Nga bắn qua - Ukraine bắn lại, Putin hăm dọa - NATO chuẩn bị (Nhiều tác giả)
Putin ra lệnh tiếp tục "bắn thử" loại tên lửa có "độ chính xác cao" đã dùng để tấn công Ukraine
Trọng Thành, RFI, 23/11/2024
Trong một cuộc họp với giới chức quốc phòng Nga hôm qua, 22/11/2024, tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tiếp tục "bắn thử" loại tên lửa chiến lược tầm trung, đã dùng để tấn công một thành phố của Ukraine hôm 21/11, đồng thời yêu cầu chuyển sang "sản xuất hàng loạt". Theo báo chí Nga, được Le Monde trích dẫn, tổng thống Nga nhấn mạnh đây là loại hỏa tiễn "có độ chính xác cao, nhưng không phải vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Bộ trưởng quốc phòng Nga, Andrei Belousov (phải) và cố vấn quân sự của tổng thống Putin, Aleksei Dyumin dự cuộc họp hội đồng quân sự tại điện Kremlin hôm 22/11/2024. AP - Vyacheslav Prokofyev
Theo AFP, trong phát biểu trước ban lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các đại diện ngành công nghiệp quân sự, được phát trên truyền hình sau đó, tổng thống Nga đã hoan nghênh vụ bắn thử thành công tên lửa Oreshnik. Ông yêu cầu "tiếp tục các cuộc bắn thử, đặc biệt trong tình huống chiến đấu, và căn cứ theo bối cảnh và bản chất của các đe dọa đối với an ninh của nước Nga".
Dù nhấn mạnh đến "độ chính xác cao" của loại tên lửa này và không có phương tiện nào có thể chống đỡ được, nguyên thủ Nga cũng khẳng định đây không phải là loại "vũ khí hủy diệt hàng loạt", tức không phải là loại tên lửa có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân, như nhiều phỏng đoán.
Cũng trong cuộc họp này, tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, tướng Sergey Karakayev, tên lửa Oreshnik, với tầm bắn từ 3.000 đến 5.500 km, "có thể tấn công mọi mục tiêu tại Châu Âu". Trong phát biểu hôm 21/11, tổng thống Nga khẳng định vụ bắn tên lửa này là nhằm để trả đũa việc phương Tây bật đèn xanh cho Ukraine dùng hỏa tiễn chiến thuật tầm xa tấn công sâu vào đất Nga.
Chỉ huy tình báo Ukraine : Điện Kremlin "chưa hoàn toàn mất trí"
Theo AFP, việc Nga lần đầu tiên dùng tên lửa chiến lược tấn công trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine – cho dù không gây thiệt hại nhân mạng, theo Kiev – đã đánh dấu một bước leo thang mới trong xung đột Nga – Ukraine. NATO và Ukraine dự kiến có cuộc họp cấp đại sứ tại Bruxelles vào ngày 26/11, để bàn về cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh của Nga, theo đề nghị của Kiev.
Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR), ông Kyrylo Budanov, trong một phát biểu ngày hôm qua, cho hay việc điện Kremlin nói rõ đây không phải là loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cho thấy "họ chưa hoàn toàn mất trí". Lãnh đạo tình báo quân sự Ukraine cho biết thêm, theo các tin tức hồi tháng 10/2024, trên thực tế Nga mới chỉ chế tạo được hai tên lửa Orechnik, và hoàn toàn chưa có việc bước sang giai đoạn "sản xuất hàng loạt" loại tên lửa này.
Trọng Thành
******************************
Ukraine cần hệ thống phòng không tối tân trước những mối đe dọa mới
Phan Minh, RFI, 23/11/2024
Sau khi Ukraine bị tên lửa đạn đạo siêu thanh của Nga tấn công, tổng thống Volodymyr Zelensky, ngày 22/11/2024, kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp hệ thống phòng không tối tân nhất để tự vệ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự thượng đỉnh Hội đồng Chính trị Châu Âu tại Budapest, Hungary, ngày 07/11/2024. AP - Denes Erdos
Hãng tin AFP, dẫn lại thông điệp của tổng thống Zelensky, cho biết "bộ trưởng quốc phòng Ukraine hiện đang thảo luận với các đối tác về các hệ thống phòng không mới để tự vệ trước những mối đe dọa mới".
Hoa Kỳ trước đó đã cung cấp hệ thống phòng không Patriot mà Kiev dùng để đánh chặn nhiều tên lửa siêu thanh Kinjal mà Kremlin ca ngợi là "bất khả chiến bại", nhưng với số lượng quá ít để bảo vệ toàn lãnh thổ Ukraine.
Vẫn về xung đột Nga-Ukraine, Quốc hội nước này, hôm qua, đã hủy một phiên chất vấn chính phủ vì mối đe dọa tấn công từ Nga, theo tường trình của thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev :
Verkhovna Rada - Quốc hội Ukraine lẽ ra tổ chức một phiên chất vấn chính phủ, nhưng các dân biểu Ukraine sẽ phải chờ đến tháng 12 mới có thể tham gia phiên họp này, do mối đe dọa tên lửa Nga vào khu vực đầu não của chính quyền Ukraine, khiến phiên họp hôm qua bị hủy. Các dân biểu đã được thông báo về nguy cơ bị tấn công và được yêu cầu, cùng gia đình, không ở lại khu vực có nhiều cơ quan chính quyền, nằm ngay ở trung tâm Kiev.
Sự việc xảy ra hai ngày sau khi Nga thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa trong quá trình thử nghiệm, mà Moskva gọi là tên lửa siêu thanh tầm trung, nhắm vào thành phố Dnipro, trong bối cảnh Kremlin tuyên bố sở hữu thêm nhiều loại tên lửa này, một hình thức đe dọa Kiev.
Trong bài phát biểu hàng ngày, Volodymyr Zelensky đã đề cập đến việc phiên họp Quốc hội bị hủy. Không trực tiếp nhắm vào các đại biểu Quốc hội, nguyên thủ Ukraine kêu gọi mọi người tiếp tục hoàn thành công việc, trừ khi có báo động phòng không.
Vào thời điểm xảy ra sự việc nêu trên, còi báo động đã không vang, khiến tổng thống Zelensky bất bình. Sự cố nói trên diễn ra vào lúc Nga có thể hưởng lợi do tình hình bất ổn trong bộ máy Nhà nước Ukraine.
Phan Minh
*****************************
Sử dụng "tên lửa chiến lược" oanh kích Ukraine : Tín hiệu đe dọa mới của Nga nhắm vào Châu Âu ?
Trọng Thành, RFI, 22/11/2024
Trong đêm hôm 20 qua ngày 21/11/2024, Moskva đã dùng tên lửa đạn đạo chiến lược, có thể mang được đầu đạn hạt nhân, tấn công Ukraine. Cùng với việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân, mở rộng khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử trong xung đột, hành động nói trên của Nga rõ ràng là một bước leo thang mới trong cuộc đối đầu với phương Tây. Vậy mục tiêu của Nga là gì ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với quốc dân, ngày 21/11/2024, từ điện Kremlin via Reuters - Vyacheslav Prokofyev
Hiện tại các chuyên gia quân sự tiếp tục tìm hiểu về loại vũ khí đã được điện Kremlin sử dụng để tấn công một địa điểm thuộc thành phố Dnipro, miền trung Ukraine. Một số chuyên gia nói đến loại tên lửa chiến lược tầm trung có tầm bắn hơn 5.500 km được cải biên. Trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định đây là một "tên lửa đạn đạo tầm trung" (IRBM) đang trong giai đoạn thực nghiệm, mang tên "Oreshnik".
Lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo được sử dụng trên chiến trường
Có một điều được giới quan sát coi như chắc chắn : Hỏa tiễn vừa được dùng để oanh kích là một tên lửa đạn đạo chiến lược, và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một tên lửa chiến lược có thể mang đầu đạn hạt nhân được sử dụng để oanh kích đối phương. Theo chuyên gia Héloise Fayet, việc sử dụng tên lửa này "hoàn toàn không làm thay đổi đáng kể cục diện trên chiến trường", và những tên lửa loại này là rất đắt tiền và chắc chắn Nga không có nhiều. Vậy vì sao Nga dùng tên lửa đạn đạo chiến lược để tấn công Ukraine ?
Theo AFP, giới chuyên gia đều thống nhất ở một điểm : cuộc oanh kích này là một "thông điệp chính trị" gửi đến Kiev và các đồng minh phương Tây. Cuộc tấn công diễn ra ngay sau khi Kiev dùng các tên lửa chiến thuật tầm xa do Mỹ và Pháp, Anh viện trợ, với tầm bắn có thể lên đến 300 km, để tấn công một số mục tiêu trên đất Nga, điều vốn được Moskva coi như một "lằn ranh đỏ".
Điện Kremlin ngay lập tức hứa hẹn trả đũa. Nga cho thấy cũng sẵn sàng vượt qua lằn ranh đỏ. Cuộc oanh kích bằng tên lửa đạn đạo chiến lược nói trên diễn ra ngay sau khi điện Kremlin chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân, cho phép Nga dùng vũ khí hạt nhân tấn công một quốc gia không có vũ khí hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh quốc gia thù địch nói trên được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn, thách thức toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Ngụ ý rõ ràng nhắm vào Ukraine và đồng minh.
Cuộc oanh kích nói trên để ngỏ khả năng là Moskva có thể "sẵn sàng cho mọi kịch bản", nếu phương Tây hậu thuẫn Kiev mạnh mẽ hơn về quân sự, như điều mà Putin tái khẳng định hôm qua. Cuộc oanh kích lần này được tiến hành với tên lửa chiến lược không mang đầu đạn hạt nhân, thì lần tới, không thể loại trừ là với đầu đạn hạt nhân.
Hỏa tiễn đạn đạo khoét sâu chia rẽ Mỹ và Châu Âu
Theo một số chuyên gia, cảnh báo mới nói trên của Moskva không nhắm đến phương Tây nói chung, mà chủ yếu hướng đến Châu Âu. Theo phỏng đoán của chuyên gia về rủi ro an ninh quốc tế Stéphane Audrand, Nga không muốn leo thang căng thẳng trực tiếp với Mỹ, mà mục tiêu chính là "gia tăng áp lực tối đa với Châu Âu". Cuộc tấn công diễn ra đúng vào lúc nước Mỹ chuẩn bị chuyển giao quyền lực.
Việc Trump lên nắm quyền có thể là một cơ hội vàng với Moskva, bởi tổng thống tân cử Mỹ thường được coi là người có chủ trương giảm bớt hậu thuẫn quân sự của Hoa Kỳ với Châu Âu. Không có đủ hậu thuẫn của Mỹ, an ninh của Châu Âu sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết kể từ Thế Chiến Hai.
Dĩ nhiên, tại Châu Âu có hai cường quốc hạt nhân là Pháp và Anh. Vấn đề là Paris và Luân Đôn có sẵn sàng dùng hệ thống răn đe hạt nhân của mình để bảo vệ Châu Âu hay không ? Và các đồng minh Châu Âu có sẵn sàng đóng góp vào hệ thống răn đe hạt nhân chung này hay không ? Từ rất lâu nay, vấn đề này vẫn được để ngỏ, và hiện chưa có nỗ lực đáng kể nào để mang lại giải pháp.
Phản ứng răn đe trước mắt của các cường quốc hạt nhân Châu Âu
Để đáp trả lại tín hiệu đe dọa hạt nhân mới của Nga, ba cường quốc hạt nhân phương Tây, Mỹ, Anh và Pháp, được chờ đợi sẽ có các động thái "răn đe chiến lược" tương thích. Theo chuyên gia Stéphane Audrand, các phản ứng của các cường quốc hạt nhân phương Tây có thể ít được công chúng biết đến, nhưng đã mang lại hiệu quả.
Vào thời điểm khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine, tháng 2/2022, Moskva từng cho các tàu ngầm hạt nhân rời khỏi căn cứ. Ít tuần lễ sau, Pháp và Mỹ cũng làm tương tự để đáp trả. Rút cục Nga đã phải chọn giải pháp xuống thang, với việc đưa tàu về căn cứ. Chuyên gia Stéphane Audrand tin tưởng là một trong ba cường quốc hạt nhân phương Tây, hoặc cả ba sẽ có một tín hiệu như vậy trong thời gian tới để xác lập trở lại "thế cân bằng" về răn đe hạt nhân.
Trọng Thành
*****************************
Thực hư về tên lửa Nga đã sử dụng tấn công thành phố Dnipro
Thanh Hà, RFI, 22/11/2024
Vào lúc tổng thống Nga thừa nhận đã huy động tên lửa siêu thanh đời mới để tấn công vào một nhà máy quân sự của Ukraine và cho biết đó là Orechnik, một loại "tên lửa được thiết kế để mang theo đầu đạn hạt nhân", vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh loại hỏa tiễn này.
Hỏa hoạn bùng lên tại một địa điểm ở Dnipro, Ukraine, bị trúng tên lửa của Nga, ngày 21/11/2024. © Press service of the State Emergency Service of Ukraine in Dnipropetrovsk region/Handout via Reuters
Hôm 21/2024, trong những thông báo đầu tiên, Kiev cho biết thành phố Dnipro, miền trung Ukraine bị "một tên lửa đạn đạo liên lục địa, không mang đầu đạn hạt nhân" tấn công. Ngay sau đó, một nguồn tin quân sự Hoa Kỳ điều chỉnh lại rằng đây là "tên lửa tầm trung còn trong giai đoạn thử nghiệm". Lý do : trên nguyên tắc, tên lửa liên lục địa có tầm bắn tối thiểu 5.500 km, mà Dnipro không cách xa các căn cứ quân sự của Nga đến như vậy.
Về tên gọi loại vũ khí được sử dụng hôm qua để nhắm tới Ukraine, nếu như tổng thống Vladimir Putin xác nhận tên lửa Oreshnik đã được dùng để nhắm tới Dnipro, giới quan sát, được các hãng thông tấn quốc tế trích dẫn, thiên về khả năng đây là tên lửa RS-26-Rubezh, mà về mặt lý thuyết chương trình phát triển đã dừng lại từ năm 2018.
Một cơ quan tình báo Anh, được AFP trích dẫn, cho rằng "về mặt chính thức, Moskva chưa bao giờ xác nhận khai tử chương trình phát triển tên lửa RS-26" Theo một chuyên gia của đại học Oslo, có lẽ tổng thống Putin có một sự chọn lựa khác cho tương lai của các chương trình liên quan đến loại vũ khí này. RS-26-Rubezh được phát triển trên cơ sở sử dụng đến 90% công nghệ và phụ tùng được dùng cho loại tên lửa RS-26. Chuyên gia Pháp thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI, Héloise Fayet, cũng tin rằng tên lửa vừa nhắm tới Dnipro hôm qua là dòng RS-26.
Stéphane Audran, chuyên gia về quân sự của Pháp, nhắc lại : tên lửa dòng RS-26 có khả năng mang theo "nhiều đầu đạn", mà mỗi đầu đạn có thể nhắm vào một nơi, và nếu có mang theo đầu đạn hạt nhân, thì mỗi đơn vị có sức công phá "lớn gấp 10 lần so với quả bom đã thả xuống Hiroshima - Nhật Bản năm 1945".
Thanh Hà
*****************************
Pháp và Anh cam kết không để Putin "đạt được mục tiêu" tại Ukraine
Trọng Thành, RFI, 22/11/2024
Sau vụ Nga dùng tên lửa đạn đạo tấn công Ukraine, hôm qua, 21/11/2024, ngoại trưởng Pháp và Anh đồng ký tên vào một phát biểu chung, lên án nỗ lực của nhà cầm quyền Nga "hủy diệt kiến trúc an ninh (quốc tế) đã bảo đảm nền hòa bình kéo dài nhiều thế hệ", đưa thế giới trở lại kỉ nguyên lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.
Một vụ nổ tại Kiev do bị Nga tấn công bằng drone, ngày 03/11/2024. Reuters - Gleb Garanich
Trong bài phát biểu, đăng tải trên trang mạng báo Le Figaro, ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot và đồng nhiệm Anh David Lammy cam kết cùng các đồng minh "triển khai mọi nỗ lực cần thiết để giúp Ukraine có được vị thế thuận lợi nhất, nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững".
NATO tiếp tục hậu thuẫn Kiev
Tối hôm 21/11/2024, NATO ra một thông báo nhấn mạnh việc Nga sử dụng "tên lửa đạn đạo tầm trung" chống lại Ukraine "sẽ không làm thay đổi tiến trình xung đột cũng như quyết tâm của các đồng minh NATO hậu thuẫn Kiev". AFP hôm nay 22/11, cho hay theo một số nguồn tin ngoại giao, NATO và Ukraine có cuộc họp cấp đại sứ tại Bruxelles vào ngày 26/11, để bàn về cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh của Nga, theo đề nghị của Kiev.
Về phản ứng từ Ukraine, thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết cụ thể :
"Ngày thứ Tư 20/11, nhiều sứ quán tại Kiev đóng cửa với thông báo đã nhận được thông tin về một cuộc oanh kích lớn và ngay tức khắc tại Ukraine. Việc Moskva hôm qua sử dụng một loại tên lửa mới để tấn công thành phố Dnipro dường như đã xác nhận các lo ngại này có cơ sở.
Tổng thống Ukraine lên án cuộc tấn công mới : "Hôm nay, kẻ láng giềng điên rồ của chúng ta một lần nữa đã cho thấy bộ mặt thật của mình, cho thấy nhà cầm quyền Nga sẵn sàng chà đạp lên phẩm giá, tự do và quyền sống của mọi người như thế nào, và cũng cho thấy họ sợ hãi đến mức nào, khi phải sử dụng các loại tên lửa mới như vậy".
Ukraine thoạt tiên nói đến việc Nga sử dụng một tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng giờ đây Kiev chỉ nói đến tên lửa tầm trung, tương tự như các đồng minh, trong khi chờ đợi thẩm định của các chuyên gia.
Tổng thống Ukraine nói : Putin tìm kiếm vũ khí khắp nơi trên thế giới. Đôi lúc ở Iran, đôi lúc ở Bắc Triều Tiên, và giờ đây là tên lửa mới này, có các đặc tính giống với tên lửa liên lục địa, về các chỉ số như tốc độ, độ cao. Các điều tra vẫn đang diễn ra. Nhưng rõ ràng là Putin đang sử dụng Ukraine như một thao trường. Điều rõ ràng là ông ta sợ hãi khi chứng kiến cuộc sống bình thường đang diễn ra quanh mình, khi tất cả mọi người đơn giản là muốn sống có phẩm giá.
Ngày 21/11 là ngày Tự Do và Phẩm Giá tại Ukraine, kỉ niệm các cuộc cách mạng 2004 và 2013, khi người dân nổi dậy chống lại sự cai trị của Nga. Bất chấp các cuộc tấn công gần như hàng ngày của Moskva, dân chúng tại đây không chấp nhận từ bỏ ước mơ về một nước Ukraine độc lập, hội nhập với Châu Âu".
Nga thông báo với Mỹ 30 phút trước cuộc tấn công
Theo phát ngôn viên của điện Kremlin, được báo chí Nga dẫn lại, Moskva đã thông báo với Washington 30 phút trước khi tiến hành cuộc oanh kích. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận là phía Mỹ đã được thông báo qua "các kênh giảm thiểu nguy cơ hạt nhân".
Người phát ngôn của Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre, cho biết "xem xét nghiêm túc" các đe dọa từ Nga, nhưng tái khẳng định Mỹ "không lý do gì" để thay đổi học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của mình, sau khi Nga quyết định mở rộng các trường hợp cho phép sử dụng vũ khí nguyên tử.
Trọng Thành
**************************
Vladimir Putin : Chiến tranh Ukraine đã mang tính "toàn cầu"
Thanh Hà, RFI, 22/11/2024
Xung đột Ukraine đã "mang tính toàn cầu" và Moskva "không loại trừ khả năng tấn công" các nước cung cấp vũ khí cho Kiev xâm hại lãnh thổ Nga. Phát biểu hôm qua 21/11/2024 tổng thống Vladimir Putin tuyên bố như trên đồng thời xác nhận tên lửa Nga nhắm vào thành phố Dnipro là loại vũ khí được chế tạo để mang theo đầu đạn hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với quốc dân, từ điện Kremlin, Moskva, ngày 21/11/2024 © Kremlin.ru / Handout via Reuters
Trong bài phát biểu trên đài truyền hình dài 10 phút tổng thống Vladimir Putin tố cáo Ukraine dùng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh bắn vào lãnh thổ Nga. Hai mục tiêu mà Ukraine nhắm tới là các cơ sở quân sự của Nga ở vùng Briansk và Kursk nhưng điện Kremlin khẳng định Kiev đã "thất bại" khi nhắm tới cả hai mục tiêu này. Với giọng điệu cứng rắn Vladimir Putin cho rằng một khi mà tên lửa nước ngoài cung cấp cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga thì cuộc "xung đột đã mang tính toàn cầu". Do vậy, Moskva cảnh báo là hoàn toàn "có quyền sử dụng vũ khí để nhắm tới các cơ sở quân sự của những nước cho phép Ukraine dùng vũ khí của họ tấn công các cơ sở của Nga".
Theo thông tín viên Anissa El Jabri phân tích thêm về giọng điệu cứng rắn của tổng thống Vladimir Putin trong phát biểu hôm qua :
Vladimir Putin muốn bắt mọi người phải chú ý về tầm mức quan trọng những phát biểu của ông. Chính vì thế mà về mặt hình thức, thông báo chỉ kéo dài vài chục giây trước khi ông xuất hiện trên các đài truyền hình. Nguyên thủ Nga ngồi ở bàn làm việc, sau lưng là quốc kỳ Nga. Cách dàn cảnh này chỉ được dành cho những thời khắc nghiêm trọng. Thí dụ như hồi tháng 2 năm 2022 khi ông thông báo khởi động chiến tranh Ukraine, hay vào tháng 9 cùng năm lúc mà tổng thống Putin ban hành lệnh tuyển lính dự bị và thông báo sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine. Tương tự như vậy tháng 6/2023 khi Vladimir Putin lên tiếng về cuộc nổi dậy của Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh lực lượng bán quân sự. Mọi người hiểu rằng chính quyền Nga muốn tạo dấu ấn trong công luận nước này cũng như các đối thủ của Nga rằng đây là thời điểm then chốt của cuộc chiến tranh. Điện Kremlin muốn tạo ra sự sợ hãi, gia tăng áp lực với Ukraine và các đồng minh của Kiev, nhất là Hoa Kỳ và muốn đặt mọi người trước một sự lựa chọn rất phũ phàng : chiến tranh toàn diện hay chấm dứt cuộc chiến này theo các điều kiện do Moskva áp đặt. Chiến tranh toàn diện có nghĩa là nước Nga sẽ thi hành điều mà chính Vladimir Putin từng đe dọa hồi tháng 6/2024, qua tuyên bố : "Chúng tôi quan niệm có quyền sử dụng vũ khí để tấn công các cơ sở quân sự của những quốc gia nào cho phép dùng vũ khí của họ để nhắm vào những cơ sở của nước Nga. Trong trường hợp những hành vi thù nghịch nhắm vào nước Nga gia tăng, chúng tôi sẽ đáp trả một cách tương xứng".
Điện Kremlin đã ghi nhận về những tranh cãi tại các nước phương Tây liên quan đến những lằn răng đỏ dù là thực hay ảo của Nga. Đương nhiên đó là mục tiêu của tổng thống Putin : ông muốn tận dụng thời cơ này để nhấn mạnh trở lại đến khả năng răn đe của nước Nga mà theo ông, có thể là chưa đủ mạnh.
Thanh Hà
*************************
Ukraine nói tên lửa mới của Nga đạt tốc độ hơn 13.000 km/giờ
Reuters, VOA, 22/11/2024
Tên lửa của Nga tấn công thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11 đã đạt tốc độ tối đa hơn 13.000 km/giờ và mất khoảng 15 phút để tới được mục tiêu sau khi phóng, Ukraine cho biết hôm 22/11 trong đánh giá công khai đầu tiên về vũ khí mới.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được thử nghiệm trong cuộc tập trận hạt nhân của Moscow từ một bãi phóng ở Plesetsk, phía Tây Bắc nước Nga. Ảnh : Bộ Quốc phòng Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó nói rằng Moscow đã tấn công một cơ sở quân sự của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung mới có tên gọi là "Oreshnik" như một lời cảnh báo với phương Tây không được hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Cuộc tấn công diễn ra khi cuộc chiến của Nga đang gần đến mốc ba năm và trong bối cảnh Ukraine bắn tên lửa tầm xa do các đồng minh phương Tây cung cấp vào các mục tiêu bên trong nước Nga.
"Thời gian bay của tên lửa Nga từ thời điểm phóng ở khu vực Astrakhan đến khi chạm đích ở thành phố Dnipro là 15 phút", Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine (HUR) cho biết trong một tuyên bố.
"Tên lửa được trang bị 6 đầu đạn : mỗi đầu đạn được trang bị 6 đầu đạn con. Phần cuối của quỹ đạo đạt tốc độ cao hơn Mach 11".
Mach là phép đo tốc độ siêu thanh. Mach 11 tương đương khoảng 13.600 km/giờ.
HUR cho biết thêm rằng vũ khí này có khả năng đến từ tổ hợp tên lửa Kedr, mà phó giám đốc Vadym Skibitsky nói với truyền thông Ukraine là có liên quan đến hệ thống Oreshnik và được thử nghiệm lần đầu vào tháng 6 năm 2021.
Theo hãng thông tấn Ukrinform, ông Skibitsky nói rằng Nga có thể có ít nhất 10 tên lửa như vậy để thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.
Ban đầu, Kyiv cho rằng Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng các quan chức Hoa Kỳ và NATO đồng tình với mô tả của ông Putin về vũ khí này là tên lửa đạn đạo tầm trung.
Bộ ngoại giao Ukraine hôm 21/11 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng nhanh chóng với cuộc tấn công.
Một nguồn tin của NATO cho biết hôm 22/11 rằng NATO sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Ukraine tại trụ sở của liên minh ở Brussels vào ngày 26/11 để thảo luận về cuộc tấn công của Moscow.
Nguồn : VOA, 22/11/2024
************************
Lần đầu tiên, Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa liên lục địa
Thu Hằng, RFI, 21/11/2024
Liệu Moskva bắt đầu trả đũa Kiev vì dùng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh tấn công vào lãnh thổ Nga. Ngày 21/11/2024, lần đầu tiên, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sang Ukraine.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Yars được phô diễn trong lễ duyệt binh nhân Ngày Chiến Thắng ở Moskva. AFP – Tatyana Makeyena
Sáng sớm 21/11, Nga đã phóng rất nhiều loại tên lửa vào thành phố Dnipro, miền trung Ukraine, nhắm vào các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trong một thông cáo, không quân Ukraine nhấn mạnh đến "một tên lửa đạn đạo liên lục địa được phóng từ vùng Astrakhan (giáp biển Caspi) ở Liên bang Nga".
Lực lượng phòng không Ukraine cho biết đã bắn hạ 6 tên lửa Nga nhưng không nêu rõ bắn hạ được tên lửa ICBM hay không. Trận oanh kích của Nga đã phá hủy một trung tâm phục hồi chức năng, một nhà máy và nhiều ngôi nhà, có hai người bị thương ở thành phố Dnipro.
Một nguồn tin trong không quân Ukraine xác nhận với AFP rằng đây là lần đầu tiên kể từ khi điện Kremlin phát động cuộc xâm lược, quân đội Nga sử dụng loại vũ khí này. Tên lửa đạn đạo liên lục địa được thiết kế để cùng lúc mang được nhiều đầu đạn quy ước và hạt nhân nhưng lần này không mang hạt nhân.
Khi được hỏi về việc Moskva phóng tên lửa liên lục địa có thể nhắm đến các mục tiêu cách xa vài nghìn km, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết "không có gì để nói về chủ đề này".
Nga và Ukraine đã gia tăng sử dụng tên lửa tầm xa trong những ngày gần đây. Ngay sau khi Washington cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga, chính quyền Luân Đôn cũng bật đèn xanh đối với tên lửa Storm Shadow cho Kiev.
Thu Hằng
************************
Đến lượt tên lửa Anh-Pháp được bắn vào Nga
BBC, 21/11/2024
Theo tìm hiểu của BBC, Ukraine đã lần đầu tiên bắn tên lửa Storm Shadow do Vương quốc Anh cung cấp tới các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Trước đây, Ukraine chỉ được phép sử dụng loại tên lửa tầm xa này trong phạm vi lãnh thổ của mình.
Động thái này xảy ra không lâu sau khi Mỹ cho phép Ukraine phóng tên lửa do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga.
Chính phủ Anh từ chối bình luận về các thông tin này, nhưng các quan chức xác nhận rằng Bộ trưởng Quốc phòng John Healey đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine vào tối 19/11 giờ địa phương.
Các bộ trưởng có thể sẽ thận trọng trong phản ứng của họ đối với các thông tin về vụ việc này do lo ngại phản ứng của Nga, cũng như để đảm bảo rằng hành động trên không bị hiểu là do Anh dẫn đầu.
Trước đó tại Hạ viện, Bộ trưởng Healey nói : "Hành động của Ukraine trên chiến trường đã nói lên tất cả".
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cũng từ chối xác nhận việc sử dụng tên lửa Storm Shadow trong lãnh thổ Nga, nhưng cho biết họ đang "sử dụng tất cả các biện pháp để bảo vệ đất nước mình".
Matthew Miller, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng không bình luận về việc Ukraine sử dụng tên lửa do Anh cung cấp hoặc liệu Mỹ có cung cấp hỗ trợ định vị cho việc sử dụng các tên lửa nói trên hay không.
Khi được BBC hỏi liệu Ukraine có tham khảo ý kiến hoặc thông báo cho Mỹ về việc sử dụng tên lửa do Anh cung cấp hay không, ông Miller trả lời mình sẽ không "nói công khai về việc sử dụng vũ khí của một quốc gia khác".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây của Kyiv ủy quyền sử dụng tên lửa tầm xa để bắn vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nói rằng đó là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh.
Storm Shadow được xem như vũ khí lý tưởng để xuyên thủng các boong ke kiên cố và các kho đạn dược - chẳng hạn như những thứ được Nga sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraine. Trước đây, Mỹ và Anh không cho phép Ukraine làm như thế vì cho rằng điều đó có thể khiến chiến tranh leo thang. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp để tấn công Nga. Sau đó, Ukraine đã sử dụng ATACMS để bắn vào tỉnh Bryansk giáp với Ukraine vào hôm 19/11.
Mỹ cũng đã chấp thuận gửi mìn cho Ukraine nhằm làm chậm tiến độ của quân đội Nga.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil hôm 19/11, Thủ tướng Anh Keir Starmer khẳng định Anh sẽ "đảm bảo Ukraine có những gì cần thiết trong thời gian dài nhất có thể".
Tên lửa Storm Shadow
Storm Shadow là một tên lửa hành trình tầm xa của Anh-Pháp với tầm bắn tối đa 250 km. Tên tiếng Pháp của tên lửa này là Scalp.
Nó được phóng từ máy bay sau đó bay với tốc độ gần bằng tốc độ âm thanh, bám sát mặt đất trước khi rơi xuống và kích nổ đầu đạn.
BBC Verify đã chỉ các hình ảnh trên Telegram cho thấy các mảnh vỡ của một tên lửa Storm Shadow ở tỉnh Kursk của Nga cho các chuyên gia vũ khí.
Amael Kotlarski, trưởng nhóm vũ khí tại công ty Janes chuyên về quân sự, nói : "Chúng tôi có thể xác nhận rằng mảnh vỡ lớn, hình chữ nhật, có một lỗ ở giữa, thực sự khớp với một phần giao diện lắp đặt của tên lửa Storm Shadow/SCALP EG".
Mỗi quả tên lửa Storm Shadow có giá gần 1 triệu USD. Do đó việc sử dụng chúng phải được tính toán kỹ lưỡng. Thông thường, các máy bay không người lái (drone) giá rẻ sẽ được phóng trước nhằm đánh lạc hướng và làm suy yếu hệ thống phòng không của địch - giống như cách mà Nga làm với Ukraine.
Các tên lửa này đã được sử dụng với hiệu quả cao, nhắm trúng các trụ sở hải quân Biển Đen của Nga tại thành phố Sevastopol ở Crimea và khiến bán đảo này không còn an toàn cho hải quân Nga.
Justin Crump, một nhà phân tích quân sự, cựu sĩ quan quân đội Anh và giám đốc điều hành công ty tư vấn Sibylline, nói rằng Storm Shadow đã và đang là một vũ khí cực kỳ hiệu quả cho Ukraine, có thể tấn công chính xác các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt tại các khu vực bị chiếm đóng.
"Không ngạc nhiên khi Kyiv vận động hành lang để sử dụng các vũ khí này bên trong lãnh thổ của Nga, đặc biệt là nhắm vào các sân bay đang được dùng để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom lượn, vốn gần đây đã gây trở ngại cho các nỗ lực của Ukraine ở tiền tuyến".
Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại viện nghiên cứu Rusi, tin rằng điều này cũng có thể đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Nga về việc bố trí phòng không ở đâu, tạo cơ hội để máy bay không người lái của Ukraine dễ dàng vượt qua hơn. Tuy nhiên, ông Savill đánh giá rằng sau cùng, Storm Shadow khó có thể đảo ngược tình thế. Ukraine không có nhiều tên lửa và Anh quốc cũng chỉ còn rất ít tên lửa để cung cấp.
Phản ứng của các bên
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc các nước phương Tây ủng hộ Ukraine sử dụng đất nước này "như một công cụ" để tiến hành chiến tranh.
Vào hôm 18/11, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp theo cách tương tự, ông Peskov nhắc lại lời Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng bất kỳ động thái nào của một quốc gia NATO ủy quyền sử dụng tên lửa tầm xa sẽ là một tuyên bố chiến tranh.
Sau khi có thông tin về việc Kyiv bắn tên lửa Anh-Pháp vào lãnh thổ Nga, chính phủ các nước Brazil, Chile, Colombia và Mexico đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp nhằm đề nghị "tránh các hành động làm leo thang cuộc chạy đua vũ trang và làm trầm trọng thêm xung đột giữa Liên bang Nga và Ukraine".
Trong bài phát biểu qua video mỗi đêm vào ngày 20/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận rằng có rất nhiều "nỗi lo và câu hỏi" về mối đe dọa sắp xảy ra từ một cuộc tấn công lớn của Nga.
Tại Anh quốc, mặc dù chưa có xác nhận nào từ London rằng tên lửa Storm Shadow đã được sử dụng để bắn vào bên trong lãnh thổ Nga, nhiều nghị sĩ hiểu rằng vị bộ trưởng quốc phòng đã ngầm thừa nhận điều đó.
Một số người lo lắng về những tác động của việc này - chẳng hạn như liệu Nga có thể đáp trả bằng một cuộc tấn công mạng hay tấn công các tuyến cáp thông tin liên lạc dưới biển không ?
Nhưng nhiều người cho rằng đây là một động thái cần thiết, thậm chí là muộn màng, nhằm tăng cường hỗ trợ cho đồng minh dân chủ đang tiếp tục phải đối mặt với sự tấn công từ Nga.
Nguồn : BBC, 21/11/2024
***********************
'Ukraine bắn tên lửa của Mỹ vào Nga', chuyện gì tiếp theo ?
BBC, 20/11/2024
Ukraine đã lần đầu tiên bắn tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp vào lãnh thổ Nga chỉ một ngày sau khi Washington cho phép tấn công như vậy, theo chính phủ Nga.
ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km và rất khó bị đánh chặn do có tốc độ cao - White Sands MissileRange
Các quan chức Mỹ cũng xác nhận việc sử dụng Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) với đài CBS - đối tác của BBC tại Mỹ. Ukraine chưa đưa ra bình luận gì.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tấn công đã nhằm vào tỉnh Bryansk giáp với Ukraine về phía bắc vào sáng ngày 19/11.
Bộ này nói năm tên lửa đã bị bắn hạ và một tên lửa đã gây ra thiệt hại với các mảnh vỡ của nó tạo ra một đám cháy tại một căn cứ quân sự. Nhưng hai quan chức Mỹ cho biết các dấu hiệu ban đầu cho thấy Nga chỉ chặn được hai tên lửa trong số khoảng tám tên lửa do Ukraine phóng. BBC chưa thể xác minh độc lập các con số mâu thuẫn này.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Washington cố tình làm leo thang xung đột. "Việc ATACMS được sử dụng nhiều lần trong đêm để tấn công tỉnh Bryansk chắc chắn là một tín hiệu cho thấy họ [Mỹ] muốn leo thang", ông nói. "Và nếu không có người Mỹ, việc sử dụng những tên lửa công nghệ cao này, như [Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã nói nhiều lần, là không thể".
Ông nói rằng sắp tới Nga sẽ "hành động với cách hiểu" rằng những quả tên lửa này được "các chuyên gia quân sự Mỹ" vận hành. "Chúng tôi sẽ coi đây là một giai đoạn mới của cuộc chiến phương Tây chống lại Nga và sẽ phản ứng phù hợp", ông nói trong một cuộc họp báo tại hội nghị G20 ở Rio de Janeiro, Brazil.
Cũng trong ngày 19/11, Điện Kremlin đã phê duyệt những thay đổi đối với học thuyết hạt nhân của Nga, đưa ra những điều kiện mới mà theo đó nước này sẽ cân nhắc sử dụng kho vũ khí của mình.
Giờ đây, họ cho rằng một cuộc tấn công từ một quốc gia phi hạt nhân, nếu được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn, sẽ được coi là một cuộc tấn công chung vào Nga.
Bình luận về những thay đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói : "Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, [Nga] đã tìm cách cưỡng ép và đe dọa cả Ukraine lẫn các quốc gia khác trên thế giới thông qua diễn ngôn và hành động vô trách nhiệm liên quan tới hạt nhân".
Ông nói thêm rằng Mỹ chưa "thấy lý do" để thay đổi lập trường hạt nhân của riêng mình, nhưng sẽ "tiếp tục yêu cầu Nga ngừng luận điệu và hành động hiếu chiến và thiếu trách nhiệm".
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng mô tả động thái này là "luận điệu vô trách nhiệm", đồng thời nói thêm rằng "sẽ không làm giảm sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine".
Ukraine đã sử dụng ATACMS ở các khu vực do Nga chiếm đóng trên lãnh thổ của mình trong hơn một năm. Các tên lửa có thể tấn công các mục tiêu ở tầm xa lên đến 300 km và rất khó bị chặn. Kyiv giờ đây có thể tấn công sâu hơn vào Nga bằng cách sử dụng tên lửa này, bao gồm cả tỉnh Kursk - nơi quân Ukraine đang chiếm giữ hơn 1.000 km2 lãnh thổ.
Các quan chức Ukraine và Mỹ được cho là đang dự báo một cuộc phản công ở khu vực này.
Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tấn công đã được tiến hành vào lúc 7 giờ 25 sáng 19/11 giờ Việt Nam. Một đám cháy do mảnh vỡ của một trong những tên lửa gây ra đã nhanh chóng được dập tắt và không có thương vong, bộ này nói.
Quân đội Ukraine trước đó đã xác nhận rằng họ đã tấn công một kho đạn ở tỉnh Bryansk của Nga, nhưng họ không nói rõ liệu ATACMS đã được sử dụng hay không.
Họ nói rằng cuộc tấn công nhằm vào một nhà kho cách biên giới khoảng 100 km, gần thị trấn Karachev thuộc tỉnh Bryansk, đã gây ra 12 vụ nổ dây chuyền.
'Đẩy Nga lùi sâu hơn nữa'
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thúc giục Châu Âu "đẩy Nga lùi sâu hơn" trong bài phát biểu đánh dấu 1.000 ngày kể từ khi Tổng thống Nga Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện. "Ông ta [Putin] càng có nhiều thời gian thì tình hình càng trở nên tồi tệ hơn", ông Zelensky phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Nghị viện Châu Âu vào ngày 19/11.
Bài phát biểu diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng Ukraine đã lần đầu tiên sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công một mục tiêu sâu bên trong nước Nga.
Ukraine được cho là chỉ được phép sử dụng tên lửa để bảo vệ lực lượng của mình bên trong tỉnh Kursk của Nga - nơi Kyiv dự báo sẽ có cuộc phản công của quân Nga và Triều Tiên trong vài ngày tới. Vị tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng việc lính Triều Tiên được điều tới là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Moscow quyết tâm leo thang xung đột.
Trong khi đó, học thuyết hạt nhân mới được Điện Kremlin cập nhật cho rằng một cuộc tấn công quy mô lớn vào Nga bằng tên lửa, máy bay không người lái hoặc máy bay thông thường là đủ để nhận lại một sự đáp trả hạt nhân. Các cuộc tấn công vào Belarus hoặc bất kỳ mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với chủ quyền của Nga cũng sẽ nhận phản ứng tương tự.
Người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu (EU) Josep Borrell Fontelles cũng nói vào hôm 19/11 rằng EU tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, nhưng "cần phải làm nhiều hơn và nhanh hơn".
"Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục thúc đẩy hỗ trợ để giúp Ukraine giành chiến thắng và mang lại hòa bình cho lục địa của chúng ta", ông Borrell nói trong một video được đăng tải trên mạng xã hội X.
Nguồn : BBC, 20/11/2024
************************
Moskva đe dọa đáp trả vụ Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa Mỹ bắn vào lãnh thổ Nga
Chi Phương, RFI, 20/11/2024
Vài ngày sau khi được bật đèn xanh, Ukraine hôm qua, 19/11/2024, đã bắn tên lửa tầm xa mà Mỹ viện trợ, sang lãnh thổ Nga. Chính quyền Moskva cho biết đã bị tấn công bởi 6 tên lửa của ATACMS của Mỹ và đe dọa sẽ có cách đáp trả Ukraine một cách "phù hợp". Theo Nga, cuộc chiến đang "chuyển sang giai đoạn mới", vào lúc tổng thống Vladimir Putin ký phê chuẩn mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân.
Hình ảnh trích từ video do kênh Telegram liên kết với quân đội Ukraine đăng tải ngày 19/11/2024 cho thấy tên lửa ATACMS được bắn từ một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine. AP
Theo quân đội Nga, vào lúc 3 giờ 25 phút, "kẻ thù đã tấn công vào vùng Briansk, cách biên giới với Ukraine không xa, bằng tên lửa chiến thuật ATACMS, 5 tên lửa đã bị phá hủy, và một tên lửa khác đã bị phòng không Nga làm hư hại". Chính quyền Nga không nêu rõ có thiệt hại về nhân mạng hay không.
Mặc dù Hoa Kỳ hay Ukraine vẫn chưa chính thức thừa nhận về vụ tấn công này, nhưng một quan chức Ukraine, xin ẩn danh, đã xác nhận về vụ tấn công này với AFP. Lãnh đạo Volodymyr Zelensky cũng đã từng cho biết, Ukraine có các tên lửa này và "sẽ sử dụng chúng".
Từ Moskva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm thông tin :
"Cần phải nhớ rằng là Nga đã rất chú ý theo dõi các cuộc tranh luận ở Ukraine và tại các nước đồng minh phương tây của Kiev.
Một trong những luận điểm được nhắc lại từ lâu bởi những người thúc đẩy cho phép Kiev dùng vũ khí này tấn công Moskva là việc ‘Nga đe dọa, nhưng không có lằn ranh đỏ’. Đó cũng là chủ đề được tranh luận tối qua trên truyền hình Nga.
Nghị sĩ cộng sản, chủ tịch một ủy ban Quốc hội về các vấn đề của Cộng đồng các nước độc lập (CEI) tức là tổ chức của các nước từng thuộc Liên Xô và vẫn thân Nga, ông Leonid Kalashnikov cho biết : "Đối với tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, có lẽ sẽ dễ dàng để đồng ý, cho phép Ukraine (sử dụng vũ khí tầm xa tấn công), nhưng đột nhiên ông ta im lặng và không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Có vẻ như Washington muốn xem phản ứng của Nga sẽ ra sao. Học thuyết hạt nhân của Nga không phải là tin đồn nhảm. Bởi vì nếu đúng vậy, thì ngày mai, sẽ không phải chỉ là tên lửa có tầm bắn 300 km vào lãnh thổ Nga, mà là 500, 1000, 2000 km. Chúng tôi đã nhìn thấy tất cả những điều đó, như việc cung cấp cho Ukraine các xe tăng, máy bay và các loại tên lửa khác".
Mối đe dọa lửa hạt nhân vẫn còn đó, và hôm nay, một số chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại, việc chuyển giao quyền lực ở Washington có thể thúc đẩy căng thẳng leo thang. Moskva có thể tính toán và đổ trách nhiệm cho chính quyền của tổng thống mãn nhiệm Joe Biden. Như vậy, Nga sẽ không làm mất đi cơ hội đàm phán với chính quyền Donald Trump.
Một số chuyên gia khác thì lại nhấn mạnh rằng mỗi lần phe diều hâu Nga muốn thúc đẩy việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì đều vấp phải một thực tế. Đó là các nước thân cận với Nga, cũng như là các nước từ chối lên án cuộc chiến này, đều không muốn nhìn thấy viễn cảnh "lửa hạt nhân". Đó là những nước thuộc BRICS, hay Trung Quốc, hiện là đồng minh quan trọng của Kremlin.
Tình hình trở nên căng thẳng vào lúc tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân trong học thuyết, mà nhiều nước phương tây đồng loạt lên án. Trung Quốc kêu gọi các bên bình tĩnh.
Tại Kiev, sứ quán Hoa Kỳ hôm nay, trong một thông cáo đã cảnh báo một cuộc không kích lớn của Nga, nhắm vào thủ đô Ukraine và "như một biện pháp phòng ngừa, sứ quán Hoa Kỳ sẽ đóng cửa và các nhân viên đại sứ quán được yêu cầu đến nơi trú ẩn".
Chi Phương