Sau Tết Dương lịch sẽ có biến động nội các chính phủ Phạm Minh Chính ? (Nguyễn Nam)
Trước tiên rất có thể là những quan chức liên quan đến các mức đề xuất kỷ luật khác nhau của Ủy ban Kiểm tra trung ương, ví dụ như Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cùng những thuộc cấp của ông trong vụ được gọi là "chuyến bay giải cứu".
Kỳ họp bất thường sẽ không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp. Theo thông báo của Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần, căn cứ vào quy định của pháp luật, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, sau khi xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV từ ngày 5/1/2023 đến ngày 9/1/2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương tổ chức kỳ họp bất thường thứ hai Quốc hội khóa XV với năm nội dung quan trọng được xem xét, quyết định.
Quốc hội họp trù bị vào chiều 4/1/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc là 4 ngày, Quốc hội họp tập trung cả kỳ.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định các nội dung gồm : Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ; dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ; tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 ; xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược ; một số vấn đề về tài chính, ngân sách.
Dự kiến chương trình kỳ họp đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Bộ Chính trị, gửi các cơ quan hữu quan, các đại biểu Quốc hội cùng văn bản triệu tập kỳ họp.
Nội dung cuối cùng được đưa ra ngắn gọn trong thông báo : "Về công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác (nếu có)".
Liệu có sự thay đổi nào về nhân sự cấp chính phủ, tức thuộc thẩm quyền "công tác nhân sự" về mặt thủ tục từ phía Quốc hội ?
Trước tiên rất có thể là những quan chức liên quan đến các mức đề xuất kỷ luật khác nhau của Ủy ban Kiểm tra trung ương, ví dụ như Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cùng những thuộc cấp của ông trong vụ được gọi là "chuyến bay giải cứu".
Hai trợ lý của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xộ khám cũng liên quan đến "chuyến bay giải cứu" và kit test Covid của Việt Á. Liệu sẽ dừng lại ở mức độ chấp nhận "Lê Lai cứu chúa" hãy làm thẳng tiếp tới "trùm cuối" ở cả hai vụ việc cùng xảy ra hồi đại dịch Covid-19, đó là điều mà công luận chờ đợi.
Trước mắt, về bề mặt ngoại giao, từ sau chuyến công du Thái Lan cùng phu quân là chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi trung tuần tháng 11/2022, sau đó, người ta không còn thấy mệnh phu Trần Thị Nguyệt Thu cùng tháp tùng với ông Nguyễn Xuân Phúc ở các chuyến công tác liền kề Hàn Quốc vào đầu tháng 12/2022, hay chuyến sang Indonesia vừa kết thúc hôm 23/12/2022.
Trong đoàn công du Indonesia kể trên, phía Việt Nam còn có Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn. Trong một phát biểu với báo chí sau đó, ông Bùi Thanh Sơn đánh giá chuyến thăm đạt được "những kết quả rất toàn diện, thực chất và cụ thể", đặc biệt trên ba lĩnh vực quan trọng.
"Hai bên đã ký kết và trao đổi ba thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực chống khủng bố ; hợp tác chống tội phạm buôn bán ma túy, chất hướng thần và tiền chất ; hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản" – ông Bùi Thanh Sơn nói.
Rất có thể đây cũng là chuyến công du khép lại sự nghiệp chính trị trên cương vị Ngoại trưởng của ông Bùi Thanh Sơn.
Một nguồn tin khả tín cho biết, tính đến chiều ngày 24/12/2022, Bộ Chính trị chưa có ý kiến cụ thể gì về các nội dung được cho là "Dự kiến chương trình kỳ họp" như nêu ở phần đầu bài ghi nhận này.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 25/12/2022