Xung đột Nga - Ukraina : Việt Nam trong thế kẹt và cẩn trọng với Trung Quốc

Ngày 24/02/2022, Việt Nam lên tiếng « hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraina »« kêu gọi các bên lên quan kiềm chế », « không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình ». Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chỉ đưa ra lời kêu gọi chung chung, tránh lên án Nga, đồng minh lớn nhất của Hà Nội. 

https://s.rfi.fr/media/display/7c4d0846-97ee-11ec-9cf9-005056a90321/w:1280/p:16x9/AP21334555327581-1.webp

Việc Nga tấn công Ukraina có đẩy Việt Nam vào thế khó xử không ? Hà Nội có phải đề phòng những nguy cơ tương tự trong tương lai với nước láng giềng Trung Quốc ? RFI Tiếng Việt phỏng vấn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Quân sự Pháp (IRSEM), về chủ đề này :

*****

RFI : Trước việc Nga dồn quân tấn công Ukraina, kêu gọi quân đội đảo chính và liệt tổng thống Zelensky là « kẻ thù số 1 » cần triệt hạ, Hà Nội cho biết « hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraina ». Ông nhận định như nào về tuyên bố này ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết, chính phủ Việt Nam đang ở trong thế khó. Nga là đồng minh chiến lược hàng đầu của Việt Nam. Hà Nội có thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Matxcơva và đây là một trong ba thỏa thuận như vậy mà Việt Nam ký, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Nga và Việt Nam thực sự ở cấp hợp tác chiến lược rất quan trọng.  

Nhưng song song đó, người ta lại thường quên là Việt Nam cũng có mối quan hệ rất chắc chắn với Ukaina. Về mặt thương mại, Ukraina là một thị trường quan trọng cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang châu Âu và cũng là quốc gia mà Việt Nam có mối quan hệ chiến lược hữu hảo. Một phần công nghiệp quốc phòng của Liên Xô cũ nằm trên lãnh thổ Ukraina, có nghĩa là của Ukraina hiện nay.

Đúng là Việt Nam đang ở thế khó trong cuộc khủng hoảng này vì Việt Nam có lợi ích từ cả hai bên. Trong bối cảnh này, đối với Hà Nội, tìm cách chọn phe là điều không thể được. Cần biết là một phần vũ khí của Việt Nam từ những năm 1990 được hiện đại hóa nhờ các nhà công nghiệp Ukraina. Sự hiện diện này còn nằm ở chỗ rất nhiều lãnh đạo Việt Nam đã sống và tu nghiệp ở Ukraina và duy trì quan hệ cá nhân với nhiều nhân vật chủ chốt Ukraina. Nếu nhìn từ khía cạnh này, tình hình đúng là phức tạp cho Hà Nội.  

Ngoài ra, hiện giờ cũng phải xem cuộc xung đột Nga-Ukraina có ý nghĩa như thế nào ở Đông Nam Á. Tại khu vực này, Nga là một nước xa xôi. Hơi khác với Việt Nam, nước Cộng Hòa Dân Chủ non trẻ được Liên Xô công nhận từ tháng 01/1950 khi còn đang chống thực dân Pháp, có mối quan hệ cụ thể với Nga, tương tự với Lào và Cam Bốt, thì đối với phần còn lại của khối ASEAN, người ta thấy phản ứng tương đối bối rối, mập mờ hoặc giảm nhẹ đi tầm quan trọng. Trên thực tế, Nga không hiện diện về thương mại, cũng ít hiện diện về quân sự ở Đông Nam Á, ngoài Việt Nam. Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina đặt ra hàng loạt câu hỏi, trước hết về tác động đến những nền kinh tế trong vùng, về tác động có thể dẫn đến công việc sơ tán công dân những nước này sống ở Ukraina.  

Cho nên, đối với Hà Nội, khủng hoảng Ukraina liên quan trước tiên đến những hậu quả kinh tế đối với kinh tế Việt Nam. Tôi muốn nhắc lại lần nữa đến mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa Việt Nam và Ukraina. Chúng ta thấy là thị trường chứng khoán ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã sụt giảm mạnh ngay khi Nga bắt đầu xâm chiếm Ukraina. Tiếp theo là làm thế nào bảo vệ cho khoảng 5.000 công dân Việt Nam sống ở Ukraina, đặc biệt là ở những vùng bị tấn công trực tiếp. Ví dụ, có khoảng 100 Việt kiều sống ở Donetsk, con số này còn nhiều hơn ở thành phố Kharkov và Odessa, cũng như ở những vùng bị quân đội Nga oanh kích. 

Vì thế Việt Nam phải đối mặt với một vấn đề thực sự, trước hết là xem xét tác động về kinh tế, giải quyết vấn đề an ninh cho kiều bào, tiếp theo là phải duy trì được mối quan hệ lịch sử đang khiến chính phủ Việt Nam lâm vào thế phức tạp để có lập trường thẳng thắn, rõ ràng về xung đột Nga-Ukraina.  

RFI : Đối với phương Tây, Nga là kẻ xâm lược nước láng giềng Ukraina. Nhưng Trung Quốc không coi như vậy và kêu gọi hai bên đàm phán trong khi Bắc Kinh và Matxcơva dường như đang hình thành một trục mới. Nhìn vào hệ quả từ bối cảnh hiện nay, Việt Nam có lý do để lo ngại với Trung Quốc không ?   

Benoît de Tréglodé : Để Nga xâm lược Ukraina mà không can thiệp là trao cho Trung Quốc quyền tự do hành động. Đây có lẽ phần nào là cách nhìn của Việt Nam về cuộc xung đột này : Đây là một cuộc xung đột gián tiếp. Dĩ nhiên vấn đề an ninh tập thể châu Âu khá là xa vời với Đông Nam Á hoặc ở châu Á, nhưng đối với phần lớn các nước trong vùng, sự kiện này dẫn đến việc suy nghĩ về cách thức phương Tây phản ứng trong kiểu xung đột đó, về ý nghĩa của những liên minh đang được đàm phán. Ở đây, cần phải nhắc đến khuôn khổ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, cạnh tranh thương mại và chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và trong bối cảnh cả hai cường quốc lớn nhất thế giới đang tìm cách biến Đông Nam Á thành vùng đệm.  

Chúng ta thấy phản ứng của tất cả các nước Đông Nam Á là luôn cổ vũ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, khuyến khích Nga và Ukraina nối lại đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế. Có thể thấy đó là kiểu phản ứng rất thận trọng. Cũng đừng quên cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina năm 2014 với việc Kiev mất bán đảo Crimée, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vô cùng kín tiếng. Hiện nay, Hà Nội cũng không thể công khai lên án sự can thiệp quân sự của Nga do mối quan hệ giữa Hà Nội và Matxcơva. Nhưng đây cũng là cơ hội đánh giá mối quan hệ đối tác an ninh giữa Nga và Trung Quốc khiến Việt Nam ngày càng lo lắng từ vài năm gần đây.

Hiện đang có một cuộc tranh luận thực sự ở cấp vùng về vấn đề Ukraina và Nga nhưng tách hẳn khỏi những hoạt động mang tính quân sự ở châu Âu. Điều mà nhiều nước Đông Nam Á, cũng như Việt Nam, đang chú ý là xuất hiện một trật tự quốc tế mới đang được hai cường quốc hiện nay là Trung Quốc và Nga thảo luận và trên thực tế, trật tự này bác trật tự truyền thống và lịch sử. Việt Nam và nhiều quốc gia khác sợ bị bắt làm con tin trong những thay đổi đó.  

RFI : Hiện có một số ý kiến nêu những điểm tương đồng về vị trí địa lý giữa Việt Nam và Trung Quốc với trường hợp Ukraina và Nga để giải thích nguy cơ tiềm tàng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, thực tế quân sự tại đây không như ở châu Âu, ví dụ không có NATO. Xin ông giải thích thêm về điểm này ! 

Benoît de Tréglodé : Phạm vi hoạt động ở châu Âu và Đông Nam Á hoàn toàn khác nhau. Điểm tương đồng duy nhất giữa hai phần này của thế giới là đều có sự hiện diện của một cường quốc lớn về chính trị, quân sự và địa lý , viện cớ “mối quan hệ lịch sử cổ xưa” trong cách xử lý quan hệ với các nước láng giềng.  

Đó là điểm duy nhất kết nối trường hợp Ukraina và Nga với trường hợp Trung Quốc và toàn bộ vùng Đông Nam Á. Còn lại là hoàn toàn khác. Chị nêu trường hợp NATO là vấn đề trọng tâm trong cạnh tranh giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu hiện nay với việc Ukraina bị mắc kẹt trong chính sách quốc phòng và ảnh hưởng giữa hai khối lớn. Trường hợp này hiện không xảy ra ở Đông Nam Á.

Nhưng nhìn một cách khác, cũng có thể liên tưởng đến quá trình thảo luận chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đang diễn ra với ý đồ của Mỹ, cũng như của Trung Quốc, duy trì sức ảnh hưởng ở Đông Nam Á, trong khi các nước ASEAN phần nào muốn giữ trung lập, điều được ghi trong chính sách đối ngoại của họ. Thế trung lập này cũng được ghi trong chính sách quốc phòng của Việt Nam. Tôi xin nhắc lại chính sách “4 Không” trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam, theo đó mọi khái niệm liên minh quân sự buộc Việt Nam chọn phe là hoàn toàn vi hiến và là điều không thể.

Dĩ nhiên những gì đang diễn ra ở Ukraina gây nhiều hậu quả và được các nước Đông Nam Á lo lắng theo dõi, nhưng theo hướng là trong tương lai, Trung Quốc sẽ tìm ra cớ gì hợp pháp nếu cần can thiệp vào những nước láng giềng, chứ không hẳn là về tình hình an ninh đang xấu đi ở châu Âu vì điều này tương đối xa vời đối với những nước này.

RFI : Tổng thống Zelensky bất bình vì Ukraina hiện một mình chống “kẻ thù” Nga. Trường hợp của Ukraina càng giúp củng cố lập trường không nên quá xích lại gần với Mỹ hoặc với bất kỳ liên minh quân sự nào chống Trung Quốc, cũng như chính sách “4 Không” của Việt Nam ?  

Benoît de Tréglodé : Phản ứng của Bắc Kinh, cũng như của ngoại trưởng Vương Nghị ở Hội nghị An ninh Munich tuần trước, được Việt Nam chú ý lắng nghe. Phía Trung Quốc đưa ra lập luận là Hoa Kỳ can thiệp quá nhiều về mặt an ninh trong cuộc khủng hoảng này và làm gia tăng khủng hoảng. Do đó, tôi muốn nhắc lại rằng đối với Việt Nam, xích lại gần phe này hay phe khác đều đi ngược với chiến lược của nước này nếu như chúng ta nhìn vào lịch sử từ 70 năm qua của Việt Nam, kể từ sau Thế Chiến II. Có bằng chứng rõ ràng đối với trường hợp điển hình là cuộc xung đột Ukraina là điều này cũng có thể nguy hiểm cho Việt Nam.  

Vì thế, tôi nghĩ rằng đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng ở Ukraina sẽ không củng cố cho khả năng lôi kéo hay huy động các nước vẫn còn chút lo lắng hoặc do dự về ý định can thiệp vào những cuộc xung đột mà không liên quan đến họ. Điều quan trọng tiếp theo là trong văn hóa chính trị của phần lớn các nhà lãnh đạo những nước này, cũng như trong công luận, họ thực sự nghĩ rằng một Nhà nước phải có phương tiện can thiệp hoặc tự vệ trong trường hợp cần thiết và trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trong trường hợp bị tấn công. Tất cả những yếu tố này được lý giải, khiến các nước Đông Nam Á cảm thấy ít liên quan nhất có thể và đưa ra lập trường gần như trung lập bằng cách nhắc đến luật pháp quốc tế cho dù kiểu can thiệp này, như Nga tấn công Ukraina, thách thức tính chính đáng.

RFI : Việc Nga điều quân tấn công Ukraina có trở thành tiền lệ cho Trung Quốc trong tương lai ?  

Benoît de Tréglodé : Có lẽ không nên đưa ra những kết luận quá dễ dãi như vậy. Chắc chắn là đối với các nhà hoạch định chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cuộc chiến hiện nay ở Ukraina là một trường hợp nghiên cứu thực tế lớn, như một kiểu « trò chơi chiến tranh » (war games), cho phép họ hiểu được các nước trên thế giới có lập trường như thế nào về kiểu vấn đề địa chính trị này.

Châu Á hoàn toàn có lý khi chú ý theo dõi, nhưng không phải là về tình hình chiến sự mà để xem các nước khác, kể cả phương Tây, phản ứng như thế nào về kiểu can thiệp đơn phương, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, cũng như việc phương Tây có thể sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp xảy ra xung đột ở châu Á trong tương lai.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân Sự Pháp (IRSEM).

Nguồn tin RFI Tiếng Việt