Chế độ tổng thống – Kết quả của một tư duy hời hợt (Thuỷ Triều)
[…] kể cả ở Hoa Kỳ, chế độ tổng thống ở tất cả các nước đều có vấn đề, thậm chí dẫn đến thất bại như sự xung đột, chia rẽ xã hội, bế tắc của bộ máy và nếu rủi ro hơn, là tạo ra một chế độ độc tài cá nhân. […]

“Chế độ tổng thống dường như là một mô hình ‘dân chủ thấp’, là bản nâng cấp của chế độ quân chủ. Nhưng thà ‘dân chủ thấp’ còn hơn chế độ ‘độc Đảng’ rất nhiều. Nếu phải chọn giữa 2 cái xấu, hãy chọn cái đỡ xấu hơn” – tôi đã đọc được một bình luận như vậy trong một cuộc thảo luận nhân sự kiện ông Tô Lâm đang có xu hướng muốn đưa đất nước theo bước chân của Liên bang Nga đầu thập niên 1990. Chế độ cộng sản đang trong quá trình cáo chung, ông Tô Lâm đang muốn lựa chọn chế độ tổng thống để thay thế chế độ cộng sản, còn tôi rất buồn khi đọc được bình luận chia sẻ trên.
Tôi buồn bởi lẽ người Việt chúng ta hiểu biết hời hợt quá, buồn hơn là có vẻ người ta bằng lòng với sự hời hợt đó. Tôi có cảm giác, qua bình luận ở trên, chúng ta quá dễ dãi trong tư duy chính trị, chúng ta dễ dàng chấp nhận những thứ tạm bợ, dù biết rõ đó là thứ tạm bợ, kém phẩm chất – người bình luận trên gọi chế độ tổng thống là chế độ “dân chủ thấp”. Dân tộc chúng ta, rõ ràng, đã là nạn nhân đau đớn nhất của tư duy chính trị tạm bợ đó, tư duy của một thế giới quan nhị nguyên, thứ đã khiến chúng ta chỉ biết đến “chúng ta” và “bọn chúng”, “ta” và “địch” trong suốt lịch sử nội chiến, đã khiến chúng ta chỉ biết chọn lựa giữa cái dở và một cái dở hơn để rồi kết quả là chúng ta chỉ biết chịu đựng những tăm tối của lịch sử.
Cái tư duy chấp nhận một thứ dân chủ thấp như chế độ tổng thống không những là kém mà còn là sai lầm nghiêm trọng. Nó phản ánh một sự thiếu đầu tư suy nghĩ, kể cả ở mức độ tư duy ở trình độ trung bình. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng internet, chúng ta đều có thể dễ dàng biết được có nhiều mô hình nhà nước dân chủ khác nhau, trong đó nổi bật nhất là mô hình tổng thống – người đứng đầu quyền hành pháp là một vị tổng thống do người dân trực tiếp bầu ra, và mô hình đại nghị – người đứng đầu hành pháp do quốc hội bầu ra. Như vậy, nhắc đến dân chủ, chúng ta không thể chỉ nhắc đến mỗi mô hình tổng thống. Chuyển đổi dân chủ, do vậy, cũng không thể được hiểu một cách đương nhiên là chuyển đổi về mô hình tổng thống.
Theo tôi, chúng ta không nên lựa chọn mô hình tổng thống. Bở lẽ, đầu tiên, chế độ tổng thống cho một cá nhân quá nhiều quyền lực. Quyền lực đó khó bị thay thế trong một thời gian dài (4-5 năm đã là dài). Tổng thống không bị Quốc hội ràng buộc. Vậy thì sẽ ra sao nếu trong nhiệm kỳ đó, vị tổng thống này làm không tốt hoặc tệ hơn là tồi tệ đến mức vi phạm cả pháp luật? Cái giá phải trả chính là đất nước sẽ phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng cho đến cuộc bầu cử tiếp theo. Với một bối cảnh chính trị thế giới phức tạp và khó lường, sự thay đổi trật tự quốc tế, sự biến chuyển nhanh chóng đảo lộn mọi thế giới quan và giá trị cũ đang bị kiểm tra xét lại, thì một nước nhỏ như chúng ta, bộ máy lãnh đạo phải có sự ứng biến linh hoạt trong rất nhiều các vấn đề.
Thời gian phải giải quyết một vị tổng thống kém năng lực, kém đạo đức, có thể làm chúng ta mất toàn bộ thời gian và cơ hội. Trong khi đó, với tình cảnh đất nước đang bị mắc kẹt ở mức thu nhập chưa tới 4000 USD/người/năm như hiện nay, chúng ta phải tranh thủ từng phút, từng giây, từng cơ hội để tổ chức lại đất nước cả về kinh tế, xã hội, giáo dục và chính trị để vươn lên thoát bẫy thu nhập trung bình thấp. Mất thời gian là mất nước. Nếu cứ phải đi giải quyết vấn đề của hết ông tổng thống này đến ông tổng thống nọ, có thể đất nước chúng ta sẽ không còn cơ hội gì nữa. Mô hình tổng thống không đáp ứng điều đó vì lý do tôi đã trình bày ở trên.
Điều thứ hai, lại là một sự nhắc lại và quả quyết rõ. Chính vì tính “tập quyền” phần nào đó vào tổng thống, dẫn đến hệ quả là ghế tổng thống là một thứ chiến lợi phẩm lớn cho người chiến thắng. Thắng làm tổng thống, thua thì sao? Sau một cuộc bầu cử tổng thống là một lần xã hội âm ỉ trong sự chia rẽ về quan điểm và ý thức chính trị. Mà đất nước chúng ta, bởi vì di sản văn hoá mà rất thiếu tinh thần bao dung và thừa thãi tâm lý thù ghét lẫn nhau và chia rẽ. Chiến thắng tổng thống với phe này là mối căm ghét sầu não với phe còn lại.
Hơn nữa, chúng ta cũng vừa chứng kiến sự kiện bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ vừa rồi. Trong cuộc bầu cử tổng thống, các ứng cử viên sẽ tận dụng tối đa những khác biệt về căn cước như sắc tộc, vùng miền, tôn giáo, giới tính hay nguồn gốc xuất thân để vận động tranh cử. Ngôn ngữ chủ đạo trong cuộc bầu cử là ngôn ngữ chia rẽ, phân biệt. Những mầm mống xung đột, hận thù của dân tộc Việt Nam làm sao có thể được hàn gắn trong bầu không khí như thế. Không những thế những mầm mống hận thù sẽ bùng phát thành những xung đột. Chúng ta cũng sẽ mất thêm thời gian để giải quyết những xung đột đó và như tôi đã phân tích ở trên, mất thời gian là mất nước. Lần này chúng ta không chỉ mất nước vì đã rơi vào tình trạng tụt hậu vĩnh viễn mà còn mất nước vì tình tự dân tộc đã đổ nát hoàn toàn.
Tôi cũng phải nhìn nhận một ưu điểm nổi bật của tổng thống chế rằng nó tạo ra một chính quyền mạnh mẽ, có khả năng thống nhất và mau chóng đưa ra những lựa chọn có tính chất cấp bách và sinh tồn. Nhưng một hiện thực phải xét đến là đất nước chúng ta không còn nguy cơ chiến tranh nữa. Các cuộc chiến ý thức hệ đã kết thúc rất lâu rồi. Vả lại thì một thủ tướng được đa số quốc hội đồng lòng hoàn toàn có thể làm những việc mà một tổng thống có thể làm. Nước Anh là một ví dụ, họ có hai thủ tướng khá nổi tiếng trong thế kỷ 20 với sự quả cảm phi thường, đó là Winston Churchill và Margaret Thatcher. Họ đều là những thủ tướng được quốc hội Anh bầu ra vào lúc mà đất nước cần những vị lãnh đạo như họ. Uy quyền của những vị thủ tướng do quốc hội bầu ra là do lựa chọn của thời cuộc. Khi yêu cầu của thời cuộc không còn nữa, những vị thủ tướng này có thể nghỉ hưu hoặc bãi nhiệm. Nếu còn phù hợp với yêu cầu mới của đất nước, những vị thủ tướng này có thể tái nhiệm. Cơ chế này tạo ra sự linh hoạt trong lựa chọn lãnh đạo, để đất nước có thể lựa chọn người phù hợp với từng hoàn cảnh. Ngược lại, kể cả ở Hoa Kỳ, chế độ tổng thống ở tất cả các nước đều có vấn đề, thậm chí dẫn đến thất bại như sự xung đột, chia rẽ xã hội, bế tắc của bộ máy và nếu rủi ro hơn, là tạo ra một chế độ độc tài cá nhân.
Với những lý do trên, một điều chắc chắn là chúng ta cần một chế độ chính trị xoa dịu được những vết thương chia rẽ bằng tinh thần đa nguyên, bao dung để nhìn nhận tất cả những thành phần trong quốc gia như một phần không thể thiếu, linh hoạt và tính dân chủ cao. Chế độ đại nghị mà chúng tôi đề cập trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đáp ứng những tiêu chuẩn đó.
Lựa chọn này của Tập Hợp dựa trên mẫu số là đặt quyền lợi của quốc gia và sự bao dung, hoà hợp để thừa nhận một chân lý là tất cả người Việt Nam đều là người nhà không phân biệt đảng phái, ý thức hệ, sắc tộc. Công cuộc dân chủ hoá đất nước là công cuộc tôn vinh trở lại giá trị của tất cả con người Việt Nam và không bỏ rơi lại bất kỳ một ai, kể cả đảng cộng sản. Đất nước chúng ta xứng đáng với một tương lai khác.
Thuỷ Triều.
(12/04/2025)