Đỏ hóa Việt Nam (Vũ Ngọc Mai)

Vậy ông/bà bí thư tổ chức đảng trong doanh nghiệp là ai, có xuất tiền, bỏ thời gian công sức trí tuệ để xây dựng doanh nghiệp không, có chịu cảnh vỡ nợ trắng tay hay vào tù không mà dám vỗ ngực lãnh đạo, định hướng các hoạt động đặc thù trong doanh nghiệp của người ta ? 


Nếu mỗi đảng viên là một chấm đỏ, và nếu Nghị quyết Trung ương 21 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Việt Nam được thực hiện, thì gần như toàn bộ Việt Nam sẽ đỏ chon chót. "Từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau" (Tố Hữu), và đỏ lan sang cả nước ngoài.

Nghị quyết này có cái tên rất dài : "Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới".

Giai đoạn mới là mới ở điểm nào ?

Chính là điểm "vào lò"

Thời gian nắm quyền Tổng bí thư của cụ Trọng được đánh dấu bằng các động thái quyết liệt "đút lò" quan chức tham nhũng.

Số lượng củi đốn được (và còn vô thiên lủng các chú chưa bị đốn) khiến toàn đảng, toàn dân, toàn quân giật mình.

Đã nhiều, lại toàn củi gộc.

Lĩnh vực nào mò đến cũng chặt ra củi. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song các củi đều giống nhau ở một điểm : đều là đảng viên (muốn tham nhũng thì phải làm lãnh đạo. Muốn được đề bạt làm lãnh đạo, trước hết phải là đảng viên). Xuất thân là người nghiên cứu lịch sử Đảng, cụ Trọng tất nhiên lưu ý đặc biệt đến điểm này.

Và thế là ra đời nghị quyết tăng cường củng cố nâng cao chất lượng đảng viên.

Mục đích thì tốt quá. Nhưng vì là sản phẩm của cụ, nên nghị quyết 21 cũng giống như các báo cáo, diễn văn, hiệu triệu… đóng mác cụ thời gian qua. Đó là phong cách nói vần, thuần thục ca dao tục ngữ, đặt câu biền ngẫu và nhất là các giải pháp đậm màu đạo đức lương tâm.

Cũng không tưởng như lý thuyết Chủ nghĩa xã hội

Xác định việc tham nhũng là do các đảng viên khô đảng, nhạt đoàn, Nghị quyết 21 quyết đỏ hóa Việt Nam với các mục tiêu như sau :

- Đến năm 2025 : 100% thôn, bản có đảng viên. Đến năm 2030 : 100% thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ. Tỉ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm trong giai đoạn 2025 - 2030 đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên. (Tính đến 30/6/2021, Việt Nam có khoảng 5.300.000 đảng viên Đảng cộng sản. Nếu theo chỉ tiêu kết nạp mới hàng năm khoảng 3-4% thì năm gần nhất phải kết nạp khoảng 16.000-21.200 đảng viên. Tìm con số so sánh. Rất đáng chú ý, có 3 Đảng bộ cấp tỉnh có tỷ lệ đảng viên so với dân số trong tỉnh cao nhất cả nước, gồm Bắc Kạn (11,1%), Cao Bằng (10,7%) và Quảng Bình (8,4%). Trung bình cứ 10 người thì có 1 đảng viên.

- Thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhằm lãnh đạo, định hướng hoạt động của doanh nghiệp.

- Các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất phải có đảng bộ cơ sở.

- Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân ; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở những nơi có điều kiện (không rõ điều kiện là gì).

- Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận.

- Bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và thực tiễn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Nâng cao tỉ lệ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận là đảng viên.

- Thành lập, củng cố tổ chức cơ sở đảng trong tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước.

- Tăng cường quan hệ phối hợp giữa tổ chức cơ sở đảng trong các tập đoàn, tổng công ty với cấp ủy địa phương, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương. Xây dựng quy chế phối hợp giữa cấp ủy với chủ doanh nghiệp tư nhân nhằm phát huy vai trò của tổ chức đảng.

- Hàng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên ;

- Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Trừ điểm cuối ra, hầu như toàn bộ các mục tiêu kể trên đều thơ thơ mơ mơ như trăng trong nước, hoa trong gương.

dohoa2

Các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chụp hình chung nhân bế mạc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021. AFP

Nhất thể hóa quyền lực

Nếu bí thư đảng đồng thời lại là chủ tịch/giám đốc cơ quan/chủ tịch hội đồng nhân dân/chủ tịch ủy ban nhân dân… thì sắp tới sẽ là giai đoạn nhất thể hóa quyền lực cao nhất trong lịch sử Việt Nam.

Ở các cơ quan nhà nước, ủy ban nhân dân các cấp… còn chấp nhận được. Hiến pháp Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng nên chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) dù có ý kiến khác thì vẫn phải xin phép và được Bí thư cho phép mới được làm.

Nhưng ở cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân-HĐND), người (được cho là) đại diện của nhân dân phải có những góc nhìn và phản biện thực tế đứng từ phía quyền lợi của người dân. Trong nhiều trường hợp, góc nhìn này không trùng với góc nhìn và ý muốn của giai cấp lãnh đạo- chính là đảng. Thế thì một cá nhân vừa là đảng, vừa đại diện nhân dân sẽ phân thân ra sao, đóng vai trò nào để ra quyết định, trong những trường hợp đó ?

Tất nhiên họ sẽ phải đặt quyền lợi của đảng lên cao nhất, tuân theo nguyên tắc của đảng.

Tương tự, một vị bí thư đảng đồng thời là lãnh đạo cơ quan, đơn vị nghiên cứu sẽ đặt tính đảng hay tính chuyên môn khoa học lên cao nhất ?

Thành lập tổ chức đảng ở doanh nghiệp để lãnh đạo, định hướng hoạt động ?

Đây chính là mục tiêu mơ mộng, không tưởng và trái quy luật vận động của xã hội nhất.

Mục đích của sản xuất kinh doanh là lợi nhuận. Doanh nhân dùng trí tuệ, tiền vốn, thời gian, công sức của bản thân để đầu tư kiếm lời. Họ cũng phải trả giá bằng chính những khoản vốn đó khi thất bại hoặc sai sót. Gia đình tan vỡ, mất sức khỏe, vỡ nợ, thậm chí vào tù… đều có khả năng. Đặc biệt với hệ thống pháp luật rối rắm chằng chịt, người thực thi lợi dụng hoạnh họe như ở Việt Nam thì doanh nhân luôn phải chấp nhận bôi trơn, hối lộ để được giải quyết thủ tục hoặc không bị làm khó.

Vậy ông/bà bí thư tổ chức đảng trong doanh nghiệp là ai, có xuất tiền, bỏ thời gian công sức trí tuệ để xây dựng doanh nghiệp không, có chịu cảnh vỡ nợ trắng tay hay vào tù không mà dám vỗ ngực lãnh đạo, định hướng các hoạt động đặc thù trong doanh nghiệp của người ta ?

Mục tiêu "Tăng cường phối hợp giữa tổ chức cơ sở đảng trong các tập đoàn, tổng công ty với cấp ủy địa phương, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty gắn với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương" cũng kỳ lạ và không tưởng y như trên.

Một Nhà nước thượng tôn pháp luật sẽ đặt ra các luật lệ hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp làm ăn phát triển, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội và đóng thuế dồi dào. Đồng thời, hệ thống luật pháp phải kiềm chế xu hướng kiếm lợi bằng mọi cách, mua chuộc quan chức chính quyền, thao túng chính sách, len lách các kẽ hở pháp luật, bóc lột người lao động, trốn thuế, làm hàng gian hàng giả vân vân. Nhà nước không thể dài tay bố trí viên chức vào làm lãnh đạo doanh nghiệp (để định hướng, lãnh đạo các hoạt động của người ta-nhắc lại lần nữa vì vẫn buồn cười quá).

Một tổ chức đảng cũng chỉ là một nhóm người có cùng ý nguyện và mục đích. Họ không thể đại diện cho tất cả nhân dân, cho cả đất nước, lại càng không thể "cài" người của mình vào mọi tổ chức, doanh nghiệp để định hướng và lãnh đạo người ta.

Tổ trưởng tổ dân phố chống tham nhũng ?

Tăng cường đảng viên vào các thiết chế cơ sở như tổ dân phố cũng không thể mang lại hiệu quả chống tham nhũng. Vì, hầu hết tổ trưởng dân phố hay xã đều là hưu trí. Rảnh rỗi, có chút quan tâm tới cộng đồng, họ tham gia công việc phường cho vui và có thêm chút thu nhập. Kiến thức, khả năng của họ hầu hết đều trung bình, gia cảnh bình thường. Chẳng thấy ai giàu có hoặc trí thức về làm tổ trưởng dân phố hoặc hội cựu chiến binh cả. Vì thế, phần đông họ không có đủ thời gian, năng lực và điều kiện để đấu tranh chống tham nhũng, nhất là khi việc làm này có nguy cơ phải đối phó với sự trả thù.

Với các địa bàn vùng sâu vùng xa, quan tâm đầu tiên là cái ăn. Đảng viên cũng phải đi làm rẫy, trồng rau, nuôi gà nuôi lợn thậm chí đi phá rừng thuê để có tiền sinh sống. Họ có thể rất cách mạng (ôi những thiên thần ngây thơ !) nhưng về thực lực, họ cũng là những người yếu thế.

Trong khi đó, những kẻ tham nhũng là những người được đào tạo bài bản, học hành trong ngoài nước, có thời gian tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, nhiều vị trí. Họ có hiểu biết, tiền bạc nhiều, quan hệ xã hội rộng rãi. Kêu gọi họ biết xấu hổ, trọng danh dự để đừng tham nhũng nữa thì cải lương và buồn cười quá.

Mẹ đẻ của tệ nạn tham nhũng chính là toàn bộ cái cơ chế hiện hành. Hiện nay trẻ con cấp hai đã biết như thế. Với đồng lương ngót mười bốn, mười lăm triệu đồng cho vị trí chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, không ăn hối lộ, không tham nhũng thì cạp đất mà ăn à ?

Cụ Trọng tài cao vọng trọng, cả đời nghiên cứu lịch sử Đảng, hăng hái đốn củi vào lò. Cụ thừa biết cái lý có chân ấy. Nhưng tổ tiên đã có câu, muốn nhìn toàn cảnh phải đứng ngoài cuộc mà nhìn. Cụ không thể. Bây giờ những liên hệ buộc cụ với đảng đã chặt chẳng đứt, bứt chẳng rời. Không rõ cụ có đặt mục tiêu này hay không, nhưng với nhiều người Việt Nam hiện tại, cụ chính là Đảng, Đảng chính là cụ. Cụ làm sao có thể thoát khỏi những trói buộc ấy để mà nhìn nhận sự việc khách quan như nó vốn có ? Nên, xét cho cùng, những cố gắng của cụ trông bề ngoài thật mãnh liệt, nhưng bên trong thì thật đáng thương.

Vũ Ngọc Mai

Nguồn : RFA, 30/07/2022

Tham khảo :

https://baotintuc.vn/chinh-tri/nghi-quyet-ve-tang-cuong-cung-co-xay-dung-to-chuc-co-so-dang-20220624184533986.htm

http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2022/16421/Nganh-To-chuc-xay-dung-Dang-10-ket-qua-noi-bat-nam.aspx