Giải bày một vài quan niệm về đam mê viết của mình
Đừng làm hoen ố lương tâm duy nhất
Đây là lời tâm niệm của tôi trong cuộc đời tôi muốn chia xẻ với các bạn đọc :
"Từ bước đi chập chững đầu đời đến bước đi run rẩy cuối đời là trập trùng bao lớp sóng đời vỗ dưới chân người. Đôi lúc ta đi không vững, đôi lúc ta đi vô tình bên số phận người khác, đôi lúc ta đi đầu cúi xuống, đôi lúc ta đi đầu ngẩng lên. Vẫn là đi..., chỉ mong sao ta đi theo đúng hướng tiến hóa của lương tâm Con Người".
Và từ ngày tôi bắt đầu viết và dịch cho đến nay tôi luôn luôn cố gắng đi theo ánh sáng lương tâm soi đường ấy.
Một ngôi làng trên sông Hàn gần thành phố Đà Nẵng trước 1975.
Sau khi ra trường đại học, tôi bắt đầu viết các tiểu phẩm. Tiểu phẩm đầu tiên tôi viết về rào cản lý lịch đã ngăn cản biết bao nhiêu người trẻ vào đại học. Tiểu phẩm ấy có tựa đề Sự tích chàng Tử viết về chàng trai tên Tống Ngọc Tử vào thời phong kiến. Tử thi đậu nhưng triều đình không cho lên kinh học tiếp. Ngày ngày trên hòn núi nhỏ Tử đứng nhìn ra biển để hy vọng thấy bóng thuyền của các quan từ kinh đô đến. Cuối cùng Tử biến thành đá. Người làng không dám đặt tên Tống Ngọc Tử cho tượng đá vì sợ triều đình trừng phạt. Họ đặt tên tượng là "Con mong Mẹ về". Đây là lý do đằng sau cái tên ấy. Tử nghĩa là con. Tử rất mong quan mang giấy báo thi đậu đến cho mình như con mong mẹ về nhà, và quan lại thường được người dân kính sợ cho nên có câu nói "quan chi phụ mẫu". Thế là cái tên Tống Ngọc Tử biến thành Con Mong Mẹ Về. Dưới bài tiểu phẩm, tôi viết "Theo Trần Hồng Quân Tử" và tên tôi, người chép lại truyện. Bộ trưởng giáo dục thời đó tên Trần Hồng Quân. Còn người thật ngoài đời mà tôi dựa vào đó để viết tiểu phẩm ấy từng được báo Thanh Niên bênh vực tên là Tống Châu Sinh ở Huế. Sinh không được vào đại học vì lý lịch xấu.
Sau khi báo ra hai tuần, Sinh được nhận giấy báo đi học đại học Y Khoa Huế. Tôi không dám nhận công lao của mình đã giúp Sinh vào đại học. Công lao chính là của những người làm báo Thanh Niên hồi ấy. Họ dám nêu ra trường hợp của Sinh, và kêu gọi chính quyền địa phương nên cho Sinh đi học đại học. Tôi không phải là giọt nước cuối cùng làm tràn ly hay cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà. Tôi chỉ làm những gì minh nên làm.
Bài tiểu phẩm thứ hai, cũng được đăng trên Thanh Niên, tôi viết về cảnh những người thất nghiệp. Câu chuyện như sau : trong cuộc đua chạy đường trường, người về nhất là cụ già 80 tuổi. Khi ban giám khảo hỏi bí quyết gì giúp cụ thành công không ngờ khi tranh tài với biết bao trai trẻ khác. Quá sững sờ, cụ đáp cụ có biết gì đâu ! Rồi cụ phều phào giải thích rằng ngày xưa khi còn thanh niên, cụ có yêu một cô gái gần nhà. Cha cô gái ra điều kiện là khi nào có việc làm đàng hoàng thì ông ta mới gả con gái cho cụ. Do thời buổi việc ít người đông, cụ tìm hoài không ra việc. Năm tháng qua đi hai người vẫn không đến nhau được mà tóc xanh ngày nào giờ thành tóc bạc. Thế rồi một hôm trên đường đi tìm việc, cụ thấy rất có đông người chạy trên đường. Tưởng đâu họ chạy đi xin việc nên cụ cố gắng chạy theo để hy vọng may ra lấy được người yêu hiện vẫn chung thủy chờ đợi.
Rồi tôi viết tiểu phẩm thứ ba và cũng gởi cho báo Thanh Niên. Tiểu phẩm này không bao giờ được đăng. Nội dung như sau : các nhà khảo cổ tình cờ phát hiện một nền văn minh rất xưa ở tận sâu trong rừng. Các di vật tìm được chứng tỏ nền văn minh ấy một thời khá phát triến, song không ai biết được nguyên nhân đưa đến sự tàn lụi của nền văn minh này. Nhiều năm sau một nhà khảo cổ tìm thấy một tảng đá rất lớn mà mặt sau của nó có khắc dòng chữ "sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Từ đấy, vì không thể tìm ra lời giải hợp lý khả dĩ nào về sự suy tàn của nền văn minh nên giới khảo cổ tin rằng nền văn minh này chết vì con người thời ấy không làm đúng như khẩu hiệu đươc khắc trên đá.
Đường chân trởi lãng mạn của tuổi trẻ giờ thu hẹp lại vì tôi bắt đầu thấy đường biên giới của tự do gần hơn, lớn hơn, và đáng sợ hơn.
Từ đấy tôi không viết gì nữa vì tôi không muốn thỏa hiệp. Tôi bắt đầu dịch bài cho các báo cho đến ngày tôi rời Việt Nam.
Sang đến đất nước đầy nhân ái và cơ hội này, tôi đi học trở lại. Năm cuối ở trường Berkeley, tôi đọc được bài du ký về Tây Tạng của một sinh viên MBA trong đó anh kể rằng anh thấy nhiều người Tây Tạng hay nằm vật ra đường khóc than cho thân phận quê hương. Bài báo khiến tôi bồi hồi xúc động. Tôi liền viết một bài về Tây Tạng trong đó tôi bày tỏ lòng lo lắng của mình về sự đổ vỡ tất yếu của nền văn minh độc đáo này trước làn sóng di dân từ Trung Quốc và trước sự bùng nổ về du lịch. Một khi ngôn ngữ và nền văn hóa lâu đời biến mất thì những thế hệ sau chỉ thấy Tây Tạng qua những di vật sót lại nằm rải rác trong các viện bào tàng Tây Phương. Tôi gởi bài cho tờ báo của trường. Khi tờ báo ra nhiều người Tây Tạng đến cảm ơn tôi đã nói giùm cho họ. Họ đưa tôi đến dùng cơm tối ở một nhà hàng Tây Tạng và rồi đưa tôi đến thăm nhà họ. Họ hỏi tôi có phải tôi là Phật tử và tại sao tôi viết về Tây Tạng. Tuy không theo đạo Phật, tôi vẫn cảm thông cho tình cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng của họ và vì thế tôi viết về họ để san sẽ phần nào nỗi đau tinh thần ấy. Tôi nói với họ tôi chỉ làm những gì mình nên làm.
Hôm nay nhìn lại tôi thấy tôi không đi chệch xa con đường ngay thẳng ấy. Sau này trong thời gian cộng tác với Talawas bằng các bài dịch và bài viết, tôi cũng đặt ra chuẩn mực và trách nhiệm của mình là chỉ nói lên sự thật.
Người cầm bút trong hoàn cảnh nào chỉ nên viết những gì mình nên viết, và đừng biến đường thẳng của lương tâm và trách nhiệm thành đường xiên xẹo của ngụy biện và dối trá. Đừng cầm bút nếu những gì mình viết ra là không đúng hay có hại người khác, và nhất là đừng vẩy mực đen tung tóe lên tâm hồn trinh bạch của trẻ thơ. Qua từng dòng chữ của mình, mỗi người cầm bút hãy thắp lên từng chiếc que diêm của lương tâm để đẩy xa dần bóng tối của cái ác trong xã hội. Ánh sáng của các đốm lửa nhỏ nhoi mong manh này có thể không đâm thủng bóng tối nhưng ít ra nó cho người ta hy vọng về sự tồn tại của ánh sáng đạo đức và lương tâm trong bóng tối mịt mùng vây bủa quanh mình.
Vì chúng ta chỉ có một lương tâm duy nhất nên chúng ta không thể nào làm hoen ố nó được.
Trần Quốc Việt
11/05/2022
*************************
Talawas hay nỗi ám ảnh
Bài viết đầu tiên của tôi không có tựa đề và được gởi đến talawas từ văn phòng nơi tôi làm việc. Suy nghĩ, viết, và gởi đi trong giờ ăn trưa. Một khoảng thời gian không bình thường trước và sau những giờ với các con số trên máy tính. Thời gian mỗi ngày ở hãng bắt đầu từ ly cà phê, rồi những giờ với các con số, rồi kết thúc với ly cà phê chiều và những con số. Nhịp làm việc hàng ngày đều đặn là như thế. Hai ngày cuối tuần là gia đình và bao việc phải làm khác. Thời gian trước talawas là sự đều đặn bình thường, thời gian sau khi quen talawas là sự ám ảnh.
Hoàng hôn trên sông Hàn
Ngày đó ông Nguyễn Minh Triết nói về cách mạng màu. Cũng ngày đó phong trào xuống đường của dân Iran đòi lại lá phiếu bị trấn áp. Màu xanh của biển người xuống đường được chắt lọc lại nhiều lần để thành những dòng máu đỏ biểu tượng loang dần ra trên thân thể của một cô gái trẻ nằm hấp hối trên đường phố.
Xúc cảm lớn dần lên trong lòng, tôi nhìn những con số trên máy tính mà nhớ đến màu xanh trong của bầu trời trên sông Hàn, nơi tôi đi dạo hàng ngày vào mỗi chiều lúc còn ở quê nhà. Thấy bao ước mơ cá nhân và tập thể của bao đời người bị vùi dập dưới gót giày hay nắm đấm của các chế độ độc tài, từ Việt Nam đến Iran, mà lòng dậy lên bao xúc cảm. Chẳng lẽ ta sinh ra trong máu của mẹ rồi kết thúc trong màu đen của huyệt mộ và giữa hai màu sinh tử ấy lại là màu xám xịt lê thê nặng nề trôi dạt đậm nhạt trên cuộc đời hay sao, chỉ vì ta sinh nhầm tổ quốc hay chọn nhầm thời gian ra đời ? Ta chỉ sống có một lần nên ta không thể làm nháp cuộc đời ta với chế độ được. Trưa hôm ấy tôi viết nhanh bài thơ mà talawas đặt tên "Màu cầu vồng".
Từ đấy tôi đến với talawas. Hay nói cách khác nhờ talawas tôi tìm lại niềm say mê tiếng Việt sau hai mươi năm say mê tiếng Anh ở quê hương mới này. Tôi viết và dịch có lẽ cho mình hơn là cho bạn đọc. Viết và dịch với tôi là thổi lại những mẩu than còn đỏ trong lò xưa tưởng đâu đã tắt lạnh theo thời gian, là học lại tiếng Việt và văn hóa Việt.
Mai này talawas ngừng hoạt động. Tôi không viết hay dịch nữa. Giã từ những ám ảnh chữ nghĩa, giã từ những giờ lang thang trên mạng tìm bài để dịch. Ngày xưa tôi đọc bài báo Mỹ hay, thấy lòng thích thú với nội dung, với chữ dùng. Ngày mai tôi vào quán cà phê Starbucks đọc các bài báo hay mà chắc lòng vương vấn thời gian talawas đã chiếm lĩnh hồn mình. Và cố dằn lòng không tự hỏi "câu này, chữ này nên dịch thế nào ?".
talawas R.I. P. An giấc ngàn thu.
Trần Quốc Việt
********************
Màu cầu vồng
Trần Quốc Việt, talawas, 23/06/2009
Biến động tại Iran có thể mờ nhạt và loang dần vào hoàng hôn lịch sử trong sự trấn áp, hay nếu vượt qua được sự sợ hãi và bạo lực, nó sẽ là bình minh của một cuộc cách mạng màu xanh. Nếu được như thế, người họa sĩ cách mạng đang náo nức chờ đợi màu nào cho Trung Quốc, màu nào cho Việt Nam, Cuba, và đặc biệt cho Bắc Hàn.
Cuộc cách mạng xanh ở Iran, vào tháng 6 năm 2009.
Màu nào cho tôi ?
Màu nào cho anh ?
Màu nào cho những người đã chết ?
Màu nào cho những người sẽ chào đời ?
Chúng tôi không muốn đụng hàng
Chúng tôi không muốn vi phạm bản quyền về màu sắc
Cho nên
Các anh hãy cứ giữ lấy màu đỏ của mình.
Chúng tôi là dân thường
Không có chánh nghĩa sáng ngời
Chúng tôi chỉ muốn màu bình thường
Màu của cầu vồng sau cơn mưa tầm tã của lịch sử.
Trên chuyến tàu rời ga cuộc đời lần chót
Chúng tôi ngồi giữ chặt chiếc vé nhân phẩm đời mình
Người gác ga cuối cùng nói :
"Xin cho coi vé".
Chúng tôi xếp hàng trình vé để bước vào cõi bình yên vô cùng.
Chúng tôi không muốn nghe ai kêu thất thanh lên :
"Vé của tôi đâu ?"
Như dân Iran ngày nay nhìn nhau ngơ ngác hỏi :
"Lá phiếu của tôi đâu ?"
Cuộc đời là trăm năm
Cuộc đời là mười năm
Cuộc đời là bình lặng
Cuộc đời là giông bão
Cuộc đời nào cũng muốn thấy màu của cầu vồng sau cơn mưa
Mong được một lần thấy cầu vồng trước khi nhắm mắt.
Trần Quốc Việt
Nguồn : talawas ©, 23/06/2009