Tham nhũng đất đai : hồi chuông báo oán đã gióng
Hồ sơ : Chuông nguyện hồn ai
Nguyễn Huỳnh, VNTB, 26/04/2022
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định đầu tư dự án Rang Dong Luxury Apartment Tower – dự án thành phần thuộc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của Tập đoàn Rạng Đông. Hiện, các cơ quan chức năng đang điều tra sai phạm tại dự án này.
Sắp tới đây các dự án của Tập đoàn Rạng Đông có khả năng sẽ được xem xét với giác độ hình sự chứ không dừng lại ở giao dịch dân sự nữa. Ảnh minh họa Top 2 sân golf Bình Thuận
Hàng loạt quan chức và cựu quan chức của tỉnh Bình Thuận đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về các dấu hiệu hành vi vi phạm trong chức trách quản lý nhà nước. Theo đó, khả năng sắp tới đây các dự án của Tập đoàn Rạng Đông sẽ được xem xét với giác độ hình sự chứ không dừng lại ở giao dịch dân sự nữa.
Rạng Đông vừa lóe đã vào hoàng hôn ?
Tại Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung, Tập đoàn Rạng Đông nổi tiếng đến mức người dân phải nói rằng "muốn phân biệt được người dân Bình Thuận hay không hãy hỏi về Tập đoàn Rạng Đông, nếu như ai trả lời không biết thì đó là người dân ngoại tỉnh !".
Trong một động thái được cho là ‘đi trước’ khá bất ngờ, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Rạng Đông, ông Nguyễn Văn Đông đồng thời cũng là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn Khu nghỉ mát Phan Thiết đã chủ động ‘trả lại’ dự án Rang Dong Luxury Apartment Tower.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có diện tích hơn 62 ha, trước đây là sân golf Phan Thiết do một tỷ phú Mỹ được xây dựng từ năm 1993 và đưa vào khai thác từ năm 1997.
Tháng 11/2013, UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận thay đổi (lần thứ 4) sân golf Phan Thiết sang cho Tập đoàn Rạng Đông và đến tháng 4/2015, Tập đoạn Rạng Đông đã tổ chức khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư trên 2.600 tỷ đồng.
Tại Bình Thuận, Rạng Đông Group hoạt động mạnh trong các lĩnh vực khoáng sản, bất động sản và xây lắp.
Trong lĩnh vực xây lắp, Rạng Đông là chủ đầu tư dự án BOT cầu Phú Hài, bắt đầu thu phí từ tháng 5/2004 và dự kiến kéo dài tới tháng 10/2021. Tuy nhiên, công ty này đã xin dừng thu phí trước hạn 4 năm.
Công ty con của Rạng Đông là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng cơ bản Rạng Đông cũng là một trong những nhà thầu lớn tại địa phương.
Gần nhất, công ty này đã trúng – rất sát giá – gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình (không bao gồm phần lắp đặt điều hòa) thuộc dự án "Xây dựng mới Trụ sở làm việc Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận" với giá trúng thầu là 100,36 tỷ đồng (giá gói thầu 100,52 tỷ đồng). Dự án nổi bật nhất trong lĩnh vực BOT của Rạng Đông Group phải kể tới dự án đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết, quy mô 543 ha, có tổng mức đầu tư 1.640 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án khởi công từ tháng 1/2015. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, tới tháng 8/2020, Rạng Đông Group mới bắt đầu khởi công xây dựng đoạn đường từ trung tâm sân bay Phan Thiết kết nối với trục đường chính Võ Nguyên Giáp.
Trong lĩnh vực bất động sản, Rạng Đông Group là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản đáng chú ý tại Bình Thuận như : Khu phức hợp nghỉ dưỡng Sea Links City rộng 167 ha tại địa chỉ Km 09 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết (hay còn gọi là dự án Sân Golf Sea Link Phan Thiết) ; Dự án khu dân cư Rạng Đông rộng 8 ha thuộc địa bàn xã Hàm Liên, huyện Hàm Thuận Bắc ; Dự án Khu công nghiệp Sông Bình quy mô 300ha, tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình.
Trong lĩnh vực khai khoáng, Rạng Đông Group là chủ đầu tư dự án Khai thác khoáng sản cát bồi nền Hàm Kiệm 4 (thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm, trữ lượng 101.768 m3) ; Khai thác khoáng sản mỏ đá xây dựng Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Ổ tham nhũng dây dắt đến tận triều đình ?
Dừng lại một chút về dự án sân golf Phan Thiết.
Ông Đinh Trung, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã từng đứng ra làm đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của UBND tỉnh Bình Thuận trong việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang khu đô thị.
Ông Đinh Trung cho rằng việc chuyển đổi đất sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị cho thấy lãnh đạo tỉnh Bình Thuận có những biểu hiện sai trái, tiêu cực "lợi ích nhóm", câu kết với Tập đoàn Rạng Đông biến đất công thành đất tư nhân không đúng với quy hoạch sử dụng đất của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng về quy hoạch sân golf đến năm 2020.
Qua kiểm tra, xác minh, Thanh tra Chính phủ nhận xét nội dung phản ánh này của ông Đinh Trung là không có cơ sở. Bởi lẽ, theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2117/TTg-KTN về việc điều chỉnh sân golf Phan Thiết, đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Tuy nhiên, ông Đinh Trung cho rằng nhận xét trên là không khách quan, không có quan điểm lịch sử và cố tình bao che cho sự sai trái. Chính vì lý do đó, ngày 28/11/2019, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục có đơn phản biện nội dung của Thanh tra Chính phủ.
Theo ông Đinh Trung, việc định giá tiền sử dụng đất có đúng và sát giá thị trường, có thất thu ngân khách hay không là nội dung trọng tâm của vụ chuyển đổi, vì phải kết luận rõ mới chỉ ra được có tiêu cực, tham nhũng "lợi ích nhóm". Trong khi đó, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND tỉnh Bình Thuận xác định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất chưa chính xác, có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước là có cơ sở một phần.
"Đã thanh tra thì phải kết luận có thất thu, thiệt hại cho ngân sách qua việc định giá thu tiền sử dụng đất như đơn phản ánh không, nếu có là bao nhiêu ? Tiền nong phải tính toán cụ thể chứ không thể nhận xét chung chung một cách trừu tượng là có cơ sở một phần", ông Trung cho hay.
Ông Trung cho biết đất sân golf Phan Thiết là khu đất vàng ở vị trí đẹp của thành phố Phan Thiết, hai mặt giáp đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Tất Thành, một mặt giáp bờ biển, mặt còn lại giáp khu đô thị hiện có.
Theo bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, áp dụng từ tháng 1/2015 đến 31/12/2019, giá đất đường Nguyễn Tất Thành là 11 triệu đồng/m2, giá đất đường Tôn Đức Thắng là 14 triệu đồng/m2, giá đất trục đường ven biển là 8,4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ngày 25/11/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6m2 được phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Giá trị tiền sử dụng đất là 936,8 tỷ đồng (gần 2,6 triệu đồng/m2).
Trong khi đó, theo ông Trung, nếu căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm giao đất cho khu đô thị du lịch biển Phan Thiết thì gấp 10 lần. Thực tế, giá thị trường các tuyến đường nằm quanh khu đô thị này tại thời điểm giao đất có giá từ 15 – 24 triệu đồng/m2. Chỉ trong vòng một năm, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền với giá từ 20 – 40 triệu đồng/m2. Hiện tại giá bán còn cao hơn nữa…
Ưu ái bất thường dành cho Rạng Đông ?
Một nội dung khó hiểu khác được cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đề cập đến trong đơn phản biện là việc UBND tỉnh Bình Thuận không yêu cầu chủ đầu tư bố trí 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội là chưa đúng pháp luật.
Ông Trung viện dẫn, Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã nêu rõ, tại các dự án chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận lại gửi văn bản lên Bộ Xây dựng xin hướng dẫn để quyết "loại" 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội ra khỏi dự án. Tại Văn bản số 906/BXD-QLN của Bộ Xây dựng ngày 24/4/2015 cho phép Rạng Đông nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại hai khu đất khác có diện tích 8,75ha, được UBND tỉnh chỉ định.
Phản biện hướng dẫn này, ông Trung cho rằng điểm a khoản 2 điều 6 Nghị định 188 của Chính phủ nói rõ : "Chủ đầu tư có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trừ trường hợp nhà nước thu hồi quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách và trường hợp chủ đầu tư không có nhu cầu nhà ở xã hội thì chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án". Như vậy, theo ông Trung, việc hướng dẫn của Bộ Xây dựng là "có vấn đề".
Theo lý giải của UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ Xây dựng là bộ quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng, khi địa phương có vướng mắc về pháp luật, có văn bản hỏi và sau đó thực hiện theo hướng dẫn của bộ quản lý chuyên ngành thì không quy kết UBND tỉnh làm sai được…
Hiện tại thì vụ sân golf Phan Thiết (Bình Thuận) chuyển mục đích sang khu đô thị đã được bổ sung vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi. Như vậy với bước đầu kỷ luật nhiều quan chức, cựu quan chức tỉnh Bình Thuận, cho thấy khả năng thời gian tới ông chủ của Tập đoàn Rạng Đông sẽ đối mặt với giác độ hình sự chứ không dừng lại ở giao dịch dân sự nữa.
Liệu chuông sẽ gióng hồi cho nguyện hồn ai tiếp theo ở tỉnh Bình Thuận ?
Nguyễn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 26/04/2022
***********************
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm, kỷ luật sai phạm đất đai ở Bình Thuận
BBC, 26/04/2022
Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, vừa ra quyết định kỷ luật hàng loạt quan chức tỉnh Bình Thuận.
Hàng loạt lâu đài, biệt thự, nhà phố được xây dựng trên đất sân golf cũ khi chính quyền tỉnh Bình Thuận cho công ty Rạng Đông chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngày 26/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật hàng loạt, trong đó có sai phạm ở Bình Thuận.
Thông cáo nói Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ủy ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện một số dự án ; để một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh bị khởi tố, bắt tạm giam".
Khiển trách, cảnh cáo
Bộ Chính trị quyết định khiển trách ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận (nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015) và cảnh cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015-2020).
Ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận (nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015) chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 ; chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc chủ trì họp cho chủ trương về phương án quy hoạch chi tiết Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có nội dung vi phạm quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020) ; nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận (nhiệm kỳ 2010 - 2015) chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 ; cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 ; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký một số kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương quy hoạch chi tiết và phương pháp, cách thức xác định giá đất của Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có nội dung vi phạm quy định của pháp luật.
Ông Lê Tiến Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015) ; nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2011 - 2016) cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 ; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 ; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký các văn bản vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở,...
Ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020) ; nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2016 - 2021) cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 ; chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 ; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký các văn bản vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư,...
Thông cáo cũng nêu tên ông Lương Văn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và Hồ Lâm, nguyên Tỉnh ủy viên (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 2014 - 2020).
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng, khiển trách nguyên Bí thư Huỳnh Văn Tí.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với các ông : Nguyễn Ngọc Hai, Lương Văn Hải, Hồ Lâm.
Ban Bí thư cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Tiến Phương. Hồi tháng 12/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Phương do ông có đơn xin thôi giữ chức để nghỉ hưu trước tuổi.
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết
Trong các sai phạm mà Bộ Chính trị nhắc tên, đáng chú ý là Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết gây nhiều dư luận trái chiều khi Công ty cổ phần Rạng Đông được cho là hưởng lợi rất nhiều từ giá đất được tỉnh Bình Thuận áp dụng khi bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Năm 2014, khu đất sân golf Phan Thiết (rộng hơn 62ha) đã được tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty cổ phần Rạng Đông để chuyển đất sân golf sang đất ở đô thị.
Khu đất có một mặt giáp bãi biển Đồi Dương, một mặt giáp trục đường lớn Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, phần còn lại tiếp giáp khu dân cư có từ trước.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận từ năm 1992 đến cuối 2000, Đinh Trung, đã đứng ra tố cáo lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và phản biện lại nhiều vấn đề trong kết quả xác minh của Thanh tra Chính phủ.
Theo tờ Thanh Niên , ngày 25/1/2019, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Thanh tra Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, kết luận nội dung tố cáo sai phạm trong giao đất ở Bình Thuận.
Công văn của Văn phòng Chính phủ (số 738, do Phó chủ nhiệm Nguyễn Duy Hưng ký) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nêu : "Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận có đơn gửi Thủ tướng phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đối với Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và các dự án khai thác titan trên địa bàn tỉnh. Việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo giao Thanh tra chính phủ kiểm tra, kết luận các nội dung phản ánh và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/4/2019".
Báo cáo số 892 của Thanh tra chính phủ ra ngày 6/6/2019 đã nói về đơn phản ánh của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận.
Tháng Chín năm 2019, tờ Tuổi Trẻ Thủ Đô nhận đơn và phản ánh rằng ông Đinh Trung, cho rằng việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết là thiếu khách quan, minh bạch, có dụng ý bao che sai phạm và thiếu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.
Ông Đinh Trung được dẫn lời nói rằng nội dung kết quả kiểm tra, xác minh của Thanh tra Chính phủ, liên quan tới việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết là thiếu khách quan, minh bạch, có dụng ý bao che sai phạm và thiếu trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.
Tranh cãi tiếp tục kéo dài tới nay. Theo báo Dân Trí ngày 11/3/2022 cho biế t, "dự án vấp phải phản ứng quyết liệt của một số cán bộ hưu trí, trong đó có những cán bộ cấp cao của tỉnh Bình Thuận trước đây".
Không đấu giá đất công, thất thu ngân sách ?
Trong đơn tố cáo, ông Đinh Trung còn cáo buộc xảy ra thất thu ngân sách ở Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Diện tích phải thu tiền sử dụng đất là 363.523 m2, chiếm hơn 58% ; diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257.132 m2, chiếm hơn 41%.
Ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Quyết định số 3371/QĐ-UBND phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho 363.523 m2 với số tiền sử dụng đất là 936.800 triệu đồng.
Như vậy, giá thu tiền sử dụng đất là hơn 2,5 triệu đồng/m2.
Còn theo đơn tố cáo, giá thị trường phải khoảng 10 triệu đồng/m2, cao nhất là 24 triệu đồng/m2.
Ngày 5/8/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa vụ việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết (Bình Thuận) sang khu đô thị vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trước đó, ngày 21/7, Bộ Công an đề nghị UBND TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến đầu tư xây dựng 9 dự án trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Khởi tố, bắt giam
Ngoài ra, tại Bình Thuận, Bộ công an đã khởi tố vụ án sai phạm "giao đất giá rẻ, không thông qua đấu giá đất" tại dự án Tân Việt Phát 2 của Công ty cổ phần Tân Việt Phát.
Ngày 10/2/2022, Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam với 5 bị can :
- Nguyễn Ngọc Hai, sinh ngày 31/12/1962, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
- Lương Văn Hải, sinh ngày 1/9/1960, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.
- Hồ Lâm, sinh ngày 10/10/1960, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.
- Lê Nguyễn Thanh Danh, sinh ngày 20/7/1980, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.
- Ngô Hiếu Toàn, sinh ngày 4/12/1977, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận.
Cả 5 bị can đều bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (03 lô đất số 18,19,20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Ngoài dự án này, còn 8 dự án khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đang điều tra, trong đó có dự án biến đổi 62ha đất sân Golf Phan Thiết thành khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.