Việc Ukraine chiếm lãnh thổ Nga có thể giúp sớm kết thúc chiến tranh (Andreas Umland)
Một trong những mục đích của chiến dịch bất ngờ này có thể là để Kyiv đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán.
Một xe tăng của Nga trên đường cao tốc ở vùng Kursk ngày 8/8. Anatoliy Zhdanov/Kommersant/Sipa qua AP Images - Ảnh minh họa
Chỉ trong vòng 4 ngày, cuộc chiến Nga-Ukraine đã thay đổi đáng kể. Cuộc xâm nhập của lực lượng Ukraine vào khu vực Kursk của Nga đã nhanh chóng trở thành chiến thắng lãnh thổ lớn nhất kể từ các cuộc phản công thành công của Ukraine ở Kharkiv và Kherson vào mùa thu năm 2022. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu lực lượng Nga bị dàn mỏng và được trang bị kém có thể ngăn chặn được cuộc tiến công của Ukraine hay không, khi báo cáo về các đoàn quân tiếp viện Nga bị thiêu cháy gợi nhớ đến những ngày đầu của cuộc chiến.
Chiến dịch này đã chứng tỏ khả năng của Ukraine trong việc gây bất ngờ và khai thác những bước tiến đột ngột, điều mà phía Nga vẫn chưa thể làm được kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược. Đây cũng là lần đầu tiên nước Nga bị quân đội nước ngoài xâm lược kể từ Thế chiến II, theo đó cho người Nga thấy rõ rằng cuộc chiến đẫm máu mà họ gây ra chống lại nước láng giềng đã quay trở lại quê nhà của họ. Những người ủng hộ Ukraine ở phương Tây dường như cũng đồng tình, với việc Nhà Trắng và Liên minh Châu Âu đưa ra các tuyên bố rằng việc triển khai chiến dịch là tùy thuộc vào Ukraine.
Trước đây, từng có nhiều cuộc tranh luận ở Washington, Berlin, và trên các phương tiện truyền thông về những lằn ranh đỏ của Điện Kremlin, vốn có thể kích động Thế chiến III và chiến tranh hạt nhân tận thế. Và một trong những lằn ranh đó là việc đem chiến tranh đến đất Nga bằng vũ khí phương Tây – điều mà giờ đây đã trở thành hiện thực. Niềm tin vào sự leo thang không kiểm soát đã khiến chính quyền Biden và một số đối tác của họ hạn chế nghiêm ngặt các loại vũ khí được giao cho Ukraine cũng như phạm vi hoạt động được cho phép của chúng. Ví dụ, Ukraine không được phép sử dụng tên lửa của phương Tây để tấn công các cơ sở quân sự ở biên giới phía Nga. Một phần tác động và mục đích của chiến dịch Kursk có thể là để, một lần nữa, chứng minh sự sai lầm của lập luận về lằn ranh đỏ.
Trong lúc chiến dịch vẫn đang diễn ra và Kyiv chủ yếu giữ im lặng về các sự kiện, vẫn còn quá sớm để nói về những mục tiêu chiến lược mà Ukraine hy vọng đạt được. Một suy đoán đã thu hút được nhiều sự chú ý là chiến dịch này có thể giúp chiến tranh kết thúc sớm hơn, bởi nó cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rõ rằng Ukraine có tiềm năng đáng kể để gây đau đớn cho người Nga. Và nếu các lực lượng Ukraine có thể giữ vững và duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ Nga – điều mà họ dường như đang cố gắng đạt được bằng cách tăng cường trang thiết bị và xây dựng các tuyến phòng thủ mới – thì điều đó có thể củng cố đòn bẩy của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào nhằm chấm dứt chiến tranh. Hiện tại, cuộc đột nhập chớp nhoáng của Ukraine vào Nga đã làm suy yếu ý tưởng phổ biến rằng Putin đang giữ thế thượng phong trong việc đàm phán ngừng bắn.
Kyiv dường như đang ra tín hiệu rằng đòn bẩy trong đàm phán là một trong những mục tiêu của chiến dịch tấn công. Một cố vấn giấu tên của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với tờ Washington Post : "Điều này sẽ mang lại cho họ đòn bẩy mà họ cần để đàm phán với Nga – đây chính là toàn bộ mục đích của chiến dịch". Phát biểu này cũng phù hợp với gợi ý gần đây của Zelensky rằng Kyiv sẵn sàng đàm phán. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC News vào tháng 7, ông nói : "Chúng tôi không cần phải chiếm lại tất cả các vùng lãnh thổ" bằng biện pháp quân sự. "Tôi nghĩ điều đó cũng có thể đạt được nhờ sự trợ giúp của ngoại giao". Các vùng bị chiếm đóng của Nga có thể được đổi bằng các vùng bị chiếm đóng của Ukraine : Như cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt đã đề xuất trên X, "Liệu có ý tưởng nào để cả hai quốc gia cùng rút lui trong phạm vi biên giới được công nhận tương ứng của họ không ?"
Nếu Kyiv đang chuẩn bị nền tảng cho các cuộc đàm phán tiềm năng – khi tìm cách tăng cường sức mạnh và tuyên bố công khai rằng họ sẵn sàng đàm phán – thì đây cũng là một phản ứng trước một số yếu tố.
Một là sự mệt mỏi vì chiến tranh đang ngày càng gia tăng trong người dân Ukraine. Dù phần lớn người Ukraine ủng hộ việc tiếp tục chiến đấu cho đến khi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng kể từ năm 2014 được giải phóng, nhưng số người cho rằng Ukraine có thể đánh đổi một phần lãnh thổ đó để lấy hòa bình đã bắt đầu tăng lên.
Thứ hai, ngày càng có nhiều lời chỉ trích, đặc biệt là ở Tây Âu và các nước phương Nam, về việc Ukraine liên tục bác bỏ các cuộc đàm phán với Moscow. Chưa bàn đến các vấn đề quan trọng, với việc Điện Kremlin dường như đang ngầm bày tỏ sẵn sàng đàm phán, Kyiv có nguy cơ bị xem là kẻ cố tình ngăn chặn một kết thúc sớm cho cuộc chiến.
Cuối cùng, vị thế chiến lược của Ukraine đang rất rủi ro, ngay cả khi nước này có thể kìm chân lính Nga và duy trì dòng vũ khí phương Tây. Chưa thể loại trừ khả năng Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 và Mỹ đột ngột ngừng viện trợ. Ngoài ra, chính quyền Harris cũng có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra các gói hỗ trợ trong tương lai nếu đảng Cộng hòa vẫn giữ đa số tại Hạ viện Mỹ. Zelensky có thể đã quyết định đánh cược để thay đổi và đẩy nhanh động lực của cuộc chiến, cố gắng nắm giữ đòn bẩy lớn hơn nếu các cuộc đàm phán đến sớm hơn dự kiến.
Vì không có nhiều đòn bẩy, Kyiv đã phải viện đến các lập luận về đạo đức, quy chuẩn, và pháp lý khi trao đổi với các đối tác nước ngoài về bất kỳ kịch bản hòa bình nào khác ngoài giải phóng hoàn toàn. Trong quá khứ, điều này đã dẫn đến các cuộc đàm phán nghiêng hẳn về một phía. Trong các cuộc đàm phán tạo ra hiệp định Minsk I và II năm 2014 và 2015, Ukraine yếu thế đến mức buộc phải đồng ý với những điều khoản bất khả thi : Họ chỉ có thể lấy lại Donbas do Nga kiểm soát nếu cho phép các đại diện của Moscow trở thành một phần của chính thể Ukraine thông qua các cuộc bầu cử địa phương do Điện Kremlin thao túng, qua đó mang lại cho Moscow quyền phủ quyết vĩnh viễn đối với hoạt động chính trị của Kyiv. Crimea bị chiếm đóng và sáp nhập trước đó thậm chí còn không được đưa vào cuộc thảo luận.
Hồi tháng 3/2022, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Ukraine và Nga ở Belarus thực chất không phải là đàm phán, mà là việc Nga chuyển giao các điều khoản đầu hàng cho Ukraine. Sang tháng 4/2022, các cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ở Istanbul cũng chẳng đi đến đâu : cái giá để Nga chịu chấm dứt cuộc xâm lược là Ukraine bị hạn chế đáng kể về chủ quyền và khả năng tự vệ. Từ đó đến nay, đề xuất đàm phán của Nga luôn là ngoài Crimea, Ukraine sẽ nhượng lại vĩnh viễn bốn vùng Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia, và Kherson – gồm cả những phần đáng kể mà Nga chưa bao giờ chiếm được.
Ukraine không chỉ thiếu đòn bẩy đàm phán, mà Nga còn thành công trong việc quảng bá tới khán giả trên toàn thế giới cách tiếp cận "đổi đất lấy hòa bình" để chấm dứt chiến tranh. Khi các cuộc phản công của Ukraine sau năm 2022 phần lớn đều thất bại, và cỗ máy chiến tranh Nga dần chiếm được nhiều lãnh thổ hơn ở phía đông Ukraine, một thỏa thuận kiểu Minsk khác nhằm hạn chế sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền chính trị của Ukraine tưởng như đã gần kề.
Kyiv không chỉ thay đổi quan điểm quân sự trên thực địa mà còn có thể đang cố gắng thay đổi quan điểm về các cuộc đàm phán – từ thỏa thuận "đổi đất lấy hòa bình" sang thỏa thuận "đất đổi đất". Việc này đã đặt Putin vào thế khó : Việc để mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Nga là một sự sỉ nhục lớn đối với Điện Kremlin. Nhưng kể từ khi chúng bị Nga sáp nhập bất hợp pháp, các vùng lãnh thổ của Ukraine mà Putin đang tìm cách giữ cũng là một phần lãnh thổ nhà nước mà ông có nghĩa vụ bảo vệ. Tuy nhiên, trong giới tinh hoa Nga và theo nhận thức phổ biến, việc khôi phục lãnh thổ nhà nước hợp pháp của Nga sẽ được ưu tiên hơn so với việc tiếp tục chiếm đóng các lãnh thổ vừa bị chinh phục – đặc biệt nếu việc đổi đất mở ra con đường dẫn tới việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong chừng mực nào đó, chiến lược mới của Ukraine còn có thể tạo cơ hội cho những nhân vật chủ trương hòa bình trong giới lãnh đạo Nga – giả sử họ tồn tại và có ảnh hưởng lên Putin – lập luận rằng việc sáp nhập cần phải được đảo ngược để khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Chừng nào Ukraine còn có thể giữ được các lãnh thổ đã chiếm được ở Nga, thì sẽ có áp lực mạnh mẽ buộc Putin phải đem chúng về lại cho Moscow.
Tuy nhiên, không điều nào trong số này có thể thay đổi được vấn đề cơ bản nhất của cuộc đàm phán : Nga đã phớt lờ hầu hết mọi thỏa thuận mà nước này đã ký với Ukraine. Nhưng đối với người Ukraine và những người ủng hộ ở phương Tây đang hy vọng chiến tranh kết thúc, một số kịch bản hấp dẫn có thể sẽ sớm xuất hiện trên bàn đàm phán.
Andreas Umland
Nguyên tác : "Ukraine’s Invasion of Russia Could Bring a Quicker End to the War," Foreign Policy, 09/08/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 13/08/2024
Andreas Umland là nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển.