Bắc Kinh vẽ lại đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ, Hà Nội cam chịu? (Nhiều nguồn tin)
Trung Quốc vẽ đường cơ sở mới ảnh hưởng gì tới chủ quyền Việt Nam ?
BBC, 11/03/2024
Trung Quốc mới đây chính thức tiết lộ đường cơ sở mới, nêu rõ yêu sách lãnh thổ của mình ở phía bắc Vịnh Bắc Bộ, khu vực chung với Việt Nam
Hoạt động buôn bán tại cửa sông Ka Long đổ ra Vịnh Bắc Bộ, khu vực nằm giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc)
Tuyên bố này được đưa ra trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng này. Qua đó, Trung Quốc giới thiệu bảy điểm cơ bản mới mà khi được kết nối sẽ tạo thành đường cơ sở cho các yêu sách chủ quyền của mình ở Vịnh Bắc Bộ.
Vịnh Bắc Bộ nằm ngoài khơi bờ biển Bắc Bộ của Việt Nam và Nam Trung Quốc.
Năm 2004, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vạch ra ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Vịnh Bắc Bộ.
Cả hai bên đều coi thỏa thuận này là công bằng. Tuy thế, các xung đột trên Biển Đông vẫn xảy ra giữa hai nước do vẫn còn mơ hồ về ranh giới ở khu vực bên ngoài cửa vịnh.
Những mâu thuẫn này, theo Bắc Kinh, giờ sẽ được giải quyết thông qua một quy trình phân định mới, chính là đường cơ sở mới với bảy điểm nói trên.
Trung Quốc nói rằng đường cơ sở mới này không ảnh hưởng đến quyền lợi Việt Nam hay bất cứ nước nào, mà thậm chí còn góp phần thúc đẩy hợp tác hàng hải giữa nước này và các nước liên quan.
Cùng lúc, Trung Quốc lâu nay vẫn duy trì yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông với "bản đồ đường chữ U".
Việt Nam cần làm gì để không ‘há miệng mắc quai’ ?
Ngư dân là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên từ các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhiều ngư dân Việt Nam thậm chí đã thiệt mạng trong những cuộc đụng độ ngoài khơi với tàu Trung Quốc.
Trên trang EurAsian Times, Shashank S. Patel, một nhà phân tích địa chính trị theo dõi chặt chẽ các hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đánh giá : "Vịnh Bắc Bộ, nơi chứng kiến nhiều thỏa thuận biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam trong ba thập kỷ từ 1974 đến 2004, chiếm hơn một nửa diện tích vùng biển Việt Nam. Việc Trung Quốc tuyên bố một đường cơ sở mà nhìn trên bản đồ có vẻ lấn lướt như vậy sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và vùng biển tranh chấp".
Ông cũng nói rằng việc Trung Quốc đơn phương đưa ra đường cơ sở mới này là nỗ lực để hạn chế các đòi hỏi về quyền lợi của Việt Nam tại vùng EEZ của chính Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ giành nhiều quyền tiếp cận hơn tới các ranh giới trên biển, qua đó ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây đối với các vấn đề ở Vịnh Bắc Bộ.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), các quốc gia ven biển được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý (22,22 km), vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa kéo dài tới 350 hải lý.
Tuy nhiên, Vịnh Bắc Bộ có chiều rộng tối đa không quá 180 hải lý.
Thực tế này dẫn đến sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của cả Trung Quốc và Việt Nam trong vùng vịnh. Do đó, toàn bộ vùng vịnh phải chịu các yêu sách chồng chéo của cả hai bên, theo EurAsian Times.
"Đường cơ sở mới sẽ mang lại hơn 60% diện tích biển cho chính quyền Trung Quốc, vi phạm trắng trợn Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS)", ông Patel nói thêm.
Ngoài ra, đường cơ sở mới có thể giúp Trung Quốc cản trở quyền tự do hàng hải, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp và đường ống cũng như các nỗ lực bồi đắp đảo của Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có động thái chính thức nào trước nước đi mới của Trung Quốc.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Song Phan - một nhà nghiên cứu Biển Đông sống tại Úc – nhận định rằng phần đường cơ sở mới vẽ này dựa trên một số điểm cơ sở ở các đảo rất xa bờ, nên sẽ đẩy đường ranh ngoài của lãnh hải Trung Quốc ra xa thêm ngoài biển.
Do hai nước Việt-Trung đã đàm phán và ký kết thỏa thuận phân giới biển ngày 12/12/2000 nên đường này – như vậy - sẽ không ảnh hưởng đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của cả hai, trừ khi Trung Quốc dựa vào đường mới này để đòi thương lượng lại.
Tuy nhiên, do đường cơ sở quá xa bờ, kéo theo đường biên lãnh hải lấn xa ra biển, nên "chắc chắn ảnh hưởng đến các quyền liên quan khác của tất cả các nước, gồm Việt Nam".
Ví dụ như quyền tự do hàng hải, quyền đặt cáp/ống ngầm, khảo sát khoa học…
"Lưu ý rằng VIệt Nam cũng còn phần bờ biển từ đảo Cồn Cỏ chạy cho tới biên giới Việt-Trung chưa vẽ đường cơ sở và đường cơ sở từ đảo Phú Quý tới tới đảo Thổ Chu cũng không thât phù hợp với UNCLOS", ông Song Phan chỉ ra trong phân tích của mình.
Phần đường cơ sở mới của Trung Quốc (màu đỏ ở rìa phía đông vịnh Bắc Bộ). Đường cơ sở của Việt Nam vẫn còn thiếu ở phần Vịnh Bắc Bộ.
"Luật biển Việt Nam 2012 đặt UNCLOS và luật quốc tế lên trên nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh phần đường cơ sở này và hoàn chỉnh đường cơ sở cho toàn bộ bờ biển.
"Không chỉnh đường cơ sở đoạn này, Việt Nam rất khó phản đối Tàu ‘cộng’ trong vụ này vì 'há miệng mắc quai’", nhà nghiên cứu Song Phan viết.
Nguồn : BBC, 11/03/2024
**************************
Quảng Ninh : tỉnh cửa ngõ với Trung Quốc được tăng cường thêm 1.000 công an
RFA, 08/03/2024
Bộ Công an Việt Nam sẽ tăng cường thêm khoảng 1.000 biên chế cho lực lượng này tại tỉnh Quảng Ninh, một cửa ngõ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Số tăng cường này chú trọng cho lực lượng công an cơ sở và công an xã.
Tiền Phong
Truyền thông Nhà nước loan tin về thông báo vừa nêu của Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm, đưa ra ngày 7/3 trong chuyến công tác của đoàn Đảng ủy Công an Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Ông Tô Lâm cho rằng Quảng Ninh là địa phương có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Tỉnh này được cho là cầu nối liên kết phát triển kinh tế- xã hội giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Người đứng đầu ngành công an Việt Nam yêu cầu tỉnh Quảng Ninh phải tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nông thôn, an ninh dân tộc, an ninh chính trị nội bộ ; tập trung giải quyết những điểm "nóng’ về an ninh trật tự…
Ông Tô Lâm ra chỉ thị phải thực hiện bằng được mục tiêu kéo giảm tội phạm một cách căn bản, bền vững ; và phấn đấu xây dựng hệ thống xã, phường không tội phạm, không ma túy, không tệ nạn xã hội…
Bộ trưởng Công an Tổ Lâm hứa sẽ đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở vật chất cho công an xã tại tỉnh Quảng Ninh nhằm mục tiêu kéo giảm tội phạm, không để hình thành điểm nóng về an ninh trật tự, bảo đảm Quảng Ninh là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài…
Cũng trong ngày 7/3, ông Tô Lâm tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở Công an tỉnh Quảng Ninh tại phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long.
Nguồn : RFA, 08/03/2024
*****************************
Công bố đường cơ sở thẳng bên trong Vịnh Bắc Bộ : Trung Quốc để ngỏ khả năng đàm phán lại Hiệp định Vịnh Bắc Bộ ?
RFA, 07/03/2024
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1 tháng 3, 2024 công bố đường cơ sở thẳng cho phần của mình trong Vịnh Bắc Bộ, khu vực mà hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã phân định năm 2000 (chính thức công bố năm 2004.) RFA trao đổi với một số nhà nghiên cứu về đường cơ sở mới này của Trung Quốc và các hàm ý có thể xảy ra trong tương lai với Việt Nam.
Đường cơ sở tại Vịnh Bắc Bộ mà Trung Quốc mới công bố (RFA vẽ minh họa trên Google Map, dựa trên tọa độ của các điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố) - Google
Đường cơ sở vi phạm Luật biển Quốc tế
Khoản 3 Điều 7 của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) quy định rằng "Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy".
Tuy vậy, trong số tọa độ các điểm cơ sở mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, có hai điểm là đảo nằm xa bờ. Đó là điểm cơ sở có tọa độ 21°00'36.0"N 109°05'12.0"E (đảo Weizhou, cách đất liền Trung Quốc khoảng 45 hải lý) và 20°54'12.0"N 109°12'24.0"E (đảo Xieyang, cách đất liền Trung Quốc khoảng 30 hải lý). Điều này khiến cho đường cơ sở của Trung Quốc cách xa bờ. Câu hỏi đặt ra là : liệu một đường cơ sở như vậy có thỏa mãn yêu cầu "đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển" của UNCLOS hay không ?
Ngoài ra, ba điểm cơ sở đầu tiên trong danh sách các điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố đều nằm ngoài khơi đảo Hải Nam (tỉnh Hải Nam), trong khi đó, các điểm còn lại nằm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Tây. Do đó, khi kết nối các điểm cơ sở này lại, đường cơ sở mà Trung Quốc vừa công bố sẽ cắt ngang eo biển Hải Nam (hay còn gọi là eo biển Quỳnh Châu) nằm giữa đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 7 của UNCLOS thì "các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy". Câu hỏi đặt ra là : liệu một eo biển mở như eo biển Hải Nam có thể trở thành "nội thủy" của Trung Quốc hay không ? Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét :
"Cá nhân tôi vẫn tin rằng Trung Quốc không dễ gì tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật biển. Nếu họ không tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật biển và công bố một đường cơ sở vi phạm Công ước thì nó có khả năng sẽ có tác động nhiều đến các vấn đề khác trong tương lai".
Một trong những điểm cơ sở mà Trung Quốc chọn để vẽ đường cơ sở trên Vĩnh Bắc Bộ, tọa độ 21°00'36.0"N 109°05'12.0"E (đảo Weizhou, cách đất liền Trung Quốc khoảng 45 hải lý). Ảnh minh họa từ Google Map.
Đường cơ sở mới ảnh hưởng đến Việt Nam không?
Cho đến hôm 7/3/2024, chưa có thông tin Việt Nam lên tiếng về đường cơ sở mới của Trung Quốc. Còn Trung Quốc đã lên tiếng trấn an rằng đường cơ sở mới này sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam. Global Times dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết :
"Việc thiết lập đường cơ sở mới nhất của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào khác ; ngược lại, nó sẽ giúp tăng cường hợp tác hàng hải quốc tế giữa Trung Quốc và các nước liên quan. Đồng thời, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải toàn cầu".
Tuy vậy, trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng có khả năng là các đường cơ sở trên Vịnh Bắc Bộ mà Trung Quốc mới công bố là "tham lam" và sẽ đẩy nội thủy của Trung Quốc ra xa về phía Việt Nam. Ông phân tích :
"Trước hết chúng ta cần lưu ý rằng hai bên Việt Trung đã đàm phán và kí kết thỏa thuận phân giới biển ngày 12/12/2000, trong hiệp định đó có quy định 21 điểm dùng xác định đường phân giới biển. Trong đó, điểm 1 đến điểm 9 gần bờ, dùng để phân định lãnh hải. Các điểm còn lại dùng phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hai bên.
Tuy nhiên, do đường cơ sở mà Trung Quốc mới bổ sung quá xa bờ sẽ kéo theo đường biên lãnh hải sẽ lấn xa ra biển. Do đó trước nhất, nó chắc chắn ảnh hưởng đến các quyền liên quan khác của tất cả các nước, kể cả Việt Nam.
Ví dụ trong một phần khu vực biển ở đây, các nước đáng lẽ có thể chạy tàu tự do (không cần phải theo cách đi qua vô hại), đặt cáp / ngầm, khảo sát khoa học... nhưng bây giờ không thể thực hiện được hoặc bị hạn chế.
Bởi vì theo đường cơ sở này, phần biển đó thuộc lãnh hải, thậm chí là nội thủy của Trung Quốc".
Để ngỏ khả năng đàm phán phân định lại Vịnh Bắc Bộ ?
Hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã kí kết Hiệp định phân định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế bên trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 (chính thức có hiệu lực từ 2004). RFA đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Phan Văn Song rằng về nguyên tắc, liệu đường cơ sở mà Trung Quốc mới công bố có thể ảnh hưởng đến Hiệp định đã ký. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho rằng Hiệp định đã ký rồi thì không có nhiều khả năng bị thay đổi hay ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có nhiều nội dung trong hiệp định đó đã để ngỏ khả năng đàm phán lại. Ông nói :
"Nội dung Hiệp định phân giới biển có vẻ như để ngỏ cho việc thương lượng và kí kết lại việc phân định biển.
Chẳng hạn theo điều 3 thì đường nối các điểm từ 1 đến 9 nêu trong điều 2 là đường phân định lãnh hải. Nhưng chỉ có phần nối các điểm từ 1 đến 7 là không thay đổi (dù có thay đổi địa hình nơi đó). Điều đó có nghĩa là có thể có ngụ ý phần đường phân giới nối các điểm từ 7 tới 9, thậm chí tới 21 có thể thay đổi.
Điều 9 có vẻ cho phép chuyện này xảy ra vì theo điều 9 thì Hiệp định không làm ảnh hưởng/phương hại tới lập trường đối với các quy phạm luật pháp quốc tế về luật Biển ; tức là việc phân giới có thể phải định lại, khi có căn cứ mới theo luật quốc tế. Căn cứ mới ở đây chính là đường cơ sở mới bổ sung.
Nếu cách giải thích này đúng thì Trung Quốc có thể sẽ yêu cầu thương thuyết lại, ít nhất là phần đường phân giới từ điểm 7 đến điểm 21, và như vậy lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của hai bên có thể thay đổi".
Việt Nam có cần đối sách gì không ?
Đó là câu hỏi RFA đặt ra với nhiều nhà nghiên cứu. Do vấn đề còn quá sớm, phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng cần theo dõi và nghiên cứu thêm. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho rằng do Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam Trung Quốc mặc dù có hiệu lực từ 20 năm trước (năm 2004) nhưng có nhiều điểm để ngỏ khả năng thay đổi, cho nên Việt Nam có khả năng sẽ phải có động thái mới. Đối với khả năng có những thay đổi trong tương lai như ông phân tích ở trên, nhà nghiên cứu Phan Văn Song nói :
"Dĩ nhiên, thay đổi này sẽ theo hướng bất lợi cho Việt Nam, nếu Việt Nam không công bố đường cơ sở bổ sung cho Vịnh Bắc Bộ cũng tham lam như vậy".
Do không đọc được hết các tài liệu liên quan chuẩn bị cho Hiệp định (RFA chú thích : Hiệp định Vịnh Bắc Bộ đã kí) nên tôi không chắc chắn cách giải thích trên là đúng. Nhưng có lẽ Việt Nam cũng nên chuẩn bị công bố tiếp phần đường cơ sở chưa quy định từ đảo Cồn Cỏ cho đến điểm giáp giới Tàu ở cửa sông Bắc Luân một cách tương ứng, để đối phó với tình huống xấu này. Hay ít nhất Việt Nam cũng nên hoàn thành đường cơ sở của mình để vừa có cơ sở bảo vệ chủ quyền vừa giúp các nước thuận tiện trong việc tôn trọng chủ quyền của mình".
Nguồn : RFA, 07/03/2024