Đại hội đảng Trung Quốc lần thứ XX có ảnh hưởng gì đến Việt Nam ? (Song Chi)

Chúng ta biết, từ trước tới nay Đảng cộng sản Việt Nam vốn là một cái đảng "không có xương sống", không thể tự đứng một mình nếu không dựa theo, học theo một Đảng cộng sản đàn anh. Hết dựa theo, học theo Liên Xô lại dựa theo, học theo Trung Quốc. 


Sau khi Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX kết thúc (Đại hội diễn ra từ ngày 16/10 đến 22/10/2022), vị thế của Tập Cận Bình đã được củng cố vững chắc, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng cộng sản Trung Quốc trong những năm tới cũng đã rõ ràng, thì vấn đề mà nhiều người Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình chính trị của đất nước đặt ra, đó là quan hệ của Việt Nam-Trung Quốc liệu có thay đổi gì không, và đường lối chính trị, ngoại giao của Đảng cộng sản Việt Nam liệu có ảnh hưởng gì từ sự kiện này ?

tcb1

Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa XX Tập Cận Bình (giữa) cùng các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới được bầu trong cuộc họp báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 23/10. (Nguồn : Tân Hoa xã)

Trước hết về phía Trung Quốc, kết quả của Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX như vừa nói ở trên cho thấy Tập Cận Bình sẽ ngồi tiếp thêm một nhiệm kỳ Tổng bí thư, Chủ tịch nước thứ ba (sau khi Quốc hội Trung Quốc vào ngày 11/03/2018 đã thông qua việc hủy bỏ điều khoản trong Hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch trong hai khóa, mỗi khóa 5 năm), thậm chí có thể trở thành Chủ tịch nước trọn đời. Vị trí của ông Tập càng to hơn, khi tư tưởng Tập Cận Bình về "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới" sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng, ông Tập trở thành nhà lãnh đạo thứ ba của Đảng cộng sản Trung Quốc, sau Mao và Đặng, có tư tưởng mang tên ông được viết trong điều lệ đảng. Không những thế, Đại hội còn công nhận vai trò "hạt nhân", "trung tâm" của ông Tập Cận Bình.

Có thể nói từ sau Mao Trạch Đông đến giờ, mới có một nhân vật có quyền lực bao trùm đến vậy, thậm chí còn hơn cả Đặng Tiểu Bình, người từng được mệnh danh là "kiến trúc sư của Trung Quốc hiện đại". Nhiều nhà phân tích, bình luận quốc tế từ vài năm nay thậm chí đã đặt ra câu hỏi phải chăng Tập Cận Bình sẽ trở thành Mao Trạch Đông của thế kỷ XXI ? Về phương hướng, chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc dưới triều đại "Hoàng đế Đỏ Tập Cận Bình" cũng đã rõ, đối nội sẽ hà khắc hơn, mọi ý kiến đối lập, mọi phe nhóm có tư tưởng khác với Tập Cận Bình sẽ bị "gạt phăng" qua một bên, chỉ còn lại một mình Hoàng đế họ Tập.

Từ những cuộc thanh trừng phe nhóm lấy danh nghĩa diệt tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi", cho tới việc Hồ Cẩm Đào, cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2002-2012, cựu Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giai đoạn 2003-2013, là người tiền nhiệm của Tập Cận Bình mà còn bị cho người lôi ra khỏi hội trường trong Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc vừa qua là rõ. Hành động đó rõ ràng là muốn gửi thông điệp đến người dân Trung Quốc và với thế giới rằng từ nay ở Trung Quốc chỉ có một Vua mà thôi, thứ hai nữa, đường lối khá ôn hòa, cởi mở, lãnh đạo tập thể, mở cửa với thế giới phương Tây của Hồ Cẩm Đào đã kết thúc. Trung Quốc bước sang một thời kỳ mới, một chặng đường mới, dưới sự lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" của Tập Cận Bình, và chỉ một mình Tập Cận Bình mà thôi, không có "Thái thượng hoàng" nào phía sau như trước đây nữa.

Không chỉ có thế, về mọi mặt của xã hội, bất cứ một cá nhân, tổ chức, công ty có ảnh hưởng quá lớn đối với xã hội sẽ bị vùi dập không thương tiếc. Chúng ta đã thấy trong thời gian qua một số công ty lớn trong các lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và game, nổi tiếng của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, JD… bị "sờ gáy", siết chặt hoạt động kinh doanh, làm bay mất hàng nghìn tỷ USD, hàng loạt tên tuổi lớn trong giới showbiz như Trịnh Sảng, Triệu Vy, Ngô Diệc Phàm, Lý Dịch Phong... đang là những ngôi sao hàng đầu trở thành tội đồ, bị "phong sát" khỏi mọi hoạt động nghệ thuật, dưới danh nghĩa "thanh lọc" để loại bỏ các tác động tiêu cực của văn hóa thần tượng. Nhưng mặt khác, chỉ là để nhắc nhở trên đầu họ còn có Đảng cộng sản Trung Quốc và không một ai được "lớn" hơn, có sức ảnh hưởng hơn Hoàng đế Tập cả. Về mặt này, có lẽ Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã học được bài học từ sự lớn mạnh và sức ảnh hưởng của các công ty Big Tech hay các cá nhân nổi tiếng, đại gia đầy quyền lực đã ảnh hưởng đến tình hình chính trị xã hội của Hoa Kỳ như thế nào.

Về đối ngoại, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục chính sách hung hăng, hiếu chiến một cách đầy tự tin, và một trong những mục tiêu rõ ràng mà Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã hé lộ là sẽ "thống nhất" Đài Loan, không loại trừ phải sử dụng cả vũ lực. Đó là về Trung Quốc. Còn mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc sẽ như thế nào ? Tại sao Tập Cận Bình lại mời (hay triệu) Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên sang thăm ngay sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XX kết thúc và tại sao Nguyễn Phú Trọng lại vội vàng đi như vậy ?

tcb2

Được Tập Cận Bình mời sang Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng "được lời như cởi tấm lòng" phải đi ngay để thể hiện sự "trung thành, gắn bó" của Việt Nam với Trung Quốc.

Như nhiều nhà bình luận chính trị trong ngoài nước cũng đã phân tích, về phía Tập, "mời" Nguyễn Phú Trọng vừa tránh được sự khó xử thay vì quyết định phải chọn mời một nguyên thủ quốc gia phương Tây hay mời Putin trước, sẽ tạo cảm giác "bên trọng, bên khinh", đồng thời cũng chỉ thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai Đảng cộng sản vì Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam chứ không phải Thủ tướng hay Chủ tịch nước Việt Nam. Và quan trọng hơn là để cho thế giới cũng thấy sự gắn bó đó. Còn Nguyễn Phú Trọng tất nhiên "được lời như cởi tấm lòng" phải đi ngay để thể hiện sự "trung thành, gắn bó" của Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng cũng chính vì Nguyễn Phú Trọng chỉ là Tổng bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam nên nếu sau đó ông Thủ tướng hay ông Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có đi Mỹ hay mời Mỹ, Nhật qua thì cũng vẫn có cách để nói với Mỹ, với Nhật… được. Rằng quan hệ giữa hai đảng là một chuyện, ở góc độ chính phủ là khác.

Chúng ta biết, từ trước tới nay Đảng cộng sản Việt Nam vốn là một cái đảng "không có xương sống", không thể tự đứng một mình nếu không dựa theo, học theo một Đảng cộng sản đàn anh. Hết dựa theo, học theo Liên Xô lại dựa theo, học theo Trung Quốc. Toàn bộ sự ra đời, thành lập cho tới phần lớn chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh với Pháp, với Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa là nhờ ở Liên Xô, Trung Quốc và khối XHCN anh em. Từ sau thời kỳ "đổi mới" vào năm 1986 cho tới sau khi Việt Nam-Trung Quốc "bình thường hóa quan hệ" vào năm 1991, sự tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam chủ yếu vẫn dựa vào Đảng cộng sản Trung Quốc từ kinh tế cho tới chính trị, và nhất nhất học theo mọi thứ Trung Quốc làm. Chỉ khác cái là do kém cỏi hẳn về trí tuệ, tầm nhìn lẫn tham vọng nên Việt Nam chỉ là một "bản sao mờ nhạt, vụng về" của Trung Quốc.

Nguyễn Phú Trọng, người cho đến bây giờ vẫn kiên định vào chủ nghĩa Mác-Lê và kiên quyết đi theo con đường XHCN dù "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" ("Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992", Thanh Niên), là một người thân Trung Quốc và cũng tiếp tục sao chép mọi thứ từ Trung Quốc. Tập Cận Bình có chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" thì Nguyễn Phú Trọng có chiến dịch "đốt lò", đều là nhân danh chống tham nhũng để thanh trừng, tiêu diệt phe phái. Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng, cả hai đều bất chấp điều lệ Đảng cộng sản để ngồi thêm một nhiệm kỳ thứ ba.

Tuy nhiên, như đã nói, Việt Nam luôn luôn là một phiên bản kém hơn, các lãnh đạo đảng và nhà nước CS Việt Nam cũng kém tầm hơn các lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc nhiều, Nguyễn Phú Trọng thì vừa thua Tập Cận Bình hẳn hai cái đầu về tầm nhìn, năng lực vừa không có sức khỏe, nên dù có muốn, Nguyễn Phú Trọng cũng không thể thâu tóm toàn bộ quyền lực vào một tay mình-Đảng cộng sản Việt Nam vẫn theo mô hình "lãnh đạo tập thể " của ít nhất là "tứ trụ"-bốn vị trí cao nhất : Tổng bí thư đảng, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội. Nguyễn Phú Trọng cũng không thể lãnh đạo trọn đời, với tình trạng sức khỏe như vậy thì hai năm nữa không biết có được chưa. Những vụ đấu đá, tranh giành quyền lực phía sau hậu trường để giành lấy cái vị trí Tổng bí thư đảng ở Việt Nam từ lâu nay luôn luôn diễn ra, phe này "đánh" đàn em, bè cánh của phe kia.

Đối nội, Nguyễn Phú Trọng phải "mượn oai hùm", đi sang "triều kiến", tỏ ra thân cận với Tập Cận Bình để được họ Tập che chở mà tiếp tục dằn mặt, thanh trừng những kẻ muốn chiếm lấy cái ghế của mình. Đối ngoại, Nguyễn Phú Trọng cũng muốn cho Hoa Kỳ và phương Tây thấy sự chọn phe khá rõ của Việt Nam, từ thái độ của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đối với Nga trong cuộc chiến của Ukraine cho tới sự "trung thành" của Việt Nam đối với Trung Quốc.

Khác với Trung Quốc, kinh tế và quân sự của Việt Nam yếu hơn gấp nhiều lần nên Việt Nam không thể chọn con đường cô lập như Trung Quốc. Ngay một ví dụ nhỏ, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, thoạt đầu Việt Nam học theo chính sách "zero Covid" của Trung Quốc nhưng chỉ sau vài tháng "đóng cửa" là chịu hết nổi, phải chạy sang Hoa Kỳ, phương Tây cầu cứu vaccine để mở cửa cho sớm, trong khi Trung Quốc vẫn bất chấp, "một mình một ngựa" thi hành chính sách "zero Covid" suốt gần ba năm qua !

Có lẽ nhiều người cũng tự hỏi, tại sao Trung Quốc cứ tiếp tục tiến hành chính sách này dù bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, dù người dân ta thán, mệt mỏi ? Tập Cận Bình không phải không biết những sự thiệt hại của chính sách "zero Covid", nhưng đối với Tập, đã hết rồi cái thời kinh tế quan trọng số một đối với Trung Quốc, bây giờ, kinh tế không quan trọng bằng an ninh, ổn định chính trị, đồng thuận một lòng từ trên xuống dưới. Hơn nữa, đây cũng lại là một sự tính toán của Tập Cận Bình xem thử sức người dân chịu đựng đến đâu, họ có nổi loạn lên phản ứng, biểu tình hay không, nhằm dập tắt ý chí phản kháng, dù nhỏ nhất, của người dân, trong mọi vấn đề. Và họ Tập đã thành công. Một 1,4 tỷ dân Trung Quốc dù trong bụng uất ức, bực bội, phẫn nộ, oán trách, thảy đều cúi đầu chịu đựng răm rắp. Chỉ duy nhất cho tới nay thế giới được chứng kiến một người dám công khai phản kháng, đó là người đàn ông trên cầu (được mọi người gọi là bridge man), cũng giống như người đàn ông lẻ loi đứng trước hàng xe tăng năm xưa trong vụ Thiên An Môn (được mọi người gọi là tank man).

Hai điểm yếu lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam trước Đảng cộng sản Trung Quốc là sự phụ thuộc về kinh tế và mối đe dọa về an ninh, an toàn lãnh thổ lãnh hải. Vì vậy Đảng cộng sản Việt Nam không dám chọc tức Đảng cộng sản Trung Quốc, ngược lại, phải luôn luôn tỏ ra trung thành để hy vọng Trung Quốc sẽ để yên, không phá về kinh tế hoặc lãnh thổ, lãnh hải. Mặt khác, cũng chính vì hai điểm yếu này mà Việt Nam rất cần Mỹ và phương Tây, cần làm ăn buôn bán, cần được giúp đỡ, đồng thời cần "cái ô dù" của Mỹ để Trung Quốc không "bắt nạt" quá đáng trên Biển Đông. Bao lâu nay, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chính sách ngoại giao "đu dây" mà họ gọi là ngoại giao "cây tre", không biết khi tình hình cục diện thế giới đã thay đổi, hai phe đã dần dần hình thành, liệu họ có thể tiếp tục làm như vậy ?

Người viết bài này tin rằng Đảng cộng sản Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao đó để thủ lợi chừng nào còn có thể, nhất là khi hiện nay, mục tiêu quân sự hàng đầu của Trung Quốc là Đài Loan chứ không phải Việt Nam hay một quốc gia láng giềng nào khác. Nhưng dù "đu dây", mục tiêu lớn nhất của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn là độc chiếm quyền lực, không muốn san sẻ quyền lực cho bất cứ ai, cũng không muốn dân chủ hóa, cho nên chừng nào Trung Quốc còn mạnh và còn chưa tính chuyện thâu tóm thêm lãnh thổ lãnh hải của Việt Nam, thì Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chọn đứng bên cạnh Đảng cộng sản Trung Quốc chứ không phải đứng về phe Hoa Kỳ và các nước đồng minh tự do, dân chủ.

Có lẽ Hoa Kỳ và các nước phương Tây cũng nên nhận ra điều đó để đừng phí công sức lôi kéo Việt Nam, nhân nhượng Việt Nam về hồ sơ nhân quyền tệ hại. Muốn Việt Nam thay đổi, các nước cần phải cứng rắn hơn, thậm chí chế tài, cấm vận Việt Nam vì nạn buôn người, đàn áp tôn giáo, đàn áp người bất đồng chính kiến v.v. Lúc đó Việt Nam phải ngã hẳn về phe độc tài là Nga-Trung Quốc-Iran-Bắc Hàn, và như vậy, sau một thời gian, sự thiệt thòi trong chọn phe, kinh tế xuống dốc, phản ứng bất bình của người dân sẽ khiến cho Đảng cộng sản Việt Nam phải thay đổi ; ngược lại, chính sách nhân nhượng, dễ dãi với Việt Nam suốt thời gian qua đã cho thấy không hiệu quả gì.

Riêng đối nội, một điều chắc chắn là Đảng cộng sản Việt Nam sẽ học theo Đảng cộng sản Trung Quốc hà khắc hơn, độc tài hơn, những hành vi đàn áp, những bản án dành cho người bất đồng chính kiến sẽ càng nặng nề, tàn bạo hơn, những cuộc thanh trừng tiêu diệt phe nhóm nhân danh tham nhũng sẽ tiếp tục dài dài. Và những phe nhóm nào có mối làm ăn với Trung Quốc nhưng lại liên quan đến Giang Trạch Dân, Hồ Cầm Đào, Lý Khắc Cường, hay mọi quan chức bị thất thế ở Trung Quốc, sẽ bị phe của Nguyễn Phú Trọng dập cho không thương tiếc. Không phải vô cớ mà bà Trương Mỹ Lan, một người có chồng là người Trung Quốc ở Hong Kong, có những mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, lại bị bắt vào thời điểm này.

Trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ không nhìn thấy chút gì sáng sủa về mặt nhân quyền hay chút hy vọng gì về khả năng dân chủ hóa ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh mọi tiếng nói đối lập trong nước gần như đã bị bắt, bị dập tắt, ở bên ngoài, gần nửa thế kỷ đã trôi qua, thế hệ dính líu trực tiếp đến cuộc chiến hay chế độ Việt Nam Cộng Hòa dần dần ra đi hết, thế hệ thứ hai thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài không mấy người thực sự quan tâm đến vận mệnh của Việt Nam nữa. Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn yên tâm để một lần nữa, lại tiếp tục chọn lầm đồng minh, chọn đứng về phía sai của lịch sử, đó là chọn đứng trong hàng ngũ của "trục Ác" trong cục diện mới.

Chỉ có người Việt Nam, mà chủ yếu là người dân trong nước, mới có thể cứu lấy tương lai vận mệnh đất nước, dân tộc mà thôi.

Song Chi

Nguồn : RFA, 30/10/2022