Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Chương 3)-Việt Hoàng
“…Họ
dám làm, quyết làm và biết làm và đang khám phá ra rằng phải kết hợp
với nhau trong một đội ngũ để làm; họ đã hiểu rằng đấu tranh chính trị
không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu tranh có
tổ chức…”
Giới thiệu Dự Án Chính Trị 2015-Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Chương 3)-Việt Hoàng
Người xưa có câu “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, trong Chương 2 của Dự Án Chính Trị 2015 (DACT 2015): “Làn sóng dân chủ thứ tư và một trật tự thế giới mới”
chúng tôi đã trình bày bối cảnh của thế giới hiện nay và những dự đoán
cho tương lai để mọi người dân Việt Nam có thể “biết người”. Hôm nay
chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến độc giả Chương 3 của DACT 2015: “Việt
Nam trước một khúc quanh lịch sử trọng đại” để độc giả “biết mình”.
Không riêng gì một đất nước, một dân tộc mà ngay cả mỗi người trong
chúng ta cũng cần đặt cho mình những câu hỏi “Ta là ai? Ta đang ở đâu?
Ta đang và sẽ phải làm gì? Tương lai ta sẽ đi về đâu?... ”. Muốn hay
không thì người dân Việt Nam, nhất là trí thức Việt Nam cần phải trao
đổi và đồng thuận với nhau về một lộ trình đi tới tương lai cho cả dân
tộc. Nếu không biết và không hình dung ra được con đường đi cho chính
mình thì trước sau gì Việt Nam cũng lại tiếp tục lạc đường và gặp nạn.
Dự Án Chính Trị cũng như tấm bản đồ để một dân tộc không bị chệch hướng.
DACT 2015 càng được người dân chia sẻ và đồng tình cao chừng nào thì
công cuộc dân chủ hóa đất nước sẽ dễ dàng đi chừng ấy. Chúng tôi rất
mong mọi người tiếp tay phổ biến rộng rãi DACT 2015 đến với mọi người
Việt Nam. Chúng tôi hoan nghênh mọi trao đổi, góp ý và xây dựng của tất
cả mọi người.
Người
Việt chúng ta bị tuyên truyền một chiều rằng ở đất nước ta mọi chuyện
đều tốt đẹp và ổn định, người dân cứ yên tâm, mọi chuyện đã có đảng lo,
khó khăn rồi sẽ qua đi, … Cũng có những người tin như vậy. Tuy nhiên
chúng ta “Phải nhìn thẳng vào sự thực và nhìn nhận một hiện trạng đau
lòng: chúng ta là một nước lụn bại và bế tắc. Tuy là nước đông dân thứ
13 trên thế giới nhưng chúng ta không có được một thành tựu khoa học kỹ
thuật nào, không một phát minh, không một công ty tầm vóc quốc tế, không
một tác phẩm văn học nghệ thuật hay ngay cả một thành tích thể thao nào
được thế giới biết đến. Chúng ta hiện là một nước không đáng kể. Người
Việt Nam không chỉ nghèo khổ mà còn không có lý do nào để tự hào. Và
chúng ta cũng là một trong những dân tộc cuối cùng trên thế giới vẫn còn
phải chịu đựng ách độc tài toàn trị và bị từ chối những quyền con người
cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, tự do kết hợp, tự do bầu cử và ứng
cử, kể cả quyền sở hữu đất. Hàng triệu dân oan bị cướp đoạt đất sống lây
lất trong uất hận”. Một minh chứng phản bác cho cái gọi là “ổn định”
tại Việt Nam đó là đã có hơn 800 người chết vì đánh nhau và vì tai nạn
giao thông trong tuần lễ nghỉ Tết Ất Mùi vừa qua. Con số người chết này
thật khủng khiếp và số nạn nhân của nó vượt qua mọi cuộc chiến tranh hay
bất cứ một điểm nóng nào trên thế giới. Càng kinh khủng hơn khi không
một ai phải chịu trách nhiệm về sự mất mát này, kể cả chính quyền.
Việt
Nam đang đối diện với rất nhiều thử thách, trong đó có ba hiểm họa rất
nghiêm trọng và nếu không sửa chữa được thì chúng ta sẽ không có tương
lai, đó là “nạn tham nhũng, nạn phá hủy môi trường và sự phụ thuộc ngày
càng lớn vào Trung Quốc”.
Nạn tham nhũng làm hư hỏng tất cả. “Nó
đưa những người bất xứng vào những chức vụ quan trọng, trao những dự án
lớn cho những nhóm lợi ích gian trá. Nó làm hỏng qui luật thị trường,
lưu manh hóa con người và biến liên hệ xã hội thành một trò thi đua bịp
bợm. Nó loại bỏ kiến thức, nghiên cứu và sáng tạo. Nó khiến mọi dự án và
kế hoạch công cũng như tư trở thành vô nghĩa và vô dụng. Nó tàn hại cả
môi trường và cơ sở hạ tầng vì bao che những ô nhiễm và cho phép những
thi công xây dựng và bảo trì gian trá”.
Nạn phá hủy môi trường “đó
là sự hủy hoại nhanh chóng ngay chính nền tảng của đất nước. Cây rừng
bị chặt phá, bờ biển, sông ngòi và các mạch nước bị ô nhiễm nặng, đất
nước trở thành cằn cỗi, hạn hán tiếp theo lũ lụt. Nước không còn uống
được, không khí không còn thở được. Chưa kể rác rưởi hôi thối chồng
chất, cống rãnh ứ đọng. Người thành phố ra đường phải đeo khẩu trang bịt
mặt và trở thành xa lạ với nhau. Ô nhiễm đã đạt tới mức độ tàn phá sức
khỏe gây thảm kịch cho mọi người nhất là người nghèo, nghĩa là đa số
nhân dân. Nó cũng gây tốn kém lớn về y tế, làm giảm năng suất lao động
và có khả năng khiến du khách xa lánh nước ta, thế giới tẩy chay thực
phẩm của ta”.
Sự lệ thuộc Trung Quốc “không
chỉ hổ nhục mà còn nguy hiểm. Người Trung Quốc từ ngàn xưa luôn luôn
nhìn các dân tộc láng giềng, kể cả Việt Nam, với con mắt kẻ cả, họ coi
Việt Nam như một thuộc quốc. Với văn hóa nông dân thèm đất chính sách
truyền thống của họ đối với các nước lân cận là chính sách sáp nhập,
bằng bạo lực hoặc bằng di dân. Chấp nhận lệ thuộc Trung Quốc vì vậy cũng
là chấp nhận bị sáp nhập, điều mà trong hàng nghìn năm tổ tiên ta đã đổ
biết bao xương máu chống lại để giữ nước”.
Chúng
ta đang muốn hội nhập với thế giới nhưng chúng ta lại không có một tầng
lớp doanh nhân đúng nghĩa, lương thiện, có kiến thức và bản lĩnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nhân Việt Nam không thể làm ăn
đứng đắn và lương thiện cũng vì chế độ độc tài không cho phép và tạo
điều kiện cho họ làm việc như vậy. “Sự thực không thể chối cãi là
chính sách gọi là "đổi mới", mở cửa về kinh tế nhưng vẫn khép chặt về
chính trị, đã chỉ tạo ra, trong tuyệt đại đa số, những doanh nhân giả,
làm giầu nhờ hối mại quyền thế và kinh doanh bất chính”. Cũng chính
vì thể chế chính trị Việt Nam là độc tài nên Việt Nam ngày càng tự cô
lập mình. Đất nước ta không có một chút uy tín nào trên thế giới lại
thường xuyên bị lên án vì các vụ vi phạm nhân quyền trắng trợn. Các chỉ
số xếp hạng về phát triển Việt Nam luôn đội sổ. “Chúng ta đang đi dần
vào thế cô lập. Mặc dầu trên nguyên tắc nước ta đã có quan hệ bình
thường với mọi quốc gia và đã là thành viên của ASEAN và nhiều kết hợp
khu vực, nhưng sự duy trì ngoan cố chế độ độc tài toàn trị nhân danh một
chủ nghĩa đã bị lên án như một tội ác, những vi phạm trắng trợn về nhân
quyền và dân quyền, tệ quan liêu và tham nhũng, sự từ chối những cải tổ
cần thiết, cách cư xử thô vụng trong những giao thiệp quốc tế, sự lệ
thuộc ngày càng lộ liệu và quá đáng vào Trung Quốc đang có nguy cơ khiến
Việt Nam lâm vào một thế cô lập lớn nếu không chuyển hướng kịp thời.
Việt Nam vắng mặt trong hầu hết mọi chương trình hợp tác lớn và chỉ hiện
diện một cách không đáng kể trong những thị trường quốc tế quan trọng”.
Tuy còn nhiều thử thách nhưng chúng ta vẫn có những triển vọng. “Nếu
tìm ra được cách tổ chức xã hội hợp lý con người Việt Nam có thể phục
hồi được. Và một khi con người Việt Nam đã được phục hồi chúng ta sẽ có
một tài nguyên nhân lực rất hùng hậu. Trong cố gắng vươn lên, khi đất
nước đã có dân chủ để được tổ chức một cách hợp lý, chúng ta cũng có thể
khai thác tiềm năng to lớn của khối hàng triệu thanh niên tốt nghiệp
đại học và cao đẳng nhưng chưa được có cơ hội để đóng góp. Tuổi trẻ tuy
không còn là một ưu thế của Việt Nam nhưng nguồn nhân lực trẻ và có đào
tạo vẫn còn rất dồi dào”.
“Lý
do quan trọng nhất để chúng ta vững lòng tin là hầu như tất cả mọi vấn
đề, kể cả những vấn đề nghiêm trọng nhất, đều là những vấn đề đáng lẽ
không có. Chúng đều do chế độ cộng sản mà có và vì thế cũng sẽ có giải
pháp nhanh chóng một khi chế độ cộng sản đã chấm dứt.
Như vậy vấn đề cốt lõi của của chúng ta là kết thúc chế độ này. Nhưng
ngay cả bài toán gai góc này cũng đã thay đổi thông số.
Đảng
Cộng Sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các
đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét
và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ
chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp
hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền
tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng Cộng Sản
chỉ còn là một hư cấu. Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và
đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Sự chuyển hóa
này diễn ra trong những điều kiện rất bất lợi: đảng phân hóa cùng cực,
nhân dân thù ghét trong khi không có một nhân vật nào có uy tín. Tình
trạng chỉ có thể dẫn tới sự sụp đổ”.
Câu hỏi chất vấn lương tri mọi người Việt Nam yêu nước là tại sao chế độ này vẫn còn tồn tại được đến bây giờ? Có hai lý do:
“Lý
do thứ nhất là chủ nghĩa thực tiễn mà các cường quốc, đặc biệt là Hoa
Kỳ, theo đuổi trong gần hai mươi năm từ giữa thập niên 1990 đã dung
dưỡng các chế độ độc tài còn lại, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam.
Nhưng chủ nghĩa thực tiễn đã phá sản và bị gạt bỏ, các giá trị dân chủ
và nhân quyền đã dành được chỗ đứng ưu tiên phải có.
Lý
do thứ hai, cũng là lý do chính, là vì trí thức Việt Nam đã không đảm
nhiệm chức năng và trách nhiệm của mình là hướng dẫn quần chúng. Do di
sản văn hóa và lịch sử họ đã thiếu trái tim để đau, thiếu trí tuệ để
biết, và thiếu sự dũng cảm để dám tranh đấu, hoặc đã coi quá trọng những
địa vị và quyền lợi được ban phát. Nhưng lớp trí thức cũ đã qua đi và
một lớp trí thức mới đã nhập cuộc, trong đó có một thành phần trí thức
mà trong suốt dòng lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có: những trí thức
chính trị. Những người trẻ này hiểu biết hơn hẳn các thế hệ đàn anh và
không còn một ảo tưởng nào về chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Họ không còn
loay hoay tìm cách cải tiến chế độ mà đã hiểu dứt khoát là phải chấm
dứt nó. Họ dám làm, quyết làm và biết làm và đang khám phá ra rằng phải
kết hợp với nhau trong một đội ngũ để làm; họ đã hiểu rằng đấu tranh
chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà luôn luôn phải là đấu
tranh có tổ chức. Đất nước sắp thay đổi vì đã thay da đổi thịt”.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả Chương 3 DACT 2015: Việt Nam trước một khúc quanh lịch sử trọng đại.
Việt Hoàng
27/2/2015
27/2/2015