Trật tự thế giới mới sau cuộc chiến Putin-Ukraine
Ngày 25/03/2022 Nga tuyên bố hoàn thành giai đoạn một của 'chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine' và sẽ tập trung lực lượng để 'giải phóng vùng Donbass'. Đây là sự thú nhận thất bại của Putin sau hơn một tháng xâm lược Ukraine. Tuy nhiên tiến thì dễ nhưng rút thì rất khó, liệu quân đội Ukraine có để Putin rút lui trong trật tự và suôn sẻ hay không lại là một chuyện khác. Có thể Ukraine sẽ nhân cơ hội này giải phóng luôn vùng Donbass đang bị phe ly khai chiếm giữ. 'Cục xương' cho một hiệp ước hòa bình giữa Putin và Ukraine là bán đảo Crimea bị Nga sát nhập vào lãnh thổ hồi năm 2014. Zelensky không thể đồng ý nhường cho Nga hòn đảo này vì như thế sẽ là tội đồ của dân tộc nhưng cũng không thể tấn công chiếm lại hòn đảo này vì như thế là tuyên chiến với Nga.
'Cục xương' cho một hiệp ước hòa bình giữa Putin và Ukraine là bán đảo Crimea bị Nga sát nhập vào lãnh thổ hồi năm 2014.
Tương lai của Putin rất đen tối, tiến không được, lùi cũng không xong. Càng chậm rút quân khỏi Ukraine chừng nào thì càng sa lầy nặng chừng ấy. Rút lui cũng không dễ, Ukraine sẽ thừa thắng xông lên. Các biện pháp cấm vận của Mỹ và các nước dân chủ cũng không thể tháo gỡ một sớm một chiều. EU đã lên kế hoạch để chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng của Nga một cách dứt khoát và rõ ràng. Đức sẽ giảm nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga 1/3 trong mùa hè này, 2/3 đến cuối năm và sẽ chấm dứt hoàn toàn muộn nhất là năm 2030. Mỗi ngày EU trả cho Nga 600 triệu Euro (khoảng 700 triệu USD). Đây là một khoản tiền rất lớn và quan trọng đối với nước Nga.
Trước khi nổ ra cuộc chiến Putin-Ukraine, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định rằng thế giới sẽ phải xét lại tiến trình Toàn cầu hóa và chủ nghĩa Tân phóng khoáng, là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự trỗi dậy của hai cường quốc độc tài Nga và Trung Quốc. Chúng cũng là nguyên nhân gây ra làn sóng dân túy và cuộc chiến của Putin. Thế giới đang phải trả giá cho những sai lầm chết người đó.
Mỹ và các nước dân chủ đã tìm mọi cách để tránh né chiến tranh với Nga và Trung Quốc nhưng rồi chiến tranh vẫn xảy ra và không ai biết được nó sẽ kết thúc như thế nào. Putin phần nào 'có lý' khi cho rằng 'nước Nga đang bị đe dọa'. Tuy nhiên mối đe dọa đó không phải đến từ Mỹ, NATO hay Ukraine mà là từ làn sóng dân chủ đang trào dâng trên khắp thế giới.
Cuộc chiến của Putin là nỗ lực 'tự vệ' cuối cùng của các chế độ độc tài trước làn sóng dân chủ. Trung Quốc, một đồng minh ý thức hệ của Nga, đáng ra phải tham chiến và chia lửa cho Putin như Nhật và Ý đã làm với Đức quốc xã trong thế chiến Hai. Tuy nhiên Trung Quốc gần như bỏ rơi Putin mặc dù không công khai thừa nhận. Các chế độ độc tài không hùng mạnh như nhiều người lo sợ. Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin đã cho cả thế giới thấy được sự yếu kém của một cường quốc quân sự.
Số phận của Trung Quốc và Tập Cận Bình cũng không khá hơn Nga và Putin bao nhiêu.
Cuộc chiến của Putin cũng đã đặt dấu chấm hết cho phong trào Toàn cầu hóa (không kiểm soát) và chủ nghĩa Tân phóng khoáng. Thế giới đang sửa chữa sai lầm bằng cách ủng hộ tối đa và toàn diện cho Ukraine để đánh gục chế độ toàn trị của Putin. Phong trào toàn cầu hóa sẽ được thay thế bằng phong trào dân chủ hóa. Số phận của Trung Quốc và Tập Cận Bình cũng không khá hơn Nga và Putin bao nhiêu. Các nước dân chủ sẽ không thách thức và đe dọa Trung Quốc nhưng họ sẽ dần dần chấm dứt làm ăn và giao thương với Trung Quốc. Một luật chơi mới, một trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập đó là các nước dân chủ chỉ hợp tác và giao thương với nhau hoặc với các nước đồng minh đang chuyển đổi thành tâm về dân chủ. Mọi hợp tác với các nước độc tài sẽ chấm dứt hoặc chỉ ở mức tối thiểu.
Đức là một trong những nước hưởng lợi rất lớn trong giao thương với Nga. Nguồn cung cấp năng lượng từ Nga vừa dồi dào, vừa gần, vừa rẻ. Thế nhưng Đức đã cùng EU lên kế hoạch chấm dứt nhập khẩu năng lượng từ Nga. Họ sẽ mua của Mỹ hoặc các nước Ả Rập, dù giá cao nhưng ổn định và không phụ thuộc hay bị bắt chẹt. Sẽ không còn chuyện cứ đâu bán rẻ là mua như trước đây. Các nhà máy thiết yếu sẽ được chuyển về chính quốc để tránh phụ thuộc vào các biến động trên thế giới. Với trọng lượng kinh tế chiếm gần 85% của thế giới các nước dân chủ hoàn toàn có thể làm được điều đó.
Trung Quốc và các nước độc tài sẽ rất khốn đốn khi kinh tế xuống dốc không phanh. Bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào cũng có thể dẫn đến bất ổn về chính trị. Trung Quốc đang co cụm lại trước khi tan vỡ và không còn khả năng đe dọa bất cứ ai. Thái độ 'hiền lành' của Trung Quốc trong cuộc chiến của Putin với Ukraine cho thấy rõ sự co cụm đó.
Trung Quốc và các nước độc tài sẽ rất khốn đốn khi kinh tế xuống dốc không phanh.
Đảng cộng sản Việt Nam sẽ rất bi đát khi giao thương với các nước dân chủ giảm sút. Như chúng tôi đã nhiều lần phân tích, sở dĩ Việt Nam được Mỹ và phương Tây ưu ái vì họ muốn kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo của Trung Quốc và để chống lại âm mưu xâm chiếm biển Đông của Trung Quốc. Khi mối đe dọa từ Trung Quốc không còn nữa thì thế giới không còn lý do gì để o bế Việt Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam quá thiển cận nên đã không nhận ra điều đó, họ vẫn cứ tiếp tục đu dây, lắc lư theo chiều gió với đường lối 'ngoại giao cây tre'. Nga và Trung Quốc không còn là chỗ dựa cho Việt Nam vì họ còn không thể lo cho chính họ. Sẽ đến lúc Đảng cộng sản Việt Nam phải năn nỉ để được đứng về phe dân chủ. Muốn thế thì họ phải dân chủ hóa đất nước. Đây là việc nằm ngoài khả năng của họ.
Sức ép của xã hội Việt Nam lên Đảng cộng sản sẽ rất lớn. Việt Nam không thể đóng cửa và quay lại thời bao cấp. Dù vậy nhiệm vụ dân chủ hóa Việt Nam phải do chính người Việt Nam đảm nhận. Sẽ không có ai giúp Việt Nam làm điều đó. Những người Việt Nam giàu có cũng như các đảng viên Đảng cộng sản có nhiều tài sản sẽ bị ảnh hưởng và mất mát rất lớn nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng hay một cuộc cách mạng đường phố tại Việt Nam. Quyền lợi càng nhiều thì trách nhiệm càng lớn. Muốn hạ cánh an toàn và đảm bảo được tương lai thì họ phải ủng hộ cho một tổ chức chính trị dân chủ đứng đắn và có trách nhiệm để có thể chuyển hóa Việt Nam về dân chủ một cách êm thấm trong hòa bình.
Việt Hoàng
(30/03/2022)