Bongbong Marcos: Người cố gắng làm sống lại một triều đại chính trị tham nhũng

Cha là một nhà độc tài bạo tàn. Mẹ thì đầy tai tiếng với bộ sưu tập giày hàng ngàn đôi, vốn được cả thế giới biết đến.

Ferdinand Marcos Jr., 64 tuổi đang dẫn đầu cuộc chạy đua trở thành tổng thống tiếp theo của Philippines
 

Thế thì bằng cách nào mà Ferdinand Marcos Jr, 64 tuổi, thường được biết đến tên riêng Bongbong - một ứng viên dẫn đầu có thể trở thành vị tổng thống Philippines tiếp theo trong cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 09/05?

Câu trả lời nằm ở một mạng lưới kỳ bí được tạo nên từ nền chính trị mang tính triều đại, sự trung thành từ các thế hệ trước và cả thao túng truyền thông xã hội.

Chiếc vương miện vàng và con ngựa trắng 

Tại thành trì llocos Norte của Marcos tọa lạc một tòa nhà rất ấn tượng mang phong cách kiến trúc trong thời kỳ đô hộ của Tây Ban Nha - Malacañang của miền bắc.

Dinh thự Malacañang gốc - dinh thự của Tổng thống Philippines nằm cách thủ đô Manila hàng trăm km - thế nhưng tòa nhà đặc biệt này được Tổng cục Du lịch Philippines trao cho gia đình cố độc tài Ferdinand Marcos vào những năm 1960 khi ông ta nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Giờ đây được mở cửa cho công chúng tham quan, dinh thự trở thành một nơi tưởng niệm đặc biệt dành cho gia đình của ông ấy. Người ủng hộ chụp ảnh bên cạnh những bức ảnh chân dung mang phong cách vương giả của Ferdinand và vợ là bà Imelda Marcos, rồi sau đó di chuyển vào những căn phòng mà gia đình này từng sinh sống.

Bên trong căn phòng thời thơ ấu của Bongbong, treo kế bên một chiếc giường có 4 trụ được chạm khắc lộng lẫy là một bức chân dung ấn tượng về một nhà lãnh đạo tương lai.

Bongbong, mang vương miện bằng vàng, cưỡi trên một con ngựa trắng xuyên qua đám mây. Một tay ông cầm quốc kỳ Philippines, tay kia cầm Kinh thánh. Có phần liên quan về Thánh ca ở góc bức tranh giúp giải mã hình ảnh - Apo 21:1 khải huyền mô tả một thiên thần bay bên trên thành phố Jerusalem linh thiêng được bao bọc là những bờ tường.

Bức chân dung Bongbong cầm quốc kỳ Philippines

Bị lật đổ sau một cuộc cách mạng nhân dân vào năm 1986, gia đình Marcos được thế giới biết đến nhiều nhất là nạn tham nhũng.

Các thông tin độc lập và tài liệu tòa án cũng đưa ra những bằng chứng không thể chối cãi về việc lạm quyền và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong suốt thời gian lãnh đạo.

Khi lực lượng cách mạng chiếm lấy Dinh tổng thống, họ đã tìm thấy những bức tranh sơn dầu lạ kỳ của gia đình này, một chiếc bồn tắm jacuzzi mạ vàng, 15 chiếc áo khoác lông chồn, 508 bộ trang phục cao cấp và đáng nhớ nhất là hơn 3.000 đôi giày thiết kế riêng của bà Marcos.

Thế nhưng giờ đây, Bongbong là ứng viên chiếm ưu thế hàng đầu trong cuộc chạy đua trở thành vị tổng thống tiếp theo của Philippines - và khi chiến dịch của ông ấy đang được tăng cường thì những người ủng hộ Bongbong bắt đầu ngờ vực về những sự thật này.

Giới đối lập nói rằng bởi vì truyền thông xã hội đã được dùng để gieo rắc thông tin sai sự thật và tẩy trắng lịch sử, một cáo buộc mà gia đình Marcos bác bỏ.

Thế những trong những năm qua, Facebook bị tràn ngập với các bài đăng mang tính tuyên truyền và những tài khoản ẩn danh nằm bảo vệ di sản của gia đình Marcos.

Sự thao túng quá khứ đã lan rộng đến mức mà người dân lặp lại thông tin sai sự thật cùng với sự kết tội chắc chắn.

Chủ đề phổ biến đó là sự cai trị độc tài của Marcos thật sự là một "thời kỳ vàng son" cho quốc gia - bất chấp một sự thật không mấy dễ chấp nhận đó là khi đó nền kinh tế đang bên bờ vực sụp đổ cùng khoản nợ nước ngoài khổng lồ.

Lòng trung thành và di sản 

Jesus Bautista, 71 tuổi từ thủ đô Manila là một người ủng hộ Bongbong mạnh mẽ. 

Ông Bautista từng đi bới nhặt ở núi rác gọi là "Smokey Mountain" (Núi đầy khói) - sau khi các vật liệu dễ cháy tại đây bắt lửa, khiến khói lan ra khu vực.

Vào năm 1983, ông đã được bố trí một công việc toàn thời gian và hưởng lương hưu tại đơn vị thực thi giao thông của thành phố.

Jesus Bautista là một người ủng hộ Marcos mạnh mẽ

Vào thời điểm mà bà Marcos được Thống đốc Manila bổ nhiệm theo một hình thức không dân chủ.

Khi ngồi dựa vào một chiếc ghế bằng tre bị gãy, ông Bautista nói ông nợ bà Imelda utang na loob [lòng biết ơn], vì một công việc được nhà nước trả lương.

Ông nói rằng mặc dù những lời kết tội sau đó rằng bà Marcos có liên quan đến một khoản rửa tiền trị giá 10 tỉ USD thì ông sẽ vẫn bỏ phiếu bầu cho con trai bà ấy.

"Tôi không bao giờ thấy tham nhũng", ông Bautista nói với nụ cười tươi. "Chỉ là nghe nói mà thôi. Tôi nghĩ là các kẻ thù của họ muốn hạ bệ tên tuổi của họ. Đúng chứ?"

Jim Laurie, một nhà báo người Mỹ là một trong vài phóng viên chứng kiến cảnh chiếm dinh thự Marcos.

Getty Images

Bộ sưu tập giày đầy tai tiếng của bà Imelda Marcos

"Bạn đi vào căn phòng chứa quần áo của bà Imelda và bà ta có hàng trăm bộ trang phục và váy đầm thiết kế riêng với các thương hiệu từ Bergdorf Goodman ở New York và các cửa hàng khác ở Paris và Rome. Bà ta thậm chí chưa bao giờ mặc chúng... và đối với một quốc gia rất, rất nghèo... có thể thấy một sự tương phản dường như khá trần trụi," Jim Laurie nói.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Các tài liệu nội bộ cho thấy gia đình Marcos đã chuyển hàng triệu USD tiền bất hợp pháp sang các ngân hàng ở Thụy Sĩ và vô số các tài sản ở khu Manhattan cao cấp tại thành phố New York.

Sau đó nhiều vụ xét xử ở tòa án xuất hiện. Một số dẫn tới các cuộc truy tố thành công gia đình này trong khi số khác thì thất bại. Một trong những thất bại đáng chú ý nhất là vụ xét xử hành vi lừa đảo tại New York và kết quả là bà Marcos đã thắng bồi thẩm đoàn và dọn đường cho gia đình này trở về Philippines.

Trong bộ phim tài liệu The Kingmaker, Bongbong đã mô tả lại thế tiến thoái lưỡng nan của mình khi về nhà rằng: "Tôi không thể trở về nhà trên ghế hạng bình dân", ông trả lời người phỏng vấn. "Tôi luôn bay hạng thương gia."

'Định mệnh' trở thành lãnh đạo

Bongbong đã được đo ni đóng giày trở thành lãnh đạo từ thời trẻ.

Các tài liệu cũ từ năm 1986 cho thấy ông ta, vào tuổi 28, đứng nghiêm túc bên cạnh cha mình trong trang phục quân đội vào ngày mà cả gia đình bị buộc phải chạy khỏi dinh tổng thống trong cuộc cách mạng năm 1986.

Thế nhưng trong một đoạn nhật ký của cha ông ta viết từ năm 1972 đã hé lộ những lo ngại về con trai mình như sau:

"Bongbong là một mối lo chính yếu của chúng tôi. Thằng bé quá vô tư và lười biếng."

Vào năm 1975, Bongbong học tại Đại học Oxford ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế (PPE), ngành khoa học được cho là bước đệm để trở thành một chính trị gia.

Nhưng ông ta đã không thể tốt nghiệp - điều mà Bongbong bác bỏ.

Một bài viết trên trang tin tức Verafiles của Philippines tiết lộ rằng các nhà ngoại giao Philippines đã vận động hành lang cho Bongbong để được trao một bằng cấp đặc biệt chuyên ngành khoa học xã hội sau khi thi rớt hai lần.

Cuộc tranh cãi không ngăn cản được ông ta tiến vào sự nghiệp chính trị chói sáng trong suốt thời kỳ cha mình nắm quyền - cho đến khi bị kết thúc sớm vì cuộc cách mạng của nhân dân.

Tuy nhiên sau khi trở về ông ta chỉ đi từ sức mạnh này đến sức mạnh khác.

Đồng đội trong cuộc bỏ phiếu sắp tới của ông là Sara Duterte, 43 tuổi, con gái của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte. 

Hiến pháp của Philippines không cho phép ông Duterte, một nhân vật đầy tranh cãi nhưng cũng được lòng một bộ phận người dân ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, kéo dài 6 năm.

Vào năm 2016, ông Duterte đã tiến hành cuộc chiến chống thuốc phiện, theo đó hàng ngàn người sử dụng và buôn thuốc phiện đã bị xử tử không theo bất kỳ một quy trình pháp lý nào.

Getty Images

Sara Duterte là con gái của Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte

Con gái của Duterte cam kết sẽ cùng với Bongbong cùng đoàn kết đất nước để Philippines "trỗi dậy một lần nữa".

Bà ấy muốn bắt buộc người 18 tuổi phục vụ quân ngũ và Bongbong nói ông để mở việc thực hiện lệnh xử tử đối với những tên tội phạm không thể tái phục hồi nhân phẩm.

Một thông tin từ Đại sứ quán Mỹ ở Manila vào năm 2009, do Wikileaks công bố cho thấy bà Duterte là một: "Cá nhân cứng đầu, người giống như cha của mình, khó hòa nhập."

Có lẽ thời khắc mang tính định hình của bà ta là vào năm 2011, với vai trò là một thống đốc, bà ấy đã liên tục đấm vào mặt một cảnh sát trưởng quan tòa vì đã không tuân lệnh phá dỡ một khu ổ chuột.

Tác động của truyền thông xã hội

Để hiểu đầy đủ làm cách nào mà Bongbong Marcos lại có thể thực hiện màn trở lại chính trường mạnh mẽ như vậy thì cần nhìn không đâu xa hơn là tỉnh Ilocos Norte - thành trì truyền thống của gia đình ông ta.

Nhiều người tại đây vẫn còn trung thành với gia đình Marcos bởi vì khu vực này đã được hưởng nguồn tài trợ ưu đãi trong khi các phần còn lại của Philippines chịu 14 năm thiết quân luật tàn bạo từ năm 1972.

"Hãy tưởng tượng một cơn bão quét qua tàn phá đất nước, nhưng Ilocos Norte thì hoàn toàn không bị hề hấn gì," một nhà báo diễn giải.

Người dân ở đây từ chối tin rằng gia đình này mang tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền, một tâm lý được củng cố thêm từ sự thao túng truyền thông xã hội khéo léo.

"Trên truyền thông xã hội, họ chuyển hướng chủ đề, không quan trọng nếu người đó tham nhũng, họ sẽ nói là ông ta có nhiều thành tựu như cơ sở hạ tầng mà chúng ta thấy. Chả có ích lợi gì trong việc tranh cãi với họ," luật sư tập sự Zsa Zsa Raval nói, cô cũng tự mô tả chính mình là một phần "thiểu số rất rất nhỏ" sẽ không bỏ phiếu cho Marcos.

"Chúa ơi, tôi bị nhiều kẻ bắt nạt, tôi thậm chí bị xâm hại," Raval nói. "Họ hỏi tôi tại sao? Cô là người Ilocano, tại sao đi bỏ phiếu cho người khác? Nhưng câu trả lời của tôi đơn giản. Bởi vì tôi là người Philippines."

Getty Images

Tỉnh llocos Norte là một trong những nơi trung thành mạnh mẽ đối với gia đình Marcos

Brittany Kaiser, một cựu nhân viên của công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica ở Anh Quốc, vốn đã xảy ra những vụ lùm xùm trước đây, nói với kênh Rappler rằng Bongbong đã tiếp cận công ty của cô để "định hình lại thương hiệu" cho gia đình mình trên truyền thông xã hội - một điều mà chiến dịch tranh cử của ông ta đã bác bỏ.

Và không chỉ là thao túng cách tường thuật.

Những tài khoản ẩn danh đã tạo nên sự thiếu tính trách nhiệm cần thiết và thường xuyên nhắm vào cánh nhà báo và những người nói lên sự thật.

Ví dụ, khi ông Laurie đăng những video về cách đưa tin bất thiên vị, do chính mình thu thập được về thời kỳ thiết quân luật trên YouTube, thì tính chất sự thật của thông tin đã bị những tài khoản giấu mặt thách thức.

"Họ sẽ nói những điều như: "Tôi không tin điều này, đây là video được dàn dựng từ năm 1986, không thể đúng được", ông Laurie nói.

"Cũng có lập luận này, đây là vấn đề quốc tế mà chúng ta có, về một dạng dư luận bị chia rẽ và được thúc đẩy bằng... những giọng nói khác nhau trên truyền thông xã hội, và nó đã tạo nên một dạng bóp méo lịch sử và sự kiện."

BBC đã tiếp cận Meta, công ty mẹ của Facebook để phỏng vấn, tuy nhiên chỉ nhận được một tuyên bố ghi rằng "kể từ năm 2017, các đội ngũ an ninh đã phát hiện và gỡ bỏ hơn 150 hoạt động gây ảnh hưởng một cách bí mật vì vi phạm chính sách chống 'Hành vi Không xác thực Có sự phối hợp' (Coordinated Inauthentic Behaviour), bao gồm một số mạng lưới tại Philippines."

Meta cũng cho biết thêm là "đang phối hợp chặt chẽ với xã hội dân sự, cơ quan bầu cử và trong ngành để chống lại can thiệp bầu cử, giảm thông tin sai sự thật và cung cấp sự minh bạch quanh các quảng cáo chính trị."

Vào tháng 1, Twitter đã treo hàng trăm tài khoản được cho có liên quan đến giới ủng hộ Bongbong vì vi phạm luật liên quan đến thao túng và thư rác.

Thế nhưng cũng có quan điểm rằng các công ty truyền thông xã hội đang không làm đủ mạnh. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại Philippines nơi mà tỉ lệ dùng mạng xã hội ở quốc gia này cao hơn mức trung bình ở các nước khác.

Một nghiên cứu của công ty dữ liệu Stastista từ Đức vào năm 2020 chỉ ra rằng người dân Philippines từ 16 đến 64 tuổi, dùng gần 4 giờ mỗi ngày kết nối mạng xã hội. Cùng so sánh đó thì tại Anh Quốc chỉ trung bình gần 2 giờ mỗi ngày.

Nhà quản lý chiến dịch của Bongbong, Vic Rodriguez đã cam kết sẽ: "tiếp tục cách liên lạc trực tiếp với người dân".

Các tổ chức tin tức độc lập được cho là "thiên lệch" về gia đình Marcos và không được phỏng vấn - BBC không nhận được câu trả lời khi yêu cầu phỏng vấn.

Ngoài truyền thông xã hội, thì một cách khác "để giao tiếp trực tiếp" với người dân là thông qua các buổi mít-tinh đông đảo ủng hộ Bongbong - mặc dù ông ta bị giới ủng hộ áo đỏ vây xung quanh, và khiến phóng viên khó khăn trong việc đặt ra câu hỏi.

Người tham dự của được trao các vật phẩm miễn phí như vòng tay, áo thun, bịch cà phê 3 trong 1 với hình Marcos cười trên đó cùng dòng chữ: "Đồng minh của bạn đang trỗi dậy."

Khuôn mặt của Bongbong được in hình trên bịch cà phê

Đám đông thì cùng hòa trong nhạc pop, hài kịch và nhún nhảy - trước khi tiến hành tuần hành ủng hộ các chính trị gia thân Marcos, những người sẽ đưa ra các bài nói chuyện độc thoại ngắn và khôn ngoan. Các đề xuất chính sách thì hiếm khi được thảo luận về chi tiết.

BBC cũng tham dự vào một buổi mít-tinh "BBM-Sara" vào tháng 4 khi Bongbong xuất hiện từ sau cánh gà trong một dàn xe SUV Toyota chói lóa. Trong khi bắt tay với những người ủng hộ, chúng tôi đã tiếp cận ông ta và hỏi liệu ông ta có thể thật sự trở thành một tổng thống tốt hay không nếu ông ta không tham dự các cuộc phỏng vấn nghiêm túc.

Bongbong chỉ cười mà không trả lời.

Giới ủng hộ Bongbong cũng tràn lên mạng xã hội để công kích câu hỏi của tôi là thô lỗ và mang tính thực dân. Họ tin rằng gia đình Marcos đã bị truyền thông độc lập đưa tin sai lệch về di sản của mình. Số khác thì chấp nhận có tham những nhưng theo tinh thần thứ tha của Thiên Chúa giáo thì cho rằng gia đình Marcos xứng đáng được có cơ hội lần 2.

Giới chỉ trích thì nói rằng chiến dịch bầu cử ông Bongbong cho thấy ông ta không theo sự thật, miễn nhiễm với những lời chỉ trích và chỉ được bao quanh bởi những giới 'đồng hội đồng thuyền' và những người chỉ biết vâng lời.

Họ lo ngại rằng nếu Bongbong thắng cử vào tháng 5 thì ông ta có thể sẽ tiếp tục kế thừa những gì cha mình đã để lại vào năm 1986.

Nguồn tin BBC Tiếng Việt