Kinh nghiệm lâm chung của Bulgaria (Yến Vương)
Rời khỏi thảo nguyên Mông Cổ, chúng ta đến với xứ sở của những bông hồng: Bulgaria. Gọi là xứ sở hoa hồng nghe có vẻ thơ mộng nhưng thực tế lịch sử Bulgaria có rất nhiều chiến tranh và cuộc chiến tàn khốc nhất là đệ nhị thế chiến đã giúp người cộng sản lên cầm quyền. Tuy không có quân đội Liên Xô trú đóng như Mông Cổ nhưng sự thân thiết với Liên Xô thì không thua gì bởi những lý do lịch sử và văn hóa.
Bulgaria trung thành với đường lối của Liên Xô nhưng Liên Xô hậu thế chiến bị bối rối. Sau cái chết của Stalin, một cuộc xét lại bắt đầu với Khrushchev để rồi Khrushchev bị lật đổ và Brezhnev lên thay với một cách tiếp cận cứng rắn hơn. Người Bulgaria phải trung thành như thế nào giữa những thay đổi này ?
Chia rẽ và nhà độc tài cá nhân
Người ta chọn Todor Zhivkov làm tổng bí thư. Zhivkov là một kẻ tầm thường về mọi mặt. Nói ông này tầm thường về mọi mặt thì chưa hẳn đúng, Zhivkov có ít nhất hai ưu điểm. Ưu điểm thứ nhất là không tham nhũng, hay ít ra người ta không có đủ bằng chứng để kết tội Zhivkov tham nhũng. Ưu điểm thứ hai là nhạy cảm. Zhivkov biết rằng thứ mà mình cần lên tiếng phụ họa là điện Kremlin chứ không phải một đường lối cụ thể nào. Liên Xô nói cứng rắn, ông nói cứng rắn, Liên Xô nói xét lại, ông nói xét lại, Liên Xô lại cứng rắn, ông cũng cứng rắn trở lại. Ông thậm chí đã đề nghị sáp nhập Bulgaria vào Liên Xô nhưng Liên Xô cảm thấy như vậy là thái quá nên đã từ chối.
Vốn là một kẻ tầm thường nhưng với hai ưu điểm đó Zhivkov đã làm tổng bí thư đảng cộng sản suốt 35 năm. Trong thời của ông người dân Bulgaria đã được chứng kiến những cải cách quan trọng về mặt kinh tế theo hướng tư bản hóa, cụ thể là từ thập niên 1960. Từ năm 1965, nhiều công ty Tây Âu đã chọn Cộng hòa Nhân dân Bulgaria để xây dựng nhà máy. Họ sản xuất xe ở đây rồi bán cho các nước thuộc khối cộng sản Đông Âu. Bulgaria cũng mua dầu khí giá rẻ từ Liên Xô rồi bán lại với giá cao hơn cho phương Tây, đổi lại Liên Xô mua được sản phẩm cơ khí, thực phẩm và hàng tiêu dùng từ Bulgaria. Năm 1988, 100% hộ gia đình ở Bulgaria có ti vi, 95% có radio, 96% có tủ lạnh và 40% có xe hơi. Việc làm ăn kinh doanh nhìn bề ngoài có vẻ rất tốt, nhưng sự thịnh vượng của Bulgaria không chỉ tới từ chuyện kinh doanh mà còn từ nhiều khoản nợ công, trong đó chủ nợ không ai khác hơn là phương Tây.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Bulgaria, Zhivkov là một kẻ tầm thường về mọi mặt.
Cải cách nền kinh tế theo hướng tư bản không chỉ đem lại sự thịnh vượng và nợ công mà còn làm người ta ngầm hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản đang bị xét lại. Vì vậy Đảng cộng sản Bulgaria bắt đầu cảm thấy khó khăn trong việc cai trị. Họ cần thuyết phục, và trong một số trường hợp, cần đàn áp. Thuyết phục cần tuyên giáo, đàn áp cần công an.
Câu chuyện về giờ lâm chung của chế độ cộng sản Bulgaria cũng bắt đầu bằng một cuộc đấu đá giành quyền lực trong nội bộ. Hai lực lượng tuyên giáo và công an ngày càng trở nên mạnh hơn. Đối với nội bộ đảng cộng sản tuyên giáo mạnh thì cũng không sao, nhưng công an mạnh thì lại khiến họ cảm thấy bất an. Công an không chỉ đàn áp dân mà còn đàn áp nội bộ đảng nữa. Tổng bí thư Zhivkov phải cố kiểm soát hai lực lượng này : Tuyên giáo với Milko Balev, nhân vật giám sát tư tưởng của Đảng cộng sản, công an với Mircho Spasov, trùm an ninh.
Được mệnh danh hồng y xám giống như ông Joseph ngày xưa, Balev là một quân sư đầy ảnh hưởng. Ông giúp Zhivkov có được quyền lực thậm chí còn hơn đức ông hồng y Richelieu. Phía cánh tay công an thì lại có rắc rối. Spasov là chủ tịch Ủy ban an ninh nhà nước và là thứ trưởng thứ nhất của Bộ nội vụ (cơ quan quản lý công an của Bulgaria), quyền hành nhiều khi lấn át cả bộ trưởng. Mircho Spasov có vẻ ngoài mệt mỏi, người ta nói rằng hắn nghiện rượu. Hắn thích chọn đàn em là những kẻ có lối suy nghĩ hoang dã, độ tàn nhẫn của Spasov thậm chí khiến cho chính Zhivkov thỉnh thoảng cũng sợ. Nhưng cuối cùng tên đồ tể này không kiểm soát hoàn toàn ngành công an được.
Zhivkov đã phải cách chức tới 4 bộ trưởng của Bộ nội vụ. Lý do thì đủ thứ : người thứ nhất đã dung túng cho việc tra tấn tù nhân (nhưng Spasov cũng tra tấn tù nhân mà chỉ bị khiển trách qua loa), người thứ hai có quan hệ với một số người trong một nhóm đảo chính hụt (dù vị bộ trưởng nội vụ này góp công lớn trong việc ngăn chặn âm mưu đảo chính) và người thứ tư lợi dụng chức vụ và quyền hạn để thu lợi cá nhân, vi phạm các nguyên tắc đạo đức cộng sản. Lý cớ hơn là lý do. Căng thẳng nhất là ở thời của bộ trưởng Solakov, người mà hồng y xám Balev ghét cay ghét đắng. Cả hai ngành tuyên giáo và công an đều bị lôi vào cuộc, điều đó chẳng có gì lạ nếu xét tới độ khốc liệt của cuộc đấu đá, nhưng quá đáng hơn là họ còn làm liên lụy tới hai đội bóng đá.
Ở Bulgaria lúc đó có hai đội bóng xuất sắc nhất, và cũng là kỳ phùng địch thủ của nhau. Cả hai đều đã từng tham gia Cúp C1. Vì màu biểu tượng của hai đội mà một đội được gọi là Xanh còn đội kia được gọi là Đỏ. Bộ trưởng nội vụ Solakov là một fan trung thành của đội bóng màu xanh - đội Levski. Trong nhiệm kỳ bộ trưởng của ông, Levski đã được sáp nhập với một đội bóng của Bộ nội vụ với cái tên mới Levski-Spartak. Vậy là lượng người hâm mộ to lớn của đội Xanh tự nhiên thuộc về công an. Và đối thủ của họ, đội Đỏ, chính là Câu lạc bộ Quân đội, đương nhiên nó thuộc về quân đội, lực lượng mà vốn cũng không ưa gì công an. Trận derby hay nhất Bulgaria trở thành trận đấu công an-quân đội. Nó có thể làm độc giả Việt Nam liên tưởng tới trận derby Thể Công Viettel và Công an Hà Nội, nhưng về trình độ thì trận derby Bulgaria cao hơn nhiều. Mâu thuẫn công an-quân đội cũng tồn tại dưới chế độ cộng sản Bulgaria dù nó không gay gắt bằng mâu thuẫn công an-tuyên giáo. Nó là một mâu thuẫn đương nhiên khi chế độ đã mất lý tưởng và ngày càng cần công an để đàn áp, không chỉ là đàn áp người dân mà còn đàn áp nội bộ đảng, trong khi quân đội cảm thấy mình không được đối xử công bằng dù lãnh đạo đảng cũng đã cố gắng lấy lòng họ.
Khi chế độ cộng sản Bulgaria sắp cáo chung cũng nổi nên hai phe rất mạnh trong đảng là phe tuyên giáo và công an. Ảnh : Người đứng đầu phe tuyên giáo : Milko Balev
Câu chuyện trở nên gay cấn hơn bởi vì đội bóng quân đội có thêm hai cổ động viên : người đứng đầu phe tuyên giáo Milko Balev và tổng bí thư Todor Zhivkov. Trùng hợp là họ yêu thích lối đá của câu lạc bộ quân đội chăng ? Hay chẳng qua là họ cảm thấy ngứa mắt với đội bóng vừa được công an tiếp quản ? Chúng ta không biết. Và chúng ta cũng không biết có phải vì tình yêu với đội bóng Xanh mà Bộ trưởng Nội vụ Solakov cho nhân viên công an nghe lén huấn luyện viên đội bóng quân đội, thậm chí tạo ra những nhóm hooligan ủng hộ Levski hay không. Người ta nói rằng cơ quan công an thao túng kết quả trên sân bóng, và người ta bắt đầu la hét mỗi khi Solakov xuất hiện ở các trận đấu. Ông trùm tuyên giáo Balev là một trong những người la hét. Ông không thể chấp nhận điều này. Balev la hét, thậm chí nhảy vào sân xô xát với mọi người. Ông từng hét vào mặt chủ tịch Liên đoàn Thể dục Thể thao : "Có phải tất cả trọng tài đều là tuyển thủ của Levski không ?". Năm 1971 có hai huyền thoại của đội bóng Xanh-Levski chết vì tai nạn giao thông. Để vinh danh họ, bộ trưởng Solakov đã tổ chức một lễ tang khổng lồ với 550 ngàn người vây quanh.
Một hôm Solakov bị đem ra luận tội. Ông có năm tội :
1. Đã từng cãi nhau với sĩ quan Liên Xô ;
2. Bao che cấp dưới ;
3. Thiên vị cho đội bóng Levski ;
4. Tổ chức tang lễ cho cầu thủ của Levski làm quần chúng không chú ý tang lễ của các phi hành gia Liên Xô diễn ra cùng lúc (!) ;
5. Lấy cớ giám sát tham nhũng để tạo vây cánh.
Thế là Solakov mất đi chức vụ lãnh đạo ngành công an. Căng thẳng vẫn tiếp tục. Năm 1982 Bộ chính trị quyết định cách chức luôn trùm an ninh Spasov khỏi Ban chấp hành trung ương đảng vì tội hỗ trợ cho hoạt động tham nhũng. Nó cũng là một điều kỳ lạ khi Bộ chính trị, một cơ quan do Ban chấp hành trung ương bầu ra, lại có thể đuổi một người khỏi Ban chấp hành trung ương, nhưng với sự chấp thuận của tổng bí thư Zhivkov thì điều bất hợp lý cũng trở thành hợp lý.
Vi phạm của Spasov lại bắt đầu từ tình thân giữa hắn với gia đình Zhivkov. Zhivkov có một con gái tên là Zhivkova. Zhivkova không đơn giản chỉ là công chúa của tổng bí thư mà còn là ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Bulgaria. Là một nhân vật đầy tranh cãi, cô phần nào đóng góp cho việc mở cửa Bulgaria về mặt văn hóa nhưng cũng là người tiên phong cho tôn giáo và tín ngưỡng. Zhivkova nghiên cứu tâm linh từ tây sang đông, từ Châu Âu qua tới tận Châu Mỹ. Zhivkova quen thân từ thầy dạy yoga, nhà viết truyện kinh dị cho tới tiên tri Baba Vanga. Bất chấp bản thân là ủy viên Bộ chính trị của một đảng chủ trương vô thần, Zhivkova đã khởi xướng cho một phong trào tâm linh kỳ lạ. Zhivkova chết đột ngột ở tuổi 38 vì đột quỵ, chắc là thần linh gọi. Những kẻ xung quanh cô ngay lập tức bị tố cáo tội lợi dụng việc bảo tồn và phát huy văn hóa để tham nhũng, và Spasov là kẻ hỗ trợ chúng. Zhivkov cảm thấy tên công an của mình đã làm quá nhiều điều ngu ngốc và ông quyết định không cần hắn nữa, nhất là thời điểm đó Zhivkov đã có một tay sai tốt hơn : bộ trưởng Bộ nội vụ mới Dimitar Stoyanov, một đàn em trung thành không phải công an mà vốn chỉ hoạt động trong bộ máy đảng.
Căng thẳng tiếp tục tới năm 1985 và trung ương Đảng cộng sản Bulgaria quyết định giải thể cả hai đội bóng Xanh, Đỏ. Cũng thật quái lạ khi chuyện của hai đội bóng đá lại phải để cho trung ương đảng cộng sản quyết định. Có lẽ họ cảm thấy cuộc cạnh tranh giữa hai đội bóng đã trở thành một chiến trường chính giữa công an và phe tuyên giáo-quân đội, làm đảng phân hóa trầm trọng nên họ phải phong tỏa chiến trường này lại. Tổng bí thư Zhivkov đã kiểm soát được Bộ nội vụ nên Balev không cần và cũng không nên nhảy xuống sân chửi vào mặt đội bóng của công an nữa. Trong cuộc họp hôm đó của trung ương đảng cộng sản, nhân vật nổi bật nhất có lẽ là Georgi Atanasov.
Đó là một ngôi sao mới nổi xuất thân từ hàng ngũ tuyên giáo của Balev, một cán bộ tương đối trẻ. Atanasov được vào Ban Bí thư Trung ương năm 1977. Khi Balev bị mất uy tín với ban lãnh đạo đảng do những nghi ngờ tham nhũng thì Atanasov cũng dần thay thế vị trí của Balev trong nhóm thân cận của Zhivkov rồi cuối cùng giữ chức thủ tướng. Hắn được thăng tiến như vậy không phải vì tài giỏi gì. Tài năng của Atanasov thì cũng tương đương với bất cứ một người bình thường nào ngoài kia, trừ khoản nịnh bợ, cụ thể là nịnh bợ Balev và Zhivkov.
Bulgaria đã mở cửa kinh tế rất sớm với các nước Châu Âu. Việc Bulgaria chấp nhận mở cửa nguy hại hơn người ta tưởng. Nó làm cho đảng cộng sản mất lý tưởng, và một tập thể lớn đã mất lý tưởng thì sẽ không thể hòa giải những va chạm nội bộ nữa.
Việc Bulgaria chấp nhận mở cửa nguy hại hơn người ta tưởng. Nó làm cho đảng cộng sản mất lý tưởng, và một tập thể lớn đã mất lý tưởng thì sẽ không thể hòa giải những va chạm nội bộ nữa. Tổ chức nào cũng ít nhiều có vấn đề nội bộ, chỉ là có cái gì khiến các thành viên nhường nhịn nhau hay không thôi. Cuộc đấu đá đã làm cho Đảng cộng sản Bulgaria tê liệt từ từ vì thù hận phe phái. Càng tê liệt, vai trò của Zhivkov lại càng quan trọng vì có những việc mà ông sẽ quyết định thay cho bộ máy đang bận đấu đá. Tới lượt Zhivkov lại củng cố tình trạng này bằng cách cất nhắc những kẻ mờ nhạt, như Atanasov, lên những vị trí quan trọng để đảm bảo không ai có thể thách thức ông. Đảng cộng sản lâm vào một tình thế ngặt nghèo khi không thể thay thế Zhivkov bởi vì vị trí tổng bí thư của Zhivkov đã trở thành uy quyền tuyệt đối và trong tình trạng hận thù nhau thế này, khinh bỉ nhau thế này (vì có quá nhiều kẻ bất tài trong bộ máy), và cả tham nhũng thế này người ta không dám để cho ai khác thay Zhivkov được. Nhưng xung đột nội bộ quá lớn khiến các cán bộ không thể hợp tác với nhau nữa và Zhivkov cũng không thể duy trì tình trạng này mãi được. Zhivkov đâu ngờ rằng Atanasov, kẻ nịnh hót tầm thường mà mình cất nhắc lên sẽ tham gia vào cuộc lật đổ mình.
Donald Trump của Liên Xô
Gorbachev trở thành chủ nhân điện Kremlin thiêng liêng và nói thứ ngôn ngữ mới được gọi là glasnost và perestroika. Ở vào thời điểm này Gorbachev được ca ngợi như một thiên tài. Làm sao mà Zhivkov lại không thể hiện khả năng nịnh hót của mình. Nếu Liên Xô đã muốn cải cách thì Zhivkov phải nói cải cách hơn Liên Xô nữa. Nhưng Zhivkov đã hiểu lầm Gorbachev. Gorbachev không phải là ông già Noel tốt bụng lên kế hoạch làm Liên Xô tan rã để tặng cho cả nhân loại vào đêm giáng sinh năm 1991, ông ta chỉ muốn cải cách để đế chế Xô Viết có thể tồn tại được lâu hơn thôi. Ít nhất thì Gorbachev nghĩ vậy. Nghe những lời của Zhivkov, Gorbachev tưởng lão già này muốn biến Bulgaria thành một nước tư bản như nước Đức hay nước Nhật, nhà lãnh đạo Liên Xô bèn cảnh cáo trực tiếp và khuyên lão hãy loại bỏ những kẻ thân phương Tây đi. May mắn Zhivkov chỉ nói vuốt đuôi thôi chứ cải cách thêm thật thì không có bao nhiêu.
Zhivkov quê độ, nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất mà Gorby mang lại cho ông. Gorbachev là một thứ Donald Trump của Liên Xô. Cả hai đều chủ trương co cụm. Giống như Trump, Gorbachev thích việc rút quân khỏi Afghanistan cũng như gây sự với đồng minh. Gorbachev đề ra nguyên tắc "Tình bạn là tình bạn, nhưng dầu đi kèm với tiền". Như đã nói ở phần đầu thì Bulgaria được ưu đãi bằng giá dầu rẻ của Liên Xô nhưng họ bán lại cho phương Tây với giá thị trường. Thực tế các đồng minh Đông Âu của Liên Xô đều làm vậy và Liên Xô đã khó chịu với điều đó từ lâu. Với Gorbachev, Liên Xô không nhịn nữa, họ nói đồng minh đang lợi dụng họ tương tự như ngày nay Trump nói nước Mỹ đang bị đồng minh lợi dụng. Kinh tế đã khó khăn rồi mà nhân dân Liên Xô còn phải làm con bò sữa để các đồng chí Đông Âu vắt. Thật không thể chấp nhận ! Liên Xô yêu cầu đồng minh mua dầu đúng giá. Liên Xô trên hết !
Già, bệnh, chết
Cái chết của một chế độ không tới đột ngột như cái chết của một con người. Nó tới một cách chậm rãi qua rất nhiều năm, rồi một ngày bệnh trạng của chế độ tệ tới nỗi không thể chữa được và từ đó sức khỏe của nó sẽ lao dốc. Chế độ cộng sản Bulgaria cũng già đi và nó cũng mắc bệnh trước khi chết, giống như hiện thân của nó lúc đó là tổng bí thư Zhivkov. Zhivkov già yếu cũng cảm nhận được chế độ đang mắc bệnh, và Zhivkov nghĩ rằng mình phải tạo ra một sự kiện gì đó để hướng sự chú ý của mọi người khỏi tình trạng đó. Ông chọn lá bài chủ nghĩa dân tộc. Zhivkov cho dân quân xông vào nhà của những người Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ, bắt họ phải đổi tên Hồi giáo của họ thành tên Slav theo đúng truyền thống của một nước Slav rồi nói rằng đây là một phong trào tự phát và tự nguyện của quần chúng nhân dân. Mới nghe thì có vẻ lạ, lẽ ra người ta chỉ có thể là người cộng sản hoặc chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không thể vừa là người cộng sản vừa là người theo chủ nghĩa dân tộc được. Zhivkov và bọn cấp dưới là cả hai, còn con gái ông thì vừa là người cộng sản vừa là nhà tâm linh. Không lạ đâu, ở quê nhà Việt Nam chúng ta cũng có những người như vậy mà. Lý tưởng cộng sản đã rõ là sai nhưng họ vẫn nhớ câu nói của Karl Marx : "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân". Họ thọc tay vào tôn giáo để tạo ra loại thuốc phiện cho nhân dân hút, cũng như đưa người dân vào trạng thái phấn khích với chủ nghĩa dân tộc.
Kinh tế tuy gặp khó khăn vì chính sách ích kỷ của Liên Xô nhưng không đáng lo lắm. Bulgaria từng vỡ nợ hai lần mà sự độc quyền lãnh đạo của đảng đâu có mất đi ! Cũng giống như giai đoạn bao cấp ở Việt Nam khiến cả nước đói ăn nhưng chế độ vẫn không sụp đổ chừng nào không có lực lượng chống đối đủ mạnh. Đối lập thì không thấy đâu, an ninh kiểm soát khắp nơi còn quần chúng thì thờ ơ với chính trị, Zhivkov đang có những ngày tuyệt vời. Nhưng bọn phản động lại lù lù xuất hiện ngay trong nội bộ Đảng cộng sản Bulgaria.
Ở Bulgaria có một thành phố tên là Ruse nằm bên bờ sông Danube. Nhìn qua bên kia sông là thành phố Giurgiu của nước láng giềng Romania đang nằm dưới sự lãnh đạo tài tình của đồng chí Ceausescu. Một nhà máy hóa chất được xây dựng lên ở Giurgiu và nó đã là thảm họa môi trường cho cả hai thành phố. Không khí trở nên ô nhiễm tới mức tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại Ruse cao gấp 2 lần mức trung bình Bulgaria, nhiều đứa trẻ sinh ra với cơ thể khuyết tật, nhưng chính quyền Bulgaria không có lấy một lời phàn nàn vì sợ ảnh hưởng tình nghĩa anh em cộng sản.
Các nước cộng sản đều tàn phá môi trường thay vì bảo vệ.
Tình trạng quá tồi tệ tới nỗi không chỉ dân thường mà nhiều đảng viên đảng cộng sản cũng không thể chấp nhận. Năm 1988 họ thành lập Ủy ban công Bảo vệ Môi trường Ruse, có thể coi như nhóm bất đồng chính kiến đầu tiên trong thời cộng sản. Số lượng đảng viên cộng sản trong ủy ban này chiếm phần lớn, có cả một ủy viên trung ương, một đại biểu quốc hội và vợ của chủ tịch quốc hội đương nhiệm. Ủy ban này không thể làm bất cứ cái gì vì vừa ra đời nó đã bị cấm hoạt động mặc dù nó chỉ muốn bảo vệ môi trường ở Ruse và tất nhiên mọi thành viên đều vào tầm theo dõi của an ninh, thực sự thì ngay từ đầu nó đã bị an ninh xâm nhập. Nhưng chỉ riêng việc nó được thành lập đã gây ra xáo trộn nghiêm trọng trong nội bộ chế độ. Bà vợ chủ tịch quốc hội bị khai trừ đảng còn ông chồng và vị ủy viên trung ương kia cũng phải ra khỏi ban chấp hành trung ương. Nhưng đảng và nhà nước đã chia rẽ nghiêm trọng tới nỗi không thể đồng thuận trong việc thay thế luôn chủ tịch quốc hội, và ông này vẫn là chủ tịch quốc hội cho tới ngày chế độ sụp đổ dù không còn là ủy viên trung ương. Một phần cũng là vì tổng bí thư Zhivkov đã già và mắc bệnh nên không thể thực thi quyền hành của một nhà độc tài cá nhân hiệu quả như trước.
Nguồn cơn vụ việc này là do Romania nhưng chế độ cộng sản Bulgaria còn gây ra thảm họa môi trường khác, mọi chế độ cộng sản đều là thảm họa môi trường. 41% đất ở Bulgaria bị ô nhiễm, không khí nói chung có mức độ ô nhiễm gấp 17 lần mức trung bình Châu Âu, bờ Biển Đen cũng bị ô nhiễm. Quá bức xúc với tình trạng này, năm 1989 những người từng thành lập Ủy ban công Bảo vệ Môi trường Ruse đã tái hợp và thành lập một tổ chức mới mang tên Ecoglasnost. Bằng quan hệ với giới lãnh đạo và bằng thân phận của những thành viên là cán bộ cộng sản, Ecoglasnost được phép tổ chức họp báo và hội họp công khai để nói về vấn đề môi trường. Thế là phiền phức lại tới, nhưng Zhivkov nghĩ rằng nó chỉ là phiền phức nhỏ. Chừng nào an ninh của tổng bí thư còn theo sát và trà trộn bên trong chúng thì chúng vẫn nằm trong bàn tay ông.
Nhưng theo bản năng cộng sản, Zhivkov dần cảm thấy khó chịu. Ecoglasnost đang ở giữa thủ đô và ngay lúc đó đang có một hội nghị quốc tế về môi trường. An ninh yêu cầu Ecoglasnost ra vùng ngoại ô mà hội họp. Ecoglasnost từ chối và an ninh đánh họ ngay trước mắt các đại diện nước ngoài rồi lôi họ đi. Không có chuyện người dân phẫn nộ rồi tất cả đồng loạt nổi dậy, họ cảm thấy an ninh quá đáng nhưng họ quen chịu đựng rồi. Vấn đề tới từ nội bộ đảng. Các đảng viên, vốn đã rất chia rẽ, lần này thực sự không thể chịu nổi. Chính tổng bí thư Zhivkov đã bôi tro trát trấu lên mặt chế độ, làm cho quốc tế, kể cả Liên Xô, nhìn họ như một lũ man rợ và cô lập họ. Nhiều đảng viên yêu cầu tổng bí thư từ chức, sự chia rẽ lớn tới nỗi không có người ra lệnh cho an ninh phải làm gì và chúng trở thành vô dụng mặc dù có mạng lưới theo dõi khắp nơi và đã thâm nhập vào các nhóm bất đồng chính kiến từ đầu.
Tên Atanasov, người thế chỗ trùm tuyên giáo Balev bèn liên kết với hai người thuộc phe chuyên viên là Andrey Lukanov, Petar Mladenov và bộ trưởng quốc phòng Dobri Dzhurov. Tổ hợp tuyên giáo-chuyên viên-quân đội này tự nó đã mạnh rồi nhưng muốn chắc ăn còn phải hỏi ý kiến Liên Xô nữa. Gorbachev quá mệt mỏi với các đồng minh không muốn can thiệp, họ được phép muốn làm gì thì làm. Được tự do hành động, liên minh ba phe này liền ép tên tổng bí thư già yếu bệnh tật từ chức. Zhivkov và những tay sai thân cận lần lượt bị đuổi khỏi đảng.
Đảng cộng sản biến thành Đảng Xã hội chủ nghĩa
Cuộc lật đổ tổng bí thư Zhivkov xảy ra cùng lúc với sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, không lâu sau đó Romania cũng xử tử tổng bí thư Ceausescu, những sự kiện này đã tác động mạnh tới tâm lý mọi người. Từ một tổ chức của những đồng chí cộng sản có ý kiến khác về môi trường, Ecoglasnost bỗng chốc biến thành một tổ chức đối lập hoàn toàn chống cộng và theo sau nó là các nhóm đối lập khác mọc lên như nấm sau mưa. Họ bắt đầu tổ chức biểu tình, rồi các nhóm đối lập liên minh lại tạo thành Liên hiệp các Lực lượng dân chủ. Đám đông hô vang khi nghe lời yêu cầu thành lập "chính phủ đoàn kết dân tộc" của Petar Beron, một nhà khoa học tham gia sáng lập Ecoglasnost và giờ đây là phát ngôn viên của Liên hiệp các Lực lượng dân chủ.
Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Bulgaria ở vào một tình thế cực kỳ khó khăn. Đây không phải là trận đấu giữa đảng với một đám phản động bên ngoài mà là trận đấu giữa lãnh đạo đảng với những đồng chí cộng sản muốn thay đổi và một số người ngoài đảng. Vì vậy mặc dù không muốn nhưng lãnh đạo Đảng cộng sản vẫn phải chấp nhận đàm phán trong hội nghị bàn tròn sẽ tổ chức vào đầu năm 1990. Tin tức về hội nghị bàn tròn nhanh chóng được công khai trên các phương tiện truyền thông, mọi cặp mắt đều hướng về nó.
Bước vào hội nghị bàn tròn, đối lập thấy phái đoàn của Đảng cộng sản do Lukanov đứng đầu. Đối lập yêu cầu xóa bỏ điều khoản trong hiến pháp quy định Đảng cộng sản đương nhiên có quyền lãnh đạo. Lúc trước mà nói điều này thì bất kỳ lãnh đạo đảng nào cũng sẽ chửi họ là đồ phản động, nhưng bây giờ phía cộng sản không những chấp nhận mà còn đòi tổ chức bầu cử tự do càng sớm càng tốt. Đối lập hiểu ra rằng Đảng cộng sản đang dùng chiêu mà các đảng cộng sản khác cũng đã dùng : ép một đối lập non trẻ phải tranh cử gấp rút để họ không kịp chuẩn bị. Cuộc đàm phán trở nên oái ăm khi Liên hiệp các Lực lượng dân chủ muốn tổ chức bầu cử tự do vào mùa thu hoặc mùa đông còn Đảng cộng sản thì muốn ngay bây giờ. Cuối cùng hai bên thỏa hiệp sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 6, và người ta sẽ bầu ra một Quốc hội lập hiến có khả năng viết lại hiến pháp. Hội nghị bàn tròn sẽ tiếp tục cho tới lúc đó, trong thời gian đó hội nghị sẽ xây dựng các dự luật trình quốc hội. Vậy là Đảng cộng sản đã thành công chia sẻ vai trò với đối lập, kể từ lúc đó mọi điều tồi tệ xảy ra ở Bulgaria thì đối lập đều phải chịu trách nhiệm chung với người cộng sản, đồng thời nó khiến đối lập bận rộn trong khi họ không có thời gian để phát triển mạng lưới tổ chức và chuẩn bị tranh cử.
Chế độ cộng sản chuẩn bị rất kỹ cho cái chết : bắt đầu có sự phục hồi danh dự cho một số nạn nhân của nó và Đảng cộng sản thậm chí còn giải tán tất cả đảng bộ trong các công ty, bệnh viện, trường học. Phát ngôn viên đối lập Petar Beron yêu cầu được cung cấp trụ sở để hoạt động, ông hài hước nói "Các ông có thể cho chúng tôi không gian trong tòa nhà ban chấp hành trung ương". Đối lập còn yêu cầu hỗ trợ cho hoạt động truyền thông của họ. Sau đó chính phủ cộng sản cung cấp cho Liên hiệp các Lực lượng dân chủ một tòa nhà và hỗ trợ họ phát hành tờ báo riêng, nhưng lượng bản in chỉ bằng 1/10 so với báo đảng. Trong nội bộ Đảng cộng sản cũng đồng thuận về việc bỏ chủ nghĩa cộng sản để chuyển qua chủ nghĩa xã hội theo kiểu Tây Âu, và cuối cùng họ đổi tên thành Đảng Xã hội chủ nghĩa. Họ cũng đổi tên tổ chức công đoàn thời cộng sản để đối đầu với một công đoàn độc lập mới thành lập. Vậy còn tội lỗi của họ ? Tất cả tội lỗi đều được đổ hết lên đầu cựu tổng bí thư Zhivkov, ban lãnh đạo đảng nói rằng họ cũng là nạn nhân của Zhivkov thôi. Sau đó Zhivkov và cựu trùm an ninh Spasov bị các đồng chí cũ khởi tố. Zhivkov rất tức giận, trước tòa ông luôn khẳng định mình vô tội, các phiên tòa cứ nối tiếp nhau từ năm này sang năm khác và có lúc Zhivkov dọa kiện ngược lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu, ông cũng sẽ làm bạn với đối lập dân chủ vì ông cảm thấy họ còn dễ mến hơn đám đồng chí cũ nhưng đó là chuyện sau này.
Bầu cử tự do
Tháng 6 tới. Cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau nhiều thập kỷ được tổ chức, nhưng không có bàn thắng và màn reo mừng hân hoan cho đối lập. Đảng Xã hội chủ nghĩa đắc cử với đa số tuyệt đối, Lukanov trở thành thủ tướng. Đối lập nói rằng Đảng Xã hội chủ nghĩa gian lận nhưng các quan sát viên quốc tế nói cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng, mặc dù vậy một số quan sát viên lưu ý rằng người dân vẫn cực kỳ sợ người cộng sản và vẫn tuân phục theo thói quen, tâm lý đó đã có tác động tới lá phiếu của họ. Họ sợ tới nỗi không dám nói ra quan điểm thật của mình nếu người hỏi cầm theo máy ảnh. Nhưng sự thật là cũng có nhiều người Bulgaria hài lòng với sự cai trị của người cộng sản : một nền kinh tế cởi mở phần nào và 45 năm không có chiến tranh. Đảng Xã hội chủ nghĩa vẫn có ảnh hưởng áp đảo trên xã hội so với đối lập, 40% học sinh tốt nghiệp trung học là đảng viên của nó, thậm chí nhiều thành viên của Liên hiệp các Lực lượng dân chủ vẫn chưa từ bỏ tư cách đảng viên Đảng cộng sản. Người dân ở vùng quê nhà Zhivkov rất không đồng ý với chiến dịch đổ lỗi cho cựu tổng bí thư nhưng dẫu sao thì Đảng Xã hội chủ nghĩa đã giành được sự ủng hộ của kha khá cử tri và đã thắng.
Đảng cộng sản Bulgaria đổi tên thành Đảng Xã hội chủ nghĩa và đã thắng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên. Ảnh : Tượng đài Đảng cộng sản Bulgaria trên đỉnh Buzludzha ở dãy núi Balkan, Bulgaria.
Nhưng cuộc bầu cử vẫn có tác dụng làm thay đổi nhận thức của người dân, dù tác dụng tới trễ. Nhiều người không dám tin là thời thế đã thay đổi ngay cả khi diễn ra cuộc bầu cử nhưng bây giờ họ nhìn thấy đối lập ngồi trong quốc hội. Chúa ơi, vậy là thay đổi thật rồi ! Chính quyền này thực sự được họ bầu lên. Vậy thì nó phải sợ họ! Bulgaria như bị chia làm hai. Một nửa dân chúng vẫn chấp nhận những người cộng sản và nửa còn lại bùng cháy như lửa, đó là những người đã ấm ức từ lâu và bây giờ họ đã có thể bước ra đường rủa xả những gì họ ghét. Petar Beron, lãnh đạo Liên hiệp các Lực lượng dân chủ nói với đám đông tụ tập quanh một nhà thờ rằng Liên Hiệp sẽ bỏ phiếu chống lại dự thảo ngân sách của chính phủ và đám đông gào thét vang trời. Đảng Xã hội chủ nghĩa cũng e ngại đám đông này và họ hứa loại bỏ tất cả mọi biểu tượng cộng sản để bày tỏ thiện chí, nhưng họ lại quên mất ngôi sao đỏ trên tòa nhà trụ sở đảng.
Nhiều người đi khắp đường phố tìm kiếm các biểu tượng cộng sản còn sót lại để trút giận, cuối cùng họ tìm thấy ngôi sao đỏ vẫn ở đó. À há ! Các người đã không giữ lời hứa. Một đám người xông vào trụ sở đảng và phóng hỏa, rất may không có ai chết. Thật quá quắt ! Phe xã hội chủ nghĩa tức giận : sao chỉ có người chống cộng hoành hành ngoài đường vậy ? Thế là những người ủng hộ cộng sản cũng tụ tập lại biểu tình. Bọn họ vẫy cờ đỏ, không hề nao núng bày tỏ sự ủng hộ dành cho người cộng sản. Lãnh đạo của Liên hiệp các Lực lượng dân chủ cũng lên án vụ đốt phá trụ sở đảng đối thủ, họ lên án những kẻ không muốn chuyển tiếp trong hòa bình mà chỉ muốn trả thù. Tuy vậy Đảng Xã hội chủ nghĩa hiểu là họ không thể yên ổn nếu cứ như vậy được. Họ cho người tháo dỡ ngôi sao đỏ và đám đông tụ tập bên ngoài hoan hô. Một người đứng trong đám đông nói : "Nếu họ tháo ngôi sao xuống sớm hơn thì mọi chuyện sẽ yên ổn hơn nhiều và sẽ không có đám cháy", trong khi những người ủng hộ cộng sản ấm ức rơi nước mắt. Lửa đang âm ỉ thì tự nhiên có người thêm dầu, công đoàn cộng sản cũ đột ngột quay ra chỉ trích Đảng Xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng đảng không làm gì để cải thiện quyền lợi của người lao động, họ biết rằng lãnh đạo của họ bây giờ không dám đàn áp họ.
Phe dân chủ trúng đòn
Tình thế khó khăn, Đảng Xã hội chủ nghĩa cố thuyết phục đối lập dân chủ tham gia vào một chính phủ liên minh nhưng đối lập hoàn toàn bất hợp tác. Họ muốn toàn bộ chính phủ từ chức và bầu cử lại, thời điểm này khả năng thắng của họ cao hơn. Sau nhiều tháng xoay xở đủ chiều cuối cùng thủ tướng Lukanov quyết định từ chức nhưng trước khi bước xuống, những người Xã hội chủ nghĩa phải trả đũa bọn phản loạn láo lếu này cho hả giận. Họ có bom tấn.
Một lá thư được tung ra, và người ta được biết : có 70 dân biểu quốc hội từng hợp tác với an ninh cộng sản, trong đó có nhiều người thuộc Liên hiệp các Lực lượng dân chủ kể cả Petar Beron, lãnh đạo đương nhiệm của họ ! Petar Beron hoạt động cho an ninh với bí danh là Bontcho. Một đòn chí mạng giáng thẳng vào các nhà dân chủ. Trong trụ sở của Liên hiệp các Lực lượng dân chủ ánh đèn sáng choang nhưng lòng ai cũng u ám. Người ta có thể tưởng tượng ra khuôn mặt tái đi của nhân vật chính Petar Beron, ông này cố gắng thanh minh rằng ông chỉ cung cấp thông tin về du khách nước ngoài tới thăm Bảo tàng lịch sử tự nhiên thời còn làm ở đó, và đó chỉ là một việc để phục vụ lợi ích quốc gia chứ không phải phục vụ Đảng cộng sản. Nhưng ngay trong nội bộ Liên hiệp các Lực lượng dân chủ cũng có nhiều thành viên nòng cốt không tin tưởng Beron, có người còn nói đã biết ông có mối liên hệ với chế độ cộng sản từ lâu. Trong số những người gay gắt nhất có cả Zhelyu Zhelev, người mà sau này sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên. Vậy là khi cách mạng vừa mới thành công và đang đứng trước cơ hội nắm quyền, Petar Beron phải từ chức, nhưng ông ném lại một câu : "Tôi chưa bao giờ là đảng viên Đảng cộng sản, không giống như nhiều người đang cáo buộc tôi". Câu nói nhắm vào Đảng Xã hội chủ nghĩa nhưng cũng nhắm vào những người từng là đảng viên cộng sản trong Liên Hiệp.
Còn người dân ? Không có gáo nước lạnh nào làm họ sốc được như vậy. Một sự phản bội ghê tởm ! Sau đó còn có thêm nhiều người khác bị tiết lộ là đã hợp tác với an ninh cộng sản, trong đó có những người thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa nhưng tự họ đã là cộng sản rồi nên không bị ảnh hưởng gì, chỉ cần còn cử tri chấp nhận họ là được. Thân phận của Petar Beron đã tạo ra một vết thương trong lòng phe dân chủ, gây ảnh hưởng xấu tới những người kế nhiệm ông. Philip Dimitrov là người thay thế Beron dẫn dắt Liên hiệp các Lực lượng dân chủ giành được hơn 34% phiếu bầu trong cuộc bầu cử nghị viện kế tiếp, gia đình và chính bản thân ông bị đồn rằng có mối quan hệ thân thiết với Đảng cộng sản, Petar Stoyanov, người đại diện cho Liên Hiệp ra tranh cử và đắc cử tổng thống năm 1996 cũng bị người ta đồn là một an ninh cộng sản nằm vùng với bí danh Viktor. Hai trường hợp trên chỉ gặp những lời đồn vô căn cứ nhưng người tiếp theo là Ivan Kostov bị nghi ngờ hơn nhiều. Kostov đã dẫn dắt Liên Hiệp chiến thắng trong cuộc bầu cử nghị viện năm 1997, ông này từng là một nhà nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin và người ta nói rằng ông có quan hệ đặc biệt thân thiết với nhiều lãnh đạo Đảng cộng sản dù ông không chính thức là đảng viên của nó. Kostov cảm thấy mình phải làm gì đó để chứng minh sự trong sạch, một hôm ông thấy lăng của lãnh tụ cộng sản đầu tiên, ông bèn cho cái lăng nổ tung dù có tới 2/3 quần chúng phản đối. Kostov chứng minh được với tổ chức của mình nhưng sau nhiệm kỳ đó Liên hiệp các Lực lượng dân chủ bị mất phiếu tới nỗi trở thành một nhóm nhỏ trong quốc hội cho tới bây giờ.
Đồng chí tương tàn, tình nghĩa nát tan
Ảnh hưởng của người cộng sản vẫn còn lớn. Một phần do trước kia thông tin bị bưng bít nên nhiều người tin rằng họ có công gìn giữ an ninh trật tự trong thời kỳ cộng sản, ngược lại dân chủ bị cho là đem tới hỗn loạn vì thực trạng xã hội bị phơi bày. Công đoàn của Đảng Xã hội chủ nghĩa vẫn là công đoàn lớn nhất với số thành viên gấp 10 lần công đoàn đối thủ non trẻ hơn, bản thân Đảng Xã hội chủ nghĩa cũng là tổ chức chính trị có số thành viên lớn nhất và luôn có một lượng cử tri kha khá. Những người ra khỏi đảng thành lập tổ chức khác cũng tương đối có ảnh hưởng, chuyện có vẻ ổn cho tới khi một cựu công an cộng sản lập ra tổ chức gọi là GERB và nhanh chóng soán ngôi Đảng Xã hội chủ nghĩa để trở thành lực lượng lớn nhất. GERB cố lôi lịch sử ra chỉ trích Đảng Xã hội chủ nghĩa để lấy lòng phe chống cộng, ngược lại Đảng Xã hội chủ nghĩa cũng mỉa mai những thành viên có quá khứ cộng sản của GERB.
Một số đảng viên khác thì từ bỏ chính trị, tận dụng mạng lưới quan hệ từ thời còn trong chế độ cũ họ ra kinh doanh và trở nên giàu có. Người ta nói rằng trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình Lukanov đã giúp nhiều đồng chí trở thành triệu phú chỉ sau một đêm, sau này Lukanov cũng bỏ chính trị để theo nghiệp kinh doanh. Công ty cung cấp khí đốt của cựu lãnh đạo cộng sản ăn nên làm ra nhờ mối quan hệ với Nga. Mọi chuyện đang tốt đẹp thì có tin đồn Lukanov sẽ bị ám sát. Thật là ngớ ngẩn, làm gì có âm mưu ám sát nào hớ hênh như vậy. Mà khi đó là năm 1996, Đảng Xã hội chủ nghĩa đã đắc cử và quay trở lại kiểm soát nội các thì làm sao nguyên lãnh đạo đảng Lukanov gặp nguy hiểm được. Vài tháng sau Lukanov bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng.
Các tin đồn bùng nổ, người dân bàn ra tán vào. Có hai giả thuyết về lý do cho vụ ám sát, giả thuyết thứ nhất là tập đoàn Multigroup của một số đồng chí Đảng Xã hội chủ nghĩa muốn chiếm lấy công việc kinh doanh béo bở của Lukanov, giả thuyết thứ hai là Lukanov có xung đột với tập đoàn Orion của Rumen Spasov, con của trùm an ninh Mircho Spasov thời Zhivkov ngày trước. Người ta còn đồn rằng Lukanov có mâu thuẫn với lãnh đạo đương thời của Đảng Xã hội chủ nghĩa. Đồn ra đồn vô, cuối cùng một anh thầu xây dựng bị bắt và anh thầu này cũng là người quen thân với nội các Xã hội chủ nghĩa lúc đó. Vụ xét xử kéo dài, cuối cùng anh này trắng án. Vụ án không có lời giải, các đồng chí Xã hội chủ nghĩa bày tỏ sự tiếc thương, chỉ có cựu tổng bí thư Zhivkov tiếp tục buông lời chỉ trích ông Lukanov tội nghiệp. Nhưng vụ việc chưa dừng lại.
Một trong những người được gọi tới phiên tòa để làm chứng là Iliya Palov, một tên tư bản đỏ, kẻ đã trở thành người giàu nhất Bulgaria nhờ các mối quan hệ với những người trong hệ thống cộng sản cũ. Ngay hôm sau phiên tòa thì Palov bị bắn chết và lần này người ta không tìm ra kẻ tình nghi nào. Thậm chí sau đó chị gái của Palov và đứa con trai 8 tuổi của cô ấy cũng bị giết. Nghe thật tàn bạo, nhưng người Bulgaria cũng dần quen với những chuyện như vậy.
Kể từ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ thì xuất hiện những băng mafia hoành hành khắp đất nước. Chúng thực hiện rất nhiều vụ ám sát nhắm vào những người liên quan tới chế độ cũ và Đảng Xã hội chủ nghĩa, có cả một vụ ám sát bằng súng phóng lựu. Năm 2005 Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích Bulgaria vì không ngăn chặn được bọn tội phạm này. Chỉ một ngày sau khi EU buông lời chỉ trích, Emil Kulev, một cựu công an và cũng là doanh nhân giàu thứ ba Bulgaria bị bắn chết ngay trên đại lộ. Kulev vẫn còn may vì sau khi bị bắn 10 phát đạn ông chết luôn. Hai năm sau đó doanh nhân Manol Velev cũng bị bắn, nhưng khốn khổ khốn nạn làm sao, ông không chết mà lại rơi vào tình trạng hôn mê suốt 14 năm cho tới cuối đời. Velev là chồng của một lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa. Giới truyền thông săn đón một cựu tội phạm tên là Stoev, người sẵn sàng tiết lộ nhiều thông tin. Theo Stoev thì chính ông Gotsev, một nhà lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa từng làm ngoại trưởng trong nhiệm kỳ thủ tướng của Lukanov, là kẻ đỡ đầu cho bọn tội phạm. Một hôm Stoev bị bắn chết ngay trên một con phố đông đúc.
Một kịch bản chấp nhận được ?
Cho tới bây giờ ở Bulgaria vẫn có người nói rằng cuộc chuyển tiếp về dân chủ vẫn đang diễn ra chứ chưa thành công, có người còn cho rằng tất cả chỉ là màn kịch của cộng sản và về cơ bản đảng viên cộng sản cùng người thân của họ vẫn nắm giữ phần lớn tài sản lẫn những vị trí quan trọng nhất trong chính quyền. Cá nhân tôi cho là họ đã suy nghĩ một cách cực đoan, theo tôi kịch bản này vẫn chấp nhận được, dù nó không được đẹp cho lắm nhưng nó đã mở ra cơ hội cho Bulgaria thoát khỏi sự cô lập rồi dần dần hội nhập với thế giới dân chủ văn minh. Do kinh tế không được khấm khá lắm nên ngày nay vẫn còn nhiều người Bulgaria bỏ xứ ra đi tìm việc làm ở nước khác, hãy tưởng tượng nếu bây giờ Bulgaria vẫn chưa có dân chủ thì sao ? Trong thời đại ngày nay khái niệm quốc gia đang bị xét lại, con người ta có thể bỏ nước ra đi dễ dàng hơn xưa và tiến bộ công nghệ đã tạo ra một xã hội với tâm lý quá phức tạp, quá nhạy cảm tới nỗi không có chủ nghĩa hay tôn giáo nào có thể đoàn kết đa số lại, tất cả mọi quốc gia đều đối mặt với đe dọa hỗn loạn, ly khai. Một chế độ độc tài có thể sẽ là nguồn cơn tích tụ một lượng bất mãn vượt quá khả năng chịu đựng của quốc gia và khi chế độ độc tài không kiểm soát được tình hình nữa quốc gia có thể rơi vào hỗn loạn. Tôi vẫn nghĩ rằng kịch bản Bulgaria là một kịch bản chấp nhận được cho Việt Nam, dù tôi muốn nhiều hơn vậy.
Yến Vương
(4/8/2024)