Có những thanh niên như tôi đã biết (Đặng Đình Mạnh)

 Tuy 2 nhân chứng đều phản cung, phủ nhận các lời khai bất lợi cho ông Lê Đình Lượng, nhưng phán quyết "bỏ túi" với bản án 20 năm tù vẫn được giữ nguyên với Cựu chiến binh chống Trung Quốc.


Tôi vẫn còn giữ mãi mối băn khoăn rằng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã có từng bị lực lượng an ninh hành hung để trả đũa cho việc phản cung phá bĩnh họ hay không ?

Thượng tuần tháng 08/2018, tại Thành phố Vinh, tòa án tỉnh Nghệ An đưa ông Lê Đình Lượng, một nghi can chính trị ra xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm.

Bị đánh giá là người đứng đầu Tổng Bộ Việt Tân tại miền Trung, cho nên, chính quyền đã xếp đặt việc xét xử ông Lê Đình Lượng theo cách hết sức nghiêm ngặt.

Đầu tiên, họ ngăn cản luật sư sao chụp hồ sơ vụ án bất chấp pháp luật quy định về việc đó là quyền hạn của luật sư. Chưa hết, cho đến gần ngày xét xử, tòa án gởi văn bản cho Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đôn đốc, nhắc nhở luật sư phải bảo đảm thu xếp đến dự phiên tòa. Có thể nói, đây là một động thái "Vô tiền khoáng hậu" của tòa án đối với một luật sư tính cho đến nay và dĩ nhiên, nó không nằm trong bất kỳ quy định pháp luật nào cả.

Trong phiên xử, họ đã cho dẫn giải đến tòa án 2 nhân chứng.

Mọi sự đã sẵn sàng ở mức chu đáo nhất để họ có một màn trình diễn mãn nhãn, từ đó, đưa ra phán quyết khiến cho bị cáo và công chúng cả nước phải tâm phục, khẩu phục.

Hôm xét xử, công an cho phong tỏa mọi ngả đường đi đến trụ sở tòa án từ khoảng cách xa hàng cây số. Luật sư phải lội bộ và trình giấy tờ mấy lượt mới di chuyển đến cổng tòa án. Sau đó, cởi bỏ giày, thắt lưng, điện thoại đi động, laptop, rồi đi qua cổng từ… nghiêm ngặt hơn cả an ninh sân bay.

Lực lượng công an đứng vòng trong, vòng ngoài đen đặc cho đến bên trong khán phòng xét xử.

Chuẩn bị kỹ càng như thế. Tuy nhiên, màn trình diễn lại như một quả pháo xịt vì nhiều lẽ. Chủ yếu, vì chính sự bình thản của ông Lê Đình Lượng (xem tại đây) và sự phản cung kiên cường của 2 nhân chứng.

Hai nhân chứng được dẫn giải đến phiên xử gồm em Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) và em Nguyễn Văn Hóa. Đây được xem là 2 nhân chứng của bên công tố, giúp cho họ chứng minh một cách mạnh mẽ về các tội trạng cáo buộc ông Lê Đình Lượng.

Thế nhưng, tại tòa, khi trả lời sự xét hỏi của tòa án và công tố, không hẹn mà cả 2 nhân chứng đều phản cung, phủ nhận tất cả những lời khai bất lợi cho ông Lê Đình Lượng !? Như có ai ngầm ra lệnh, sau lời phản cung, công an dẫn giải tiến sát ngay sau lưng nhân chứng như tạo áp lực. Đứng giữa một rừng an ninh, 2 nhân chứng vẫn thản nhiên bác bỏ từng lời dẫn dụ lẫn hàm ý đe dọa công khai của tòa án và công tố.

Vở kịch phá sản với nhân chứng, cả 2 mau chóng bị công an đưa ngay ra ngoài.

Đến phần làm việc của luật sư, chúng tôi yêu cầu đưa 2 nhân chứng trở lại để xét hỏi, thì một công an trong đội dẫn giải cho biết : Nguyễn Viết Dũng bị đau họng đột xuất ?! và Nguyễn Văn Hóa cũng bị đau bụng đột xuất, nên cả 2 không thể tiếp tục trở lại làm việc ?!

Lo lắng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa có thể đã bị hành hung trả đũa ngay sau khi lột trần màn "trình diễn" quá tệ của chế độ, tôi kiên quyết yêu cầu chủ tọa cho họ trở lại trước phiên tòa để tự khai báo về tình trạng sức khỏe của mình. Thì vài phút sau, một người mặc áo choàng màu trắng tự giới thiệu là nhân viên y tế khẳng định 2 nhân chứng không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc… Tòa án chấp nhận lời nhân viên y tế, không ra lệnh cho 2 nhân chứng trở lại phiên tòa nữa.

Tuy luật sư không thể khai thác được gì thêm, nhưng rõ ràng, việc phải dùng lời dối trá trắng trợn ngay trước mặt nhau để từ chối dẫn giải 2 nhân chứng trở lại phiên tòa làm việc đã nhanh chóng làm vở diễn sớm hạ màn. Mặc dù sau đó, lời phán quyết bỏ túi với bản án 20 năm tù giam vẫn được tuyên đối với ông Lê Đình Lượng, nhưng đã không còn hương vị ngọt ngào, hoành tráng như kịch bản mà họ đã dày công tạo dựng được nữa.

Kết thúc phiên tòa cho đến nhiều năm sau này, tôi vẫn còn giữ mãi mối băn khoăn rằng 2 em Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã có từng bị lực lượng an ninh hành hung để trả đũa cho việc phản cung phá bĩnh họ hay không ?

Cũng trong năm 2018, nhân chứng can trường Nguyễn Viết Dũng bị tuyên bản án 7 năm tù giam về tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự "Tuyên truyền chống nhà nước…" trong một vụ án khác tại tỉnh Nghệ An. Năm 2023, em mãn hạn tù, thế nhưng, em ấy vẫn tiếp tục bị lực lượng an ninh địa phương sách nhiễu, đàn áp, đe đọa khiến em ấy phải lánh đi tìm tự do cho mình từ những tháng cuối năm 2023 cho đến nay. Trong hoàn cảnh phải lánh đi, em vẫn tiếp tục lên tiếng về những vấn đề của đất nước, của tù nhân chính trị…

Với nhân chứng can trường Nguyễn Văn Hóa, trước đó, năm 2017 em bị tòa án tỉnh Hà Tĩnh tuyên bản án 7 năm tù giam, cũng tội danh theo điều 117 Bộ luật Hình sự về "Tuyên truyền chống nhà nước…". Cuối năm 2023, em mãn hạn tù trở về địa phương và đang cố thích nghi dần với cuộc sống hiện tại sau những năm tháng tù đày.

Tất cả những vụ án chính trị đều bị chế độ buông bức màn sắt để che giấu những sự phi lý, phi pháp, bất công, bất nhân. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông khổng lồ của chế độ với hơn 1.000 báo, đài lại nhận lệnh của an ninh đã nỗ lực bôi nhọ hình ảnh những người đấu tranh, tô vẽ họ như những tội phạm cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Trong hoàn cảnh đó, luật sư không thể chỉ đảm nhận trách vụ bào chữa một cách thuần túy vốn đã bị chế độ vô hiệu hóa bằng những phán quyết bỏ túi. Mà cần phải bạch hóa về chúng, về cả những sự kiên cường, bất khuất của người đấu tranh trước bạo quyền… để công chúng có thể biết điều gì đã từng xảy ra sau bức màn sắt. Vì lẽ, luật sư đã là người chứng kiến tận mắt sự thật của từng vụ án chính trị. Không chỉ thế, bạch hóa về sự thật, cũng chính là cách luật sư bảo vệ thân chủ mình, ít nhất về hình ảnh thật sự của họ trước lịch sử.

DC, ngày 25/02/2024

Đặng Đình Mạnh

Nguồn : VNTB, 27/02/2024