2025 : năm ăn nên làm ra của ngành công an ? (Diễm Thi - RFA)

Nghị định 168 làm giàu cho cảnh sát giao thông ?

Diễm Thi, RFA, 03/01/2025

Theo Nghị định 168 về mức xử phạt hành chính trong vi phạm giao thông có hiệu lực đầu năm 2025, một số lỗi vi phạm bị tăng mức phạt lên nhiều lần so với quy định cũ. Trong đó có lỗi mà rất nhiều người đi đường mắc phải là vượt đèn đỏ và đi ngược chiều.

congan1

Cảnh sát giao thông đang viết giấy xử phạt người vi phạm - Reuters

Theo đó, xe ô tô vi phạm hai lỗi này bị phạt từ 18 đến 20 triệu đồng thay vì chỉ bốn đến sáu triệu đồng theo quy định cũ ; xe gắn máy bị phạt bốn đến sáu triệu đồng thay vì chỉ vài trăm ngàn đến một triệu như trước kia.

Tai nạn giao thông, một vấn nạn nghiêm trọng ở Việt Nam, đã cướp đi gần 10 ngàn sinh mạng chỉ trong năm 2024. Do vậy, việc ban hành Nghị định 168 được Cục Cảnh sát Giao thông cho là "cần thiết" vì mức phạt cũ "không đủ mức răn đe".

Tuy nhiên, ở Việt Nam, xung quanh vấn đề xử phạt lỗi vi phạm giao thông còn một hiện tượng phổ biến nữa chưa được đề cập tới là "giải quyết tại chỗ" hay "nộp phạt tại chỗ" bằng tiền mặt, một hình thức nhận hối lộ của lực lượng cảnh sát giao thông đối với người vi phạm.

Ngay ngày đầu tiên thực hiện Nghị định mới, lực lượng cảnh sát giao thông cho biết đã xử phạt hơn 13.000 trường hợp vi phạm giao thông, thu về gần 28 tỷ đồng.

Nhiều người cho rằng, mức phạt cao sẽ là cơ hội để túi tiền của cảnh sát giao thông đầy hơn ; nạn nhũng nhiễu, mãi lộ còn trầm trọng hơn vì Việt Nam chưa có quy trình xử phạt qua camera, mà tất cả các phiếu phạt đều do cảnh sát giao thông trực tiếp viết và đưa cho người vi phạm.

"Lẽ ra việc tăng mức phạt nó phải diễn ra sau khi người ta chuẩn bị một hệ thống camera giám sát cảnh sát giao thông để bảo đảm không có chuyện đút lót, không có chuyện tham nhũng. Bây giờ vẫn theo cách phạt cũ là cảnh sát giao thông ra đường đứng chặn, ghi phiếu phạt thì cuối cùng nạn tham nhũng còn trầm trọng hơn nữa. Cảnh sát giao thông chỉ nên xuất hiện để điều tiết giao thông khi đèn tín hiệu giao thông gặp sự cố, bị lỗi… Cái quan trọng nhất là phải thay đổi cách giám sát ; thay đổi cách phạt" - ông Tân, một người dân ở Đà Nẵng nói với RFA.

Cũng theo ông Tân, nếu không áp dụng cách phạt nguội hết qua hệ thống điện tử thì số tiền cảnh sát giao thông nhận "nộp phạt dùm" cho người vi phạm sẽ tăng theo tỷ lệ mức phạt trong Nghị định 168.

Một người dân ở Sài Gòn cũng chia sẻ lo ngại trên với RFA qua ứng dụng nhắn tin, bà cho biết với việc mức phạt gia tăng một cách đáng kể như quy định của Nghị định 168, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ dựa vào đó để tăng mức "nộp phạt tại chỗ".

Tham nhũng tại trong ngành cảnh sát giao thông là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng không phải là không giải quyết được nếu có minh bạch, có giám sát và giải trình. Tiếc rằng việc giám sát hoạt động của cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình từ người dân lại có số phận thật lênh đênh.

Ngày 15/01/2020, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực cho phép người dân giám sát lực lượng cảnh sát giao thông nhằm giảm tham nhũng thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp. Chỉ vài năm sau, Bộ Công an lại ra Thông tư 46/2024 có hiệu lực từ ngày 15/11/2024 không cho phép người dân giám sát cảnh sát giao thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình nữa.

Theo lý giải của Bộ Công an, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định ; có tình trạng lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng cảnh sát giao thông.

Cảnh sát giao thông làm việc trên đường phố được coi là đặc quyền đặc lợi. Trung tướng Lê Thế Tiệm, thứ trưởng Bộ Công an từng thốt lên : "Có cái gì ngoài đường mà con ai cũng xin gửi ra đó đứng ? Kỳ lạ là ngoài đường mưa gió cực khổ như vậy mà nhiều người ưng ? Giao thông là một khoa học vậy mà ai ra đường đứng cũng được, rồi cầm gậy quơ tứ tung sao ?".

Báo cáo khảo sát xã hội học "Tham nhũng dưới góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức" được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện với sự giúp đỡ của Thanh tra Chính phủ cho thấy, cảnh sát giao thông là ngành có nạn tham nhũng phổ biến nhất.

Báo cáo cũng chỉ ra "hệ thống tham nhũng được nuôi dưỡng bằng cả cầu và cung, trong một vòng tròn luẩn quẩn của các vấn đề quan liêu và các khoản chi trả không chính thức bị đòi hỏi hoặc gợi ý để giải quyết vấn đề".

Điều đó được minh họa rõ ràng qua lời kể của ông Nhựt, một tài xế xe khách ở Sài Gòn. Ông Nhựt cho RFA biết, mỗi khi vi phạm thì phải năn nỉ cảnh sát giao thông giảm mức phạt như cách người ta trả giá một món hàng ngoài chợ, bởi cả hai bên đều biết đó là cách đôi bên cùng có lợi, và thường thì cảnh sát giao thông đút túi từ 60% đến 80% số tiền ghi trên phiếu phạt.

"Nó ăn là ăn đậm chứ không có ăn nhẹ. Mức phạt năm triệu thì nó phải ăn ba, bốn triệu. Nó ra giá luôn. Không giam bằng lái thì giá khác nữa. Đông quá thì nó không dám ăn. Nó ăn kín không hà. Phải kẹp tiền vô cái bảo hiểm vì tờ bảo hiểm được xếp làm ba. Giấu vô kín kín rồi đem lại cho nó, nó mở cốp xe đằng sau rồi mình bỏ vô đó. Bây giờ tăng mức phạt lên cao thì nó ăn cao lên chứ đâu có ăn bình thường. Nó ép ghê lắm mà cũng phải chịu thôi vì nếu nó giam bằng lái xe mấy tháng coi như chết đói", ông Nhựt nói với RFA.

Cựu công an Nguyễn Doãn Tú cho rằng, Nghị định 168 được ban hành là một cách để ngành công an "hút máu" dân vì họ có nhiều cách để bẫy dân. Chẳng hạn như đề xuất bỏ đếm giây đèn tín hiệu giao thông ; đèn đang xanh bỗng chuyển sang đỏ mà không qua đèn vàng ; nhiều chỗ đèn xanh đèn đỏ chạy loạn xạ hoặc chớp liên tục…

"Để hạn chế việc cảnh sát giao thông phạt rồi bỏ túi riêng thì chỉ có cách sử dụng luật thôi. Phải có luật pháp rõ ràng, thống nhất và khoa học. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra" - ông Tú nói và dẫn phát biểu của cựu bộ trưởng Mai Tiến Dũng rằng chỉ có dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thôi.

Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng Lê Ngọc Nam từng phản đối cách làm việc của các đội đặc nhiệm, không đồng tình việc đội đặc nhiệm "ùa xuống bắt bớ cảnh sát giao thông sai phạm như tội phạm vì làm như vậy là bôi nhọ chính mình và ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của anh em".

Cũng theo ông Nguyễn Doãn Tú, một trong những điều ông được đào tạo trong ngành công an là đối với dân, chỉ bắt lỗi chứ không có chuyện nhân đạo gì hết. Nghĩa là khi cảnh sát giao thông dừng xe ai đó là họ sẽ tìm ra lỗi để có tiền đút túi.

Có thể thấy, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp phạt người vi phạm được hưởng lợi một cách "công khai nhưng kín đáo" từ Nghị định 168, Bộ Công an cũng hưởng lợi lớn khi liên tục đòi tăng tỷ lệ giữ lại tiền thu phạt vi phạm giao thông từ ngân sách. Trong giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ trích lại cho Bộ Công an là 70% ; năm 2022 và 2023 là 79% ; từ năm 2024 là 85%.

Như vậy, có thể coi Nghị định 168 là nghị định làm giàu thêm cho ngành công an bởi số tiền "ăn" trực tiếp khi "đứng đường" cũng tăng, mà số tiền được trích lại từ nguồn thu xử phạt nộp vào ngân sách cũng tăng.

Diễm Thi

*********************

Người dân bức xúc vì tín hiệu đèn giao thông trục trặc khi áp dụng mức phạt mới

RFA, 03/01/2025

Sáng 2/1/2025, một xe hơi đi vào ngã tư Tôn Đức Thắng thuộc phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng khi đèn xanh và đồng hồ đếm ngược đang chỉ số 50 thì đột nhiên đèn chuyển sang đỏ. Sự việc được một camera hành trình của xe hơi phía sau ghi lại và sau đó loan truyền trên mạng internet.

congan2

Đèn giao thông đếm ngược ở Sài Gòn - AFP

Ở một video khác đăng tải trên nhóm Facebook OFFB Sub, một xe hơi nhãn hiệu Vios dừng trước đèn đỏ ở một con phố trong đêm tối. Đèn đỏ chuyển sang đèn xanh một hai giây rồi lại chuyển sang đỏ khiến người tài xế không kịp phản ứng.

Cũng theo thông tin trên nhóm Facebook OFFB Sub, vào chiều ngày 03/1, trên quốc lộ 51 ở tỉnh Đồng Nai đã xảy ra vụ kẹt xe kéo dài hàng cây số, nguyên do là vì đèn tín hiệu giao thông bị trục trặc, và không có cảnh sát giao thông điều khiển nên các tài xế không dám đi vì sợ phạt vì lỗi đèn đỏ.

Trên đây chỉ là một số ít trường hợp người tham gia giao thông ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam gặp phải do lỗi của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, trong bối cảnh lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường xử phạt người vi phạm trật tự giao thông theo Nghị định 168, có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2025.

Theo nghị định mới, tài xế điều khiển xe hơi sẽ bị phạt từ 18 triệu đến 20 triệu đồng nếu vượt đèn đỏ, tăng so với mức 4-6 triệu đồng theo các văn bản cũ. Mức phạt mới đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy là 4-6 triệu đồng so với mức 800.000 đến một triệu đồng trước kia.

Từ Hà Nội, nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn cho biết gần đây nhiều người tham gia giao thông phản ánh việc đèn giao thông như "cái bẫy". Có trường hợp đang còn khoảng 35 giây đèn xanh bất ngờ chuyển sang luôn đèn đỏ mà không có đèn vàng, khiến nhiều lái xe trở tay không kịp.

Có trường hợp khác, đèn giao thông cùng lúc bật cả ba màu khiến lái xe không biết nên đi tiếp hay nên dừng lại.

Bên cạnh đó còn có trường hợp biển báo nằm khuất tầm nhìn khiến nhiều lái xe không hề biết nội dung biển báo. Thêm nữa, có nhiều đoạn đường vạch kẻ đường mờ, không còn nhìn rõ nét đứt hay nét liền.

Ông cho rằng cần phải xem xét lại việc áp dụng mức phạt cao khi cơ sở hạ tầng còn nhiều khiếm khuyết.

Một tài xế taxi công nghệ ở Hà Nội cho biết tình trạng tắc đường trở nên tồi tệ hơn mấy ngày nay khi áp dụng mức phạt mới vì nhiều người dừng xe trước giao lộ kể cả khi đèn còn xanh để tránh bị phạt, bên cạnh việc hệ thống đèn chập chờn ở nhiều giao lộ.

Ông cho biết việc ùn tắc từ hệ quả của nghị định mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mưu sinh của những người thường xuyên bám đường như ông. Ông nói trong điều kiện ẩn danh.

"Tôi thấy quy định mới đưa ra thì rất đúng, nhưng chưa phù hợp với cơ sở hạ tầng nên tắc đường nghiêm trọng. Hai hôm nay đi đường, có đoạn tắc 300 mét thay vì chỉ 100 mét trong năm cũ khiến tôi mất nhiều thời gian chờ đợi.

Thiệt hại của bản thân tôi là rất đáng kể nếu tình trạng tắc đường như này kéo dài".

Một cư dân ở thành phố Hồ Chí Minh cho RFA biết người này thường xuyên đi làm bằng xe hơi, và hai ngày nay phải mất nhiều thời gian hơn mới đến được chỗ làm ở tỉnh Đồng Nai.

"Trước tôi đi làm bằng ôtô mất nửa giờ mới đến nơi nhưng mấy ngày nay mất hơn một giờ vì tắc đường. Trước giờ mình vẫn đi đúng chứ có đi sai đâu, không bao giờ bị phạt vượt đèn đỏ".

Ông N., một người lái xe dịch vụ du lịch ở Nam Định, cho hay ông thường xuyên đưa khách từ quê nhà đi khắp các miền, đôi khi cũng gặp trường hợp tín hiệu đèn giao thông bị trục trặc, và trong một số thời điểm thì vẫn phải đi, chấp nhận việc có thể bị phạt để đến được đúng thời gian theo yêu cầu của khách.

Tuy nhiên, từ ngày Nghị định 168 có hiệu lực với mức phạt đến 20 triệu đồng thì ông không còn dám mạo hiểm nữa, cho dù có phải mất nhiều thời gian chờ đợi đèn đỏ.
Theo một luật sư ở Hà Nội, người không muốn nêu danh tính vì lý do an ninh, nói rằng người dân sẽ không bị phạt hành chính nếu chứng minh đèn giao thông bị lỗi.

Khi gặp phải trường hợp đèn tín hiệu giao thông trong tình trạng hư hỏng, không hoạt động hoặc tín hiệu không rõ ràng, người bị phạt có thể ghi lại bằng chứng bằng cách chụp ảnh hoặc quay video để chứng minh đèn giao thông không hoạt động đúng quy định vào thời điểm xảy ra sự việc.

Nếu bị phạt nguội, người bị phạt có thể chủ động khiếu nại việc bị phạt khi làm việc với cơ quan Cảnh sát giao thông kèm theo các hình ảnh, video thể hiện lỗi của đèn giao thông để được giải quyết đúng quy định, thậm chí khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Tuy nhiên, ông cũng nói rằng việc này mất thời gian và "chờ được vạ thì má đã sưng".

Nhà quan sát Nguyễn Anh Tuấn cho rằng việc đèn tín hiệu giao thông bị hỏng là điều khó tránh khỏi nhưng nhà chức trách cần phải hành động nhanh để bảo đảm giao thông không bị ngừng trệ, bằng cách cử cán bộ Cảnh sát giao thông ra điều tiết.

Về việc xử phạt người dân trong tình huống này ông nói :

"Cần ngay lập tức ban hành hướng dẫn ghi hình và cung cấp hình ảnh đúng quy chuẩn, về việc đèn giao thông bị lỗi, chủ phương tiện sau ghi hình đủ quy chuẩn, có thể tự tin di chuyển qua giao lộ, rồi sau đó, chủ phương tiện có thể tự bảo vệ mình bằng quy trình khiếu nại xóa lỗi vượt đèn, một cách dễ dàng nhanh chóng, thuận tiện như khiếu nại qua mạng internet, ít phiền hà cho người dân".

Nguồn : RFA, 03/01/2025

*********************

Công an giao thông thu 28 tỷ đồng tiền phạt ngày đầu năm, phạt nhóm Facebook báo chốt giao thông

RFA, 02/01/2025

Ngày đầu năm mới 2025, lực lượng công an giao thông ở Việt Nam đã xử lý hơn 13.000 trường hợp vi phạm giao thông, thu về gần 28 tỷ đồng, ngay sau khi nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đi vào hiệu lực.

congan3

Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội túc trực phân luồng giao thông. Ảnh : Thế Kỷ

Nghị định mới đã nâng mức phạt của 26 lỗi vi phạm giao thông lên nhiều lần so với quy định cũ. Mức phạt thấp nhất là từ 4-6 triệu đồng một vi phạm và cao nhất là 30-40 triệu đồng một vi phạm. Những mức phạt cũ cho các lỗi tương ứng này là 300.000-18 triệu đồng.

Báo chí Nhà nước ngày đầu năm mới cho biết một số người bị phạt vi phạm giao thông tỏ ra ngạc nhiên vì không biết quy định mới, trong khi một số người khác cho rằng mức phạt quá cao và họ có thể phải bỏ xe vì tiền phạt. Người làm công việc đưa hàng bằng xe máy cho rằng họ có thể phải bỏ nghề về mức phạt quá cao, vượt nhiều lần mức thu nhập hàng ngày của họ.

Trong khi đó, vào ngày 2/1, Bộ Công an cho báo trong nước biết Công an tỉnh Thái Nguyên vừa ra quyết định xử phạt ba người là quản trị viên nhóm "Báo chốt giao thông Thành phố Thái Nguyên" với hơn 13.000 thành viên.

Những người này bị phạt tiền, mỗi người là 7,5 triệu đồng.

Theo Công an, nhóm này thường xuyên đăng tải bài viết có nội dung thông báo hoạt động của các tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh. Mức phạt mới cho lỗi này của ô tô là 18 - 20 triệu đồng. Mức phạt cũ là 16 - 18 triệu đồng.

Nguồn : RFA, 02/01/2025

*******************************

Tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông : Người dân băn khoăn về tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông

RFA, 31/12/2024

Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, quy định nhiều mức phạt nặng cho các hành vi vi phạm luật lệ giao thông, với số tiền phạt tăng nhiều lần so với trước đây. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình về mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông nhưng cũng băn khoăn về tính chính xác và minh bạch của việc xử phạt cũng như tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông.

congan4

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, xử lý vi phạm giao thông.

Theo nghị định về mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có 26 lỗi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt bắt đầu vào ngày đầu năm mới. Mức phạt thấp nhất là từ 4-6 triệu đồng một vi phạm và cao nhất là 30-40 triệu đồng một vi phạm. Những mức phạt cũ cho các lỗi tương ứng này là 300.000-18 triệu đồng.

Theo quy định mới, tài xế điều khiển xe hơi sẽ bị phạt 18 triệu-20 triệu đồng nếu vượt đèn đỏ, tăng so với mức 4-6 triệu đồng theo các văn bản cũ (Nghị định 100, 123). Mức phạt mới đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy là 4-6 triệu đồng so với mức 800.000 đến một triệu đồng trước kia.

Mức phạt hành chính đối với nhiều hành vi vi phạm khác cũng có mức tăng cao, như đi vào đường cấm, mở cửa xe-để cửa xe mở không bảo đảm an toàn, sử dụng điện thoại khi lái xe, lùi xe hay đi ngược chiều trên đường cao tốc…

Ông Nguyễn Giang (tên đã được thay đổi vì lý do an ninh), một người dạy lái xe ô tô ở Nam Định nói với RFA ông hoàn toàn ủng hộ việc tăng cường xử phạt vi phạm luật lệ giao thông vì tình trạng giao thông quá hỗn độn hiện nay.

"Tôi cho rằng việc tăng mức xử phạt sẽ hạn chế các hành vi vi phạm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như vượt đèn đỏ, lùi xe hay đi ngược chiều trên cao tốc… và sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông".

Theo ông, Việt Nam cần cải thiện chất lượng đường xá, tín hiệu đèn giao thông và tăng cường lắp đặt camera ở giao lộ và những điểm giao thông nguy hiểm để sử dụng phạt nguội nhằm bảo đảm tính công bằng.

Truyền thông Nhà nước đưa tin trong năm 2024, đã có gần 24.000 vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam, làm gần 11.000 người thiệt mạng, hơn 17.700 người bị thương.
Một luật sư ở Hà Nội, người sử dụng xe máy để đi lại, đồng tình với mục tiêu kiềm chế tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam bằng việc tăng mức phạt.

Ông nói trong điều kiện ẩn danh : "Vấn đề là làm thế nào để việc xử phạt được đúng luật, nghiêm minh, tránh việc tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông, gây bức xúc trong xã hội bấy lâu nay".

Vị luật sư này cho biết hiện nay có cơ chế người bị phạt hành chính về vi phạm giao thông có quyền khởi kiện hành chính nếu thấy mình bị oan, nhưng "quá trình tố tụng và kết quả thì ít khi thuận lợi cho người dân cho dù về thủ tục khiếu kiện không phức tạp".

Facebooker Dương Quốc Chính, với 86 ngàn người theo dõi, trong trang Facebook cá nhân nói rằng việc tăng mức xử phạt sẽ tăng ý thức của người dân nhưng cũng sẽ "thúc đẩy việc ăn chia" giữa người vi phạm với Cảnh sát giao thông.

Theo ông, tài xế sẽ tăng cước phí giao thông vận tải, taxi, xe ôm để bù vào rủi ro bị phạt và sẽ tác động tới chi phí sản xuất và làm lạm phát tăng, và nguy cơ người vi phạm bỏ lại phương tiện giao thông vì mức phạt sẽ quá cao so với giá trị của xe.

Một phụ nữ ở Hà Nội, người sử dụng cả xe máy và ô tô để di chuyển, cho rằng mức phạt áp dụng từ ngày mai là quá cao so với mức lương cơ sở 2.34 triệu đồng/tháng hiện nay. Bà nói trong điều kiện ẩn danh : "Đó là hành vi ăn cướp ẩn dấu dưới vỏ bọc phạt, vì tiền phạt tăng rất cao nhưng lại không được dùng để đầu tư vào các công trình công cộng mà lại để thưởng cho Cảnh sát giao thông".

Theo bà, việc phạt nặng chỉ làm tăng hành vi hối lộ và nhận hối lộ trong lĩnh vực này, và cũng không có công bằng vì người dân không có quyền giám sát việc xử phạt của Cảnh sát giao thông.

Trên Facebook của mình, luật sư Nguyễn Văn Hòa ở Vũng Tàu cho rằng lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường giám sát và phạt nguội đối với nhiều lỗi nghiêm trọng, đặc biệt là lỗi vượt đèn đỏ ngay cả trong lúc đường vắng.

Về băn khoăn của nhiều người khác đối với tiêu cực của lực lượng Cảnh sát giao thông, ông cho rằng "Mọi người cứ chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn giao thông thì Cảnh sát giao thông không có lý do gì để thổi còi chặn xe của chúng ta cả !"

Nguồn : RFA, 31/12/2024