Giới thiệu Dự Án Chính Trị-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Chương 2)-Việt Hoàng
“…Sau
70 năm cầm quyền cho đến tận bây giờ thì trước mặt chế độ độc tài vẫn
không có một đối thủ nào đáng kể vì thế chính quyền rất tự tin và sẵn
sàng dùng vũ lực đàn áp các tiếng nói bất đồng, ngay cả trong nội bộ.
Chính quyền không hề thay đổi cách hành xử và tư duy…”
Giới thiệu Dự Án Chính Trị-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Chương 2)-Việt Hoàng
Như
chúng tôi đã thông báo, Dự Án Chính Trị 2015 (DACT 2015) của Tập Hợp
Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) đã được cập nhật và tu chính xong, hiện tại
tài liệu này đang được tiếp tục thảo luận trong nội bộ THDCĐN. Để rộng
đường dư luận và để phiên bản sau cùng được hoàn thiện, Ban Truyền Thông
THDCĐN sẽ công bố dần dần DACT 2015 trên trang nhà Thông Luận để mọi
người dân Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước cùng tham gia góp ý và
bổ xung cho dự án chính trị này.
Chúng
tôi cho rằng chỉ khi nào đa số người dân Việt Nam và đặc biệt là tầng
lớp trí thức tinh hoa Việt Nam tạo được một sự đồng thuận chung trên các
vấn đề quan trọng của đất nước thì khi đó chúng ta mới có thể bắt đầu
tạo ra được sự thay đổi. Theo chúng tôi thì trí tuệ, suy nghĩ và sự
chuẩn bị phải đi trước và dẫn đường cho mọi hành động. Không có sự đồng
thuận thì sẽ không có đoàn kết và tất nhiên là cuộc tranh đấu cho dân
chủ sẽ bị manh mún, phân tán dẫn đến không có hiệu quả dù “chế độ độc tài đã rã rượi, cạn kiệt về cả uy tín, trí tuệ, lòng tin và ý chí”.
Mọi van xin, năn nỉ hay kêu gọi lòng tốt và sự hồi tâm của chế độ độc
tài đều vô ích và không bao giờ có kết quả. Nếu không có phương pháp đấu
tranh đúng đắn bằng cách tập hợp lại với nhau thành một phong trào dân
chủ rộng lớn và đồng thuận với nhau về những mục tiêu chung thì chế độ
độc tài vẫn sẽ còn đó.
Câu
hỏi chất vấn lương tri trí thức Việt Nam và những người yêu nước là tại
sao sau chừng ấy sai lầm và thất bại mà chế độ độc tài vẫn còn ngồi
nguyên đó? Câu trả lời tưởng chừng đã quá dễ để nhận biết: Vì trước mặt
nó không hề có một đối thủ nào! Tất cả mọi sự chống đối hay phản kháng
từ trước đến nay tại Việt Nam đều xuất phát từ các cá nhân. Đây là một
sự phản kháng trong tuyệt vọng. Chính quyền dễ dàng bẻ gãy những chiếc
đũa này. Điển hình là trường hợp nhà văn Nguyễn Quang Lập hay anh Ba Sàm
Nguyễn Hữu Vinh, cả hai đều là những người ôn hòa và xuất thân từ trong
lòng chế độ, thậm chí đã có những đóng góp nhất định cho chế độ, nhưng
rồi họ vẫn bị trừng phạt và chúng ta đều bất lực.
Sau
70 năm cầm quyền cho đến tận bây giờ thì trước mặt chế độ độc tài vẫn
không có một đối thủ nào đáng kể vì thế chính quyền rất tự tin và sẵn
sàng dùng vũ lực đàn áp các tiếng nói bất đồng, ngay cả trong nội bộ.
Chính quyền không hề thay đổi cách hành xử và tư duy vì không bị sức ép
cạnh tranh của các tổ chức chính trị đối lập. Chính quyền xấu thế, ác
thế chứ xấu nữa hay ác nữa thì họ vẫn thế. Họ tin là không có ai làm gì
được họ và sự thật là như vậy.
Câu
hỏi đang rất cần có câu trả lời là tại sao cho đến giờ, người Việt nói
chung và tầng lớp trí thức nói riêng vẫn chưa xây dựng được cho mình một
tổ chức dân chủ đối lập để làm đối trọng với đảng cộng sản? Có nhiều
cách trả lời nhưng câu trả lời chung nhất, bao quát nhất đó là do “trí
thức Việt Nam thiếu hiểu biết”.
Chính
vì thiếu hiểu biết nên họ cho rằng không cần phải xây dựng một tổ chức
chính trị, họ chọn cách đấu tranh cá nhân, có người thì cho rằng nên hợp
tác với chế độ rồi tìm cách thay đổi từ bên trong, người thì cho rằng
chế độ thối nát thì trước sau gì cũng tự sụp đổ…Thiếu hiểu biết nên trí
thức Việt Nam không tin rằng tương lai của chúng ta là dân chủ, họ không
biết là “Lịch sử loài người có thể được nhìn nhận như là cuộc hành
trình của con người về tự do, để tự giải phóng khỏi sự ngu dốt, bệnh
tật, đói khổ, nhọc nhằn, và nhất là khỏi ách thống trị của các bạo
quyền; và vì dân chủ đã chứng tỏ là phương thức tổ chức xã hội hợp lý
nhất để thực hiện tự do nên lịch sử thế giới cũng là cuộc hành trình của
các dân tộc về dân chủ”. Thiếu hiểu biết nên trí thức Việt Nam
không hiểu rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức
chính trị với nhau chứ không phải đấu tranh giữa các cá nhân. Cũng chính
vì thiếu hiểu biết nên họ không hiểu “sức mạnh của tổ chức”.
Tổ
chức làm cho mỗi người trở nên mạnh mẽ và dũng cảm. Một cá nhân thì chỉ
có thể là hèn hoặc là liều lĩnh, không thể khác được. Đặc điểm nữa của
việc thiếu tổ chức là khiến chúng ta trở nên tự ti, cô đơn và không dám
lấy những quyết định quan trọng cho cuộc đời mình. Chúng ta ngồi đợi
thay vì chủ động dấn thân.
Không
ít trí thức Việt Nam ngụy biện và tự mê hoặc bản thân mình rằng dân trí
Việt Nam còn thấp, vì thế họ vẫn chấp nhận chế độ này và không thấy họ
ủng hộ cho phong trào dân chủ nên phải chờ đợi cho đến khi người dân
thức tỉnh. Trí thức Việt Nam không hiểu rằng người dân không thể nào bày
tỏ chính kiến của họ hay ra mặt ủng hộ một tổ chức chính trị khi chính
bản thân giới trí thức không tin vào nhau, không đứng chung lại với
nhau, không có sự đồng thuận và đoàn kết với nhau... Không thể trách
người dân mà chỉ nên trách những người tự xem mình là trí thức, có hiểu
biết, có quan tâm đến xã hội và mọi người xung quanh. Nhiệm vụ của giới
trí thức luôn là dẫn dắt và lãnh đạo quần chúng chứ không phải chạy
theo quần chúng.
Đã
đến lúc trí thức Việt Nam cần thay đổi tư duy và cách hành động của
chính mình. Đầu tư và học hỏi một cách nghiêm túc về kiến thức của khoa
học chính trị là việc cần làm ngay đối với giới trí thức tinh hoa Việt
Nam. Chúng ta cần biết rõ về bối cảnh thế giới, về những bước thăng trầm
của lịch sử và phong trào dân chủ để từ đó xác định được phương hướng
phát triển của nhân loại để áp dụng vào thực tế của Việt Nam.
Tranh
cãi về đường lối, thể chế chính trị sẽ còn kéo dài và người dân có thể
sai lầm trong nhận thức chính trị nhưng giới trí thức tinh hoa Việt Nam
thì không được phép. Nếu tầng lớp trí thức không hiểu rõ về thế giới và
sai lầm trong sự lựa chọn về đường lối chính trị thì cả dân tộc phải trả
giá đắt. Bài học về sự “thiếu hiểu biết” của đảng cộng sản Việt Nam khi
chọn chủ nghĩa Mác-Lênin khiến cả dân tộc trả giá như thế nào thì ai
cũng đã rõ và cần lấy đó làm bài học cho hiện tại lẫn tương lai.
DACT
2015 có tham vọng là khai phá về lý luận và tư duy cho mọi người Việt
Nam. Dự án này được viết ra và đúc kết bởi tấm lòng và trí tuệ của một
người Việt Nam uyên bác và xuất chúng. Cùng với ông là cả một tổ chức
chính trị dân chủ đối lập lương thiện và yêu nước. Những người Việt Nam
quan tâm đến tương lai đất nước không nên bỏ qua tác phẩm chính trị
tuyệt vời này. Dự án sẽ giúp mỗi người hiểu rõ và có một cái nhìn toàn
diện về thế giới chúng ta đang sống và nó sẽ giúp mỗi người có được định
hướng đúng đắn, trước là cho bản thân và sau là cho cả dân tộc.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tiếp Chương hai của Dự Án Chính Trị 2015: Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới.
Việt Hoàng,
Ban Truyền Thông THDCĐN (29/12/2014)
Ban Truyền Thông THDCĐN (29/12/2014)