Về số phận của Nho giáo (Hồ Sĩ Quý)

Nho giáo là một trong số hiếm hoi các học thuyết chính trị – xã hội có số phận thật đặc biệt trong lịch sử tư tưởng nhân loại.


                                                                                 Khổng Tử - Ảnh minh họa

Đặc biệt ở chỗ, trải qua hàng nghìn năm, đến nay, Nho giáo vẫn là một "học thuyết sống" - còn đang sống, chứ không phải chỉ được trưng bày trong các "bảo tàng" như không ít học thuyết khác. Tuy trường tồn, nhưng số phận của Nho giáo lại "chẳng hề may mắn", ngược lại, vị thế của Nho giáo rất thăng trầm. Nó thường bị người đời và các chính thể cầm quyền nhìn nhận khá phức tạp. Và do vậy, việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong các thời đại cũng luôn diễn ra theo những khuôn thước khác nhau, với các thái độ khác biệt nhau, và thường là đối lập nhau. Sang thế kỷ 21, Nho giáo vẫn gây tranh cãi ở sức sống và tính lợi hại của nó. Mức độ ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo và sức thu hút của bản thân học thuyết Nho giáo vẫn phụ thuộc một cách đáng ngại vào những quan điểm thế quyền. Điều đó làm rối thêm sự tranh cãi trong nhiều diễn đàn và dường như đang có xu hướng tăng lên cùng với sự trỗi dậy của "con sư tử Trung Hoa" đương đại.

Ở Việt Nam, Nho giáo ngay từ khi mới du nhập đến tận hôm nay vẫn được nhìn nhận không thiếu hoài nghi. Đầu thế kỷ 20, Việt Nam còn được coi là mảnh đất đầu tiên của không gian Nho giáo phơi bày rõ nhất những khuyết tật chết người của Nho giáo. Tuy vậy cứ những lúc giao thời, Nho giáo thường lại được tán thưởng đôi khi đến mức quá lời. Tâm thế thần thánh hóa Nho giáo luôn song hành với tinh thần nghi kỵ. Học phong Nho giáo (Không khí học thuật và văn hóa) luôn luôn đón gió chính trường.

I

Tồn tại hay không tồn tại ? Với Nho giáo, câu hỏi này được đặt ra cách nay hơn 1000 năm, năm 213-212 Trước CN. Lúc đó, Nho giáo phải chịu sự định đoạt nghiệt ngã về sự sống còn của mình trong chính sách "Phần thư khanh Nho" của Nhà Tần. Dù có những nghiên cứu vẫn bênh vực hay biện minh cho lý do ít nhiều xác đáng khiến Tần Thủy Hoàng "xuống tay", thì Nho giáo cũng vẫn phải ghi tên vào lịch sử như một thứ triết học – cai trị cần cảnh giác [1].

"Học thuyết ăn thịt người" là lời lên án không thể nặng hơn của Lỗ Tấn hồi đầu thế kỷ 20 khi ông đánh thức văn hóa Trung Hoa về bộ mặt của Nho giáo [2]Khắp Đông Á, Nho giáo được nhìn nhận bằng con mắt phê phán nghiêm khắc nhất trong so sánh với văn hóa Phương Tây. Những níu kéo, cản trở của Nho giáo trong xã hội hiện đại được phân tích, phải nói là, khó có thể sâu sắc hơn. Những tưởng Nho giáo sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử, nhưng không.

Ở Trung Quốc đại lục, ngay trong cơ chế mệnh lệnh – hành chính, Khổng tử vẫn tồn tại như một thực thể chính trị đến mức bị đem ra phê phán cùng với Lâm Bưu cuối những năm 60 (thế kỷ 20) trong thời "Cách mạng văn hóa". Với sự kiện này, một lần nữa các di sản văn tự Nho giáo lại bị mất mát. Mộ Khổng tử ở Khúc Phụ cũng suýt bị quật lên [3].

Nhưng ở các xã hội Nho giáo khác – Đài Loan và Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore, Nho giáo chẳng những không mất đi vị thế của mình trong những thập niên công nghiệp hóa, mà ngược lại còn được đánh giá là nhân tố văn hóa tích cực, góp phần làm nên những con hổ mới (NICs) ở Đông Á. Các giá trị cần cù, hiếu học, cộng đồng, trách nhiệm, gia đình… được đã được nhiều học giả Đông và Tây coi là những phẩm chất tốt đẹp mà các nước NICs biết kế thừa và duy trì từ truyền thống văn hóa Nho giáo.

Từ đây, xu hướng đánh giá tích cực, thậm chí đề cao Nho giáo lại được hồi phục bắt đầu từ cuối những năm 80 (thế kỷ 20).

Với người Việt Nam, mặc dù ảnh hưởng của Nho giáo vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng Phó Giáo sư Phan Ngọc cũng đã có một nhận xét đáng chú ý : "Tâm thức là cái không cần học cũng biết. Việt kiều hầu như không biết gì tới Nho giáo, ngoài miệng đả kích Nho giáo kịch liệt, nhưng họ vẫn vươn lên từ những địa vị thấp kém nhất để trở thành những người làm chủ kinh tế, khoa học kỹ thuật chính nhờ truyền thống ham học mà Khổng tử đề xướng. Số ngoại kiều ở các nước hết sức đông đảo, nhưng ngoài các nước theo văn hóa này, chỉ thấy có người Do Thái là sánh được với họ mà thôi" [4]. Phó Giáo sư Trần Đình Hượu thì cho rằng, di sản đáng kể nhất của Nho giáo là tính "thiết thực’, còn cái đáng phê phán nhất ở Nho giáo là sự "ngu trung hay là ảo tưởng bình trị dưới chế độ chuyên chế". Ông viết : "Con người thiết thực, sống bám chắc vào hiện thế chính là cái mà Nho giáo để lại ảnh hưởng sâu trong các nước Nho giáo hóa" [5].

Ý kiến của hai học giả tiêu biểu nói trên đều có ý coi cái quan trọng của Nho giáo đối với Việt Nam không nằm trong bản thân Nho giáo mà là ở văn hóa Nho giáo.

Bước sang thế kỷ 21, khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ngày một lớn mạnh, ở Trung Quốc đại lục, việc đề cao Khổng tử và Nho học đột nhiên trở thành thời thượng. Các học giả phương Tây nhận thấy dường như Trung Quốc muốn muốn lấp đầy những thiếu hụt và những khoảng trống về ý thức hệ. Có những nghiên cứu còn nói rằng Trung Quốc có ý đồ chuyển ý thức hệ từ Marx sang Khổng [6].

Ở trong nước, Trung Quốc chủ trương xây dựng một "xã hội hài hòa", đẩy mạnh tuyên truyền, giảng dạy và quảng bá các trước tác và các ấn phẩm bình luận về Khổng tử… ; văn hóa tiêu dùng cũng đua nhau lạm dụng những biểu tượng Nho giáo. (Pho tượng khổng lồ của Khổng Phu tử cũng đã được dựng ngay tại quảng trường Thiên An Môn vào 2/2012 (nhưng chỉ 2 tháng sau lại bị âm thầm chuyển đi. Hồ Sĩ Quý, 2023).

Ở nước ngoài, Trung Quốc xúc tiến xây dựng các "Học viện Khổng tử". Học viện kiểu này được xây dựng đầu tiên tại Seoul vào năm 2004. (Đến nay, đã có hơn 500 trụ sở hoạt động ở trên 100 quốc gia. Tại Việt Nam, tháng 4/2009, một chủ trương thí điểm thành lập Học viện Khổng tử cũng đã được ký kết. Tháng 12/2014, Học viện này đã được khai trương tại Đại học Hà Nội. Hồ Sĩ Quý 2023)

II

Như vậy, thông qua số phận không giản đơn của mình trong lịch sử, Nho giáo với tính cách là một học thuyết chính trị – xã hội và đồng thời là một kiểu văn hóa cho sự phát triển, tự nó đang đặt ra những câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động chính trị – xã hội :

- Phải chăng các giá trị Nho giáo không đến nỗi tiêu cực và hạn chế như những gì mà Lỗ Tấn đã từng phê phán ? Hoặc phải chăng khác với các thế kỷ đã qua, ngày nay Nho giáo đã có điều kiện hơn để trở thành một học thuyết có vị thế tích cực hơn, với vai trò nhân văn hơn ?

- Liệu Nho giáo có thể bù đắp được những thiếu hụt trong đời sống tinh thần xã hội, đặc biệt những thiếu hụt về tư tưởng, mà Trung Quốc và ai đó đã từng kỳ vọng nhưng rồi lại ít nhiều thất vọng ở các tôn giáo, luận thuyết, giá trị… của thế kỷ 20 ?

- Với sự trỗi dậy của đất nước Trung Quốc, phải chăng Nho giáo sẽ trở thành bộ mặt tinh thần của Trung Hoa hiện đại ? Việc nhà nước Trung Quốc chú trọng hơn đến Nho giáo có làm cho Nho giáo phát triển hơn ?

Công bằng mà nói, những câu hỏi này không hàm chứa nhiều ý tưởng đối với người bên ngoài, nhưng hình như lại là nỗi day dứt thường nhật của giới lý luận Trung Quốc.

Chẳng hạn, Jing Haifeng (Cảnh Hải Phong), Giáo sư Đại học Thâm Quyến than phiền rằng, ở Trung Quốc, Nho giáo thường bị coi là tiêu cực, lỗi thời, nhiều lắm cũng chỉ có chút ít "ý nghĩa tiến bộ". Cách nhìn đó đã làm cho "đạo đức Nho gia" trong con mắt của xã hội "ngày càng trở nên nhợt nhạt" và "xa lạ với đời sống thực tế". Nguyên nhân của tình hình, theo Jing Haifeng, là do ảnh hưởng của Hu Shi (Hồ Thích) và Feng Youlan (Phùng Hữu Lan), những người đã xây dựng bộ môn "triết học Trung Quốc" theo tiêu chuẩn của triết học phương Tây đến mức "cúi mình theo người". Khi biết Nho giáo được đánh giá cao ở các nước NICs Châu Á, Jing Haifeng cho biết, lúc đó người Trung Quốc đại lục mới giật mình : "Tại sao họ không "loại" truyền thống ra ngoài cuộc, mà lại dựa vào đó để xây dựng hiện đại hoá ? Tại sao đạo đức Nho gia mà chúng ta coi như giẻ rách lại trở thành động lực thúc đẩy sự hài hoà xã hội và đổi mới văn hoá, chứ không phải là chướng ngại và gánh nặng đối với sự phát triển của các khu vực đó" [7].

Hay chẳng hạn, Chen Fenglin (Trần Phong Lâm), cho rằng : "trước sự tha hóa và lộn xộn của quan niệm giá trị toàn cầu, quan niệm giá trị Đông Á cần đảm đương lấy trách nhiệm nặng nề của thời đại là vực dậy sự băng hoại của tinh thần loài người… Nhân dân Đông Á chiếm khoảng một phần ba nhân loại đã tạo ra cho loài người những di sản vô cùng quý giá trong mọi lĩnh vực, làm cho tương lai loài người tràn đầy hy vọng. Đông Á nhất định sẽ bước vào hàng ngũ những người quyết định số phận chung của loài người… Nếu trong thời kỳ tới đây, văn hóa Phương Tây không tạo ra được một cuộc Phục hưng văn nghệ mới thì hoàn toàn có thể sẽ xuất hiện một thế kỷ mới trong đó văn hóa Phương Đông sẽ thống lĩnh trào lưu văn hóa thế giới" [8].

Dễ thấy là, sự phục sinh lần này của Nho giáo có lý do kinh tế – xã hội, và – chính trị của nó. Nhưng theo chúng tôi, ngay cả khi mọi lý do đều hàm chứa nguyên nhân khách quan, tất yếu bên trong, thì đối với người nghiên cứu, cái gì đang phục sinh cũng cần phải được nhận dạng cho rõ – Trong thực tế, cái thực sự phục sinh trong bối cảnh kinh tế thị thường, toàn cầu hóa và sự đổi thay nhanh chóng của Trung Quốc có phải là Nho giáo ? Hay văn hóa Nho giáo ? hay chỉ là những hiện tượng văn hóa – xã hội có màu sắc Nho giáo ?

Xin được lưu ý rằng, ở các xã hội có truyền thống Nho giáo, ngay từ rất sớm, giữa Nho giáo và văn hóa Nho giáo, vẫn có một khoảng cách rất lớn. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, Hàn Quốc hay ở Nhật Bản – những nước mà Nho giáo chỉ là thứ văn hóa ngoại sinh – mà ngay cả ở Trung Quốc, giữa đông đảo những người theo văn hóa Nho gia, chỉ có rất ít người thực sự là nhà Nho hay am hiểu Nho học. Trong xã hội ngày nay, khoảng cách này dĩ nhiên là ngày một rộng hơn : Người ta vẫn có thể được coi là mang văn hóa Nho giáo, dù chỉ với những mảnh vụn về tư tưởng, những tín điều chắp vá về đạo đức, những chỉ dẫn phi hệ thống về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín…, trong khi lại chẳng mấy hiểu biết về Nho học. Đây là điều rất có ý nghĩa khi cần phải xem xét vị thế của Nho giáo trong sự phát triển ở thế kỷ 21.

Trong một tài liệu công bố năm 2005, chúng tôi đã khảo sát những nghiên cứu của 8 học giả tiêu biểu [9] trong và ngoài nước về giá trị Nho giáo. Khi phân loại giá trị theo tiêu chí được nhiều người đánh giá là có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng giá trị, các giá trị Nho giáo hàng đầu ở các nước Châu Á được 8 học giả này ghi nhận là : 1/ Hiếu học, đề cao giáo dục ; 2/ Cần cù, yêu lao động ; 3/ Trách nhiệm cộng đồng ; và 4/ Tôn trọng gia đình, huyết tộc (xin không phân tích thêm về những giá trị này).

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn bổ sung rằng, về căn bản, những giá trị này thuộc văn hóa Nho giáo hơn là thuộc về bản thân Nho giáo.

Tuy nhiên, ngay văn hóa Nho giáo cũng là một thế giới đa dạng với nhiều hiện tượng thuộc những trình độ sâu nông khác nhau phản ánh bản chất của Nho giáo. Nếu hoạt động chính của một số Học viện Khổng tử chỉ là dạy tiếng Hoa và tổ chức các tour du lịch thì cái được gọi là "văn hóa Nho giáo" ở đây mới chỉ là sản phẩm thứ cấp của văn hóa Nho giáo, còn cách rất xa bản thân Nho giáo. Việc sản xuất bộ phim nhựa "Khổng Tử" hai tập được quay tại Hà Bắc năm 2009 với chi phí lên tới 22 triệu USD lại là một sản phẩm thứ cấp khác của "văn hóa Nho giáo", cũng chưa chắc đã đạt tới "trình độ Nho giáo" cao hơn…

Trên thực tế, phần lớn những sản phẩm văn hóa Nho giáo đang phổ biến tràn lan trong thị trường thời toàn cầu hóa mới chỉ là các sản phẩm của văn hóa tiêu dùng, phần không căn bản, phần thứ yếu, phần có thể du nhập và cập nhật được. Ở mức độ sâu sắc hơn, sự thâm nhập của học thuyết Nho giáo cần phải đo bằng sự lĩnh hội, chiêm nghiệm, và thực hành các giá trị làm người, bên cạnh sự am tường (ở mức độ nhất định) các trước tác kinh điển Khổng Mạnh.

Như vậy, với tính cách là tổng hòa các giá trị sống, văn hóa làm người theo nhân sinh quan Nho giáo mới là cái phản ánh sâu sắc bản chất của Nho giáo. Dĩ nhiên trong thực tế, không mấy học thuyết đạt tới trình độ thâm nhập sâu sắc như thế. Ngày nay, những bức thư pháp về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, những quán ăn hiệu Sơn Đông, những văn miếu kiểu Nho giáo xuất hiện ngày càng nhiều cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Nhưng văn hóa làm người kiểu Nho giáo vẫn khá xa lạ với thanh niên phương Tây, thậm chí cũng không kém phần xa lạ với cả thanh niên Trung Quốc và Việt Nam thế hệ 8X, 9X.

III. Kết luận

Ở Trung Quốc ngày nay, đời sống tinh thần xã hội đang có nhu cầu về một học thuyết đủ sâu sắc, có nguồn gốc bản địa, phù hợp hơn với tinh thần trỗi dậy của văn minh Trung Hoa… để thay thế, lấp chỗ thiếu hụt hoặc làm công cụ giải quyết những vấn đề thuộc khu vực tư tưởng – tinh thần. Tuy nhiên nhu cầu này là thực hay ảo, là của thể chế chính trị hay của dân chúng, thì cũng còn phải bàn cãi. Lá bài xã hội hài hòa và mẫu hình nhà tư tưởng của muôn đời đang nhạt dần ngay tại Trung Hoa đại lục.

Nhưng nếu đó là lý do chính đáng, thì chính đáng đến mấy cũng vẫn chưa phải là nguyên nhân khách quan để Nho giáo phục sinh, tiếp tục phát triển và phát huy tác dụng như là một nhân tố bên trong của sự phát triển các xã hội Á Đông trong thế kỷ này. Cũng như những thập niên trước ở Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore hay Hồng Kông, Nho giáo và văn hóa Nho giáo hiện vẫn giữ vai trò và vị thế của mình một cách tự nhiên trong đời sống. Chúng là sản phẩm của bản thân đời sống, được bảo tồn và duy trì lặng lẽ trong đời sống, không cần đến mọi sự khoa trương tô vẽ, và cũng không dễ trở thành con bài cho sự lợi dụng của các mưu đồ "Trung Hoa mộng". Và do vậy, khi cần, chúng sẽ phát huy tác dụng theo quy luật tất nhiên của đời sống.

Số phận của Nho giáo trong thế kỷ 21, về căn bản, do đời sống xã hội quy định.

Hồ Sĩ Quý

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/07/2023

Giáo sư Tiến sĩ, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. Bài đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 8/2009.

—————–

[1] "Đốt sách chôn Nho". Xem : "Đốt sách chôn Nho – tội đâu phải ở Tần Thủy Hoàng", Hy Văn dịch. 

[2] "Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ "nhân nghĩa đạo đức" viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc kỹ mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, là ba chữ ăn thịt người" (Lỗ Tấn, Nhật ký người điên). 

[3] Xem : Hàm Châu (2006), "Suy tư ở Khúc Phụ". 

[4] Phan Ngọc (1999), Khổng học, quan hệ của nó với thời đại mới in "Một số vấn đề về văn hóa và phát triển ở Việt Nam, Lào và Campuchia". Nhà xuất bản Nhà xuất bản Khoa học xã hội. tr.149-150.

[5] Trần Đình Hượu (1994). Đến hiện đại từ truyền thống. KX.07 xuất bản.

[6] Daniel A. Bell. From Marx to Confucius : Changing Discourses on China’s Political Future, Dissent, Spring 2007.

[7] Xem : Jing Haifeng (2008). Lại suy nghĩ về đạo đức Nho gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong sách : "Những vấn đề mũi nhọn trong nghiên cứu triết học đương đại". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2008, tr.70, 71-79, 80.

[8] Xem : Chen Fenglin. Guanyu Dongya Jiazhiguan de jidian sikao. "Waiguo wenti yanjiu", d.4q., d.47-50y.

[9] Mahathir Mohamad, Davis Hitchcock, Tommy Koh, Francis Fukuyama, Dan Waters, Richard Robison, Chen Fenglin, Phan Ngọc. Xem : Hồ Sĩ Quý (2006), "Về giá trị và giá trị Châu Á" (The Value and Asian Values), Nhà xuất bản Chính trị Qquốc gia, tr.120-172.