Chiến tranh Ukraine trước ngày Donald Trump nhậm chức (RFI tiếng Việt)
Tạp chí đặc biệt
Nga và phương Tây gia tăng áp lực trước ngày Trump nhậm chức
Minh Anh, RFI, 23/11/2024
Gần đến ngày Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng, giao tranh giữa Nga và Ukraine gia tăng cường độ, diễn ra ác liệt. Căng thẳng giữa Nga với phương Tây đánh dấu một bước leo thang mới.
Một thành viên lực lượng cảnh sát đặc biệt Hyzhak của Ukraine khai hỏa một Howitzer D30 về phía quân Nga gần tiền tuyến Toretsk, ngày 25/10/2024. Reuters - Stringer
Hôm thứ Năm, 20/11/2024, Nga được cho là đã phóng một tên lửa đạn đạo oanh kích thành phố Dnipro, trung đông Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, và không loại trừ khả năng tấn công cả những nước đã cung cấp vũ khí để Ukraine sử dụng trên lãnh thổ Nga.
Trump và đàm phán hòa bình theo mô hình Triều Tiên
Động thái này của Nga là nhằm cảnh cáo Hoa Kỳ và nhiều nước đồng minh Châu Âu của Ukraine sau khi bật đèn xanh để Ukraine dùng các loại vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS (Mỹ) hay Storm Shadow (Anh), tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Quyết định trên của phương Tây được đưa ra vào lúc, Ukraine sau 1.000 ngày giao chiến đang bị quân Nga – được Bắc Triều Tiên hỗ trợ về nhân lực và khí tài – áp đảo trên chiến trường, theo như ghi nhận của ông Guillaume Ancel, cựu sĩ quan và cũng là một cây bút thời luận, với đài RFI.
"Ukraine đã chậm trễ trong việc huy động thêm từ 150 – 200 người mà họ đang thiếu để bổ sung thêm quân. Nga thì thực hiện khác hẳn. Họ hoàn toàn không quan tâm đến những mất mát đó. Có nhiều thông tin cho rằng Nga gánh chịu nhiều tổn thất nhân mạng, có thể lên đến hàng trăm nghìn người, nhưng rủi thay, Nga vẫn có khả năng thay thế.
Hiện tại, Nga có một đội quân với khoảng 500 ngàn binh sĩ chiến đấu tại Ukraine, một con số đáng kể. Tuy được trang bị kém, chỉ huy tồi, vũ khí tồi nhưng Nga vẫn có thể tạo thành một chiếc xe ủi, với nhiều pháo binh và bom đạn. Do vậy, lợi thế hiện đang nghiêng về phía Nga, hiện đang tiến quân nhưng với một tốc độ chậm chạp".
Ukraine cũng ý thức được rằng họ buộc phải nỗ lực kết thúc cuộc chiến bằng đàm phán. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Bảy 16/11, trả lời phỏng vấn đài phát thanh Ukraine tuyên bố muốn làm mọi cách để kết thúc giao tranh vào năm 2025 qua các ngả ngoại giao. Kiev quan ngại rằng chính quyền Trump II, với lập luận "Hoa Kỳ đã tiêu tốn quá nhiều cho cuộc chiến tại Ukraine", sẽ ép nước này đàm phán trong thế bất lợi.
Trên đài RFI, Guillaume Ancel giải thích tiếp : "Hệ quả là ông Trump sẽ buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán. Điều đó không có nghĩa là ép Ukraine phải đầu hàng hoàn toàn trước Nga, nhưng điều khiến người ta lo lắng nhất là ông Trump áp đặt một giải pháp theo kiểu mô hình Triều Tiên. Tức là, bằng cách vạch ra một đường phân định cho phép đóng băng các chiến dịch quân sự và thuận cho tổng thống Nga những gì mà ông ấy đã chiếm được bằng vũ lực, bằng sức mạnh, nghĩa là gần 20% lãnh thổ, và do vậy chính thức hóa việc sáp nhập bất hợp pháp bán đảo Crimea".
ATACMS, Storm Shadow – không giúp Ukraine đảo ngược cuộc chiến
Nói một cách cụ thể, những gì Trump muốn chỉ là đàm phán để ngưng giao tranh chứ không hẳn là một nền hòa bình. Từ đây đến ngày ông Trump vào Nhà Trắng, Nga gia tăng nỗ lực chiếm đánh lãnh thổ. Dù Nga tiến quân chậm nhưng Ukraine không thể cản được đà tiến.
Trong bối cảnh này, với sự muộn màng, Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu đã cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa nhắm vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Ông Ancel lưu ý, sự hậu thuẫn này phần nào chỉ giúp Ukraine kềm hãm đà tiến, giáng những thiệt hại to lớn cho quân Nga trước khi bước vào bàn đàm phán, nhưng không thể thay đổi cục diện trên chiến trường.
"Những gì Ukraine có thể làm được với những loại vũ khí này, không hẳn là gây hoảng loạn cho quân Nga do chưa đủ vũ khí, mà là kềm hãm và gây khó khăn cho quân đội Nga, đặc biệt đối với tất cả những gì nằm trong khoảng từ 100 – 200 km, nghĩa là hậu cần, yếu tố then chốt cho đội quân của Nga có đến gần 500 ngàn người trên thực địa. Do đó, có đến hàng nghìn tấn nhiên liệu, đạn dược, phải được dự trữ gần chiến trường.
Hôm thứ Tư, 20/11, Ukraine đã nhắm bắn vào các kho đạn tại vùng Briansk của Nga. Một ngày sau, họ lại phá tiếp một sở chỉ huy quan trọng ở vùng Belgorod. Còn tại vùng Kursk, chẳng chút nghi ngờ, Ukraine đã dùng đến tên lửa Storm Shadow. Chúng ta thấy rõ là Ukraine hiện đang hãm lại và cản trở cuộc tiến công của Nga nhưng điều đó sẽ không đảo ngược được cuộc chiến".
Châu Mỹ Latinh kêu gọi tránh "chạy đua vũ trang"
Trước nguy cơ xung đột lan rộng, hôm thứ Tư, 20/11/2024, bốn nước Châu Mỹ Latinh là Brazil, Chile, Colombia và Mexico, đồng thanh kêu gọi tránh chạy đua vũ trang. Tổng thống Mexico, bà Claudia Sheinbaum, đề nghị các nước trong nhóm G20 thay thế cuộc đua vũ trang bằng cuộc đua tái sinh rừng.
Từ Mexico, thông tín viên Marine Lebegue tường thuật :
"Hãy dùng 1% của ngân sách dành cho vũ khí và cống hiến khoản tiền này cho việc tái tạo rừng", bà Claudia Sheinbaum, tân tổng thống Mexico và là cựu thành viên của GIEC, đã đưa ra những tính toán của mình với các nhà lãnh đạo G20.
Bà nói : "Số tiền này tương đương với việc chi 24 tỷ đô la mỗi năm cho một quỹ dành để hỗ trợ sáu triệu nông dân, những người này sẽ trồng lại 15 triệu ha cây rừng, tương đương với bốn lần diện tích nước Đan Mạch, hay diện tích của ba nước Belize, Guatemala và Salvador cộng lại".
Đây là một chương trình tái tạo rừng lớn nhất lịch sử, theo như từ ngữ của tổng thống Mexico. Đề xuất này không phải tự nhiên mà có. Chương trình này đã tồn tại trên khắp nước Mexico và Trung Mỹ, được cựu tổng thống Mexico Andrés Manuel Lopez Obrador, người đỡ đầu của bà Claudia Sheinbaum, đưa ra năm 2019. Tên của chương trình là "Sembrando Vida" - gieo mầm sự sống.
Cũng theo phát biểu của tổng thống Mexico, "ý tưởng đưa ra là hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình nghèo ở nông thôn và đào tạo kỹ thuật để học cách trồng cây có ích cho rằng của họ cũng như là các loại cây ăn trái để chúng có thể được trồng với mục tiêu tự nuôi sống mình".
Từ khi được thực hiện, khoảng một triệu ha rừng dường như đã được tái tạo trong vùng. Một chiến phối hợp chống đói nghèo và nạn phá rừng.
COP29 : Tiến trình đàm phán bị chỉ trích lỗi thời
Thứ Sáu 22/11/2024 là ngày họp cuối cùng của COP29 nhưng các nhà đàm phán vẫn chưa đạt được một đồng thuận về vấn đề tài trợ cho các nước đang phát triển đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Một điểm khác đang trở thành điều gây chia rẽ là các nước xuất khẩu dầu hỏa không muốn đề cập đến thỏa thuận của năm 2023 đặt ra mục tiêu từ bỏ dần năng lượng hóa thạch.
Một tuần trước đó, hôm 15/11, một nhóm cựu lãnh đạo và chuyên gia khí hậu, đã gởi thư ngỏ đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và ban thư ký điều hành của COP, cho rằng các cuộc đàm phán hàng năm không còn thích hợp nữa và có lẽ nên được cải tổ.
Họ chỉ trích rằng "khoảng cách lớn giữa điều mà COP phải hoàn thành và trơ ì của các bên tham gia là thảm hại và khó chấp nhận". Theo tác giả thư ngỏ, sau 27 cuộc họp thượng đỉnh, tất cả các tài liệu pháp lý mang tính ràng buộc, khuyến khích cộng đồng quốc tế duy trì mức hâm nóng khí hậu không vượt quá 2°C đã được thiết lập. Nhưng các cuộc đàm phán vô tận mất nhiều thời gian có nguy cơ làm thụt lùi hơn là đạt được các mục tiêu nhắm đến.
Các tác giả cho rằng cần phải hành động và điều này nhất thiết phải được bắt đầu bằng việc cải cách quy trình COP, khi đưa ra một số đề xuất : Duy trì cất trữ khí cacbon, chuyển đổi hệ thống thực phẩm, và tất nhiên loại trừ dần nhiên liệu hóa thạch cũng như là hạn chế ảnh hưởng của các nhóm vận động hành lang, theo như ghi nhận từ một quan chức Greenpeace tại Philippines.
"Vấn đề ở đây là những người vận động hành lang về dầu mỏ đến dự COP chỉ để bảo vệ lợi ích của họ tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Điều này không hoàn toàn phù hợp với ý tưởng giải quyết khủng hoảng khí hậu. Thủ phạm chính gây ra hiện tượng trái đất ấm dần trên toàn cầu là những người điều khiển hội nghị thượng đỉnh này. Đây thực sự là một vấn đề".
Những người ký thư ngỏ, đề xuất cải cách sâu rộng các cuộc đàm phán về COP hiện tại như tổ chức các cuộc họp thường niên theo nhóm nhỏ, không giống như những gì diễn ra ngày nay, đặt ra các mục tiêu cụ thể, theo dõi tiến độ thực sự của mỗi quốc gia, hoặc cải cách vai trò của các ngân hàng, để chuyển từ dự án sang triển khai cụ thể…
"Sức mạnh Siberia", củng cố quan hệ Trung – Nga
Dự án đường ống dẫn khí đốt phương đông nối Nga và Trung Quốc đã hoàn thành và đang bước vào giai đoạn chuẩn bị sau cùng trước khi đi vào hoạt động. Với chiều dài 5.111 km, "Sức mạnh Siberia", có thể cung cấp 38 tỷ mét khối khí ga tự nhiên mỗi năm cho nhiều vùng của Trung Quốc.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài RFI, Cléa Broadhurst tường thuật :
Một khi đi vào hoạt động đầy đủ, đường ống dẫn khí đốt Nga – Trung, có biệt danh là "Sức mạnh Siberia" có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt hàng năm cho 130 triệu hộ gia đình thành thị tại các vùng đông bắc Trung Quốc.
Qua việc cung cấp khí ga tự nhiên, một nguồn năng lượng sạch hơn than, đường ống này khi hoạt động hết công suất, sẽ phải cho phép giảm phát thải mỗi năm 162 triệu tấn khí CO2 và 1,82 triệu tấn dioxide lưu huỳnh.
Quan hệ đối tác chiến lược gia tăng giữa Bắc Kinh và Moskva trong lĩnh vực năng lượng. Đối với Trung Quốc, mối quan hệ này cho phép đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Đông và các con đường hàng hải dễ bị tác động bởi những căng thẳng địa chính trị như tại eo biển Malacca.
Về phía Nga, đường ống dẫn khí này là một giải pháp thay thế thị trường Châu Âu, theo truyền thống thống lĩnh thị trường khí đốt Nga, mà vẫn giảm được tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt kể từ khi bùng nổ xung đột Ukraine. Song song đó, chúng bảo đảm cho Moskva một nguồn thu nhập thiết yếu.
Cuối cùng, với Bắc Kinh, vốn dĩ phụ thuộc nặng nề vào than đá, dự án này nằm trong số các mục tiêu khí hậu, dự báo mức thải khí cacbon đạt đỉnh từ đây đến năm 2030 và đạt mức trung hòa khí thải tầm vào năm 2060.
Donald Trump II và một nội các nhiều "tai tiếng"
Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục gây chú ý với việc bổ nhiệm trong chính quyền tương lai những người thân cận vào các vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, việc nhiều người trong nội các mới của Trump đang gặp rắc rối với tư pháp đã gây sốc ngay trong chính nội bộ đảng Cộng Hòa.
Liệu rằng quyết định bổ nhiệm của ông Trump có bị Thượng Viện cản trở hay không ? Theo nhiều nhà quan sát, ít có khả năng đảng Cộng Hòa phản đối những quyết định trên của Donald Trump. Điều hiển nhiên là dàn lãnh đạo chính phủ Trump II sẽ rất khác biệt so với nhiệm kỳ đầu 2016-2020. Nhà nghiên cứu về Mỹ, Marie-Céciles Naves, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS, trên đài France Culture giải thích :
"Quả thật, vào năm 2016, ông ấy hoàn toàn chưa chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò tổng thống. Người ta còn nhớ, bản thân ông ấy còn tỏ ra bất ngờ về chiến thắng bầu cử của mình, và do vậy, ông ấy đã bổ nhiệm hoặc những người thân cận, phần đông trong giới doanh nhân, hoặc những người mà đảng Cộng Hòa cố vấn cho ông.
Lần này, ông Trump đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Người ta có thể nhiều người trong số họ đã thể hiện lòng trung thành về ý thức hệ, nghĩa là, họ sẽ ủng hộ ông về một đường lối cứng rắn trên phương diện chống tình trạng nhập cư, không chỉ bất hợp pháp mà cả hợp pháp nữa, trong việc bãi bỏ quy định nhà nước, hay như trong việc chỉ trích Nhà nước Pháp quyền.
Một thay đổi khác so với năm 2016 là những ông chủ lớn – những người đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump – sẽ giữ nhiều vị trí trong chính quyền. Họ kêu gọi một sự tái phân bổ công bằng, nếu tôi có thể nói như vậy. Chẳng hạn như Elon Musk, sẽ điều hành một cơ quan nhằm cải cách các cơ quan hành chính, đã đề nghị Trump bố trí các lãnh đạo của SpaceX vào bộ Quốc Phòng. Đây thực sự là một điểm khác biệt lớn so với năm 2016, với nhiều rủi ro xung đột lợi thực sự to lớn".
Minh Anh
Nguồn : RFI, 23/11/2024