Một giai đoạn chuyển tiếp đầy biến động khi mô thức Hoa Kỳ và trật tự toàn cầu hóa cáo chung (Chu Tuấn Anh)

 

Ngày hôm nay, Việt Nam không có lý do gì để tiếp tục duy trì một mô hình chính trị độc đoán và tập quyền đã bị đào thải, nhằm đi đến một tương lai không thuộc về chúng ta, hoặc chấp nhận nguy cơ hỗn loạn và vong quốc trực tiếp ngay trong thời điểm hiện tại. Những người lãnh đạo và tập thể chế độ cộng sản không nên tiếp tục thủ cựu hoặc tìm kiếm một con đường chuyển hóa thiếu lương thiện, trong khi chúng ta đang có một con đường và một lộ trình dân chủ hóa đã rõ ràng hơn bao giờ hết.

Chu Tuấn Anh

1. Thế giới trong một giai đoạn chuyển tiếp hỗn loạn

Mô thức Hoa Kỳ đã sụp đổ một cách chóng vánh vào năm 2025, khi những căn bệnh đã tồn tại trong nền dân chủ quá lâu và không được cứu chữa: mô hình tổng thống chế và một cuộc khủng hoảng Hiến định và thể chế vốn có quá nhiều khuyết điểm; chủ nghĩa phóng khoáng buông thả mọi kiểm soát cần thiết về kinh tế – tài chính và bỏ mặc nhu cầu liên đới xã hội; cùng sự lũng đoạn của giới tài phiệt lên sinh hoạt chính trị. Để rồi mô thức Hoa Kỳ không thể đứng vững trước một cơn cảm mạo mang tên chủ nghĩa dân túy với hai nhiệm kỳ của Donald Trump, một tình trạng chia rẽ sâu sắc khiến mọi cuộc thảo luận quốc gia và giải pháp chung đều trở nên khó khăn, và một bài toán phải giải ráp vai trò lãnh đạo thế giới, yêu cầu một cuộc xét lại toàn diện về tâm lý xã hội, quan hệ quốc tế bao gồm các liên minh chính trị – quân sự, và ngay cả những gì đã làm lên một nền kinh tế phồn thịnh của Hoa Kỳ (Đô La – đồng tiền dự trữ của thế giới, Hoa Kỳ như một trung tâm kinh tế – tài chính, hạt nhân của phong trào toàn cầu hóa, vấn đề độc quyền về đổi mới – sáng tạo, v.v.). Khi mô thức Hoa Kỳ sụp đổ và Hoa Kỳ giải nhiệm vai trò lãnh đạo của mình cũng là thời điểm một Trật tự thế giới cũ chấm dứt để mở cửa cho một giai đoạn mới của thế giới.

Nhưng giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế giới cũng đầy bất ổn. Như tôi đã từng trình bày, sự giải nhiệm của Hoa Kỳ trước hết là trong vai trò người đảm bảo an ninh thế giới – chúng ta đã thấy sự suy giảm trong mọi hình thức hợp tác an ninh toàn cầu (đã được trình bày ở mục 3: Một cố gắng khôi phục hợp tác an ninh toàn cầu, trong bài viết Mong người Cộng sản hãy đập bỏ bức tường giữa chúng ta) – khiến thế giới rơi vào tình trạng bất ổn trực tiếp, mà điển hình là cuộc xâm lược vũ trang của Nga đối với Ukraine, cùng vô vàn những xung đột lãnh thổ – sắc tộc giữa các quốc gia láng giềng như Azerbaijan và Armenia, Israel và Palestine, hay gần đây nhất là Ấn Độ và Pakistan (hai nước tưởng chừng sẽ đủ lý trí để tự kiềm chế lẫn nhau). Chúng ta cũng thấy rằng cuộc thương chiến do Donald Trump khơi mào sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế trực tiếp mà, theo WTO, trong kịch bản xấu nhất, kinh tế thế giới có thể bị mất đến 7% trong nhiều năm (Dự báo kinh tế 2025 của WTO).

Tuy nhiên, nếu thương chiến chỉ là một xu hướng ngắn hạn, tự thân quá trình giải nhiệm của Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo thế giới đã là một hiểm họa với triển vọng kinh tế thế giới. Chúng ta cũng có thể sẽ phải đón chờ một cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính xấu nhất sẽ xảy ra vì trong một giai đoạn chuyển tiếp, mọi mối quan hệ quốc tế đều bị đứt gẫy và chịu sự xét lại. Nhà sử học kinh tế Hoa Kỳ Charles P. Kindleberger có viết một cuộc sách có tựa đề Thế giới trong Đại khủng hoảng 1929-1939 đề cập đến sự giải nhiệm của Anh Quốc trong vai trò lãnh đạo thế giới với mô hình thương mại tự do, hệ thống cai trị thực dân với thuộc địa, và là đế quốc đứng đầu trong vai trò tài chính – vay nợ của thế giới. Nhưng khi Anh Quốc buộc phải giải nhiệm bắt đầu từ trước thế chiến thứ I, sự vắng mặt của một vai trò lãnh đạo thế giới đã khiến cho cả thế giới bước vào một cuộc đại khủng hoảng kéo dài một thập kỷ (1929-1939), khiến cho thất nghiệp ở châu Âu luôn ở mức 30-40%, và mọi hoạt động kinh tế – thương mại đều suy sụp. Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra trong một sự bất mãn đỉnh điểm của Đức khi phải bồi hoàn một khoản cho tổn thất chiến tranh quá lớn, lại vừa chịu một cuộc khủng hoảng chung của thế giới phương Tây. Hitler và chủ nghĩa Facism đã thắng thế nhờ khoảng 1/3 quần chúng ủng hộ mình cuồng nhiệt và gây chiến với thế giới. Như vậy, nếu nhìn lại những gì đang xảy ra, chúng ta phải hiểu cơn điên hiện tại của thế giới đến từ một giai đoạn chuyển tiếp bắt buộc phải đi qua giữa hai trật tự thế giới.

2. Trật tự toàn cầu hóa – thương mại tự do mà chúng ta biết đến đã chấm dứt

Một nội hàm chủ đạo và quan trọng nhất của giai đoạn hỗn tạp hiện tại là sự chấm dứt của phong trào toàn cầu hóa xô bồ, hay cụ thể hơn là mô hình đang duy trì tự do thương mại của thế giới hiện tại. Chúng ta sẽ phải tách bạch giữa tự do thương mạimột phong trào đã dẫn đến sự giàu có và phồn thịnh chung của thế giới (ưu việt hơn chủ nghĩa bảo hộ và mọi hình thức “bế quan tỏa cảng”, và sẽ buộc phải tiếp tục nhanh nhất có thể dù không có sự cởi mở của Hoa Kỳ), và mô hình toàn cầu hóa vẫn đang dẫn dắt tự do thương mại nhưng có quá nhiều khuyết điểm và cần phải chấm dứt để nhường chỗ cho một mô hình mới.

Trump đã xấc láo khi dùng thâm thủng mậu dịch thương mại để nói rằng thế giới đã “lợi dụng” Hoa Kỳ”. Kinh tế gia và cố vấn cho chính quyền Trump Stephen Miran cũng là một kẻ diều hâu cuồng tín khi diễn đạt ý nghĩ thô thiển của Trump bằng những mỹ từ cao cấp hơn của kinh tế học khi nói “Mỹ thâm thủng tài khoản thặng dư với phần lớn thế giới”, hay “đồng tiền đô la quá mạnh cho hàng hóa Mỹ”, và còn viết lên Thỏa thuận Mar-a-Lago với mục đích làm yếu đi đồng đô la. Thực tế là Hoa Kỳ là nước duy nhất có thể in tiền một mức độ quy mô như vậy (chỉ riêng năm 2020, trong thời điểm đại dịch Covid, họ in ra 3 ngàn tỷ đô) vì vai trò là đồng tiền dự trữ thế giới của đồng đô la. Và mỗi khi Hoa Kỳ gây ra lạm phát đồng đô la thì cả thế giới sẽ là nạn nhân. Như vậy nếu thỏa thuận Mar-a-Lago được thực thi, thế giới sẽ tiếp tục là nạn nhân cho cơn bão lạm phát sắp tới.

Tuy vậy, cũng không thể nói “thế giới” hoàn toàn vô tội. Những nền kinh tế mới nổi nhận ra rằng họ được lợi khi tiếp cận và bán sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ, và các ngân hàng Trung Ương trên thế giới cũng nhận ra rằng để gia tăng xuất khẩu thì họ phải tăng dự trữ đô la, trái phiếu chính phủ, thậm chí mua luôn cả nợ của Hoa Kỳ (điều mà Trung Quốc đã làm). Nhưng như vậy thì cũng đâu có khác gì so với một thứ chủ nghĩa trọng thương đã bị phê phán gay gắt của những nhà nước chuyên chế châu Âu của thế kể trước khi duy trì tích trữ tài sản ở ngân khố quốc gia thay vì quan niệm rằng tài sản quốc gia nằm ở xã hội, và nhà nước chỉ tích trữ đủ cho các chi tiêu cần thiết. Một thiểu số những kẻ quyền thế và thậm chí là quan chức hưởng lợi nhờ phong trào toàn cầu hóa khi thấy dự trữ tài sản ở đất nước mình không đảm bảo (vì suy sụp về an ninh, không có pháp trị để nhìn nhận những quyền sở hữu và đảm bảo tài sản) đã tìm đến mua “tài sản an toàn”, bao gồm bất động sản, nhà hàng, cùng các sản nghiệp cố định ở thị trường Hoa Kỳ. Chính một sự dung túng quá đang này đã dẫn đến nguồn lợi tức toàn cầu hóa được sử dụng bởi những chính quyền độc tài (như Trung Quốc, và Việt Nam) để duy trì mô hình toàn trị của mình. Cũng cần lưu ý là thương mại tự do đã không khiến quá trình dân chủ hóa tại Việt Nam diễn ra như mong đợi vì nó là một mô hình thương mại tự do bệnh hoạn, khuyến khích một thứ chủ nghĩa trọng thương (mà theo ngôn ngữ chúng ta vẫn gọi hiện nay là mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu – export-oriented model), vốn cũng được dùng bởi những nhà nước chuyên chế của châu Âu thế kỷ 17 và 18 để duy trì sự chuyên chế và quyền lợi của mình. Ở những nước đã có dân chủ thuộc khối mới nổi thì mô hình toàn cầu hóa bệnh hoạn này cũng làm cản trở quá trình dân chủ hóa vốn vẫn phải tiếp diễn để lành mạnh hóa thể chế của họ. Đó có chăng chỉ là một mô hình của tầng lớp top 10%, và làm lợi cho những kẻ độc tài – tham nhũng mà thôi.

Một điểm quan trọng cần bàn tới là vai trò của Tập đoàn đa quốc gia trong phong trào toàn cầu hóa. Những tập đoàn này đã dùng nguồn vốn FDI để bắt ép những nước thuộc khối kinh tế mới nổi làm con tin và đem đến một chế độ thuộc địa về kinh tế kiểu mới. Như tại Việt Nam, quá nửa các doanh nghiệp FDI đã không phải đóng một đồng thuế nào trong nhiều năm. Những doanh nghiệp FDI như Samsung chiếm lĩnh hoàn toàn chuỗi cung ứng với những đối tác đều là các công ty nước ngoài, và những doanh nghiệp nội địa hầu như bị loại bỏ. Như vậy, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác ở những mức độ khác nhau chỉ là một thuộc địa kiểu mới của những tập đoàn đa quốc gia nơi mà họ đến để sử dụng tài nguyên, con người, và mang phần lớn nguồn lợi nhuận ra khỏi nền kinh tế bản địa; và dù vậy chúng ta cũng vẫn phải mang ơn họ vì đã mang tới những dây chuyền sản xuất để nuôi sống hàng triệu con người lao động. Ngay cả châu Âu cũng phải quan ngại khi nói “họ càng lớn thì càng đem lại ít lợi ích với địa phương”, “top 10% doanh nghiệp lớn mang 98% lợi tức về nước”. 

Mặt khác, nó cũng gây đau đớn cho Hoa Kỳ, vì thực tế các tập đoàn đa quốc gia thông qua việc tạo ra những công ty con để di chuyển dòng vốn, sáp nhập mua bán các công ty con, hay những thủ thuật trốn thuế (tax repatriation avoidance) để khỏi phải đóng góp cho Hoa Kỳ sau khi đã rời cơ sở sản xuất của mình sang các nền kinh tế mới nổi. Ở tại chính nước Mỹ, thì những công ty mẹ cũng tìm đủ mọi phương tiện để đóng thuế doanh nghiệp một cách có trách nhiệm. Chính quyền Trump thường nhấn mạnh về thâm thủng thương mại, hay thâm thủng tài khoản vãng lai với thế giới. Nhưng thực tế họ có thể sửa chữa thâm thủng ngân sách đang trầm trọng hóa (tăng 40% trong Quý 4 năm trước) thông qua việc sửa chữa hệ thống thuế (tax regime) để buộc các doanh nghiệp đóng thuế có trách nhiệm, điều mà Biden đã không làm được và Donald Trump còn làm ngược lại khi ông ta muốn biến Hoa Kỳ trở thành một ốc đảo trốn thuế như tôi đã trình bày. Và chúng ta cũng phải kể đến vai trò cổ vũ cho việc buông lỏng các tiêu chuẩn và giám sát tài chính của giới tài phiệt ở Phố Wall, không chỉ tại Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới. Gần đây, nhóm tài phiệt công nghệ – Big Tech – cũng đang tìm cách chiếm đoạt các tài sản vô hình, nguồn tài sản thông tin, và quyền phân phối chúng, khi đặc trưng kinh tế này vừa mới được nhận diện.

Chúng ta đã chứng kiến một mô hình toàn cầu hóa bi đát và thiếu phẩm chất. Một mặt, nó duy trì mô hình thuộc địa về kinh tế, mô hình xuất khẩu và trọng thương, gây cản trở tiến trình dân chủ hóa và thậm chí củng cố cho các chế độ toàn trị. Mặt khác, nó cũng gây ra những tổn thương thực sự đối với chính trị và mô thức dân chủ của Hoa Kỳ. Những kẻ đang trục lợi chính là một hệ thống tư bản – tài phiệt, những người nắm giữ hầu hết nguồn lợi tức từ sự kết hợp của tự do thương mại – mà chúng ta tạm gọi là top 10% các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, sự chấm dứt của mô hình toàn cầu hóa hiện tại cũng là cơ hội để xây dựng lại một trật tự toàn cầu hóa mới, với một sự kết hợp tự do thương mại lành mạnh hơn.

3. Những điều gì có thể xảy đến?

Tất nhiên Charles P. Kindleberger cũng không hoàn toàn đúng khi nói chúng ta cần một đế quốc (hegemon) lãnh đạo toàn diện để đem đến một sự ổn định cho chất tự thế giới. Nếu ngay cả đó là một đế quốc hiền hòa nhất như Hoa Kỳ thì đó cũng chỉ là một sự lãnh đạo độc đoán để duy trì một trật tự đau đớn mà thôi. Chúng ta cũng không có gì phải tiếc nuối cả. Nhưng đúng là trước khi chúng ta có một trật tự đa phương, chúng ta cũng cần một số nước đảm nhiệm vai trò dẫn dắt sự chuyển tiếp, mà ở thời điểm này và với tương quan hiện tại thì vai trò đó thuộc về liên minh châu Âu và khối G7. Tuy vậy, thì Liên Minh Châu Âu cũng còn có quá nhiều vấn đề nội bộ cần được giải quyết ngay cả khi họ có một quyết tâm đủ lớn cho một vai trò chuyển tiếp. Châu Âu và nhóm G7 cố gắng giúp thế giới thoát khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và bước đầu tổ chức được lại hoạt động thương mại tự do cũng là một cố gắng lớn lắm rồi. Thế giới sẽ phải sống trong một giai đoạn đầy biến động trong một thập kỷ hoặc thậm chí là dài hơn, và chúng ta cũng không nên bất ngờ trước những đổ vỡ ngoài sức tưởng tượng khi vắng đi một sự lãnh đạo thống nhất.

Tuy vậy, chúng ta cũng không nên cho rằng có thể chờ thêm một thập kỷ nữa rồi mới lựa chọn con đường dân chủ hóa. Với Việt Nam, chúng ta không thể chấp nhận duy trì một mô hình đã sai và đang bị đào thải trong giai đoạn chuyển tiếp của thế giới, để rồi không có bất kỳ sự chuẩn bị nào khi một trật tự mới được áp đặt; hoặc sụp đổ và tiêu vong chỉ trong vài năm vì những thay đổi, biến động quá lớn của thế giới mà mô hình độc tài, toàn trị hiện tại không thể nhận diện hay giải quyết các vấn đề khẩn cấp. Hơn nữa, chúng ta cũng đang có một điều kiện thuận lợi để tiến hành dân chủ hóa, vì dù các xung đột do sự suy giảm an ninh có thể đang diễn ra trên thế giới, phần lớn khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn có được sự đảm bảo lớn về hòa bình và ổn định nhờ vào nền tự do thương mại đã vun đắp (dù là dưới một mô hình còn nhiều khiếm khuyết). Một giai đoạn chuyển tiếp càng kéo dài, với càng nhiều biến động, thì lại càng là chỉ dấu cho thấy quyết tâm dân chủ hóa đất nước là điều cấp thiết và ngày càng cao.

Trật tự thế giới mới sẽ tiếp tục duy trì tự do thương mại, trong đó giai đoạn chuyển tiếp chỉ là một cố gắng nhằm đảo ngược những hệ lụy tai hại của chính sách bảo hộ, và xa hơn nữa là phản ứng trước sự giải nhiệm vai trò dẫn dắt của Hoa Kỳ, để sớm khôi phục trật tự tự do thương mại một cách sớm nhất có thể. Nhưng đó cũng là một nỗ lực bài bản, trong đó chuỗi cung ứng sẽ được tái cấu trúc và kết hợp giữa các quốc gia có sự tương đồng về văn hóa, địa lý, và thể chế chính trị, trong cùng một tập hợp địa chính trị. Hơn nữa, rút ra bài học từ một mô hình thiên lệch do thâm hụt mậu dịch và sự xuống cấp thể chế chính trị, các quốc gia sẽ tổ chức lại trên tinh thần phải đảm bảo sự cân đối trong thương mại. Trên tinh thần đó, mô hình định hướng xuất khẩu cần được chấm dứt, để nhường chỗ cho những nỗ lực phát triển thị trường nội địa và kinh tế tư nhân, đặt trên nền tảng đổi mới và sáng tạo; đồng thời lấy dân chủ hóa, củng cố thể chế, và mở rộng các quyền con người, quyền dân sự – chính trị làm nền tảng nội tại. Có thể nhiều người gọi giai đoạn chuyển tiếp này là thời kỳ của “toàn cầu hóa phân mảng”, “toàn cầu hóa phân vùng” (fragmented globalisation, regionalized globalisation). Những đặc điểm đó có thể là cần thiết trong một giai đoạn đầy rủi ro, nhưng nhu cầu tìm đến nhau để giải quyết các vấn đề lớn của toàn cầu vẫn luôn cấp thiết – như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thuế doanh nghiệp toàn cầu, bất bình đẳng, đói nghèo, sức khỏe và y tế, đổi mới sáng tạo,… Do đó, các quốc gia vừa phải cạnh tranh, nhưng cũng phải tăng cường hợp tác với nhau.

Trở lại câu hỏi của học thuyết Kindleberger: Chúng ta có cần đến vai trò lãnh đạo thế giới của một quốc gia lớn không? Có một tín hiệu đáng mừng là, dù trải qua một giai đoạn bất ổn, nhiều nền dân chủ trên thế giới đã đạt đến một giai đoạn chín muồi về tinh thần dân chủ và sự ổn định thể chế. Chúng ta sẽ thay thế những mệnh lệnh của một quốc gia lớn bằng các quy ước hợp tác quốc tế: Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, các công ước, luật pháp quốc tế, cùng những giá trị chung được chia sẻ. Thế giới sẽ được lãnh đạo bằng những tấm gương, những ví dụ – như vai trò lãnh đạo toàn cầu trong vấn đề Biến đổi khí hậu, Hợp tác an ninh, và Cứu trợ nhân đạo – những điều đang diễn ra và sẽ trở thành tập tính của một thế giới mới. Một trật tự thế giới mới đang hình thành, mang đến một nền văn hóa dân chủ cao hơn trong từng quốc gia cũng như trong quan hệ quốc tế. Tất nhiên, trọng lượng kinh tế và quy mô vẫn là những yếu tố tạo nên ảnh hưởng trong vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhưng đó sẽ không còn là vai trò lãnh đạo độc quyền của bất kỳ quốc gia nào. Một quốc gia, dù lớn đến đâu, cũng sẽ bị lên án nếu có những hành động đi ngược lại với các giá trị chung của nhân loại.

Một cách nhanh chóng, người ta sẽ thấy màn kịch tranh hùng Mỹ – Trung theo học thuyết bẫy Thucydides không có thực chất, và người ta nhìn thấy những phong trào dân chủ hóa tiếp tục đang diễn ra ở khắp nơi từ Đông Âu và khối Liên Xô cũ (Romania, Bulgaria, Slovakia, Georgia, v.v.), hay ngay cả ở Mỹ với sự phản kháng với Trump và lực lượng tài phiệt, ở châu Mỹ Latin, và sẽ đến với Việt Nam, châu Á – Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới. Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ dâng trào. 

Ngày hôm nay, Việt Nam không có lý do gì để tiếp tục duy trì một mô hình chính trị độc đoán và tập quyền đã bị đào thải, nhằm đi đến một tương lai không thuộc về chúng ta, hoặc chấp nhận nguy cơ hỗn loạn và vong quốc trực tiếp ngay trong thời điểm hiện tại. Những người lãnh đạo và tập thể chế độ cộng sản không nên tiếp tục thủ cựu hoặc tìm kiếm một con đường chuyển hóa thiếu lương thiện, trong khi chúng ta đang có một con đường và một lộ trình dân chủ hóa đã rõ ràng hơn bao giờ hết.

Chu Tuấn Anh

(07/05/2025)