Điểm báo Pháp - Hồi kết của kỷ nguyên Macron (RFI)

Cực hữu thắng vòng 1, hồi kết của kỷ nguyên Macron bắt đầu ?

Nỗi lo đã thành sự thật : cực hữu dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng một. Libération ngày 01/07/2024 kêu gọi "Đoàn kết lại sau cú sốc", Les Echos coi là "Hồi kết của một kỷ nguyên". La Croix chạy tít "Mặt trận cộng hòa : Một tuần để chọn lựa", Le Monde cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "mặt trận cộng hòa". Le Figaro nói về "Cuộc chiến giữa Bardella (cực hữu) và Mélenchon (cực tả)", coi đây là "Bi kịch Pháp".

hoiket1

Người biểu tình chống đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) đốt một rào chắn tại quảng trưởng République, Paris sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội vòng một, ngày 01/07/2024. Reuters - Fabrizio Bensch

Thảm họa do Macron tự gây ra

Le Figaro cho rằng khi các nhà sử học sau này viết về vụ giải tán Quốc hội, sẽ chỉ có mỗi một chữ : thảm họa. Emmanuel Macron hầu như có tất cả : còn ba năm ngự trị tại Élysée, một đa số tương đối ở Quốc hội, một đảng đang hoạt động tốt, một lượng cử tri căn bản tuy hẹp nhưng vững chắc, một quyền lực không thể tranh cãi. Ông đã mất tất cả, trừ Élysée.

Macron muốn một khối trung dung, chia rẽ cánh tả, cô lập cực hữu, những tính toán này đều sai lầm. Tổng thống muốn "chận đường các phe cực đoan", nhưng rốt cuộc cực hữu và cực tả đều cao phiếu hơn bao giờ hết. Bị kẹt giữa hai thái cực, nước Pháp đứng trước viễn cảnh phiêu lưu chính trị hoặc tê liệt định chế : hai mặt của một cuộc khủng hoảng chế độ. Tất nhiên trong một cuộc bỏ phiếu hai vòng, kết quả vòng đầu chưa phải là chắc chắn, có thể xảy ra nhiều việc khác giữa hai vòng.

Tuy vậy sự phân cực rất rõ, thông qua cuộc song đấu RN-LFI ở nhiều nơi, hay những cuộc đấu tay ba. Cử tri đứng trước thế lưỡng nan về chính trị và đạo đức. Đây không phải là sự đối đầu thiện ác, mà là một bi kịch, khi chỉ có những giải pháp tồi để chọn lựa. Chương trình của Tập Hợp Dân Tộc (RN) rất đáng lo, nhưng đối mặt là phe bài Do Thái, cánh tả thân Hồi giáo, hận thù giai cấp, ảo tưởng thuế khóa... Dưới sự thống trị của Nước Pháp Bất Khuất (LFI), Mặt trận Bình dân Mới là véc-tơ của một ý tưởng sẽ làm lụn bại đất nước.

Cực hữu sẽ gặm nhấm dần tự do dân chủ

Libération lưu ý : Có đến 12 triệu người bỏ phiếu cho một đảng cực hữu kỳ thị chủng tộc, phản lại tư tưởng cộng hòa, so với 3 triệu khi Emmanuel Macron mới lên làm tổng thống năm 2017. Tuy vậy không phải là chủ nghĩa phát-xít sẽ đến, mà là phi tự do đang rình rập. Trách nhiệm của phe Macron cũng như các cử tri ôn hòa là rất lớn : Trong một tuần lễ nữa, kỷ nguyên chính trị có thể thay đổi, bước vào một thời kỳ bất định khi những người nắm quyền không thích dân chủ tự do với các cơ chế thăng bằng của nó.

Chủ nghĩa phi tự do đến một cách âm thầm, bắt đầu từ tính chính danh nhờ chiến thắng, được bầu lên bởi lớp người bình dân nhất trong dân chúng. Nó không tuyên bố kế thừa tự do dân chủ, nhưng khẳng định là lời đáp cho sự bất lực của chế độ này. Người cầm quyền không áp đặt một chương trình hủy diệt tự do một cách rõ rệt, nhưng đây là mục đích. Tư pháp cố buộc tôn trọng Nhà nước pháp quyền, báo chí tiết lộ việc lũng đoạn thông tin và tố cáo những mờ ám, các định chế được thành lập để để ngăn chặn sự tùy tiện của chính quyền... đều bị coi là những trở ngại cần đưa vào trật tự.

Bà Marine Le Pen, trong những ngày gần đây, mỗi lần xuất hiện trước truyền thông đều vẽ ra một bức tranh của nước Pháp như trong cảnh tận thế. Theo bà thì Pháp đang lụn bại, bên bờ vực nội chiến, hầu như phá sản ; trường học, bệnh viện không hoạt động được ; các thành phố đang bị Hồi giáo hóa và do bọn buôn ma túy kiểm soát. Một sự bôi đen như vậy là khởi đầu để biện minh cho những biện pháp đặc thù ngoài khuôn khổ pháp lý.

RN, một chính phủ vừa cứng rắn vừa bất tài ?

Sự cực đoan của RN cũng đáng lo như sự thiếu chuẩn bị của đảng này. Khả năng chỉ tám ngày nữa một chính phủ cực hữu không có nổi danh sách các nhân vật có năng lực và khả tín, cộng thêm vào nguy cơ biến tướng. Phe Macron, mà cơ sở ban đầu là chừng mực và lý trí, theo nhật báo thiên tả là nên ý thức trách nhiệm, và cử tri ôn hòa nên ủng hộ mọi ứng cử viên có thể đánh bại cực hữu.

La Croix nhận định kết quả của RN là lịch sử, cao hơn 15 điểm so với năm 2022, đưa Jordan Bardella đứng trước cánh cửa quyền lực. Tuy vậy vẫn chưa là hồi kết cho phía Macron, liên minh cầm quyền chống chọi được hơn mức chờ đợi. Một chiến dịch mới mở ra cho vòng hai, và nhật báo công giáo lạc quan cho rằng từ sự rối loạn hiện nay, có thể nổi lên một đa số xứng đáng với các giá trị của nền cộng hòa.

"Nhiệm kỳ 7 năm" của Macron khá thành công về kinh tế  

Đối với Les Echos, ngày 30/06/2024 đánh dấu cho hồi kết "nhiệm kỳ 7 năm" của Emmanuel Macron : một nhiệm kỳ thứ nhất 5 năm và một mẩu của nhiệm kỳ thứ hai bị chính ông phá hoại. Dù kết quả vòng hai như thế nào đi nữa, giờ đây là lúc nhìn lại những gì Macron đã thực hiện trong thời gian qua. Ông để lại một nước Pháp bị chia thành nhiều mảnh, cực đoan hóa, với trên 450 ghế dân biểu có thể rơi vào tay cực hữu và cực tả. Một nước Pháp giận dữ coi cuộc bỏ phiếu này là cuộc trưng cầu dân ý chống lại Macron, với tỉ lệ đi bầu kỷ lục 68%, khiến tổng thống sẽ phải đối mặt với một thủ tướng thù địch.

Về kinh tế, thành quả của Emmanuel Macron là thất nghiệp ở mức thấp nhất, tìm lại được tính cạnh tranh trên trường quốc tế, bắt đầu tái kỹ nghệ hóa. Những tập đoàn Pháp về hàng không, hàng xa xỉ, du lịch, năng lượng, tài chánh, kỹ thuật số vượt lên dẫn đầu ; trên 2,7 triệu người Pháp trở thành chủ công ty...

Vậy thì tại sao có "Áo Vàng" ? Tại sao có cảm giác bị xuống cấp, các bậc cha mẹ nghĩ rằng tương lai con cái sẽ tệ hơn, lớp người được ưu đãi không quan tâm đến người nghèo, chỉ có giới tinh hoa mới được lợi trong toàn cầu hóa ? Jacques Chirac có lẽ không phải là một tổng thống thật giỏi nếu xét về kết quả, nhưng người Pháp cảm thấy ông thương dân và tôn trọng dân.

Lịch sử của những năm gần đây dạy cho chúng ta rằng không thể nào biết được chuyện gì sẽ xảy ra trong ba năm tới, cũng như trong bảy ngày sắp tới. Tối Chủ nhật, Emmanuel Macron đã bắn đi những phát đạn cuối cùng khi kêu gọi một ngày 07/07 "tập hợp rộng rãi phe dân chủ và cộng hòa" - mà dù sao đi nữa ông cũng không còn là thủ lãnh.

Chiến tranh chưa thấy lối ra, phân nửa dân số Ukraine cần hỗ trợ tâm lý

Nhìn sang Ukraine, Les Echos cho rằng việc bình thường hóa chiến tranh là khó thể chịu đựng. Phân nửa dân số Ukraine giờ đây cần được hỗ trợ tâm lý. Bên cạnh nỗi lo thường trực, còn có sự bất định về hồi kết của cuộc chiến, dường như vẫn còn rất xa.

Đối với người Pháp, tháng 7 và tháng 8 đồng nghĩa với kỳ nghỉ, bãi biển và những ca khúc mùa hè vui tươi. Với người Ukraine, âm thanh của mùa hè 2024 là tiếng động rì rào của máy phát điện trên đường phố, cộng với những hồi còi báo động. Từ hơn hai năm qua, cuộc sống thường nhật của người dân có thể bị kết thúc bất kỳ lúc nào vì một hỏa tiễn đạn đạo hay drone Nga. Một số bị tử thương khi chờ xe buýt đến sở làm, người khác bị thiệt mạng khi đang đi dạo hay còn đang say giấc trên giường.

Một số cố không nghĩ đến chiến tranh và sự tàn bạo của nó, số khác sống với điện thoại trên tay, theo dõi trực tiếp tình hình chiến sự thông qua các kênh Telegram, chương trình thỉnh thoảng được điểm xuyết bằng những cuộc lạc quyên để mua drone, mua xe hay thiết bị Starlink cho chiến trường. Trên các đường phố Kharkiv, Kiev, Dnipro, những áp-phích kêu gọi tham gia quân đội, cảnh sát, vệ binh quốc gia đã thay cho những bảng quảng cáo dầu thơm, xe hơi. Người Ukraine biết rằng sự can đảm của họ không đủ để đánh bại quân Nga, và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những tuyên bố của tổng thống Pháp, thủ tướng Đức được họ theo dõi sát sao.

Tất cả mọi người đều có bạn bè, người thân, người quen biết đang chiến đấu, và tất cả đều mất đi ít nhất một người bạn, người quen. Trong mỗi thành phố Ukraine, những lá cờ hai màu xanh vàng nở rộ trên các ban-công, cửa sổ, trên trang phục. Chiến tranh đè nặng lên cuộc sống. Theo Bộ Y tế, gần phân nửa dân số, tức 15 triệu người cần được trợ giúp tâm lý, và 3 đến 4 triệu người Ukraine cần đến thuốc men chống trầm cảm. Một cuộc khủng hoảng y tế mà Nhà nước Ukraine khó thể đối phó.

Đói, lạnh, bóng tối không đáng sợ bằng "tình hữu nghị với Nga"

Bất chấp hàng mấy chục ngàn thậm chí hàng trăm ngàn lính Nga đã thiệt mạng, bị thương tật hay mất tích, Vladimir Putin vẫn không từ bỏ mục tiêu. Nếu ở phương Tây một số người cho rằng Putin sẵn sàng thương lượng, ông chủ điện Kremlin vẫn đòi hỏi Ukraine phải đầu hàng.

Một khi "phi quân sự hóa" và bị tước đoạt Crimea, Donbass, Zaporijjia và Kherson, Ukraine sẽ lại bị trói buộc vào kẻ đô hộ trong lịch sử. Mọi người đều hiểu được số phận chờ đợi khi lại rơi vào tay Nga : lưu đày, tra tấn, hành quyết, Nga hóa. Đó là những gì đã diễn ra tại các vùng đất bị chiếm đóng. Sách giáo khoa lịch sử bị đốt, tên các làng mạc, thành phố bị đổi thành tên Nga, tiếng Ukraine bị cấm sử dụng. Putin muốn "phi phát-xít hóa" một đất nước đa văn hóa, đa tôn giáo, có tổng thống là người gốc Do Thái và cực hữu không lọt nổi vào Quốc hội.

Mặc cho oanh tạc, cúp điện… 71% người Ukraine bác bỏ mọi nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, và hầu hết mong muốn Ukraine trở thành thành viên NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Hỏa tiễn Nga tiếp tục rơi xuống cơ sở hạ tầng năng lượng, nhưng như tổng thống Volodymyr Zelensky đã khẳng định hôm 11/09/2023 khi bom Nga liên tục đe dọa nhà máy nhiệt điện Kharkiv : "Đói, lạnh, bóng tối không làm chúng tôi sợ hãi bằng tình hữu nghị của các vị. Nhưng lịch sử sẽ lập lại trật tự, và chúng tôi sẽ lại có khí đốt, ánh sáng, nước, thực phẩm. Nhưng không có các vị !".

Gamlet Zinkivsky, nghệ thuật trong chiến tranh

Người họa sĩ đường phố nổi tiếng nhất Ukraine, Gamlet Zinkivsky, từ khi khởi đầu chiến tranh đã tặng cho thành phố Kharkiv quê hương khoảng 80.000 euro tiền bán tranh - một số tiền đáng kể ở một nước mà lương tháng trung bình chưa đầy 350 đô la - để mua drone, xe cộ, hệ thống gây nhiễu sóng... Ông nói với Libération có khả năng mua được năm, sáu căn hộ "Nhưng để làm gì ? Một quả rốc-kết rơi xuống và nhà sẽ chẳng còn".

Kharkiv là một trong những thành phố phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề. Chỉ cách biên giới Nga 30 kilomet, thành phố lớn thứ nhì Ukraine là mục tiêu chính ngay từ ngày đầu. Quân Nga tấn công với tất cả những gì có được : hỏa tiễn, drone, đại pháo ồ ạt trút vào hơn cả Kiev, khiến từ 1,4 triệu dân chỉ còn 400.000 dân, hầu hết sống trong hầm nhà hay trạm xe điện. Gamlet Zinkivsky cũng di tản nhưng hai tháng sau quay về xin đi chiến đấu, nhưng người chỉ huy nói rằng anh sẽ hữu ích hơn khi tiếp tục làm công việc của họa sĩ.

Gamlet bán tranh và ảnh chụp lấy tiền giúp quân đội, nhưng cũng vẽ lên tường các tòa nhà, xưởng máy, những công trình bị phá hủy… nhiều tác phẩm hội họa để tố cáo chiến tranh. Theo ông, phương Tây không hiểu gì về Putin, một kẻ ma mãnh chuyên đánh lừa, nhất là với những đe dọa về vũ khí nguyên tử. Là họa sĩ tên tuổi quốc tế, Gamlet Zinkivsky vẫn muốn trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng đến nay đã có sáu, bảy lữ đoàn trưởng từ chối nhận – những bức tranh của ông cũng là vũ khí.

Thụy My