Chính phủ sau tinh gọn: Những tân phó thủ tướng, bộ trưởng là ai? (BBC Tiếng Việt)

 Từ trái qua: ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng

Chụp lại hình ả

Cơ cấu chính phủ Việt Nam sau tinh gọn chính thức có 25 thành viên, gồm một thủ tướng, bảy phó thủ tướng, 14 bộ trưởng và ba cơ quan ngang bộ.

Sau tinh gọn, hiện Chính phủ có bảy phó thủ tướng với hai nhân sự bổ sung là ông Mai Văn Chính  ông Nguyễn Chí Dũng.

Trước khi kiện toàn, ông Chính giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương còn ông Dũng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được sáp nhập vào Bộ Tài chính.

So với nội các cũ, cơ cấu mới của Chính phủ giảm từ 27 còn 25 thành viên. Tuy nhiên, do ông Bùi Thanh Sơn vừa là Phó Thủ tướng vừa là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nên trên thực tế chỉ có 24 người.

Đáng chú ý trong cơ cấu mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã được điều về làm Phó trưởng Ban Tuyên Giáo và Dân vận trung ương. Ban mới này được hình thành sau khi sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận, và hiện có 12 phó trưởng ban.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962, quê ở tỉnh Bắc Ninh, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từ tháng 8/2018 đến trước thời điểm tinh gọn. Hai người tiền nhiệm là ông Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son lần lượt nhận án tù 14 năm và chung thân liên quan đến đại án MobiFone mua AVG.

Trước khi giữ vai trò lãnh đạo Bộ TT&TT, ông Hùng kinh qua nhiều chức vụ trong Bộ Quốc phòng, nổi bật nhất là vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.

Ông hiện mang quân hàm thiếu tướng.

Ông Hùng nổi tiếng với các phát ngôn, tuyên bố hùng hồn về sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.

Vào năm 2020, ông Hùng đã đặt mục tiêu mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một điện thoại thông minh, hạ tầng di động 4G/5G phủ rộng cả nước. Ông thậm chí còn đánh giá Việt Nam có khả năng đi đầu thế giới trong lĩnh vực internet vạn vật.

Vào đầu năm 2022, ông tuyên bố Việt Nam sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu về công nghệ 6G trên toàn cầu. Đến cuối năm 2024, khi cả thế giới xôn xao về sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI), Bộ trưởng Hùng phát biểu rằng nên cung cấp cho mỗi công chức một '"trợ lý ảo" để "người kém nhất của mỗi tổ chức ít nhất cũng bằng người khá giỏi".

Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 diễn ra vào hôm 15/1, ông Hùng tuyên bố:

"Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại."

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Dung được bầu làm Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Ông Dung sinh năm 1962, quê ở tỉnh Hà Nam, có trình độ chuyên môn cử nhân luật, thạc sĩ quản lý hành chính công.

Ông Đào Ngọc Dung từng bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách vào tháng 4/2024. Ông Dung bị cáo buộc liên quan tới "gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện".

Ông Dung đi lên từ vai trò trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ông nhậm chức Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội hồi tháng 4/2016. Trước đó, ông Đào Ngọc Dung từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.

Năm 2006, ông Đào Ngọc Dung, khi đó là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, đã gây ồn ào vì vi phạm quy chế thi tuyển sinh sau đại học.

Khi đó, ông Đào Ngọc Dung bị lập biên bản vì khi dự thi môn hành chính công vào ngày 27/5/2006, kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh, ông đã "sử dụng giấy nháp không có chữ ký của giám thị", có thể được hiểu là ông đã sử dụng tài liệu.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo là bộ mới trong chính phủ, thành lập từ việc sáp nhập Ủy ban Dân tộc và Ban Tôn giáo chính phủ. Trước đó, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đã được điều về làm Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.

Ban Tôn giáo trước đó là một cơ quan thuộc Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sinh năm 1964, là nhân vật xuất hiện khá đình đám trong cuộc cách mạng tinh gọn do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động mới đây.

Bà Trà, quê ở Nghệ An, từng kinh qua nhiều chức vụ trong ngành giáo dục của tỉnh Yên Bái, rồi sau đó làm bí thư tỉnh ủy tỉnh này. Tháng 4/2021, bà được bầu làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Trong quá trình tinh gọn bộ máy, bà Trà xuất hiện khá nhiều trên truyền thông khi liên tục trình lên chính phủ các phương án, đề xuất.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng sáp nhập với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trở thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Một câu hỏi đã được đặt ra là ai sẽ trở thành bộ trưởng.

Kết quả là ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Quốc hội bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội.

Ông Đỗ Đức Duy sinh năm 1970, quê ở tỉnh Thái Bình, được bầu làm Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới.

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ mới, ông Duy từng kinh qua các chức Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1973, vẫn giữ chức Bộ trưởng sau khi sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào Bộ Tài chính. Người đồng cấp của ông trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã được bầu làm Phó thủ tướng Chính phủ.

Ông Thắng đã kinh qua nhiều chức vụ trong Ngân hàng VietinBank, bao gồm chức tổng giám đốc (2011-2014) và sau đó là chủ tịch Hội đồng Quản trị (2014-2018).

Sau giai đoạn làm ở VietinBank, ông Thắng được luân chuyển, chỉ định làm phó chủ tịch rồi chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Con đường thăng tiến của ông Thắng cũng khá nhanh chóng. Tháng 10/2020, ông được bầu làm bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên, và 2 năm sau, ông trở thành bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đến tháng 11/2024, ông Thắng được phê chuẩn làm bộ trưởng Tài chính.

Một diễn biến đáng chú ý khác là Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải sáp nhập với nhau.

Trước đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã rời Hà Nội về TP HCM giữ chức phó bí thư thường trực Thành ủy trong một quyết định được Đảng công bố sáng 25/1.

Ông Nghị là con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng, người giữ chức thủ tướng Chính phủ suốt 10 năm, từ 2006 đến 2016. Việc bổ nhiệm ông Nghị là phó bí thư Thường trực, là nhân vật số hai sau bí thư Thành ủy, diễn ra trong bối cảnh TP HCM đang khẩn trương chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2025-2030.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh sinh năm 1967, quê ở Hà Nội, trình độ chuyên môn tiến sĩ kỹ thuật.

Ông kinh qua nhiều vị trí công tác ở Binh chủng Công binh, từ giảng viên Trường sĩ quan Công binh, đến lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 249, phó tham mưu trưởng Binh chủng, phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng, và tư lệnh Binh chủng Công binh.

Từ tháng 5/2016, ông giữ chức phó tư lệnh Quân khu 1, sau đó là phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân khu 1, tư lệnh Quân khu 1.

Từ 10/2019 đến 9/2021, ông đảm nhiệm cương vị chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, mang hàm trung tướng.

Ông là bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng từ tháng 9/2021 tới tháng 11/2024.

Vào ngày 28/11/2024, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng Giao thông vận tải.

chart

Cơ cấu tổ chức mới

Chiều 17-2, Quốc hội đã họp riêng để nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tờ trình về cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.

Trong tờ trình trước đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ, bao gồm 14 bộ và ba cơ quan ngang bộ. Theo đề xuất này, Chính phủ sẽ thành lập sáu bộ mới trên cơ sở hợp nhất một số bộ hiện có.

Nội các Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 trước tinh gọn có 27 thành viên.

Các bộ mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất như sau:

  • Bộ Tài chính: được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
  • Bộ Xây dựng: được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải.
  • Bộ Nông nghiệp - Môi trường: được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Bộ Khoa học và Công nghệ: được thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông.
  • Bộ Nội vụ: được thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
  • Bộ Dân tộc - Tôn giáo: được thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ. Ủy ban Dân tộc là một cơ quan ngang bộ còn Ban Tôn giáo Chính phủ là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ.

Một số diễn biến đáng chú ý liên quan tới các bộ này trước khi cơ cấu nhân sự mới của Chính phủ được kiện toàn:

  • Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mới đây đã được điều về Hà Giang giữ chức bí thư tỉnh ủy.
  • Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về TP HCM và giữ chức phó bí thư thường trực Thành ủy.
  • Trong khi đó, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong nhiệm kỳ này chiếc ghế bộ trưởng đã có 3 người ngồi, gồm ông Trần Hồng Hà (người hiện là phó thủ tướng), ông Đặng Quốc Khánh (đã bị bãi nhiệm) và tính tới thời điểm trước tinh gọn là ông Đỗ Đức Duy (Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Môi trường mới).
  • Hôm 17/2, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt làm phó trưởng ban của cơ quan này.
Tinh gọn

Nguồn hình ảnh,VGP/BBC

Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ngoài các bộ mới, cơ cấu tổ chức Chính phủ vẫn duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ hiện có, bao gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng liên quan tới nhân sự Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vào hôm 14/2 đã ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng thêm số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị tăng thêm số lượng thứ trưởng, phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ của các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bố trí, sắp xếp cán bộ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước.

Cụ thể là tăng thêm:

  • Một thứ trưởng Bộ Ngoại giao
  • Bốn thứ trưởng Bộ Tài chính
  • Bốn thứ trưởng Bộ Xây dựng
  • Hai thứ trưởng Bộ Nội vụ
  • Một phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cuộc cách mạng tinh gọn do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng đã được tiến hành rầm rộ trong nhiều tháng qua, dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức.

Chính quyền dự kiến sẽ cần 130.000 tỷ đồng chi trả cho việc thực hiện chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức trong đợt tinh giản biên chế này.

BBC Tiếng Việt

18/02/2025