Một đòi hỏi bạo lực hóa nền giáo dục vốn đã tràn ngập bạo lực (Phạm Đình Trọng)

Giáo dục Việt Nam hôm nay đã tràn ngập bạo lực. Ông nhà báo cổ hủ, lạc lõng Hoàng Hải Vân còn đòi hỏi giáo dục phải bạo lực hơn nữa. Thầy giáo vào lớp phải mang theo roi vụt học trò, cô giáo phải mang theo kéo cắt tóc nữ sinh. Một đòi hỏi man rợ hóa nền giáo dục. 


(Về ý kiến phải có roi vọt trong giáo dục)

Chữ tượng hình Trung Hoa ra đời từ tư tưởng triết học vương quyền Trung Hoa, triết học coi trọng quyền uy để duy trì quyền lực nhà nước phong kiến. Triết học vương quyền chia xã hội loài người ra thành hai hạng, quân tử và thứ dân.

giaoduc1

Lớp học chữ Nho ngày xưa, thầy đồ cầm roi ngồi trên, học trò ngồi dưới viết chữ. Ảnh tư liệu

Quân tử là lớp người có chữ thánh hiền để hiểu đạo lí, có cá nhân để tách ra khỏi bầy đàn, để có vị trí, có địa vị xã hội, có quyền uy để chăn dắt, dạy dỗ thứ dân và sẵn sàng đảm trách sứ mệnh thâu tóm quốc gia, trị dân, yên nước.

Thứ dân là lớp người chưa trưởng thành. Dù có hình hài con người, dù tóc trên đầu đã bạc, thứ dân vẫn chưa được nhìn nhận là người vì vậy chưa có cá nhân, chỉ là bầy đàn như bầy dê, bầy cừu phải được chăn dắt, dạy dỗ, chỉ là công cụ để sai bảo, để sử dụng bằng áp đặt và roi vọt.

Triết học quân tử - thứ dân tạo ra văn hóa quỳ lạy. Trò quỳ lạy thầy. Dân quỳ lạy quan. Quan quỳ lạy vua. Xã hội quân tử - thứ dân là xã hội bất bình đẳng, tạo ra những tầng áp bức và thứ dân dưới đáy xã hội phải chịu nhiều tầng áp bức nhất. Vì không được nhìn nhận là những cá thề con người nên thứ dân không có quyền con người.

Triết học quân tử - thứ dân tạo ra phương pháp giáo dục "yêu cho roi cho vọt". Qua roi vot, từ bầy đàn mới tách ra thành cá nhân, thứ dân mới thành những bậc quân tử, bổ xung vào đội ngũ cai trị dân và khi đã tách ra khỏi thứ dân, quân tử lại ứng xử với thứ dân bằng roi vọt.

Yêu cho roi cho vọt nên trong chữ tượng hình Trung Hoa phải có bàn tay cầm roi lù lù trong chữ "giáo" được ông nhà báo đã hồi hưu Hoàng Hải Vân dẫn ra trong bài viết "Hãy trả quyền sơ đẳng này lại cho người thầy" : "chữ Giáo  (dy dđào to). Cu to ca ch này bên trái phía trên là b Hà (các vch âm dương trong Kinh Dịch, là nền tảng sơ khai của vũ trụ), phía dưới là chữ Tử  (đứa con), hàý chung là mt con người còn sơ khai. Bên phi là ch Ph hay  (nghĩa là đánh kh, tượng hình bng bàn tay cm roi). Ch Giáo cũng được viết là , bên trái thành ch Hiế, bên phải vẫn chữ Phộc".

giaoduc2

Thầy giáo vào lớp phải mang theo roi vụt học trò.

Từ chữ "giáo" có bàn tay cầm roi trong bộ chữ tượng hình ra đời từ thời nhà Thương, 1800 năm trước Công nguyên của triết học vương quyền phong kiến Trung Hoa, ông nhà báo ở thế kỉ 21 sau Công nguyên lí sự : "Dù viết theo cách nào thì bên trái vẫn là đứa con, bên phải là bàn tay cầm roi đánh khẽ. Cho nên dạy dỗ nhất thiết phải có phạt nhẹ để uốn nắn nếu như học trò hư hỏng hay không tuân thủ sự chỉ dẫn của thầy".

Ông nhà báo dẫn chuyện thời giáo dục nước ta còn học chữ tượng hình "Một bậc đế vương anh minh như hoàng đế Minh Mệnh khi giao con cho thầy giáo dạy dỗ còn cấp cho thầy một cái roi" để nhắc nhở rằng giáo dục ngày nay cũng cần trang bị roi cho người thầy để thầy ra roi với học trò. Theo ông Hoàng Hải Vân đó là cái quyền sơ đẳng của người thầy và ông đòi "Hãy trả lại quyền sơ đẳng này cho người thầy". Thật kinh ngạc ! Nhà báo của văn minh tin học mà tư duy như một hủ nho thời phong kiến mấy thế kỉ trước.

Xã hội loài người đi từ con người bầy đàn, của văn hóa quỳ lạy trong nền văn minh nông nghiệp, qua con người cá nhân của văn hóa dân chủ thời văn minh công nghiệp, đến con người vươn vai làm chủ vũ trụ của nền văn hóa sáng tạo thời văn minh tin học.

Văn hóa dân chủ của văn minh công nghiệp và văn minh tin học coi mỗi con người ngay từ khi vừa lọt lòng mẹ là một cá thể tồn tại độc lập với đầy đủ tư cách Con Người và đầy đủ Quyền Con Người.

Một trong những điều đầu tiên của hiến pháp bất kì nước nào thời văn minh công nghiệp cũng là điều "Mọi Người Có Quyền Bất Khả Xâm Phạm Về Thân Thể". Ở Việt Nam, đó là điều 20, hiến pháp 2015.

giaoduc3

Cô giáo phải mang theo kéo cắt tóc nữ sinh.

Một sợi tóc trên đầu đứa trẻ cũng thuộc về thân thể đứa trẻ, cũng được hiến pháp bảo đảm bất khả xâm phạm. Cô giáo đứng trên bục giảng, trước học trò trong lớp ngang nhiên cầm kéo cắt nham nhở tóc của nữ sinh không những là hành động phạm pháp mà còn là hành động man rợ, mông muội. Người thầy miệng xỉ vả, một tay đè đầu học trò, một tay xỉa kéo căt mái tóc óng ả của nữ sinh đã man rợ thì người thầy vung roi quất xuống đầu, xuống lưng học trò còn man rợ gấp nhiều lần.

Nhà giáo đứng lớp dạy học trò đương nhiên phải có chữ. Nhưng chữ của người thầy xỉa kéo cắt nham nhở tóc học trò, người thấy vung roi quất học trò không đồng nghĩa với văn hoá. Mượn quyền uy người thầy, mượn bạo lực cơ bắp xâm phạm thân thể và xúc phạm nhân cách học trò là những người thầy vô văn hoá.

Nhà báo cũng phải có chữ nhưng không phải chữ giáo có bàn tay cầm roi, không phải chữ bầy đàn, chữ roi vot của nền văn hóa quỳ lạy, mà phải là chữ Con Người, chữ Dân Chủ, chữ Sáng Tạo của văn minh công nghiệp và văn minh tin học. Ông nhà báo vẫn coi con người chỉ là bầy đàn, không có cá nhân, không có quyền con người, vẫn nhấm nháp chữ roi vọt của nền văn hóa quỳ lạy là thứ nhà báo hủ lậu, cúc cung tôn thờ bạo lực của xã hội độc tài chuyên chế. Vì vậy mà ông tôn thờ ngài tổng thổng nhà nước có nền dân chủ lâu đời nhất thế giới nhưng lại thích xài bạo lực, khi bị thất cử thì kích động bạo lực cướp toà nhà lập pháp, dùng bạo lực ép quốc hội thay đổi kết quả bầu cử, để ông vẫn trúng cử dù thua phiếu dân bầu!

Dẫn chữ "giáo" tượng hình có bàn tay cầm roi của văn hóa quỳ lạy, ông nhà báo hủ lậu đòi ngành giáo dục phải trang bị roi mây, roi song cho thầy cô giáo, để thầy cô giáo đưa nền giáo dục thời văn minh tin học trở về thời Khổng, Mạnh, thời phong kiến trung cổ.

Giáo dục Việt Nam hôm nay đã tràn ngập bạo lực. Ông nhà báo cổ hủ, lạc lõng Hoàng Hải Vân còn đòi hỏi giáo dục phải bạo lực hơn nữa. Thầy giáo vào lớp phải mang theo roi vụt học trò, cô giáo phải mang theo kéo cắt tóc nữ sinh. Một đòi hỏi man rợ hóa nền giáo dục.

Phạm Đình Trọng

(31/03/2023)