Lựa chọn nào cho Việt Nam trong cuộc thương chiến ? (Chu Tuấn Anh)

Người ta bàn về thương chiến mà tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang khởi động và các phương án mà chính phủ ông Phạm Minh Chính đang chuẩn bị để đối phó. Nhưng có phương án nào khi kinh tế Việt Nam lệ thuộc hơn 250% vào ngoại thương, ngoài cầu may Trump đừng điên lên đụng đến mình?  Tôi vẫn nghĩ thương chiến là một xu hướng có hại cho thế giới. Những gì anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (THDCĐN) mong muốn là đất nước chuyển giao về  dân chủ trong bình yên chứ không phải là trong đói khổ và kinh tế sụp đổ. Người Việt không nên cảm ơn Donald Trump nếu hành động điên loạn của ông ta làm kinh tế Việt Nam suy sụp, vì thực tế nó chỉ làm cố gắng dân chủ hoá và xây dựng lại đất nước của chúng ta khó khăn hơn mà thôi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ, ngày 5/2, trong đó ông kêu gọi : “Chuẩn bị kịch bản cho khả năng chiến tranh thương mại thế giới”

Nhưng cần phải nói những gì? Có vẻ trước đó bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đến Mỹ gặp Trump để hứa hẹn mua máy bay Boeing. Chính quyền cộng sản cũng chủ động đàm phán với Trump. Cũng có cơ may vì một lý do gì đó họ không đánh thuế Việt Nam và cho phép chế độ vẫn xuất khẩu qua Mỹ. Nhưng những nỗ lực nhắm đến những mặt hàng “made in Vietnam” được Trung Quốc xuất thông qua cửa ngõ Việt Nam cũng sẽ gây khó khăn cho chế độ. Nhưng một khả năng khá cao nó cũng không đi đến một kết quả gì, và Trump sẽ bắt nạt Việt Nam vì thặng dư thương mại với Mỹ. Nếu Trump đã tráo trở với đồng minh, ngay cả với láng giềng Canada, thì không nhiều đảm bảo Trump sẽ nghĩ cho Việt Nam.

Mặt khác thương chiến cũng chỉ là cơn sốc ngắn hạn. Bản thân nó có hại và sẽ sớm bị triệt tiêu sau một thời gian. Có thể Trump sẽ tự rút hoặc chấm dứt trong một tương lai chính trị bất định của Trump. Về dài hạn, thương chiến sẽ làm chuyển dịch nhanh hơn các tập hợp địa chính trị trên thế giới. Họ sẽ kết hợp để tạo đối trọng để không bị Mỹ đơn phương bắt nạt. Chính quyền Trump sẽ cố gắng đàm phán song phương với nhiều nước, và khả năng cao là họ sẽ không chấp nhận. Về địa chính trị, Việt Nam cũng nằm trong một tập hợp địa chính trị dù lỏng lẻo nhưng có những đặc thù và lợi ích (interests) riêng. Trước kia Việt Nam được Mỹ ưu đãi là vì tập hợp này có một nhu cầu chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Dù thế, nhu cầu này đang giảm dần. Mỹ chỉ nhìn nhận Việt Nam là Asian-Pacific/Indo-Pacific partner của họ chứ không có mối quan hệ song phương thuần túy về tình cảm giữa hai nước, cũng không có mối quan hệ “trách nhiệm” như ông Chính nghĩ. Nói theo cách giản dị, phản ứng của Mỹ với Việt Nam tùy thuộc vào khối địa chính trị Châu Á – Thái Bình Dương có tầm quan trọng thế nào, và Việt Nam có vai trò gì trong khối đó.

Trong tập hợp đó, Việt Nam là một phần của đường vận chuyển hàng hải quốc tế nên sẽ cần một sự tin cậy để duy trì tự do hàng hải. Việt Nam cũng là một nền kinh tế có tiềm năng vươn đến một trọng lượng GDP có ảnh hưởng. Nhưng Nhật, Hàn, Đài Loan, Úc, Indo, Mã Lai, Ấn Độ đều đã có dân chủ. Việt Nam vẫn đơn phương từ chối dân chủ hoá. Họ cũng từ chối đứng về khối này trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Mà thực tế họ cũng chưa từng bắt Việt Nam phải chống Trung Quốc ra mặt. Họ chỉ muốn Việt Nam thành thực dân chủ hoá và là đồng mình của các nước dân chủ. Vậy lý do gì để các nước trong khối và Hoa Kỳ phải chung tay giúp Việt Nam lớn mạnh khi điều căn bản không thực hiện được?

Do đó, dù có may mắn thoát cửa hẹp trong thương chiến, tương lai của Việt Nam cũng rất mờ mịt nếu không dân chủ hoá. Chúng ta sẽ không có một chỗ đứng nào. Những chính quyền cộng sản từng tự hào họ không cần đứng trong liên minh, “tự hùng, tự cường”; nhưng thực tế chứng minh cứ có FTA là họ tham gia lấy tư cách thành viên, có hứa hẹn là họ ký bản ghi nhớ. Việt Nam không đủ sức vóc để đứng ngoài các liên minh. Nếu muốn tự hùng tự cường, chúng ta phải là một thành viên có tiếng nói trong một liên minh lành mạnh. Tiếc là chế độ không hiểu được điều đó. Dù kết quả đàm phán với chính quyền Trump ra sao thì chế độ sẽ rất khó khăn trong một bối cảnh thế giới xoay chuyển. Và nếu chế độ vẫn kiên quyết chủ nghĩa đơn phương duy trì độc tài, Việt Nam sẽ không còn tương lai nào.

Chu Tuấn Anh

(11/02/2025)