Ôi Tiến sĩ, đất nước ta có bao giờ được như thế này đâu ?
Em còn nhớ hay đã quên ?
Tuấn Khanh, RFA, 07/05/2022
Suốt nhiều ngày, giới bình dân lẫn trí thức đều bàn tán về chuyện các tiến sĩ hạng lông đang xuất hiện khắp nơi trên đất nước. Những tấm bằng trọng vọng, phủ lên trên những dự án hết sức ngớ ngẩn đang được tìm thấy với sự mỉa mai, rằng "đất nước ta có bao giờ được như thế này đâu".
- AFP
Theo con số ước tính, Việt Nam đang có hơn 24.000 danh vị tiến sĩ (thống kê từ năm 2016), nhưng vào năm 2020, theo báo Tuổi Trẻ, thì Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam cho biết những năm gần đây, cứ mỗi năm có hơn 1500 tiến sĩ lấy bằng. Nhưng khả năng và ứng dụng thực tế của các vị tiến sĩ đó thì chưa được công bố. Chưa kể là còn liên tiếp các vụ tố nhau đạo văn, kể cả quan chức chính phủ.
Một người bạn làm nghề kinh doanh, phải đi gặp rất nhiều khách hàng, kể là đến đâu nhận danh thiếp của giám đốc, trưởng phòng… đều thấy đề danh vị là tiến sĩ, thấp thì cũng là thạc sĩ. Người Việt Nam hôm nay trí thức rất toàn phần. Nói như một nhà báo về hưu non ví von "Vừa bỏ súng xuống, họ lại cầm bút. Nhưng không biết súng đã bắn vào đâu và bút đã viết những gì".
Nạn lạm phát tiến sĩ, thạc sĩ, chức danh nổ như pháp hiện nay, phải nói đến công của thời Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân. Năm học 2007 – 2008, ông Nhân được ra khẩu hiệu "năm không", trong đó có "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích". Nhưng chính ông ta lại mâu thuẫn với mình khi vào lúc nhận chức Phó Thủ tướng, ông phát động chiến dịch trang trí toàn cõi Việt Nam bằng các loại bằng cấp, qua đề án do chính ông ký tên ban hành là mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ giai đoạn 2010 – 2020.
Tiến sĩ cầu lông, hay các loại tiến sĩ đã và đang bị dòm ngó về nội dung luận án, có nằm trong chiếc lồng ấp 20.000 tiến sĩ của ông Nhân không ? Và họ đã làm gì với mảnh bằng chói lòa số lượng ấy ?
Nhưng mảnh bằng tiến sĩ trong nước giờ đã kém sang, nhiều nhân vật quan chức nay săn tìm bằng cấp nước ngoài để có vẻ "phương Tây" hơn, và cũng khó truy nguyên hơn. Việt Nam là nước mua bằng giả từ các công ty ma tại Mỹ nhiều đến mức mà năm 2019, tiến sĩ Mark A. Ashwill, Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Mỹ tại Việt Nam đã phải gửi đến giới báo chí, xin giúp công khai danh sách 21 trường đại học Mỹ đang có mặt tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền công nhận ngay tại Mỹ. Dĩ nhiên, vô số các tấm bằng giả đã bị phát hiện, và được xử lý nội bộ.
Một trong những vụ bị phanh phui – do đến lúc – là trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, nhận bằng tiến sĩ của Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS) mà thời gian tu học đòi hỏi từ 4-7 năm, nhưng chỉ hơn 1 năm, ông Anh đã hoàn tất.
Đến lúc, tức bị đào thải ra khỏi hệ thống vì lý do gì đó, và bằng cấp chỉ là một trong những lý do để vin vào. Ví dụ cho chuyện này, nặm 2021, Đại Học Đông Đô ở Hà Nội bị phát hiện đã cấp bằng giả cho gần 450 quan chức. Nhưng chỉ có hơn chục người bị tiết lộ danh tính, còn lại thì vẫn bí mật, vì là vấn đề an ninh quốc gia. Quan chức sống trên bằng cấp giả, lừa mị nhân dân bằng học thức giả, là một hiện thực mà cả nước Việt Nam lâu nay "ai cũng biết, mà không ai nói".
Nói về đề án bốc lửa, tạo ra 20.000 tiến sĩ của ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc có gửi góp ý sau khi mọi thứ vỡ lỡ là thất bại thảm hại "Tiêu đồng tiền của dân thì phải thận trọng". Còn Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thì tiết lộ rằng mọi nơi trong ngành giáo dục rùng rùng chạy theo niềm cảm hứng của ông Nhân, bất kể hiện thực. "Các cơ quan cử người đi du học (lấy bằng tiến sĩ) thì đa phần trình độ tiếng Anh rất là yếu, rồi ngay cả việc bồi dưỡng tiếng Anh đủ chuẩn để đi du học cũng yếu, cho nên rất nhiều em qua học 4 năm không thể làm gì được", ông Dũng kể về giai đoạn sôi sục với chỉ tiêu ấp cho được 20.000 tiến sĩ của ông Nhân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc tại Đại hội Đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016. AFP
Được biết đề án đó (có tên là Đề án 911), dự trù kinh phí 14.000 tỷ đồng, không biết thất bại bao nhiêu, nhưng sau đó Kiểm toán Nhà nước kiến nghị khắp nơi phải thu hồi nộp trả lại phần có thể, cho ngân sách nhà nước hơn 50 tỷ đồng.
Điểm lại cuộc chiến tranh nhân dân mà Hà Nội đã khởi đi từ năm 1954, trong nội dung đó, trí thức và các loại bằng cấp thường không được xem trọng. Đặc biệt sau Tháng Tư 1975, cuộc cải tạo tư tưởng khổng lồ với hàng triệu người miền Nam Việt Nam, bao gồm luôn cả các thành phần trí thức đã biến giới có học trở thành hạng người bị coi là hư hỏng, nhiễm độc bởi tư tưởng sai lầm của phương Tây. Cụ thể là chuyện Giáo sư Nguyễn Duy Xuân, Tổng trưởng Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông là người phát triển tri thức cho toàn bộ vùng miền Tây Việt Nam, và là người phát hiện nhà nông nghiệp học Võ Tòng Xuân về Việt Nam làm việc vào năm 1972. Ông bị đi "học tập" và chết năm 1986 vì đau yếu, thiếu thốn trong tù Ba Sao, Nam Hà.
Thật khác với những ngày khai lý lịch ở miền Nam sau 1975, người ta thì thào với nhau rằng trong mục học vấn, tốt nhất là nên để nguồn gốc bần cố công, hoặc chỉ học đến lớp 12… như vậy thì mới yên phận. Thỉnh thoảng ai đó bị phát hiện là có bậc đại học hoặc trên mức đó mà che giấu, đều bị tra vấn như tội phạm.
Nhớ ông thầy dạy Anh Văn, bị đi "học tập cải tạo" mấy năm do là viên chức hành chánh chế độ. Ông kể có lần phái đoàn quốc tế đến thăm trại, cán bộ vào căn dặn mọi người là không được nói chuyện trực tiếp, mà phải qua phiên dịch của nhà nước. Và nếu có được hỏi là có nói được ngoại ngữ không thì phải từ chối. Chẳng may, dáng vẻ trí thức lụm cụm của ông làm thành viên phái đoàn quốc tế chú ý. Họ đi đến gần và hỏi ông có nói được tiếng Anh không, ông lắc đầu và chỉ trả lời qua phiên dịch. Cuối cùng, có một thành viên Phái đoàn hỏi ông là trước năm 1975 làm nghề gì. Ông nói "làm thầy giáo". Người phiên dịch chuyển lời ngay. Thành viên phái đoàn quốc tế lại gặng "ông dạy môn gì ?". Ông thầy trả lời giọng nhỏ "dạy Anh văn". Người phiên dịch cũng chuyển lời ngay, nhưng nửa câu thì hắn giật mình, im lặng. Nhưng cũng đã trễ. Các thành viên Phái đoàn quốc tế lúc đó gồm những người Pháp, Thụy Điển, Đức… nhìn nhau, cười và vỗ vai ông thầy.
Sau buổi đó, ông thầy bị tịch thu hết sách vở ngoại ngữ cất ở chỗ nằm, bị phạt hết một tuần vì dám nói chuyện liên quan đến tiếng ngoại quốc và cố lý lừa cán bộ. Giờ thì ông mất rồi. Ông không còn dịp để thấy chuyện thỉnh thoảng ông Nhân hay ông Đam bập bẹ nói vài câu xã giao tiếng Anh trên đường phố với Tây du lịch, báo chí đã rần rần tung hô như là tiến sĩ.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 07/05/2022
*********************
Từ câu chuyện tiến sĩ cầu lông…
Trân Văn, VOA, 07/05/2022
Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam – người có học hàm Phó Giáo sư về Khoa học an ninh, học vị Tiến sĩvề Luật – tuyên bố : Cần phải "học thật, thi thật, nhân tài thật"...
Luận án tiến sĩ gây bỡ ngỡ trong dư luận.
Câu chuyện ông Đặng Hoàng Anh được công nhận là Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục nhờ luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đã trở thành giọt nước làm tràn ly bất bình về giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó, theo tờ Tuổi Trẻ thì trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam có khoảng mười nghiên cứu sinh được công nhận là "Tiến sĩ Giáo dục" nhờ tập trung nghiên cứu về cầu lông (1).
Cách nay năm năm, công chúng từng choáng váng khi Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo công bố kết luận thanh tra hoạt động của Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Theo đó, trong ba năm liền, mỗi ngày, nơi này đào tạo hơn một "Tiến sĩ" và gần năm "Thạc sĩ" ! Tất cả các khâu, từ tuyển sinh, giảng dạy, đến hướng dẫn nghiên cứu, thẩm định luận án, đều có vấn đề (2). Cũng vì vậy, phần lớn đề tài nghiên cứu và tính hữu dụng chỉ có tác dụng tạo buồn phiền và khinh miệt...
Không phải tự nhiên mà "lò ấp tiến sĩ" trở thành thành ngữ được sử dụng rộng rãi khi đề cập đến nhận thức vàthực trạng giáo dục và đào tạo tại Việt Nam. Cung cấp nhân lực cho giới nghiên cứu khoa học đã được chấn chỉnh kèm nhiều cam kết, hứa hẹn và tuyên bố thành tích dù không ai tin vào tính hiệu quả (3) và giờ cho ra kết quả không chỉ thảm hại hơn mà còn tồi tệ hơn. Công nhận các "Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục" sau khi nghiên cứu về hoạt động của "cầu lông" trong "công chức, viên chức" ở đâu đó chỉ là ví dụ minh họa !
***
Không thể kể hết ý kiến về scandal mới liên quan đến học hàm, học vị tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cả trên mạng xã hội lẫn diễn đàn của các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức.
Nhìn một cách tổng quát, chẳng ai tin dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng Đảng cộng sản Việt Nam, "ngày mai trời sẽ sáng", lĩnh vực Giáo dục và đào tạo nói chung và thẩm định chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội nói riêng sẽ thấy bình minh !
Chẳng hạn Lê Huyền Ái Mỹ nhận định thế này : Trí thức là tinh hoa của đất nước. Họ luôn xứng đáng được ngưỡng vọng, kính trọng một cách thật lòng như chính trí tuệ, sức lao động, cống hiến thực sự, thực lực, thực tài của họ.Tuy nhiên đến "thể loại" đề tài này, nghiên cứu sinh này, hướng dẫn đề tài này, hội đồng khoa học từ "Phản biện 1", "Phản biện 2", các thành viên này mà thông qua thì chẳngcó gì lạ so với "Hội đồng testkit quân y "kia.
Lê Huyền Ái Mỹ thở dài :Huấn thị vốn dành cho nhà khoa học "Tôi không biết" là để học hỏi, tìm tòi, khám pháđể được biết. Còn ở xứ ta, với những "thể loại" đề tài "cầu lông công chức" thì người nghiên cứu lẫn hội đồng thông qua đề tài chỉ là "không biết xấu hổ".Thú thật, đọc những thông tin dạng này, ban đầu thường nghĩ… tin giả nên bật cười vì óc hài hước của bà con. Nhưng khi báo chí xác thực thì phẫn nộ (vì nó xài cái học vị cho nấc thang địa vị, xài bằng tiền ngân sách), rồi lại xót, nghĩ đến những thầy cô, bạn bè, người thân vốn là những vịthức giả, học thức chân chính. Vì chân chính nên họ không màng thị phi quơ quào. Nhưng mình nhìn vào, thấy mỗi ngày cái giả, cái dốt, cái xấu, cái ác nó cứ lúc nhúc, chui rúc, chen chúc đầy khắp nào "Viện", nào "Trường"cho đến ngoài đường, tội tình xiết bao cho những "tinh hoa", "nguyên khí" thật (4).
Mạnh Trần cảm thán tương tự :Hỏi thămmấy người bạn đi theo con đường nghiên cứu giảng dạy thì nhận được câu trả lời, "Thạc sĩ" bây giờ không khác gì đi học tại chức ngày xưa. Ra đường "Thạcsĩ" nhiều như lợn con. "Tiến sĩ" rồi cũng sẽ như học tại chức vì lợn con sẽ lớn, tính lại háu ăn. Nói chung là sẽ lạm phát "Thạc sĩ" và "Tiến sĩ". Đa số có họcvị "Thạcsĩ" hay "Tiến sĩ" đều ghi họcvị trên danh thiếp, đi đâu cũng muốn giới thiệu nhưng hỏi đếnluận án thì giấu tiệt. Điều này nên thông cảm và ghi nhận cho họ. Học hành vất vả, "tiền đóng, gạo góp"chứ chảchơi để có cái khoe với đời.Tôi đang tính khởi nghiệp ngành "Bảo mật luận án Thạcsĩ, Tiếnsĩ". Bảo đảm không ai tìm thấy công trình nghiên cứu sau khi được công nhận, kể cả người viết.
Tuy nhiên Mạnh Trần không quên lưu ý : Vẫn còn nhiều ngườithật sự hoạt động khoa họcvà có công trình đóng góp cho xã hộichứ không phải "làm khoa học" theo kiểu "Thạc sĩ", "Tiến sĩ" tại chức. Thời buổi ‘làm khoa học’ dễdãi mà họ vẫn chọn con đường nghiên cứu đàng hoàng, nghiêm túcthì những người như vậy đáng được tôn trọng, đáng được tôn vinh. Buồn cho xã hội lạm phát bằng cấp nhưng cũng phải trân trọng những người làm khoa học chân chính(5).
***
Sau scandal mới liên quan đến học hàm, học vị tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như vừa đề cập, Minh Tran – một thành viên của trang "Liêm chính khoa học" trên facebook (6) -đã vào trang web chuyên giới thiệu các luận văn và luận án của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam (vẫn được quảng bá như một nỗ lực chấn chỉnh sựhỗn loạn trong đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học) để tìm hiểu thêm về kết quả hướng dẫn – thẩm định - công nhận các "Tiến sĩ" trong vài năm gần đây (7).
Kết quả - ngoài những "Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục" kiểu như ông Đặng Hoàng Anh được công nhận là "Tiến sĩ" do "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", Minh Tran phát hiện và giới thiệu thêm một "lô" "Tiến sĩ" các chuyên ngành "Kinh tế", "Lịch sử", "Văn hóa", vì nghiên cứu về "Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015". Hay về "Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cở đảng ở xã, phường, thị trấn từnăm 2005 đến năm 2015". Hoặc về "Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014". Hay về "Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa từ năm 1998 đến năm 2014" mà Minh Tran ví von là. "Công nghệ nhân bản giáo sư, tiến sĩ…" (8) !
Cũng từ việc tham khảo trang web mang tính chất như thư viện online về "Luận văn – Luận án" của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam, Minh Tran nêu ra một thắc mắc khác khi có quá nhiều "Luận văn – Luận án" của các cánhân đã được công nhận học vị "Tiến sĩ" nhưng chẳng khác gì "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương" : "Nghiên cứu khoa học" của các "Tiến sĩ" hết xoay quanh "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010", tới "Quá trình chuyển biến kinh tế, xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012" Thậm chí có cả những "luận văn tiến sĩ" từ "Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Vị Xuyên, tỉnh HàGiang từ năm 1986 đến năm 2010", sang "Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Mỹ Đức (Hà Tây) từ năm 1991 đến năm 2008", và "Chuyển biến kinh tế, xã hội của thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) từ năm 1975 đến năm 2010" (9).
***
Năm ngoái, trước vô số chỉ trích về hiện trạng Giáo dục và đào tạo Việt Nam và cảnh báo về hậu quả đối với tương lai của xứ sở, vận mệnh dân tộc, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam – người có học hàmPhó Giáo sư vềKhoa học an ninh, học vịTiến sĩ vềLuật – tuyên bố :Cần phải "học thật, thi thật, nhân tài thật" (10). Muốn biết mức độ về "thật" trong tuyên bố của ông Chính tới cỡ nào cứ đối chiếu "Luận văn, Luận án" của các "Tiến sĩ". Không "nói thật và làm thật" thì "thật" mãi là thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/05/2022
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/tu-vu-tien-si-cau-long-nhuc-nhoi-luan-an-tien-si-20220505230357176.htm
(4) https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/390509279618179
(5) https://www.facebook.com/100000032181078/posts/5460364423974576/
(6) https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc
(7) http://luanvan.moet.edu.vn/?page=1.31&view=39599
(8) https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/704878784092290
(9) https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/706089230637912
(10) https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-phai-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-904943
************************
Loạn tiến sĩ – Vì đâu nên nỗi ?
Hiếu Chân, SaigonnhoNews,05/05/2022
Vài suy nghĩ lan man nhân chuyện tiến sĩ mọc ra như nấm ở Việt Nam
Mấy hôm nay, trên mạng xã hội Facebook rộ lên chuyện phong trào "tiến sĩ" nhân vụ báo chí phanh phui chuyện Viện Hàn Lâm Khoa Học và Xã Hội Việt Nam cấp bằng tiến sĩ giống như cái máy đẻ, "nghiệm thu" hàng chục đề tài nghiên cứu để sinh ra hàng chục tiến sĩ trong một ngày. Đọc tiêu đề của các luận văn tiến sĩ này khó ai khép được miệng cười, hoặc không nhịn được mà phải văng tục, chẳng hạn như luận văn "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của Đặng Hoàng Anh, bộ môn Giáo dục học, được giáo sư tiến sĩ Lưu Quang Hiệp và phó giáo sư tiến sĩ Đặng Văn Dũng thuộc Viện Khoa học Thể dục Thể thao hướng dẫn ! Một thông tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 5 tháng Năm cho biết luận văn tiến sĩ cầu lông của ông Anh đã "bảo vệ thành công" ngày 19 tháng Giêng 2022 và đến nay có tới 10 luận án tiến sĩ cầu lông như của ông Anh !
Một trong vô số luận án tiến sĩ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh Facebook
Người ta còn tìm ra và đăng lên Facebook hàng chục bìa luận văn tiến sĩ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (tên mới của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trung ương, nơi đào tạo các quan chức lãnh đạo của đảng Đảng cộng sản Việt Nam) với những đề tài giống hệt nhau, kiểu như "Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến 2015" của Lê Xuân Dũng ; "Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến 2015" của Trần Thị Vân ; "Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lãnh đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến 2015" của Nguyễn Thị Thu Hương v.v… Trên một bài đăng của Facebooker Sơn Trần, chúng tôi đếm có hơn 30 luận văn như vậy.
***
Phong trào tiến sĩ nở rộ ở Việt Nam như nấm sau mưa không phải tự dưng xuất hiện mà có chủ trương chính sách khuyến khích của nhà cầm quyền. Các bộ ngành trung ương và các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn đều đặt ra "chỉ tiêu" đào tạo, "nâng cấp" hàng ngàn tiến sĩ cho đội ngũ cán bộ công chức. Ông Nguyễn Thiện Nhân, từng là phó thủ tướng, bộ trưởng giáo dục, khi còn là phó chủ tịch thành phố Sài Gòn đã yêu cầu thành phố phải đầu tư 14,000 tỷ đồng để đào tạo 20,000 tiến sĩ làm việc cho chính quyền thành phố !
Chính sách khuyến khích "phổ cập tiến sĩ" còn được hỗ trợ bởi các biện pháp vật chất khác. Người làm việc trong guồng máy nhà nước phải có bằng tiến sĩ mới có cơ may được đề bạt làm phó giáo sư, giáo sư, lên các chức vụ quản lý. Độ tuổi nghỉ hưu theo luật định là 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ, nhưng nếu có bằng tiến sĩ thì nhà quản lý có thể ngồi tiếp đến năm 65 tuổi, tiếp tục hưởng bổng lộc và sau đó vẫn có thể làm tiếp nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nữa.
Với những quyền và lợi hấp dẫn như vậy, người người chen nhau đi tìm bằng tiến sĩ và các "lò sản xuất" luận văn tiến sĩ âm thầm mọc lên, cung cấp đủ loại luận văn cho người có nhu cầu và có tiền trả, thường là luận văn cho các ngành "tào lao", chẳng có ý nghĩa khoa học gì như ngành lịch sử Đảng, xây dựng Đảng, quản trị kinh doanh, văn hóa học ; hầu như không có các luận văn thuộc các ngành khoa học tự nhiên hoặc công nghệ. Báo Asia Sentinel từng đăng một phóng sự điều tra khá sốc về tình trạng gian lận học thuật ở Việt Nam mà báo gọi là một thị trường kinh doanh lớn phục vụ chủ yếu cho giới quan chức ; có thể đọc bản dịch tiếng Việt của phóng sự trên ở đây.
Không khó để nhận ra những "luận văn tiến sĩ" kể trên là sản phẩm sản xuất hàng loạt của một vài lò luận văn nào đó, lấy một bản luận văn "mẫu", thay đổi chút về tên người, địa danh và vài số liệu là có thêm một tiến sĩ được ra lò ! Rất nhiều quan chức lãnh đạo hoàn toàn không đi học, không có thời gian cho việc học nhưng chỉ sau vài năm cầm quyền thì trên danh thiếp đã có thêm dòng chữ ghi học vị tiến sĩ, giáo sư. Loại tiến sĩ đó chỉ có thể là do mua bằng, mua luận văn và đút lót các hội đồng trường mà có.
Điểm hết sức khác biệt của Việt Nam là ở các nước, luận văn tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu, đưa ra một giá trị mới dù nhỏ về tri thức khoa học ở một lĩnh vực nào đó, và phải trải qua một quy trình đào tạo, xét duyệt công phu của những nhà khoa học có uy tín, không hề có cái luận văn tiến sĩ nào về cầu lông, cờ tướng, lãnh đạo công tác hội, ứng xử của cán bộ, xây dựng phường xã… tào lao, vô bổ như ở Việt Nam. Ở các nước, tiến sĩ là nhà khoa học, làm việc chủ yếu ở các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm hoặc giảng dạy ở đại học, chẳng có bao nhiêu người làm quan chức hành chánh trong khi ở Việt Nam, hơn một nửa số tiến sĩ là quan chức đảng, lãnh đạo cơ quan chính quyền mà công việc chẳng liên can gì tới khoa học, chẳng cần nghiên cứu.
***
Chuyện trái khoáy là trào lưu coi trọng bằng tiến sĩ ở Việt Nam đi ngược lại với triết lý nền tảng của chủ nghĩa cộng sản mà đảng và nhà nước Việt Nam cổ xúy, trong đó đề cao người công nhân, nông dân như là nòng cốt của cách mạng vô sản.
Ngay từ thuở mới thành lập, năm 1930, đảng Đảng cộng sản Việt Nam đã thù địch với trí thức, coi những người có bằng cấp, có học thức là tay sai của thực dân phong kiến, áp bức nhân dân lao động. Câu khẩu hiệu đấu tranh của đảng thời Xô Viết Nghệ Tĩnh : "Trí, phú, địa, hào – đào tận gốc, trốc tận rễ", đặt trí thức lên hàng đầu những "đối tượng" phải tiêu diệt. Những thanh niên trí thức được đào tạo trong nhà trường của Pháp, khi đi theo cộng sản, như Trường Chinh (Đặng Xuân Khu), Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… đều phải từ chối thành phần xuất thân, phải "vô sản hóa", phải hòa mình với công nhân, nông dân "để lãnh đạo họ". Trong những chiến dịch thanh trừng sau khi cầm quyền, như cuộc Cải Cách Ruộng Đất, đám bần cố nông vô học làm theo sự dẫn dắt của các cố vấn Trung Cộng, thẳng tay tiêu diệt những người có của (địa chủ, tư sản) và không tha cả những người có học (thầy giáo, thầy thuốc) ở nông thôn.
Ở miền Bắc sau năm 1954 và trên cả nước sau năm 1975, để được cho đi học, cho vào làm việc trong chính quyền, cho vào đảng cộng sản, thanh niên phải có lý lịch tốt, cụ thể là phải xuất thân từ thành phần công nhân, bần nông (nông dân nghèo), cố nông (nông dân cực nghèo). Những ai xuất thân trong gia đình tư sản, địa chủ, dính dáng với chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì sống không bằng chết, bằng cấp càng cao càng bị ngược đãi, đã được đào tạo, tu nghiệp ở các nước tư bản thì bị nghi ngờ là CIA, là gián điệp, chẳng những không được sử dụng mà còn bị an ninh theo dõi thường xuyên.
Đã có nhiều thanh niên, là con cái các gia đình cán bộ cao cấp, được theo học các trường đại học trong nước, được cho đi du học các nước Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu. Việc đi học đại học, đặc biệt là đi du học nước ngoài, trước tiên là nhằm tìm chỗ trú an toàn cho các con ông cháu cha, tránh phải vào lính cầm súng vào chiến trường "sinh Bắc tử Nam" – nơi dành cho con cháu thường dân hoặc gia đình cán bộ cấp thấp, không có thế lực hoặc quan hệ chính trị với quan chức. Việc chọn người đi học chỉ dựa vào lý lịch và quan hệ, không coi trọng trình độ và khả năng học vấn, nhưng vì "tình hữu nghị quốc tế vô sản" các sinh viên này sau mấy năm ở nước ngoài, vẫn được tốt nghiệp, được cấp bằng, nhiều người có bằng phó tiến sĩ (candidate). Một chính sách sau này của đảng Đảng cộng sản Việt Nam hủy bỏ học vị phó tiến sĩ, thế là hàng ngàn phó tiến sĩ sau khi ngủ một đêm dậy đều trở thành tiến sĩ !
Chính sách đào tạo và dùng người dựa trên lý lịch, trên thành phần giai cấp, khinh thường học thức đã tạo ra một guồng máy cai trị dốt nát, tham lam và chỉ giỏi phá hoại.
***
Sau khi chiếm được miền Nam năm 1975, đảng Đảng cộng sản Việt Nam nhận ra không thể tiếp tục lề lối dùng kẻ dốt cai trị người giỏi, cần phải "trí thức hóa" công nông cho phù hợp với thời đại. Vả lại, đất nước hòa bình tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ của đảng được đi học văn hóa, việc mà họ đã bỏ qua trong những năm chiến tranh khổ cực.
Thế là các chính sách khuyến khích cán bộ đi học được ban hành, các chương trình "bổ túc văn hóa", "chuyên tu", "tại chức" mở ra rầm rộ. Có những người học bổ túc văn hóa một năm hai, ba lớp ; có nhiều người học "tại chức", vừa làm việc vừa đi học, nếu không thu xếp được thì nhờ đàn em học thay, thi hộ. Trong xã hội lưu truyền câu thành ngữ : "Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức" là để chỉ hiện tượng này.
Gần đây, trào lưu học chuyên tu, tại chức để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ phát triển mạnh, đem lại một nguồn thu đáng kể về tiền bạc cho các trường đại học, các giảng viên cho nên mới có chuyện các trường tranh giành nhau, giẫm lên địa bàn của nhau để trục lợi. Nhiều trường ở Hà Nội mở lớp đào tạo tận miền Trung, miền Nam ; trường ở Huế, Đà Nẵng mở lớp ở Cần Thơ, Vĩnh Long ; giảng viên đi mây về gió bằng máy bay, "chạy sô" từ tỉnh này sang tỉnh khác là chuyện bình thường. Nhiều sinh viên ở Sài Gòn than thở với người viết bài này là ở trường bây giờ sinh viên chỉ được học với các thầy cô trẻ, mới tốt nghiệp đại học và được giữ lại trường, vừa thiếu kiến thức vừa không có kinh nghiệm dạy học bởi vì các thầy cô có tuổi, có kinh nghiệm đã giành nhau đi dạy chuyên tu, tại chức ở tỉnh xa, vừa có nhiều tiền vừa gầy dựng được quan hệ với quan chức địa phương, có nhiều mối lợi.
Chẳng ai quan tâm tới thiệt hại mà thế hệ sinh viên trẻ phải chịu đựng do lòng tham của các bậc cha chú.
***
Cách đây vài mươi năm, Tố Hữu – thi sĩ tuyên truyền số một của đảng – đã phán :
"Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay bỗng hóa anh hùng".
Bây giờ, nhiều cán bộ của đảng trong guồng máy chính quyền, hoặc đi ra từ rừng Trường Sơn, hoặc từ những cánh đồng chiêm trũng của đồng bằng sông Hồng, đã có bằng tiến sĩ nhưng có thành trí thức như Tố Hữu nói hay không lại là chuyện khác. Cái áo không làm nên thầy tu, mảnh bằng không làm nên người trí thức, huống hồ là những mảnh bằng giả, bằng mua. Cũng giống như những tư sản đỏ Việt Nam, nhờ chiếm đoạt đất đai mà trở nên giàu có thì giỏi lắm chỉ có thể thành trọc phú chứ chưa thể đặt chân vào giới thượng lưu.
Để thành trí thức, để có tri thức, ngoài công phu học tập, rèn luyện, nghiên cứu, người ta còn phải có một nền tảng văn hóa nhất định, từ truyền thống gia đình và môi trường văn hóa xã hội. Môi trường văn hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay không thuận lợi cho sự vun trồng trí thức mà giỏi lắm chỉ có thể sinh ra trọc phú, cho dù có mông má, điểm trang kiểu gì đi nữa.
Vì vậy, đừng nên ngạc nhiên khi thấy các quan chức từ địa phương tới trung ương lên truyền hình, báo chí phát biểu những câu "tranh hết phần ngu của thiên hạ" dù ai cũng xưng là tiến sĩ, giáo sư !
Hiếu Chân
Nguồn : SaigonnhoNews, 05/05/2022
******************
Đào tạo tiến sĩ : số lượng càng cao, chất lượng càng thấp !
RFA, 02/05/2022
Nhiều đề tài khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam kém chất lượng, chỉ tiêu đào tạo dưới 100 người nhưng đăng ký đào tạo hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Điều này dẫn đến chất lượng tiến sĩ thấp nhất trong khu vực.
AFP
Bản kết luận thanh tra Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN) vừa được Thanh tra Chính phủ công khai sau gần hai năm thanh tra, cho thấy nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính cũng như công tác đào tạo cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015 - 2019. Qua đó, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được phát hiện kém chất lượng hoặc không có đóng góp gì cho khoa học xã hội.
Viện Hàn lâm không khoa học…
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN đã ban hành các quy chế quản lý khoa học với nội dung có nhiều điểm không hợp lý, qui trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của luật Khoa học và công nghệ cùng nhiều bất thường trong nghiệm thu đề tài khoa học.v.v.
Từ những kết luận vừa được công bố của Thanh tra Chính phủ về những vi phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA :
"Sự thực nó không vó tác dụng mấy trong giáo dục mà đây là câu chuyện về chất lượng các đề tài khoa học của Việt Nam. Hiện nay, so với các nước trong khu vực thì số lượng các bằng phát minh được đăng ký mới về khoa học, công nghệ, hàng hóa… thì Việt Nam hiện nay đứng vào hàng kém nhất mặc dù tính trên số lượng tiến sĩ hiện nay đang có cũng như kế hoạch phát triển tiến sĩ của Việt Nam thì vô cùng lớn.
Điều này thể hiện quá trình đào tạo ra những người có năng lực khoa học có vấn đề ; không đào tạo ra những con người có thực chất.
Tôi là một người làm chuyên làm khoa học, tôi thấy Hội đồng chấm tiến sĩ rồi các buổi nghiệm thu các đề tài khoa học không có những phản biện gay gắt để mổ xẻ chất lượng. Ngay bản thân một cái luận án tiến sĩ nhiều khi tôi phản biện, tôi đặt vấn đề là tác giả chỉ cho tôi xem cái gì là cái mới, nhỏ thôi cũng được, nhưng mãi không chỉ ra được. Ví dụ như thế".
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2017 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN đã tổ chức thực hiện được 3.000 đề tài nhiệm vụ, trong đó có 500 đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước. Mỗi năm đơn vị này đào tạo được trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ các ngành, chuyên ngành.
Theo số liệu được Bộ Giáo dục - Đào tạo tổng hợp mấy năm qua, mỗi năm Việt Nam có hơn 1.500 tiến sĩ, hơn 36.000 thạc sĩ tốt nghiệp. Số liệu này không tính các trường khối quốc phòng, an ninh, quốc tế.
Dư luận trong nước gọi các viện đào tạo tiến sĩ là "lò ấp" tiến sĩ bởi số tiến sĩ được đào tạo quá nhanh và quá nhiều hàng năm. Một số chuyên gia giáo dục lo ngại quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ mới được ban hành năm 2021 với chuẩn tiến sĩ thấp có thể gây nhiều hệ lụy. Theo đó, quy chế mới cho phép người hướng dẫn không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có hai công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình trong năm năm cuối, còn thấp hơn cả chuẩn đầu ra ba công bố cùng loại của nghiên cứu sinh.
Truyền thông Nhà nước dẫn lời của GS Ngô Việt Trung, Nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam rằng : "Như vậy, tiến sĩ tốt nghiệp xong có thể đào tạo tiến sĩ mới gần như ngay lập tức, chỉ cần sau một năm giảng dạy. Với chuẩn đầu ra thấp như thế này thì sau vài năm liệu có còn "thầy giỏi" để đào tạo ra "trò giỏi" ?".
Chạy theo tiến sĩ… "giấy"
Ảnh minh họa. AFP
Khoảng cuối năm 2017, Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam đưa ra dự thảo chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ từ năm 2018 đến năm 2025. Dự thảo gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận lúc đó với quan điểm cho rằng, số lượng tiến sĩ ở Việt Nam đã quá nhiều mà chất lượng thì không xứng đáng với tấm bằng được trao.
Ngay sau khi dự thảo được đưa ra, Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã tỏ ra lo ngại. Theo ông, để đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì cần chất lượng chứ không cần số lượng theo chỉ tiêu :
"Trong xã hội theo tôi có nhiều người có vị trí rất quan trọng nhưng không cần đến bằng cấp mà cần đến năng lực và kỹ năng khác. Trước đây chúng ta đã đào tạo hàng vạn tiến sĩ nhưng dư luận vẫn rất băn khoăn về vấn đề đó. Và rất nhiều người được đào tạo đó trở nên lãng phí khi mà những tri thức đó không ứng dụng vào đời sống được bao nhiêu.
Cá nhân tôi nghĩ rằng đối với các thầy cô ở bậc cao học thì việc phải có bằng cấp là cần thiết, cũng là theo quy chuẩn chung có nhiều nền giáo dục. Nhưng nếu các quan chức ông nào cũng thêm chữ Tiến sĩ hay Giáo sư thì tôi cho rằng đó là điều lãng phí lớn".
Nhắc lại dự thảo năm 2017, Giáo sư Đặng Hùng Võ lo ngại :
"Không nên đưa ra con số bao nhiêu vì cái đó không nói lên được điều gì cả. Một anh thạc sĩ làm được việc thì còn hơn một anh tiến sĩ mà không làm được gì cả. Đừng bao giờ đưa ra chỉ tiêu số lượng tiến sĩ là bao nhiêu, bởi càng đưa ra cao thì chất lượng nó càng thấp đi thôi.
Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào để đẩy chất lượng tiến sĩ lên cao. Trong bất kỳ lĩnh vực gì, không chỉ khoa học, nó cần có những người đứng ở phía trên là những người có đạo đức, có năng lực thật. Chứ bây giờ, những đội ngũ chấm tiến sĩ cũng chỉ chờ nhận phong bì là chính thì làm gì có chất lượng được.
Việt Nam đã trót dại đi vào con đường mở rộng đào tạo tiến sĩ trong nước quá lớn thì nó dẫn đến một cái đội ngũ mà đã là tiến sĩ chất lượng kém thì chấm ra những tiến sĩ chắc chắn cũng rất kém".
Bộ Giáo dục và đào tạo từng thực hiện Đề án 911, với mục tiêu đặt ra là đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên sau năm năm thực hiện Đề án 911 được đánh giá đã không đạt được kế hoạch, chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh đã và đang được đào tạo tính đến thời điểm năm 2016.
Nguồn : RFA, 02/05/2022
************************
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có thất bại trong chính sách thu hút nhân tài ?
RFA, 29/04/2022
Chọn người có tài hay chọn bằng cấp ?
Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài được Việt Nam đề ra từ rất lâu và đã được thể hiện qua văn kiện của Đảng Đảng cộng sản Việt Nam trước đây như : Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VIII. Nhiều năm sau đó, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ VN nhiều nhiệm kỳ cũng thường xuyên nhắc lại, đốc thúc thực hiện chính sách này...
Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, v.v. cứ vào mỗi đầu năm lại đưa ra "cơ chế đãi ngộ đặc biệt" để thu hút nhân tài nhưng dường như mọi nỗ lực đều đang bị… thất bại.
Khi trả lời RFA hôm 29/04/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :
"Đầu tiên là định nghĩa nhân tài, tôi nghi ngờ cái định nghĩa đó lắm. Nhân tài ở nước này thì thường thường họ căn cứ vào bằng cấp, mà ta biết rằng nhân tài và bằng cấp tuy có liên hệ với nhau, nhưng thật ra là hai chuyện khác nhau. Rất nhiều người thế giới công nhận là nhân tài, nhưng không có bằng cấp gì đáng kể. Thành ra là họ thu hút năm nhân tài, hay 10 nhân tài hay 100 nhân tài thì cũng không quan trọng bằng họ thu hút đúng người mà thật sự là nhân tài, chứ không phải bằng cấp".
Thứ hai theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, hiện nay người được gọi là "tài" có thực sự được chính quyền đãi ngộ và tạo điều kiện cho họ làm việc hay không lại là vấn đề cần bàn. Do đó ông nói tiếp :
"Thu hút có nghĩa là đưa họ vào trong bộ máy Nhà nước, rồi xoa tay nói rằng như thế là đã thu hút được nhân tài. Nhưng trước hay sau gì người đó cũng chia tay với Nhà nước, vì trong khuôn khổ chế độ như hiện nay, một nhân tài sống nhờ Nhà nước, hưởng đúng lương Nhà nước thì thường sống không nổi. Cho nên phải thay đổi quan niệm thế nào là nhân tài, và làm sao để cho nhân tài có điều kiện để họ phát huy được năng lực của họ, là chuyện hiện nay đang là vấn đề. Và để giải quyết được chuyện đó thì tôi cho là còn lâu lắm, chứ không phải bây giờ đâu".
Cải cách thể chế, may ra…
Vào tháng 12 năm 2020, Bộ Nội vụ Việt Nam đề ra mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp để từ năm 2026 đến năm 2030, bảo đảm có tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên là nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý ; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Với mục tiêu rõ ràng như vậy vô hình trung khiến các địa phương phải tăng tốc "hút" nhân tài bằng mọi giá nhưng với kết quả tại Thành phố Hồ Chí Minh như vừa nêu của Sở Nội vụ, có thể thấy có sự không đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn chăng ?
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 29/4 nói :
"Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong các doanh nghiệp tư nhân, hay tập đoàn nước ngoài thì người giỏi rất nhiều. Nhưng trong hệ thống chính quyền, hay các trường đại học muốn thu hút nhân tài để người ta cống hiến thì không chỉ đồng lương đãi ngộ, mà là vấn đề tự do học thuật, tự do sáng tạo đó chính là vấn đề hạn chế hiện nay để thu hút người tài vào khối công lập. Tôi quan sát các doanh nghiệp bên ngoài, có rất nhiều giám đốc, trường phòng rất giỏi, năng động và trình độ không thua các nước ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có vấn đề tự do học thuật, tự do cống hiến, cho người ta tự do sáng tạo chứ không phải làm xong báo cáo, chấp hàng mệnh lệnh, làm theo ý lãnh đạo, thì sẽ rất khó thu hút người tài".
Vấn đề tự do sáng tạo và tự do cống hiến không chỉ bây giờ mới được các chuyên gia, những nhà nghiên cứu xã hội, giáo dục như nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đề cập đến, mà trước đây, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, một đảng viên đã từ bỏ Đảng, khi trả lời RFA trước đây cho rằng, thể chế độc đảng của Đảng cộng sản Việt Nam không thể có chỗ đứng bền vững cho người tài chân chính. Theo ông, thể chế tốt phải có tự do mà quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Thể chế của Việt nam hiện nay hạn chế những tự do đó.
Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng chính những bất cập của nền giáo dục Việt Nam đã cản trở động lực phát triển của tri thức trẻ :
"Họ ban phát những cái bằng tại chức cho những người đã có chức quyền rồi mới đi học, mà nhiều khi cũng không có giờ tới lớp và gần như không học hành gì cả nhưng vẫn có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhất là họ đã ban hành đạo luật chính thức công nhận bằng tại chức ngang tầm với bằng chính quy. Có nghĩa là họ để cho những người vô học có bằng ngang tầm với những người học hành nghiêm túc mới có thể có được tấm bằng. Và do đó, những vị trí có quyền lực, những vị trí có thể giúp được nhiều cho xã hội đã bị những người học bằng chuyên tu, học bằng tại chức lấy hết, chiếm hết thì làm sao tuổi trẻ có động lực để phát huy việc học thuật của mình sau này đóng góp cho xã hội, cho quốc gia ?".
Điều Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng vừa nói đã được minh chứng khi thời gian qua, ngày càng nhiều cán bộ chủ chốt của chính quyền Việt Nam vướng vòng lao lý do hàng loạt các sai phạm trong quản lý.
Sự vụ mới nhất là Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cùng nguyên Bí thư tỉnh bị kỷ luật Đảng vì những sai phạm trong quản lý đất đai. Hay trường hợp Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai - Huỳnh Văn Tâm vừa bị Công an tỉnh Gia Lai hôm 27/4 tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú vì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Dự án Xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Sở Nội vụ Gia Lai làm chủ đầu tư.
Mới nhất là tin tức về cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng 13 người khác bao gồm các cựu quan chức Y tế và Hải quan sẽ phải ra hầu tòa vào ngày 12 tháng 5 tới đây trong vụ buôn bán thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma.
Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, ba năm qua hàng chục cán bộ chủ chốt cũng đã bị khởi tố, kỷ luật, trong đó có cựu Phó bí thư Đảng ủy Tất Thành Cang, cựu Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài, v.v.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Nhà nước Việt Nam, nếu không thay đổi đường lối cán bộ, không cải cách thể chế bằng việc bỏ hình thức độc quyền đảng trị thì không thể nào tìm được người tài giỏi thật sự để làm lãnh đạo và quản trị đất nước.
Nguồn : RFA, 29/4/2022