Chiến tranh hạt nhân không phải dễ (Hoàng Quốc Dũng)

Để hạn chế những "cơn điên" hay những hành động bất thường của các nhà lãnh đạo ở bất cứ nước nào, thủ tục sử dụng vũ khí hạt nhân để bắn vào một mục tiêu phải qua nhiều công đoạn, với sự đồng ý của một hay nhiều cấp lãnh đạo quân sự và chính trị. 


Trên thế giới hiện nay có 8 nước được coi là chính thức có vũ khí hạt nhân : Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel. Gần đây Bắc Triều Tiên được coi là là nước có khả năng có vũ khí hạt nhân.

hatnhan01

Trữ lượng bom nguyên tử của những quốc gia hạt nhân

Các nước đã có vũ khí hạt nhân thường không muốn và tìm cách cản trở các nước khác tiến tới có vũ khí hạt nhân. Thế giới đã có hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân được hầu như toàn bộ các nước ký (191). Một số nước ký rồi lại ra… Hiện tại có 4 nước không ký hoặc ký rồi lại ra là Ấn Độ, Israel, Pakistan, Bắc Triều Tiên.

Việc một số nước đã có vũ khí hạt nhân nhưng không muốn các nước khác có vũ khí hạt nhân có vẻ như là một sự bất công, phi lý. Tuy nhiên nếu chúng ta suy nghĩa sâu xa một chút, "vì lợi ích chung của toàn nhân loại" thì không nên có nhiều nước khác có vũ khí hạt nhân. Tuy có bất công thật đấy, nhưng đỡ nguy hiểm hơn nhiều. Nhiều nước có vũ khí hạt nhân chỉ làm tăng thêm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Một thí dụ đơn giản là nếu Nhà nước hồi giáo cực đoan (Islamic State) ở Syria có vũ khí hạt nhân thì chắc chắn chúng đã mang ném tứ tung rồi.

Cho đến cách đây hơn một năm, các cường quốc hạt nhân chưa bao giờ chính thức mang vũ khí hạt nhân ra đe dọa bất cứ một ai. Vũ khí hạt nhân của họ là để phòng vệ và được dùng để ran đe những ai muốn tấn công họ bằng vũ khí hạt nhân. Nói chung họ đã là những nước lớn, cường quốc, những cấp lãnh đạo của họ hành xử có trách nhiệm vì ai cũng biết những tai họa khủng khiếp do vũ khí hạt nhân gây ra.

Nhưng cho đến gần đây một số lãnh đạo quốc gia đã không những không tôn trọng những qui ước về hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân mà còn dùng chúng như một phương tiện làm áp lực hay săng ta để buộc thế giới qui phục và đạt được điều mình muốn. Điển hình là nước Nga của Putin và Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un.

hatnhan02

Kim Jong-un thăm viếng một căn cứ phòng tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn nguyên tử

Trường hợp Kim Jong-un thì khá dễ hiểu. Từ sau cuộc đình chiến chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên tháng 7/1953, chế độ Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành, và sau này la Kim Chính Nhật và Kim Chính Ân, chỉ có một mục tiêu duy nhất là dồn mọi nhân tài vật lực chế tạo cho bằng được bom nguyên tử để 'tự hào", và nhất là để răn đe Mỹ và làm áp lực với Hàn Quốc để được cung cấp lương thực và nhiên liệu để nuôi dân và quân đội. Tuy nhiển số bom nguyên tử mà Bắc Triều Tiên dự trù sẽ chế tạo không đáng kể so với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Lãnh tụ Kim Jong-un hiện nay chỉ có thể hù dọa Nam Hàn và Nhật Bản bằng cách bắn lia lịa ra biển những tên lửa tầm ngắn và tầm trung có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, nhưng những vụ bắn này chẳng làm ai sợ.

Ngược lại những đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của lãnh tụ Nga, Vladimir Putin, mới đáng sợ vì Liên bang Nga hiện đang có trong tay gần 6.000 đầu đạn nguyên tử (chính xác là 5.977 năm 2022). Trong khi Mỹ có chưa có 5.500 đầu đạn (chính xác là 5.428 năm 2022).

Từ một nước có uy tín, thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Liên bang Nga ngày nay trở thành nước đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, đem quân đi xâm lược trắng trợn nước Ukraine láng giềng độc lập và có chủ quyền. Khi bị quân Nga đại bại trên các chiến trường, Putin và các cấp lãnh đạo dưới trướng ông ta không ngớt lên tiếng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine. Putin còn tuyên bố rút khỏi hiệp ước giải trừ vũ khí nguyên tử New Start.

Mới đây thôi, một quân nhân Ukraine Shadura Timofiy Mykolayovich bị lính Nga bắt làm tù binh. Trước họng súng của kẻ thù, rít một hơi thuốc lá cuối cùng, anh thản nhiên hô : Vinh quang cho Ukraine. Kẻ thù đã lia một băng AK vào anh. Toàn bộ cảnh này đã được chính bọn chúng quay và đưa lên internet. Cả thế giới đã được chứng kiến sự tàn bạo của người Nga, thể hiện họ vẫn còn tư duy của 2 thế kỷ trước.

hatnhan03

Người lính Ukraine Timofiy Shadura, 40 tuổi, rít một hơi thuốc lá cuối cùng trước khi bị lính Nga xử tử

Tuy nhiên, việc tung một quả bom hạt nhân vào đối phương không đơn giản như các bạn tưởng. Không phải ai cũng có thể ấn vào cái nút đỏ để một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bay đến mục tiêu và phát nổ. Để hạn chế những "cơn điên" hay những hành động bất thường của các nhà lãnh đạo ở bất cứ nước nào, thủ tục sử dụng vũ khí hạt nhân để bắn vào một mục tiêu phải qua nhiều công đoạn, với sự đồng ý của một hay nhiều cấp lãnh đạo quân sự và chính trị. Hơn thế nữa các cường quốc hạt nhân có trách nhiệm như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh theo dõi rất sát sao các hoạt động có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thậm chí còn có cả đường dây nóng để thông tin cho nhau, tránh hiểu nhầm… như những phim ảnh giả tưởng thời Chiến tranh lạnh đã trình chiếu.

Nhưng trong cuộc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine từ ngày 24/2/2022, Putin đã thảm bại trên mọi lãnh vực, từ chiến lược, chiến thuật trên của chiến trường đến quốc phòng, ngoại giao, kinh tế và tài chính không thể đảo ngược, bộ tham mưu của Putin đã không ngừng lên tiếng hối thúc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Những đe dọa này đã làm cho thế giới "nóng lên" rất nhiều. Tuần tới NATO sẽ tổ chức tập trận báo động hạt nhân trong vòng một tuần. Đây là cuộc tập trận bất thường do tình hình chiến tranh ở Ukraine gây ra. Các hoạt động quân sự, tình báo của NATO gia tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu của tình thế. Một chiếc máy bay Awacs kiểm soát không phận to như cái đình của NATO phải bay liên tục 24/24 dọc theo "biên giới NATO", trên máy bay lúc nào cũng có 35 người của các nước thành viên dán mắt sát vào các màn hình theo dõi. Nếu thấy bất thường như máy bay của Nga lờn vờn sát biên giới là lập tức lệnh cho mặt đất gửi mấy chiếc Rafale của Pháp bay lên cảnh báo… Các vệ tinh thì theo dõi rất sát các hoạt động của hơn 40 kho vũ khí hạt nhân của Nga trên đất liền, các máy bay P8 Poseidon và tàu săn tàu ngầm của của NATO theo dõi sự di chuyển của những tàu ngầm hạt nhân của Nga. Các hoạt động tình báo của NATO cũng rà soát rất kỹ các hoạt động của đối phương và họ có các biện pháp nghiệp vụ để biết được đối phương chuẩn bị bắn vũ khí hạt nhân. Đồng thời với các biện pháp chuẩn bị đánh trả đối phương, NATO sẽ cảnh báo, thậm chí liên lạc qua đường dây nóng trực tiếp với đối phương. Chưa bao giờ NATO theo dõi các hoạt động quân sự của Nga một cách sát sao như hiện nay.

hatnhan04

Máy bay AWACS của NATO được những chiến đấu cơ Rafale hộ tống - Ảnh minh họa

Nga có khả năng tấn công hạt nhân trên 3 phương diện : mặt đất, trên không và từ tầu ngầm. NATO cũng có đầy đủ các phương tiện như vậy và được trải rộng trên rất nhiều các quốc gia. Sức mạnh tác chiến, khoa học quân sự của NATO chắc chắn vượt trội hơn hẳn so với Nga. Nga không dại gì mà gây chiến tranh hạt nhân. Tất nhiên là NATO đã có kế hoạch cụ thể khi Nga muốn "bắn thử một quả", bởi vì sự đáp trả phải thực hiện trong tíc tắc ngay sau khi đối phương vừa khai hỏa.

Trước đây, chúng ta sợ Kim Jong-un mang vũ khí hạt nhân ra dọa. Bây giờ chúng ta sợ cả nước Nga. Putin đã đặt nước Nga ngang hàng với Bắc Hàn của Ủn. Thật là vinh hạnh cho đại đế Putin ! 

Hoàng Quốc Dũng

(07/03/2023)