TẬP CẬN BÌNH VÀ CUỘC CÁCH MẠNG CỘNG SẢN LẦN HAI (Việt Hoàng - 2021)

Thế giới vẫn còn tiếp tục đương đầu với đại dịch Covid-19 khi có gần 50.000 người chết mỗi tuần. Chưa ai biết và có thể khẳng định khi nào đại dịch này mới kết thúc. Bên cạnh đại nạn do Covid-19 gây ra thì Trung Quốc nổi lên như là một vấn đề của thế giới. Căng thẳng giữa eo biển Trung Quốc và Đài Loan khiến dư luận lo lắng liệu một cuộc chiến tranh qui mô tầm thế giới có xảy ra không, nhất là sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây khẳng định Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Theo chúng tôi, chính thái độ rõ ràng này của chính quyền Mỹ (thay vì chính sách mơ hồ như trước đây) sẽ khiến chiến tranh không xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan..
Việc Trung Quốc trở thành cường quốc số 2 và đang cạnh tranh gay gắt ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ khiến thế giới sôi động hơn bao giờ hết. Mọi chính sách hay thay đổi tại Trung Quốc đều ảnh hưởng đến khu vực và thế giới. Tìm hiểu về Trung Quốc vì vậy luôn là nhiệm vụ của các quốc gia và các tổ chức chính trị.
Trung Quốc vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản (1/7/1921-1/7/2021). Trong buổi lễ này, chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định rằng “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu Trung Quốc, chỉ có chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc mới có thể phát triển Trung Quốc”. Theo ông Tập thì chỉ có Đảng cộng sản Trung Quốc mới có thể giúp người dân Trung Quốc đi từ chỗ “ăn no mặc ấm không đủ, cho tới tương đối sung túc về tổng thể như ngày hôm nay”. Sự thật là Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tích. Năm 1990, khi bắt đầu mở cửa làm ăn với thế giới, Trung Quốc có 750 triệu người dân sống dưới mức nghèo đói theo tiêu chuẩn quốc tế, chiếm 2/3 dân số. Năm 2012 số lượng này giảm xuống 90 triệu người và năm 2016 chỉ còn 7,2 triệu (0.5% dân số).
Tuy nhiên sự phát triển của Trung Quốc là không đồng đều. Khu vực phát triển năng động nhất tập trung ở các tỉnh duyên hải đông nam như Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây...Dân số khu vực này chỉ 1/3 nhưng đóng góp đến 50% GDP và 84% xuất khẩu của Trung Quốc. Theo Credit Suisse thì 1% người giàu Trung Quốc chiếm giữ 30% tài sản quốc gia trong khi đó, theo lời thủ tướng Lý Khắc Cường thì năm 2020 Trung Quốc có 600 triệu người dân thu nhập khoảng 1.000 tệ/tháng (154 USD) và số tiền này không đủ thuê căn hộ ở một thành phố trung bình của Trung Quốc.
Tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng tại Trung Quốc là mặt trái của sự tăng trưởng thần kỳ trong 40 năm qua và đang đe dọa cho sự ổn định của Đảng cộng sản Trung Quốc. Dân số Trung Quốc đang già đi. Tuổi về hưu ở Trung Quốc trung bình là 55 vì phần đông người lao động đã kiệt sức khi đến tuổi đó. Hai vợ chồng bình thường ở Thượng Hải muốn mua một căn hộ 60m2 phải nhịn ăn uống trong 40 năm mặc dù ngành xây dựng Trung Quốc chiếm 29% trọng lượng nền kinh tế. Việc lạm dụng ngành xây dựng sẽ khiến Trung Quốc trả giá đắt. Thông thường ngành xây dựng chiếm 10% GDP là an toàn. Việc tập đoàn bất động sản Evergrande đối mặt với tình trạng phá sản là một minh chứng. Mặc dù Evergrande đã kịp trả khoản nợ 83 triệu USD cho một quĩ đầu tư nhưng việc này cũng chỉ để câu giờ trong lúc chờ bán các trụ sở tại các thành phố lớn như Thâm Quyến, Thượng Hải. Ví dụ trụ sở tại Hồng Kông đang được đàm phán với Hopson, một công ty địa ốc khác xung quanh giá 2,6 tỉ USD. Evergrande còn công ty xe hơi điện trị giá 50 tỉ USD nhưng đang bị ép giá còn 5 tỉ USD. Đội bóng Quảng Châu, hạng nhất Trung Quốc bán đi cũng thu về được một vài tỉ USD...Chính quyền Trung Quốc sẽ không để Evergrande quỵt nợ người dân vì điều đó có thể châm ngòi cho các cuộc bạo loạn mà chỉ cho phép quỵt nợ các quĩ đầu tư nước ngoài. Sự phá sản của Evergrande là khó tránh khỏi và nó đánh dấu cho sự cáo chung của ngành xây dựng Trung Quốc vốn đã bị lạm dụng cho tăng trưởng suốt thời gian qua.
Năm 2022 sẽ diễn ra đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 20. Nhiều khả năng Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc thêm nhiệm kỳ 3. Tư tưởng của Tập Cận Bình đã được chính thức đưa thêm vào điều lệ đảng tại Đại hội 19 với tên gọi: “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Sau khi Trung Quốc mở cửa bang giao với thế giới hồi thập niên 80 thì Đặng Tiểu Bình đã chủ trương cho phép một số thành phần dân chúng và địa phương làm giàu trước rồi cả nước sẽ theo sau. Sau 40 năm thì đúng là đã có nhiều người, nhiều vùng giàu lên nhưng các tỉnh thành nằm sâu trong lục địa vẫn không thể đuổi kịp và hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn. Đã đến lúc Tập Cận Bình triển khai thực hiện và cụ thể hóa tư tưởng của mình bằng khẩu hiệu “Thịnh vượng chung” hay “cộng đồng phú dụ, cùng giàu”.
Kế hoạch “thịnh vượng chung” là gì và nó sẽ diễn ra thế nào? Theo các nhà quan sát thì Trung Quốc sẽ tiếp tục xem các doanh nghiệp nhà nước là trụ cột của nền kinh tế, các công ty tư nhân lớn phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền. Của cải phải được trả lại cho xã hội và nhà nước cần kiểm soát tư tưởng người dân... Trung Quốc bắt đầu “tấn công” qui mô vào các lĩnh vực như xây dựng, bảo hiểm, dịch vụ dạy thêm, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính trực tuyến, thông tin xã hội, chơi game, giải trí và điện ảnh, ứng dụng gọi xe, khai thác và trao đổi tiền điện tử...Việc tỉ phú Jack Ma (Mã Vân), người sáng lập tập đoàn Alibaba bị chính quyền trừng phạt vì chỉ trích hệ thống ngân hàng nhà nước là sự mở màn cho cuộc cách mạng cộng sản lần thứ hai do Tập Cận Bình khởi xướng và lãnh đạo.
Alibaba đã “nhận lỗi” bằng việc đóng góp 15,5 tỉ USD cho chính sách “thịnh vượng chung” của Tập Cận Bình. Theo sau là các ông lớn như Tecent của tỉ phú Pony Ma, góp 7,7 tỉ USD. Công ty Pinduoduo Inc góp 1,5 tỉ USD...Trước đó giới văn nghệ sĩ cũng đã được “gọi tên” như việc phạt ngôi sao điện ảnh Phạm Băng Băng 130 triệu USD vì tội trốn thuế. Trịnh Sảng 46 triệu USD cũng tội danh trốn thuế. Ca sĩ kiêm diễn viên Ngô Diệc Phàm bị bắt giữ vì tội hiếp dâm. Ngôi sao Triệu Vy cũng bị cấm hoạt động và xuất hiện trên mọi nền tảng tại Trung Quốc...Ngoài ra, dịch vụ dạy thêm với doanh thu 120 tỉ USD đã bị cấm. Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục cũng bị cấm. Chơi game trực tuyến với trẻ em dưới 18 tuổi chỉ được phép 3 tiếng mỗi tuần. Các ca sĩ ẻo lả cấm không được biểu diễn. Các công ty có kế hoạch bán cổ phần ra thị trường Mỹ sẽ bị theo dõi sát sao...Việc các tỉ phú và ngôi sao Trung Quốc bị chính quyền thanh trừng là vì ảnh hưởng của họ ngày càng lớn và có thể thách thức quyền lực của Đảng cộng sản cũng như Tập Cận Bình.
Chúng ta nên biết rằng các chế độ cộng sản ra đời dựa trên một ý thức hệ, bao gồm một số “giá trị” căn bản như chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, kinh tế nhà nước, sở hữu tập thể, độc tôn về tư tưởng Mác-Lê...Việc trước đây Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương “mèo trắng hay mèo đen, mèo nào bắt được chuột đều là mèo tốt” không phải vì muốn đoạn tuyệt với chủ nghĩa cộng sản mà chỉ vì khi đó Trung Quốc quá nghèo. Ngày hôm nay Trung Quốc có nhiều tỉ phú đô la chỉ sau Mỹ và các nhà tài phiệt đó cấu kết với các quan chức để trở thành những lãnh chúa. Ảnh hưởng của họ ngày càng lớn và họ đang làm lố bịch hóa ý thức hệ cộng sản. Ước mơ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” hay “chủ nghĩa cào bằng” đã trở nên nhảm nhí khi thị trường Trung Quốc chiếm đến 50% doanh thu của các mặt hàng xa xỉ trên toàn thế giới.
Việc Tập Cận Bình muốn quay lại với chủ nghĩa cộng sản toàn nguyên khi xã hội bất ổn và quyền lực bị đe dọa là điều dễ hiểu và hiển nhiên. Tuy nhiên làm được hay không lại là việc khác. Trung Quốc ngày nay đã khác xa với Trung Quốc của 40 năm về trước. Không chỉ các nhà tỉ phú và tài phiệt Trung Quốc trở nên giàu có và quyền lực mà các quan chức Đảng cộng sản cũng thế. 89 triệu đảng viên cộng sản là một giai cấp khác, họ thống trị 1,4 tỉ người Trung Quốc, họ có mọi đặc quyền đặc lợi và một cuộc sống vương giả. Sự giàu có và xa hoa của quan chức Trung Quốc vượt xa mọi sự tưởng tượng. Một ví dụ, khi khám nhà Zhang Qi, một quan chức tỉnh Hải Nam thì cơ quan điều tra đã phát hiện kho chứa 13 tấn vàng cùng hàng chục nghìn tỉ nhân dân tệ chưa kể vô số bất động sản ở khắp nơi. Bắt họ quay lại cuộc sống kham khổ như trước đây hay chia bớt tiền cho người nghèo là điều viển vông. Mặt khác nền kinh tế của Trung Quốc đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới. Việc “lấy của người giàu chia cho người nghèo” một cách thô thiển như trước đây là không thể thực hiện được. Các nhóm lợi ích, tức các liên minh quyền tiền nếu bị tấn công thì họ sẽ hợp lực lại với nhau để chống Tập Cận Bình.
Có thể thấy được kế hoạch “thịnh vượng chung” của Tập Cận Bình sẽ sớm rơi vào bế tắc và thất bại. Mô hình dân chủ của phương Tây dù còn khiếm khuyết nhưng vẫn là giải pháp ưu việt nhất cho việc quản trị quốc gia hiện nay. Nền kinh tế thị trường không thể bị hạn chế và cấm đoán mà chỉ có thể điều tiết bằng công cụ thuế một cách hợp lý và minh bạch qua cách đánh thuế lũy tiến như các nước Châu Âu. Sau đó là chính sách phúc lợi xã hội dành cho toàn dân đồng thời tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người bằng việc miễn phí giáo dục và y tế... Muốn thế thì Trung Quốc phải từ giã chủ nghĩa cộng sản và dân chủ hóa đất nước. Đây là điều mà Trung Quốc dù có muốn cũng không làm được.
Chủ nghĩa Mác-Lê mặc định đảng cộng sản cầm quyền tuyệt đối và suốt đời như là một đội quân chiếm đóng. Dưới chế độ chính trị đó người dân không có tiếng nói gì nên không có trách nhiệm gì. Đất nước đơn giản chỉ là một tình cảm với nơi "chôn rau cắt rốn" chứ không bao giờ là “một không gian liên đới và một dự án tương lai chung”. Các đảng cộng sản không bao giờ xem mình là một thành phần của dân tộc mà ngược lại họ luôn cho rằng đất nước chỉ là một chiến lợi phẩm mà họ đã giành được. Không có đồng thuận dân tộc thì không thể nào xây dựng được một tương lai chung. Sự phát triển của mô hình Trung Quốc đã đến lúc phải kết thúc. Khủng hoảng tại Trung Quốc không phải là khi nào sẽ bắt đầu mà chỉ là khi nào nó không còn che đậy được nữa mà thôi.
Việt Hoàng
(27/10/2021)