Bản chất thực sự về mối quan hệ Donald Trump – Vladimir Putin là gì ? (Minh Anh)

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như luôn có « cảm tình » với các nhà lãnh đạo chuyên quyền, xem Tập Cận Bình của Trung Quốc là một người bạn, rằng ông rất hợp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Nhưng không một mối quan hệ quốc tế nào của ông lại gây ra nhiều bàng hoàng và sự suy đoán như « tình bạn nồng nhiệt », lúc hợp lúc tan, của ông với nguyên thủ Nga Vladimir Putin. Theo Mark Galeotti, chuyên gia về điện Kremlin, mối quan hệ này là khó đoán.

U.S. President Donald Trump and Russian President Vladimir Putin shake hands as they meet in Helsinki, Finland, July 16, 2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và nguyên thủ Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Helsinki, Phần Lan, ngày 16/07/2018. REUTERS - Kevin Lamarque

Những lời đồn thổi

Trên trang The Sunday Times, được tuần báo Pháp Courrier International lược thuật, đầu tiên, tác giả nhắc lại rằng trong suốt nhiệm kỳ I, nhiều lời đồn thổi dai dẳng, đôi khi gây sốc cho rằng Donald Trump đã bị tình báo Nga mua chuộc. Người ta đặt nghi vấn về những khoản đầu tư vào bất động sản của ông tại Florida, những hoan lạc đáng ngờ của ông trong một khách sạn ở Matxcơva, những mối tiếp xúc giữa nhóm vận động tranh cử của ông năm 2016 và tình báo Nga. Tất cả những điều này, theo một sĩ quan phản gián Mỹ, vốn rất ghét Trump, thừa nhận với tác giả, rằng đấy chỉ là những chuyện nhỏ nhặt.

Tất nhiên, Nga đã có can dự vào cuộc bầu cử và đang tiếp tục thực hiện, nhưng suy cho cùng tác động thường rất hạn chế. Trump có thiết lập những mối quan hệ với giới chức thân cận với điện Kremlin. Nhưng bản thân cựu chưởng lý đặc biệt Robert Muller, cũng không thể nào chứng minh được có một sự thông đồng giữa nhà tỷ phú Mỹ và điện Kremlin, bất chấp bản báo cáo dày gần 450 trang về sự can thiệp của Nga trong suốt cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.  

Đó là vì Donald Trump đã chọn một cách tiếp cận không bình thường với đối thủ Nga, và điều này chỉ làm dung dưỡng những lời đồn thổi. Donald Trump và tổng thống Nga đã có năm cuộc gặp trực diện. Trong lần gặp đầu tiên tại Đức, Trump đã thu hồi các ghi chép của thông dịch viên và ra lệnh cho người này không được tiết lộ những gì đã nghe được. Trong buổi ăn tối tiếp theo, ông Trump đã lấy ghế, đến ngồi cạnh tổng thống Putin và có một cuộc trao đổi riêng với ông.

Lần xuất hiện trước công chúng nổi tiếng nhất của họ là tại Helsinki năm 2018, khi cả hai nguyên thủ có một cuộc hội đàm dài, chỉ có thông dịch viên được tháp tùng và không ghi chép bất cứ điều gì. Sau đó, Donald Trump đã đứng về phía Vladimir Putin chống lại FBI, và nói rằng ông sẵn sàng tin vào lời của tổng thống Nga là điện Kremlin không hề cố gắng can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Chính sách « Cái Tôi »

Giờ Donald Trump trở lại cầm quyền, hai nguyên thủ Nga và Mỹ nhắc đến khả năng một cuộc gặp thượng đỉnh song phương để thảo luận về Ukraina. Câu hỏi đặt ra : Ý định của hai bên là gì ? Theo quan điểm của ông Mark Galeotti, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng lần này báo hiệu một kỷ nguyên chính trị mới mà ở đó « Cái Tôi » sẽ lên ngôi.

Cách tiếp cận ngoại giao truyền thống trở nên lỗi thời, không còn vận hành, thay vào đó là một phương thức hành động giống như một vị vua thế tục hay một chủ tịch – tổng giám đốc của một tập đoàn lớn Hoa Kỳ. Và phương pháp nghiên cứu về điện Kremlin theo trường phái cũ – nghệ thuật huyền bí nhằm xác định các phe nhóm và xung đột nội bộ có thể tác động đến chính sách của Matxcơva trong hậu trường – đang được hồi sinh dưới hình thức « Trumpology ».

Thế nên, số phận của Ukraina có nguy cơ phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân mà Trump duy trì với hai nhân vật chính là đồng nhiệm Nga Vladimir Putin và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

Tại Nga, việc ông Trump trở lại cầm quyền đang làm dấy lên nhiều hy vọng, sớm chấm dứt chiến tranh Ukraina theo hướng có lợi cho Nga. Điện Kremlin đưa ra nhiều tuyên bố theo hướng vuốt ve « Cái Tôi » của Donald Trump, khi cho rằng nếu ông Trump không bị đánh cắp thắng lợi bầu cử năm 2020, thì có lẽ khủng hoảng Ukraina 2022 sẽ không xảy ra.

Tổng thống Nga cũng nhanh chóng gởi thông điệp chúc mừng Trump tái đắc cử, ca tụng « mong muốn tái lập liên hệ trực tiếp với Nga và ngăn chặn Thế chiến thứ Ba » của ông Trump, hay như bày tỏ hy vọng nối lại « tinh thần Yalta », đúc kết vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, giữa các lãnh đạo của ba đại cường thời bấy giờ là Joseph Staline của Liên Xô, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và thủ tướng Anh Winston Churchill. Mục tiêu của chủ nhân điện Kremlin là tìm cách đúc kết một thỏa thuận Ukraina với đồng nhiệm Mỹ sau lưng ông Zelensky, cho phép Nga duy trì những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời cản trở Ukraina gia nhập NATO.

Theo cách nhìn của nhà sử học người Anh, khi nhắc đến điều này, tổng thống Nga đang từ chối một thực tế khắc nghiệt là Nga không còn sức nặng như trước trên hành tinh. Khi tuyên bố rằng thế mạnh của Nga là « khả năng làm việc với tất cả mọi người », nghĩa là, có thể chỉ đạo và thao túng các lãnh đạo khác, tổng thống Nga dường như đã quá tự tin rằng ông có thể đi đến một sự hòa hợp cá nhân với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump.

Cuộc chơi tay ba

Tuy nhiên, khác với những mối quan hệ mà ông Putin duy trì với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hay với lãnh đạo Kim Jong Un, « Donald Trump là doanh nhân. Nếu ông đúc kết một thỏa thuận với Putin, đó là vì ông nghĩ rằng đổi lại ông sẽ phải thu được lợi gì, và ông sẽ lại bắt đầu mặc cả ngay khi ông nghĩ có thể cải thiện cuộc chơi », theo như nhận định từ một nhà cựu ngoại giao Nga.

Đương nhiên, « Cái Tôi » của ông Trump cũng như là khát khao thể hiện như là một nhà đàm phán địa chính trị tuyệt vời mà lệnh ngừng bắn cho dải Gaza là một ví dụ điển hình, có nguy cơ đặt ông trong thế dễ bị tổng thống Nga thao túng. Nếu như ông Putin không ngớt lời ca tụng ông Trump là một người « can đảm, rắn rỏi » (trong vụ bị ám sát hụt), « một người sáng dạ và thông minh », mối quan hệ tình cảm dạt dào có lẽ sẽ không còn được như trước.

Donald Trump, khi tán dương đồng nhiệm Nga là « thần đồng, khôn khéo », đã không ngần ngại có những chỉ trích bất thường khi tuyên bố rằng « mọi thứ không diễn ra tốt đẹp », rằng « chiến tranh là không tốt cho ông ấy (Putin) », hay như « ông ấy đang tàn phá nước Nga »… Ngày 22/01, tổng thống Mỹ trên mạng xã hội Truth Social còn cảnh báo rằng, nếu ông từ chối đàm phán, Hoa Kỳ « không còn cách nào khác là tăng thuế, hàng rào thuế quan và các biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả những gì Nga bán sang Mỹ và nhiều nước khác có can dự ».

Tuy nhiên, tác giả bài viết lưu ý, chính trị theo bản ngã là cũng có thể là một cuộc chơi tay ba : Nghĩa là Putin – Trump – Zelensky. Nếu như mối quan hệ giữa Trump và Zelensky khởi đầu một cách tồi tệ do những áp lực của ông Trump đòi Zelensky mở điều tra về tham nhũng chống lại con trai ông Biden hồi năm 2019, nguyên thủ Ukraina gần đây tỏ ra ngờ vực về khả năng ông Trump có thể giữ được lời hứa sớm chấm dứt chiến tranh.

Sự tự kiêu của Putin ?

Kể từ giờ, nguyên thủ Ukraina đang nỗ lực mở rộng các mối quan hệ cá nhân với tổng thống Mỹ, khi không ngớt lời ca tụng ông Trump là người duy nhất khiến Putin phải lo sợ. Ông Zelensky cũng có thể trông cậy vào sự hậu thuẫn của những người thân cận của ông Trump, mong muốn phá hỏng bất kỳ thỏa thuận bất lợi với ông Putin, chẳng hạn như bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth, người từng khẳng định biết rõ « ai là kẻ gây hấn, ai là người tử tế » trong phiên điều trần trước Thượng Viện.

Cũng giống như Trump, « Cái Tôi » của nguyên thủ Nga cũng rất lớn, và do vậy cũng mong manh. Người Nga thích thao túng tâm lý và phô trương sức mạnh. Nhưng vị chuyên gia về điện Kremlin cũng lưu ý rằng tổng thống Nga có nguy cơ diễn giải sai về cách hành xử của ông Donald Trump và phạm phải sai lầm. Sau 25 năm trị vì chuyên chế, tổng thống Nga dường như cảm thấy rất tự tin về chính mình, ít khi lắng nghe những lời khuyên, khi tự cho rằng « ông biết mọi thứ tốt hơn bất kỳ ai, chẳng có gì để ông phải biết thêm », theo lời một quan chức Nga.

Liệu rằng một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Nga – Mỹ có diễn ra hay không ? Giới thân cận tổng thống Nga tỏ ra ngờ vực về khả năng này. Nếu ông Putin bỏ qua lời khuyên của họ và đi quá xa, khiến đồng cấp Mỹ cảm thấy bị Putin coi thường hoặc chế giễu, thì chính sách « cái Tôi » có nguy cơ phản đòn một cách thảm hại.

Trung tuần tháng Giêng năm 2025, ông Trump đã phàn nàn rằng tổng thống Nga đã quyết định xâm lược Ukraina năm 2022 bởi vì « ông ấy không tôn trọng Biden. Điều này cũng đơn giản. Ông ấy không tôn trọng mọi người ». Nếu tổng thống Mỹ cảm thấy ông cũng không được tôn trọng, thì, « một ông Trump nổi giận có lẽ sẽ còn nguy hiểm hơn một Biden hay Obama. Hãy thử khiêu khích ông ấy xem, và ông ấy có thể sẽ cố thiêu rụi chúng ta thành tro tàn, chỉ để dạy cho chúng ta một bài học », theo như thổ lộ một quan chức Nga với tác giả bài viết ! 

Minh Anh
RFI Tiếng Việt
10/02/2025