Quốc, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc còn tham dự Diễn đàn Kinh doanh và Đầu tư Hồng Kông –
Việt Nam, chứng kiến lễ ký 10 thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 10 tỷ
USD giữa các doanh nghiệp, tiếp đón lãnh đạo hai tập đoàn gián điệp chuyên cung cấp hạ tầng mạng và thiết bị điện tử viễn thông cho Việt Nam là Huawei và ZTE.
Chưa hết, ngày 5/12 vừa qua, truyền
thông nhà nước đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều
quan chức Chính phủ lại tiếp đón
lãnh đạo hai doanh nghiệp Trung Quốc là Công ty TNHH Cổ phần Khoa học
Kỹ thuật Môi trường Sinh thái Kaidi và Công ty TNHH Cổ phần Đầu tư Dân
Sinh. Và cuộc gặp này diễn ra chỉ 3 tháng sau cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa
họ với Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc kể trên.
Những năm gần đây, thực trạng nền kinh
tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc đã lên đến mức báo động, dư luận
liên tục lên tiếng cảnh báo, trong khi bất kỳ một người Việt Nam tỉnh
táo nào cũng đều hiểu rằng Trung Quốc không những không bao giờ muốn
Việt Nam phát triển mà còn luôn nuôi dã tâm thôn tính dải đất hình chữ S
này.
Với tư cách người đứng đầu bộ máy hành
pháp, nắm thực quyền lớn nhất trong hệ thống chính trị, Thủ tướng Chính
phủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định,
trong việc đưa Việt Nam thoát khỏi gọng kìm kinh tế của Bắc Kinh. Vì
vậy, sau tất cả những gì đã xảy ra, công chúng Việt Nam có đầy đủ lý do
để lo ngại khi không khỏi phải đặt ra câu hỏi: Phải chăng Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đang “hướng Trung”?