Chuyên gia nói gì về tin đồn Việt Nam đổi tiền? (BBC)
"Có thể nó xuất phát từ việc ngân sách dự trữ ngoại hối của Việt Nam không đủ khả năng để hỗ trợ tỷ giá cho VND."
Chuyên gia nói gì về tin đồn Việt Nam đổi tiền? (BBC)
Các chuyên gia tài chính trao đổi với BBC về tin đồn Việt Nam sắp đổi tiền trong bối cảnh tỷ giá USD và giá vàng tăng mạnh.
Truyền
thông Việt Nam tường thuật tỷ giá đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại
và thị trường tự do "đồng loạt tăng mạnh trong hôm 6/12".
Giá USD trên thị trường tự do được ghi nhận "ở mức 23.217 đồng/USD, tăng 170 đồng".
Hôm
6/12, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng
Nguyễn Trí Hiếu nói: "Tôi cho rằng mọi người nên bình tĩnh trước tin đồn
vì hiện tại tôi không thấy có căn cứ hoặc dấu hiệu nào khiến chính phủ
Việt Nam phải tính đến cách này."
Tuy vậy, tiến sĩ cũng nói thêm: "Việt Nam đang chịu áp lực từ bên ngoài và bên trong về tỷ giá."
"Trong những tháng cuối năm, cả doanh nghiệp và chính phủ đều cần ngoại tệ để trả nợ."
"Dù thế, tôi vẫn tin là Ngân hàng Nhà nước đang có trong tay công cụ hữu hiệu để kiểm soát tỷ giá."
Ông Hiếu cũng cho hay "không thấy mối tương quan giữa nợ công đang gia tăng và tin đồn đổi tiền".
Theo
ông, để giảm thiểu những tin đồn liên quan đến chính sách tiền tệ, Ngân
hàng Nhà nước "cần cung cấp thông tin chính thức về vốn tự có của những
ngân hàng bị mua với giá 0 đồng, cũng như tìm cách giải quyết dứt điểm
vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, đầu tư chéo của các ngân hàng".
Đổi tiền 'khó xảy ra'
Cùng
ngày, từ Đại học Strasbourg, Pháp, chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Phú
nói với BBC: "Tin đồn đổi tiền sẽ có tác động tiêu cực lên kinh tế Việt
Nam, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn nhà nước."
"Trước mắt là sẽ gây khó khăn cho việc điều tiết chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam."
Tiến
sĩ nói thêm: "Việc đổi tiền có thể là không có thật. Tuy nhiên việc để
biến động tỷ giá giữa VND và USD như hiện nay cho thấy khả năng ứng phó
của Ngân hàng Nhà nước có vấn đề."
"Có thể nó xuất phát từ việc ngân sách dự trữ ngoại hối của Việt Nam không đủ khả năng để hỗ trợ tỷ giá cho VND."
"Nếu dự trữ ngoại hối dồi dào thì sẽ không có việc biến động tỷ giá quá lớn như vậy trong các ngày qua."
"Việt Nam thông báo có dự trữ ngoại hối trên 40 tỷ USD, nhưng đây là những con số không minh bạch, khó kiểm chứng."
"Tuy
nhiên, theo tôi, việc đổi tiền có thể khó xảy ra vì chuyện này sẽ gây
nhiều hậu quả khó đoán trước như lạm phát, tiền VND tiếp tục mất giá
nặng hơn, khủng hoảng kinh tế."
Ông Phú cho rằng việc bác tin đồn
gặp nhiều khó khăn do "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không có sự độc lập,
dù chỉ có tính tương đối, trong việc điều hành chính sách tiền tệ".
"Khi việc điều hành chính sách không minh bạch, thì đây là đất sống của các tin đồn."
"Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải có sự độc lập nhằm tăng sự minh bạch."
"Các
nhà đầu tư trên thị trường ngoại tệ hoạt động theo dự đoán về các thông
tin chính sách, tỷ giá. Nếu dự đoán sai thì hậu quả vô cùng lớn, do đó
khi Ngân hàng Nhà nước minh bạch thông tin, thì sẽ giúp các nhà đầu tư
dự đoán tốt hơn, không phải đối phó các tin đồn thất thiệt," ông Phú nói
với BBC hôm 6/12.
Lần đổi tiền gần nhất của Việt Nam diễn ra hồi
tháng 9/1985 nhằm "phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương", theo tỷ lệ
10 đồng tiền cũ ăn 1 đồng tiền mới.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Đào Minh Tú được báo Thanh Niên hôm 5/12 dẫn lời: "Trong điều kiện
kinh tế xã hội đang ổn định, không có lý do gì lại phải đổi tiền, kể cả
thay đổi cơ cấu mệnh giá."
"Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn toàn
không có động tác hay hoạt động nào liên quan đến đổi tiền. Bởi giá
trị, cơ cấu, mệnh giá VND là hoàn toàn phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong
hoạt động thanh toán của nền kinh tế."