Bầu cử 2022 : Nước Pháp đi vào một giai đoạn bấp bênh
Một số đông những người sẽ bầu cho Macron chỉ bầu để chống Le Pen chứ không phải vì tín nhiệm ông, ngược lại đa số những người sắp bầu bà Le Pen cũng sẽ chỉ bầu vì dị ứng với Macron. Nói khác đi lần này người Pháp bầu để chống đối chứ không bầu vì tán thành. Cách bầu tiêu cực này sẽ có kết quả là làm cho chính trị Pháp trở thành bấp bênh ; dù Macron hay Le Pen thì tổng thống sắp tới của Pháp cũng sẽ là một tổng thống yếu vì thiếu hậu thuẫn của quần chúng.
Hai ứng cử viên tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron lại gặp nhau trong vòng bầu cử chung kết ngày 24/04/2022
Sau vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống ngày chủ nhật 10/04/2022 vừa qua Emmanuel Macron với số phiếu 27,8% và Marine Le Pen, 23,1%, lại gặp nhau trong cuộc bầu cử chung kết và có mọi triển vọng Macron sẽ lại thắng. Có vẻ như bổn cũ soạn lại. Thực ra trong chiều sâu rất nhiều điều đã thay đổi và nước Pháp sẽ không còn như trước.
Những thay đổi lớn
Thay đổi đầu tiên là Macron sẽ không còn thắng vòng hai, chủ nhật 24/04, với tỷ lệ áp đảo 66% - 34% như năm 2017. Ngay tối hôm 10/04 cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên cho thấy là Marcron sẽ chỉ thắng với tỷ lệ 51% - 49%. Các thăm dò kế tiếp cho thấy là ông sẽ thắng với tỷ lệ 52% - 48%, hoặc 53% - 47% nghĩa là dự đoán thắng lợi của ông vẫn nằm trong biên độ sai số. Nói cách khác, Marine Le Pen lần này có thể đắc cử và nước Pháp sẽ có một nữ tổng thống dân túy cực hữu.
Đây là một thay đổi rất lớn trong chính trị nước Pháp. Đảng Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement National hay RN, tên cũ là Mặt Trận Quốc Gia hay Front National hay FN) từ ngày thành lập tới nay vẫn được nhìn, không oan, như một đảng theo đuổi một chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và một mối nguy cho nền dân chủ Pháp vì thế không ai nghĩ nó có thể lãnh đạo nước Pháp. Nó ít nhiều còn là bửu bối cho các chính trị gia truyền thống. Họ muốn được gặp ứng cử viên của Tập Hợp Quốc Gia (RN) tại vòng hai bởi vì như thế là chắc thắng và thắng lớn. Cho đến nay bà Marine Le Pen và cha bà là ông Jean-Marie Le Pen đã từng vào được chung kết nhưng cả hai đều thua rất xa, chưa bao giờ đạt được 34% số phiếu. Đùa với lửa có thể phỏng tay, dần dần vì không cảnh giác bây giờ các chính trị gia Pháp đã để Marine Le Pen tới rất gần ngưỡng cửa điện Elysées.
Lần này nếu may mắn Macron cũng sẽ chỉ thắng khít khao. Lý do chính là sau 5 năm cầm quyền sức thu hút của ông không còn như trước nữa. Năm 2017 Macron được nhìn như một hiện tượng chính trị độc đáo, gần như một thiên tài có khả năng làm mới nước Pháp mặc dù ông chưa hề có một kinh nghiệm hay thành tích nào đáng kể, ngoại trừ một thời gian ngắn làm bộ trưởng tài chính gây tranh cãi nhưng không thuyết phục. Sức thu hút của ông chủ yếu là nhờ trẻ đẹp, học giỏi và có cuộc sống không bình thường, thí dụ như khi vừa 15 tuổi đang học trung học ông đã yêu một cô giáo của mình hơn mình tới gần 25 tuổi đã có con lớn tuổi hơn mình và đã chinh phục được cô giáo này bỏ chồng con. Nhưng giờ đây ông là một người đã quen thuộc, những nét độc đáo trước đây, thí dụ như cuộc hôn nhân lạ đời, không còn là lý do để người ta thán phục và tín nhiệm nữa mà có thể còn gây phản cảm, như những cuộc biểu tình "Áo Vàng" (Les Gilets Jaunes) đã chứng tỏ. Macron còn tạo cảm tưởng ông là một người khô khan, tẻ nhạt, kiêu căng, tự mãn. Quan trọng hơn là ông đã không lập được một thành quả đặc biệt nào sau 5 năm cầm quyền. Nói chung lần này, một số đông những người sẽ bầu cho Macron chỉ bầu để chống Le Pen chứ không phải vì tín nhiệm ông, ngược lại đa số những người sắp bầu bà Le Pen cũng sẽ chỉ bầu vì dị ứng với Macron. Nói khác đi lần này người Pháp bầu để chống đối chứ không bầu vì tán thành. Cách bầu tiêu cực này sẽ có kết quả là làm cho chính trị Pháp trở thành bấp bênh ; dù Macron hay Le Pen thì tổng thống sắp tới của Pháp cũng sẽ là một tổng thống yếu vì thiếu hậu thuẫn của quần chúng.
Một thay đổi khác là lãnh tụ cực tả Jean-Luc Mélenchon được 22%, vượt xa 9 ứng cử viên khác và chỉ sau Marine Le Pen 1%. Chỉ cần một thay đổi nhỏ Macron sẽ gặp Mélenchon trong vòng chung kết và kết quả có thể rất khác vì, không như bà Le Pen, ông Mélenchon rất hùng biện và cũng khá được kính trọng. Có thể nói là Macron hú hồn. Cũng không phải chỉ có thế. Vài ngày trước cuộc bầu cử các cuộc thăm dò còn cho bà Valéry Pécresse (Đảng Cộng Hòa) được khoảng 10%, bà Anne Hidalgo (Đảng Xã Hội) 2%, ông Yannick Jadot (Đảng Xanh) 8%. Cả ba người này được coi là ôn hòa.
Nhưng rồi họ chỉ được 4,8%, 1,8% và 4,6%, thua cả Eric Zemmour, một ứng cử viên cực hữu quá khích, được 7,1%. Nói chung ba ứng cử viên ôn hòa này đã mất khoảng 8%. Chắc là vào phút chót, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của bà Le Pen và ông Mélenchon, các cử tri ôn hòa đã lo âu và dồn phiếu cho Macron thay vì bầu cho ba vị này. Nếu không có phản xạ "bầu an toàn" này rất có thể Macron đã bị loại và vòng chung kết có thể sẽ diễn ra giữa hai ứng cử viên cực tả và cực hữu.
Thay đổi quan trọng nhất mà giờ này nhiều người chưa ý thức được là sự sụp đổ của hai đảng truyền thống Cộng Hòa và Xã Hội đã thay phiên nhau lãnh đạo nước Pháp từ hơn một thế kỷ qua. Sụp đổ chứ không chỉ suy yếu. Ứng cử viên Đảng Cộng Hòa Valéry Pécresse chỉ được 4,8%, ứng cử viên Đảng Xã Hội Anne Hidalgo chỉ được 1,8%. Cả hai đều ở dưới mức 5% để có thể được nhà nước bồi hoàn chi phí tranh cử. Cả hai đảng đều đã phá sản.
Dân trí thấp là hậu quả tự nhiên và đất nước mất định hướng. Ảnh minh họa cuộc Cách mạng Pháp 1879 đã đưa xã hội Pháp từ chế độ vua chúa cũ sang cộng hòa.
Một tương lai đầy bất trắc
Nước Pháp sắp bắt đầu một giai đoạn bấp bênh. Lý do là vì chế độ tổng thống của Pháp khá phức tạp, có cả tổng thống lẫn thủ tướng nắm quyền hành pháp nhưng cũng không hẳn là một chế độ bán tổng thống. Quyền hành của tổng thống Pháp tùy thuộc rất nhiều vào sự kiện ông hay bà ấy có được đa số trong Quốc hội hay không. Nếu có thì tổng thống Pháp còn có nhiều quyền hơn cả tổng thống Mỹ và thủ tướng không khác một chánh văn phòng của tổng thống và có thể bị thay thế bất cứ lúc nào tùy tổng thống, tóm lại không khác gì một chế độ tổng thống thuần túy. Nếu không thì phần lớn quyền hành pháp sẽ nằm trong tay một thủ tướng có thể đối lập với tổng thống và vai trò tổng thống chỉ còn là nghi lễ, không khác các chế độ đại nghị. Tình trạng tổng thống và thủ tướng thuộc hai đảng khác nhau và chống nhau mà người Pháp gọi là cohabitation (chung sống) đã xảy ra hai lần trong quá khứ. Để tránh tình trạng này hiến pháp Pháp đã được sửa đổi năm 2000, nhiệm kỳ tổng thống được rút xuống còn 5 năm như nhiệm kỳ Quốc hội và Quốc hội được bầu ngay sau tổng thống. Như thế thông thường người dân có khuynh hướng bầu cho các ứng cử viên dân biểu thuộc đảng của vị tổng thống mà họ vừa tín nhiệm. Tình trạng cohabitaion nhờ vậy đã không còn xảy ra từ 20 năm qua.
Nhưng lần này nó có thể lại tái diễn và tái diễn trong những điều kiện khó khăn hơn hẳn.
Marine Le Pen nếu đắc cử chắc chắn sẽ không có đa số hay ngay cả một thiểu số đáng kể trong Quốc hội vì đảng của bà trải rộng trên cả nước và cũng bị thiểu số trên hầu hết mọi vùng, những người đã bầu cho bà chỉ vì ghét ông Macron hơn ghét bà không còn lý do để bầu cho ứng cử viên Tập Hợp Quốc Gia ở cấp địa phương. Ngược lại các cử tri Cộng Hòa và Xã Hội đã bầu Macron chỉ để tránh tai họa Le Pen cũng không còn lý do để bầu cho các ứng cử viên thuộc Đảng Nước Cộng Hòa Đi Tới (La République En Marche hay LaREM) của Macron, một đảng chỉ mới do Macron thành lập khi ra ứng cử tổng thống năm 2017, gồm toàn những người không có cả kinh nghiệm lẫn thành tích chỉ dựa vào hào quang của Macron. Đảng này nhờ Macron đã giành được đa số trong Quốc hội năm 2017 nhưng sau đó lủng củng nội bộ và gần đây mất đa số sau khi nhiều dân biểu ly khai. Lần này hào quang Macron không còn, hy vọng giành được đa số của nó rất mỏng manh.
Hai đảng truyền thống lớn Cộng Hòa và Xã Hội tuy vẫn còn rất mạnh tại các địa phương vì đã ăn rễ lâu đời -như họ đã chứng tỏ trong cuộc bầu cử chính quyền vùng không đầy một năm trước đây trong đó cả đảng RN của Le Pen lẫn đảng LaREM của Macron đều đại bại không thắng được một vùng, thậm chí một tỉnh nào- nhưng sau thất bại bi đát vừa rồi cũng chỉ hy vọng mỗi đảng được một số ghế vừa phải.
Tóm lại, có nhiều triển vọng là trong Quốc hội sắp tới của Pháp sẽ không có đảng nào có đa số để áp đặt một thủ tướng. Dự đoán hợp lý nhất là Macron vẫn sẽ có một số khá đông dân biểu nhưng sẽ phải thỏa hiệp với các chính đảng khác và không còn toàn quyền bổ nhiệm và giải nhiệm thủ tướng như trước nữa, nghĩa là trên thực tế phải chấp nhận chuyển giao phần lớn quyền hành pháp cho một thủ tướng đứng đầu một chính phủ liên hiệp, vị thủ tướng này có thể không thuộc đảng LaREM của ông và không phục tùng ông nhưng cũng không có toàn quyền vì phải luôn luôn dung hòa lập trường của các đảng thành viên của liên hiệp. Chính trường Pháp sẽ rất bấp bênh. Macron sẽ chủ yếu có vai trò nghi lễ không khác bao nhiêu một tổng thống trong một chế độ đại nghị, một vai trò không mấy phù hợp với ông. Rất có thể nước Pháp sẽ phải trải qua một giai đoạn xét lại định chế chính trị dài và khó khăn.
Một kết hợp chính trị lớn chỉ có thể thành lập và tồn tại nếu đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị chung.
Quan trọng hơn hết
Trở lại với sự kiện quan trọng nhất, có thể nói là nghiêm trọng nhất, trong cuộc bầu cử tổng thống vòng đầu ngày 10/4 vừa qua : sự sụp đổ bi thảm của hai đảng truyền thống Cộng Hòa và Xã Hội đã thay phiên nhau lãnh đạo nước Pháp từ hơn một thế kỷ.
Nguyên nhân trực tiếp là họ đã quá chia rẽ ; nhiều nhân vật nổi trội trong đảng đã công khai ủng hộ Macron thay vì ứng cử viên của đảng mình, những người khác thì phần lớn hoặc lên tiếng phản bác hoặc giữ im lặng. Hai cựu tổng thống Sarkozy (Cộng Hòa) và Hollande (Xã Hội) không hề có một lời ủng hộ ứng cử viên của đảng mà họ từng lãnh đạo.
Câu hỏi mà nhiều người có thể đặt ra là "phải chăng họ không biết chia rẽ như thế là thất bại chắc chắn ?". Câu trả lời là họ thừa biết như vậy vì họ đều là những người hoạt động chính trị có kiến thức cao và kinh nghiệm dày nhưng họ không thể đoàn kết. Câu hỏi này cũng tương tự như câu hỏi mà nhiều người Việt Nam thường đặt ra là tại sao những người muốn dân chủ cho đất nước không đoàn kết lại để có một tổ chức mạnh thay vì cứ mạnh ai nấy làm hoặc trong những nhóm nhỏ cứ hợp rồi lại tan ? Phải chăng họ không biết rút kinh nghiệm của công lao phí uổng trong 47 năm qua ? Câu trả lời cũng tương tự : họ biết và biết rõ nhưng họ không thể đoàn kết.
Tại sao ? Lý do là vì một kết hợp chính trị lớn chỉ có thể thành lập và tồn tại nếu đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị chung. Đồng thuận đó chỉ có thể là thành quả của một cố gắng nghiên cứu và thảo luận khó khăn trong nhiều năm. Cố gắng này chỉ có được trong hai trường hợp : một là để có thể giành được hoặc giữ được chính quyền, hai là để thực hiện một lý tưởng đúng đến độ xứng đáng để nhiều người lấy làm mục tiêu của đời mình.
Hoạt động chính trị tại các nước dân chủ thuộc trường hợp thứ nhất và chế độ tổng thống -chế độ trong đó vị tổng thống do dân trực tiếp bầu ra và có toàn quyền- hoặc ngăn cản sự thành hình của các chính đảng lớn như tại các nước chưa phát triển hoặc làm sụp đổ các chính đảng lớn nếu đã sẵn có như tại Mỹ và Pháp hiện nay. Đề tài này cần một cuộc thảo luận riêng, ở đây ta có thể tóm tắt như sau : khi mọi quyết định thuộc về một người thì không thể có thảo luận nghiêm túc để đi đến một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị chung. Thảo luận gay go và liên tục trong nhiều năm để làm gì khi mà quyền quyết định chỉ tùy thuộc một người ? Và khi đã không có tư tưởng và dự án chính trị chung thì không thể có chính đảng lớn.
Sự thiếu vắng các chính đảng lớn đe dọa tương lai của quốc gia bởi vì các chính đảng vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến vừa, qua các đảng viên, là hàng trăm nghìn hay hàng triệu cỗ xe chuyên chở các ý kiến đó tới quần chúng. Không có các chính đảng lớn thì các thảo luận dù phẩm chất cao tới đâu cũng chỉ quanh quẩn ở các trường đại học, các viện nghiên cứu và các câu lạc bộ trí thức. Dân trí thấp là hậu quả tự nhiên và đất nước mất định hướng. Điều này có thể thấy rõ trong cả hai chế độ tổng thống tại Mỹ và Pháp, hai nước dân chủ hàng đầu thế giới. Giữa lúc mà cuộc chiến thảm khốc và vô đạo tại Ukraine do tên côn đồ Putin gây ra làm hàng trăm nghìn người chết, hơn 10 triệu người phải chạy loạn và đe dọa an ninh của toàn thế giới đa số cử tri Mỹ và Pháp đã chỉ quan tâm trước hết tới giá xăng.
Một lời sau cùng cho Việt Nam.