Việt Nam Cộng Hòa bị bỏ rơi : Nỗi đau 50 năm (Thụy My)

Courrier International dịch bài viết của tuần báo Đức Der Spiegel « Khi Washington bỏ rơi Sài Gòn ». Le Monde cuối tuần nhận định « Việt Nam bị ám ảnh bởi những vong hồn của cuộc chiến ».

Các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong trận đánh tử thủ Xuân Lộc, chận lối vào Sài Gòn của quân cộng sản Bắc Việt ngày 17/04/1975.
Các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị thương trong trận đánh tử thủ Xuân Lộc, chận lối vào Sài Gòn của quân cộng sản Bắc Việt ngày 17/04/1975. ASSOCIATED PRESS - Ly

Đức giáo hoàng Phanxicô từ trần, 100 ngày trị vì của tổng thống Mỹ Donald Trump, chiến tranh Ukraina, kỷ niệm 50 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc là một số vấn đề đáng chú ý trên các tuần báo. Le Point chạy tít « Phanxicô : Định mệnh và bí ẩn của một giáo hoàng », Le Figaro Magazine và La Croix Hebdo dành trọn số báo cho cuộc đời và sự nghiệp của một vị giáo hoàng độc đáo. Về thời sự Pháp và châu Âu, L’Express đăng hình vẽ một con gà trống đang vục đầu vào cát, với dòng tựa « Nước Pháp của chối từ », Le Nouvel Obs nói về « Châu Âu, thời điểm trả đũa ».

Courrier International nhìn sang Bắc Mỹ, đăng hình vẽ một bàn tay giơ lên que diêm với ngọn lửa và chiếc lá phong, đưa tít « Canada tự do muôn năm ! ». The Economist dành trang bìa cho hình vẽ một con đại bàng đầu trắng, biểu tượng của nước Mỹ bị băng bó từ đầu đến chân, với dòng tựa « 100 ngày đầu của Trump và xa hơn nữa ».

Kissinger thổ lộ ý đồ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam với báo Đức từ 1970

Gần đến ngày kỷ niệm 50 năm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, các báo có một số bài viết liên quan. Courrier International dịch bài viết của tuần báo Đức Der Spiegel « Khi Washington bỏ rơi Sài Gòn ». Bài viết được minh họa bằng bức ảnh một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa và một người lính Mỹ trên chiếc phi cơ cùng giơ tay đón một bé gái được cha mẹ đưa lên, hy vọng con mình sẽ được di tản.

Theo tờ báo, có một thời gian ngắn người ta cho rằng Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ chiến thắng Bắc Việt cộng sản. Một năm sau khi ngưng bắn năm 1973 mà cả hai bên đều vi phạm, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã gia tăng 15 % vùng đất được kiểm soát. Rồi bỗng nhiên tình hình xấu hẳn đi, khi quân Bắc Việt chiếm được một số nơi cuối năm 1974. Đến tháng Ba 1975, có trên 16 sư đoàn Bắc Việt tràn vào miền Nam, Ban Mê Thuột thất thủ, và đến ngày 30/04/1975 Sài Gòn sụp đổ.

Thông tín viên Spiegel thời đó ghi nhận những cảnh hoảng loạn khủng khiếp ở miền Trung khi hơn một triệu người dân di tản. Tuần báo có khuynh hướng thiên tả cho biết tổng thống Mỹ Richard Nixon đã quên đi lời hứa sẽ can thiệp mạnh mẽ khi ép ông Thiệu ký hiệp định Paris. Henry Kissinger ngay từ năm 1970 đã thổ lộ với Spiegel rằng chủ yếu chỉ « nhằm câu giờ, từ khi Mỹ rút quân cho đến khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, để Washington khỏi phải chịu trách nhiệm về thất bại ».

Tổng thống Gerard Ford cố gắng thúc giục Quốc Hội thông qua viện trợ bổ sung 522 triệu đô la cho Miền Nam, nhưng không thành công. Nước Mỹ tự bằng lòng với việc lập cầu không vận di tản tốn 10 triệu đô la, tổng thống Ford thương cảm cho một « bi kịch nhân đạo khủng khiếp ». Tổng biên tập Der Spiegel vào thời đó, Rudolf Augstein bình luận, chính phủ Mỹ hầu như không có chọn lựa nào khác. Hoặc « thả bom nguyên tử xuống miền Bắc Việt Nam », hoặc tiếp tục một cuộc chiến không lối thoát.

Nửa triệu vong hồn và sự phân biệt đối xử

Le Monde cuối tuần nhận định « Việt Nam bị ám ảnh bởi những vong hồn của cuộc chiến ». Năm mươi năm sau chiến tranh, hàng trăm ngàn người lính Việt tử trận vẫn không có được một nấm mồ. Tại Hà Nội có một viện nghiên cứu chuyên tìm mộ liệt sĩ Bắc Việt, nhưng các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa không có được may mắn này. Có đến 1,1 triệu « liệt sĩ », danh hiệu được dành cho những người lính cộng sản tử trận trong cuộc chiến mà chính quyền Hà Nội luôn gọi là « chiến tranh chống Mỹ và ngụy quyền ».

Khoảng 300.000 người trong số đó được chôn cất vô danh, và 200.000 hài cốt vẫn chưa tìm thấy, tổng cộng có đến nửa triệu vong hồn vẫn còn lang thang đâu đó, tức « cô hồn » theo tín ngưỡng của người Việt. Ông Vũ Thế Khanh, giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) cho biết có được sự trợ giúp của các « nhà ngoại cảm », và một ngân hàng dữ liệu ADN đang được xây dựng. Được hỏi có giúp thân nhân những người lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận hay không, ông trả lời cũng có, nhưng không được đối xử tương đương như các « liệt sĩ ».

Số quân nhân Miền Nam hy sinh ít hơn, khoảng 400.000, và đa số đều có trên mình tấm thẻ bài kim loại để nhận diện. Cho đến 1975, họ được an táng ở các nghĩa trang quân đội. Nhưng những bóng ma của « phía bên kia » vẫn bị chính quyền cộng sản coi là kẻ thù. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa nổi tiếng trở nên hoang tàn, và mãi đến 2006, khi có người miền Nam trong số các nhà lãnh đạo cao cấp cộng sản, mới mở cửa trở lại cho thăm viếng.

Donald Trump, 100 ngày đại náo nước Mỹ và thế giới

Về nước Mỹ, The Economist cho rằng 100 ngày đầu tiên cực kỳ náo động trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất so với bất kỳ tổng thống nào trong thế kỷ này, có thể từ thời Franklin D. Roosevelt đến nay.

Ông Trump đang tiến hành một chương trình mang tính cách mạng, với mong muốn khôi phục kinh tế, cải tổ bộ máy quan liêu, thay đổi về văn hóa và đối ngoại, nhưng liệu ông sẽ thành công ? Sự lấn lướt của hành pháp làm suy yếu những điều đã tạo nên sự vĩ đại của nước Mỹ. Đó là tầm nhìn về lợi ích quốc gia đủ lớn để tài trợ cho thuốc chống SIDA ở châu Phi, tin rằng các định chế độc lập có những giá trị riêng, niềm tin là các đối thủ chính trị cũng có thể là những người yêu nước, sự tin tưởng vào đồng đô la. Nếu cuộc cách mạng này không được kiểm soát có thể dẫn đến độc tài.

Một khả năng khác là những quyết định cực đoan trong 100 ngày đầu tạo ra xu hướng phản kháng, và một trong số đó là các nhà đầu tư. Dù nhìn chung họ ủng hộ Donald Trump, nhưng giới này cũng là đối thủ đáng ngại cho ông, không phải vì niềm tin chính trị, mà vì phải đối mặt với thực tiễn. Họ lo ngại khi thuế quan gây phương hại cho nền kinh tế, thâm hụt ngân sách không được kiểm soát, và việc điều hành yếu kém có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ của đồng đô la.

« Cách mạng MAGA » gây tổn hại lâu dài cho Hoa Kỳ  

Cử tri kể cả của Cộng Hòa cũng có thể phản đối ông Trump : Tỉ lệ tín nhiệm tổng thống thấp hơn so với nhiệm kỳ đầu, và hiện đang dưới 50 % ở tất cả các bang nghiêng ngả mà Trump đã từng thắng. Người Mỹ ủng hộ đưa sản xuất trở về, nhưng chỉ 1/4 nói rằng sẽ làm việc trong những nhà máy đó. Họ muốn thương mại công bằng nhưng không muốn hỗn loạn, và không ai muốn lạm phát.

Tại Quốc Hội cũng không suông sẻ. Đảng Cộng Hòa chiếm đa số mong manh ở Hạ Viện, ngân sách vừa rồi thông qua được nhờ có hai dân biểu Dân Chủ qua đời. Các trang cá cược cho rằng đảng Dân Chủ có đến 80 % cơ hội chiếm được Hạ Viện năm tới, sẽ ngáng chân Donald Trump dù ông tiếp tục cai trị bằng sắc lệnh hành pháp. Tại Thượng Viện, Cộng Hòa còn thiếu 7 phiếu mới hội đủ 60 phiếu cần thiết để tránh bị tê liệt. Cuối cùng là tư pháp, dù chậm chạp. Tòa án Tối cao vừa bác lệnh trục xuất nhầm một người sang Salvador, với 9 phiếu thuận và 0 phiếu chống.

Chính quyền cũng có thể bị thua trong các vụ kiện về thuế quan, sa thải công chức, đóng cửa các cơ quan liên bang không thông qua Quốc Hội, lạm dụng biện pháp khẩn cấp. Ngay cả nếu nhìn cuộc cách mạng MAGA theo cách lạc quan nhất, Donald Trump cũng đã gây tổn hại lâu dài cho thể chế, cho các liên minh và sự nhân văn của Hoa Kỳ. Và nếu bị các nhà đầu tư, cử tri, tòa án cản trở, Trump có thể còn hung hăng hơn. The Economist cho rằng không còn có thể quay lại với nước Mỹ cách đây 100 ngày. Hãy còn 1.361 ngày nữa trước mặt.

Kế hoạch hòa bình của Mỹ không được hưởng ứng

The Economist ví von, Mỹ đang rao bán một kế hoạch hòa bình Ukraina nhưng chưa có ai mua. Washington muốn tưởng thưởng hành động xâm lược của Nga bằng việc chính thức công nhận việc Matxcơva sáp nhập Crimée một cách bất hợp pháp năm 2014, Ukraina không bao giờ được gia nhập NATO, dỡ bỏ trừng phạt Nga. Ngược lại, Hoa Kỳ không bảo đảm an ninh cũng không viện trợ cho Ukraina.

Câu hỏi lớn là chuyện gì sẽ diễn ra sau đó. Nếu Donald Trump thực sự bỏ cuộc, liệu ông có ngưng cung cấp vũ khí, ngưng chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraina hay không, có đơn phương dỡ bỏ trừng phạt Kremlin không ? Ít nhất, Trump có để cho châu Âu mua hệ thống Patriot để giúp Kiev bảo vệ không phận hay không ? Như thường lệ, chẳng ai có thể nói trước được điều gì.

Le Monde cuối tuần nhắc đến việc Washington cho rằng « Nga không đòi chiếm toàn bộ Ukraina đã là nhượng bộ lớn ». Trump tức giận vì Zelensky cự tuyệt, nhưng một dân biểu Ukraina đối lập khẳng định, không một chính khách nào có thể chấp nhận việc này. Công nhận Crimée của Nga sẽ mở ra chiếc hộp Pandore khắp thế giới : bất kỳ ai cũng có thể dùng vũ lực để chiếm đoạt lãnh thổ.

Trước một tòa nhà đang còn bốc khói ở Kiev vì trận oanh kích của Nga, một người dân nói nếu nhân nhượng, quân Nga vài ba năm nữa sẽ quay lại với nhiều vũ khí hơn, chuẩn bị kỹ hơn. Một người khác nhấn mạnh, ba năm qua người Ukraina đã mất đi rất nhiều người cha, người chồng, anh em trong gia đình, để rồi bây giờ đầu hàng một cách vô nghĩa hay sao ? Le Figaro Magazine cho biết trong khi thương lượng sa lầy, Ukraina dốc toàn lực vào việc sản xuất drone. Dự kiến chế tạo 4,5 triệu drone trong năm nay để đối phó với quân Nga đông đảo hơn gấp nhiều lần, và giám sát chiến tuyến dài đến 1.000 km.

Chẳng ai chịu giúp « Donald Trump đáng thương » đạt giấc mơ Nobel

L'Express mỉa mai, cuộc chiến tranh ở Ukraina thật là phức tạp, nhất là khi người ta muốn giải quyết trong vòng 100 ngày. Nhưng chẳng ai cố gắng giúp đỡ Donald Trump đáng thương kết thúc cuộc chiến để ông được lãnh giải Nobel.

Trước hết là ông tổng thống Zelensky chẳng chịu nhân nhượng. Steve Witkoff, đặc phái viên của Trump đã đề nghị nhượng cho Nga bốn tỉnh miền đông - mà ông thường không nhớ tên - vả lại những vùng chiến sự này cũng nói tiếng Nga, thế mà người Ukraina chẳng mấy hăng hái. Vladimir Putin cũng chẳng chịu hợp tác. Đã không chịu ngưng bắn, lại còn độc ác cho bắn hỏa tiễn sang các khu dân cư ở Sumy và Krivyi Rih.

Tình trạng này liệu có thể kéo dài ? Ngoại trưởng Marco Rubio đã hàm ý là Mỹ có thể chuyển sự chú ý sang các hồ sơ khác. Nhượng bộ Putin mãi không được gì, Donald Trump có thể để mặc cho châu Âu giải quyết. Tuần báo nhắc lại vụ gặp Kim Jong Un năm 2019, cho thấy đây không phải lần đầu Donald Trump rút lui bằng cửa hậu. Những chủ đề rắc rối không có lợi cho các show diễn thường xuyên của ông.

Tướng lãnh thứ tư bị tiêu diệt ngay trên đất Nga

Cũng liên quan đến Ukraina, Courrier International chú ý đến vụ thiếu tướng Iaroslav Moskalik, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga bị tử thương do xe gài chất nổ ở gần Matxcơva hôm thứ Sáu 25/04.Theo The Moscow Times, tướng Moskalik vừa ra khỏi nhà ở Balachikha, bước đến chiếc xe hơi Volkswagen đang đậu trong sân thì bị hất tung ra xa nhiều mét vì vụ nổ.

Tờ Kommersant cho rằng khối chất nổ có sức mạnh khoảng 1 ký TNT, được làm ra từ đạn dành cho súng phóng lựu và kích nổ từ xa nhờ một camera đặt ngay trong xe. Ủy ban điều tra Nga đã mở hồ sơ về tội sát nhân và buôn lậu chất nổ, nhưng cũng có thể chuyển sang tội danh khủng bố. Các nhà điều tra cho rằng đây là một vụ ám sát có chủ đích. Báo chí thân Kremlin nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp của vụ tấn công.

Postnews cho rằng các thủ phạm đã theo dõi nạn nhân trong nhiều tháng để nắm được thói quen, biết rõ thời điểm đi và về của Moskalik. Một giả thiết khác được Postnews đưa lại, là vụ ám sát nhằm phá hoại cuộc thương lượng giữa Vladimir Putin và đặc sứ Mỹ Steven Witkoff. Trang kinh tế RBK nhắc lại, Moskalik là thành viên phái đoàn Nga trong nhiều cuộc đàm phán, như ở Minsk năm 2015, hay về Syria ở Kazakhstan năm 2021.

The Kyiv Independent cho biết những tháng gần đây Ukraina nhắm vào nhiều nhân vật quan trọng trong quân đội Nga, trong đó có Igor Kirillov, tư lệnh lực lượng hóa học, bị tử thương trong một vụ nổ gần Matxcơva. Iaroslav Moskalik là tướng lãnh cao cấp thứ tư bị ám sát ngay trên đất ga, kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina.

Đức giáo hoàng Phanxicô, nhà kiến tạo hòa bình quá cố

Tại Roma, tang lễ của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Vatican được ví như một cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, với sự hiện diện của đông đảo nhà lãnh đạo trên thế giới. Courrier International trích dẫn báo chí Ý cho biết việc tổ chức lễ tang là thách thức an ninh rất lớn cho chính quyền Roma. Ngoài các nguyên thủ, còn có 170 phái đoàn quốc tế, 200.000 tín hữu, 2 triệu du khách. Và sau khi thánh lễ kết thúc ở Đại giáo đường thánh Phêrô, đoạn đường 4 kilomet đưa ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng ở Vương cung thánh đường Đức Bà Cả gây căng thẳng cao độ cho lực lượng an ninh. Các tay súng thiện xạ, ê-kíp dò mìn, đơn vị quân khuyển và nhiều đơn vị cảnh sát khác nhau được huy động, kể cả lực lượng chống nguy cơ nguyên tử, chiến tranh sinh học, hóa học và phóng xạ.

Trong chuyến đi nước ngoài lần đầu tiên kể từ khi quay lại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ được châu Âu và Ukraina đặc biệt quan tâm. Nội các Anh có rất ít thành viên Công giáo, nhưng thủ tướng Keir Starmer coi việc đến Roma là dịp may. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, vốn không được mời dự lễ nhậm chức của ông Trump, thủ tướng Ý Giorgia Meloni đều tranh thủ cơ hội. Nhân dịp này tổng thống Volodymyr Zelensky có được cuộc trao đổi ngắn với tổng thống Donald Trump mà theo Washington và Paris là « tích cực ». Les Echos cuối tuần tự hỏi, phải chăng tang lễ của « tông đồ hòa bình » có thể tạo điều kiện cho hòa bình quay lại với Ukraina ?

Thụy My

27/04/2025

Nguồn: RFI Tiếng Việt