Đức muốn Việt Nam có 'lập trường rõ ràng' về cuộc chiến Ukraine

Thủ tướng Đức vào ngày 13/11 đã tới Việt Nam trong phần đầu của chuyến công du bốn ngày ở châu Á.

Thủ tướng Việt Nam tiếp đón Thủ tướng Đức trước khi phái đoàn Đức hội đàm với phía Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ vào chiều Chủ nhật 13/11.
Thủ tướng Việt Nam tiếp đón Thủ tướng Đức tại Hà Nội trước khi phái đoàn Đức hội đàm với phía Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ vào chiều Chủ nhật 13/11.


Tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên nằm cao trong cuộc hội đàm song phương giữa Thủ tướng Olaf Scholz và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Truyền thông Việt Nam cho biết tại cuộc hội đàm với người tương nhiệm phía Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Quốc hội Đức sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Cuộc chiến của Nga tại Ukraine cũng là chủ đề được nêu trong nghị trình.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Chính, Thủ tướng Scholz đã hối thúc phía Việt Nam có "lập trường rõ ràng" đối với Nga liên quan tới cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Ông Scholz nói rằng "Vấn đề đặt ra là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế với tiền lệ nguy hiểm.

"Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn."

Vào tháng trước Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong việc lên án Nga sáp nhập bốn khu vực ở Ukraine.

Việt Nam vào ngày 1/3/2022 bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và cũng có lá phiếu tương tự vào ngày 24/3 đối với một nghị quyết yêu cầu bảo vệ dân thường tại đây.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz: "Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn."

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Thủ tướng Đức Olaf Scholz: "Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn."

Tại cuộc họp báo chung với ông Chính, ông Scholz cho biết Đức muốn quan hệ thương mại sâu sắc hơn với Việt Nam và nói rằng Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, bao gồm cả việc mở rộng hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Hà Nội.

Chuyến đi của ông Scholz tới Việt Nam được xem là hy vọng của Berlin nhằm củng cố quan hệ kinh doanh và ngoại giao để cân bằng lợi ích của Đức ở châu Á nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Việt Nam và Singapore là những quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Do đó, họ là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khu vực.

Đức là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong số các nước EU sau Hà Lan, với giá trị thương mại hai chiều trị giá 7,8 tỷ USD vào năm ngoái, theo công ty luật Dezan Shira.

Tuy nhiên, thương mại song phương Đức Việt ít hơn nhiều so với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, hiện có khoảng 500 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có khoảng 80 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Trong số đó có công ty cơ khí khổng lồ Bosch, công ty năng lượng Messer và một số công ty nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.

Ông Marko Walde, Chủ tịch Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam, được Reuters dẫn lời nói rằng hơn 90% công ty Đức tại Trung Quốc đang có kế hoạch chuyển dịch sang Đông Nam Á.

Ông cũng nói rằng Việt Nam và Thái Lan là những địa điểm được đánh giá khả quan trong khu vực.

Hiện có khoảng 5000 công ty của Đức kinh doanh tại Trung Quốc, gấp 10 lần số lượng so với Việt Nam.

Vào chiều tối 13/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cùng chủ trì Hội nghị bàn tròn doanh nghiệp Việt - Đức.

Truyền thông Việt Nam đưa tin Đức là nhà đầu tư lớn thứ 18 trên 141 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn FDI đăng ký đạt 2,34 tỷ USD tính đến tháng 10.

Đức đã cung cấp ODA hơn 2 tỷ USD cho Việt Nam. Trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, Đức viện trợ cho Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine. Hiện có hơn 7.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Đức.

Nguồn tin BBC Tiếng Việt