Chiến tranh Ukraina làm tăng giá phân bón, gây khó khăn cho nông dân Việt Nam
Như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Đại học Victoria, Wellington, New Zealand, được trang DW trích dẫn ngày 21/03/2022, cũng như các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam bị tác động gián tiếp của chiến tranh Ukraina, từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cho đến giá năng lượng và lương thực tăng cao, nhất là nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tác động từ những cú sốc bên ngoài.
Đầu tiên là tác động đến dầu khí, lĩnh vực mà nước Nga vẫn có nhiều hợp tác với Việt Nam. Dầu thô đã tăng giá hơn 30% kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina, kéo theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nặng nề chưa từng có đối với Matxcơva. Ngành dầu khí Việt Nam tuy hưởng lợi về giá, nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng, nhưng, theo hãng tin Reuters, Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam gần đây đã cảnh báo là chiến tranh Ukraina đe dọa đến các hoạt động khai thác dầu mỏ ở Việt Nam, quốc gia mà cho tới nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị năng lượng của Nga.
Hiện giờ, khoảng một phần ba sản lượng dầu thô của Việt Nam là được sản xuất bởi công ty Vietsovpetro, với 49% vốn là của công ty Nga Zarubezhneft và 51% là của PetroVietnam. Theo PetroVietnam, ngành năng lượng Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thiết bị của Nga, nên sẽ gặp phải những khó khăn, rào cản trong tương lai, nếu chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Việc phát triển mỏ và khoan thăm dò tại một số mỏ dầu có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Reuters trích lời ông Trần Hồng Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) nhận định, với xung đột Nga - Ukraina leo thang như hiện nay, “sẽ khó dự báo được về lạm phát, chi phí tăng, khủng hoảng kinh tế, nhu cầu tiêu thụ giảm sút, ảnh hưởng đến các hợp tác trong lĩnh vực năng lượng…”
Chiến tranh Nga-Ukraina còn tác động đến thị trường phân bón toàn cầu, bởi vì Nga cũng là nhà cung cấp phân bón lớn chiếm khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Theo báo chí trong nước, tình hình này sẽ khiến giá phân bón ở Việt Nam tăng cao trong thời gian tới, nhất là vì các tỉnh phía Nam Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4, còn các tỉnh phía Bắc đã vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng dần.
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 18/03/2022, giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ, một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam giải thích:
“ Phân hóa học mà chúng ta sử dụng được sản xuất được từ khí trời, cộng với khí thải của nhà máy chế biến dầu hỏa. Từ phụ phẩm là hai khí đó mới tổng hợp thành armonia. Khí amonia còn tổng hợp với khí cacbonic cho ra chất urê. Như vậy phân urê là một phó sản của dầu hỏa. Cho nên khi giá dầu tăng thì giá phân bón cũng tăng theo, khiến cho những nông dân vốn vẫn “ghiền” phân hóa học phải chịu cảnh giá phân tăng lên, ví dụ như phân urê bây giờ đã tăng gấp 3 lần rồi. Phân DAP cũng tăng theo như thế.
Những người nông dân sử dụng phân hóa học đang khổ sở vì giá thành của một kg lúa tăng lên rất cao, nhưng giá bán lúa gạo không tăng theo kịp như thế, cho nên tiền lời của nông dân bị thấp.
Ngoài ra, phần lớn gạo xuất khẩu là đi bằng tàu, chi phí vận chuyển bằng tàu sẽ tăng lên, bởi vì bây giờ những gì dính đến máy móc, chuyên chở đều sẽ tăng giá hết và điều này gây thiệt hại cho người sản xuất. Người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại một phần, tại vì hàng sang tới bên kia bến cảng thì người mua phải cộng thêm phí chuyên chở, tức là giá bán bên kia sẽ cao hơn. Trong khi mình bên đây thì giá bán chưa được cao theo mức tăng của xăng dầu, phân bón.”
Chiến tranh Ukraina còn ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cung cấp gỗ cho Việt Nam. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam ( VIFOREST ) trong một báo cáo gần đây đã cảnh báo là do tác động từ chiến tranh Nga-Ukraina, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh "khốc liệt" với doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở thị trường Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ.
Nga đang là quốc gia cung cấp một lượng lớn gỗ nguyên liệu cho thị trường thế giới. Nga cũng là nguồn cung gỗ xẻ lớn nhất trên thế giới và đứng thứ 7 về giá trị xuất khẩu gỗ. Các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đang phải nhập một lượng lớn gỗ xẻ từ Nga.
Đối với Việt Nam, việc xuất nhập khẩu một số mặt hàng nông sản cũng bị ảnh hưởng lây từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, như nhận xét của giáo sư Võ Tòng Xuân:
“ Có những cái mình bị thiệt thòi vì mình không xuất được cho Nga, ví dụ như Nga bán cho mình gỗ nguyên liệu, mình lấy gỗ đó chế biến thành đồ trang trí, bàn ghế, giường tủ…. rồi mình xuất khẩu hàng đó sang Nga trở lại. Nga thì vẫn mua, còn ví dụ như bên Mỹ cũng nhập của mình, nhưng bây giờ họ nói nguyên liệu của hàng này xuất phát từ bên Nga, nên họ không mua nữa.
Trong khi đó mình phải nhập nhiều bột mì của Nga và của Ukraina, thậm chí đậu nành cũng phải nhập từ Ukraina, do thanh toán tiền bạc không được nên không nhập được bột mì từ Ukraina và Nga. Hiện giờ, Việt Nam đang tìm hướng nhập từ bên Úc, nhưng Úc thì chắc là giá mắc hơn.”
Trang mạng Geopolitical Monitor ( Giám sát địa chính trị ) ngày 10/03 cũng ghi nhận, tuy Nga không phải là một trong những thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, nhưng các lệnh trừng phạt thương mại sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, trong đó có cả các công ty đa quốc gia của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc ở Việt Nam, khi giao dịch trực tiếp với các nhà nhập khẩu Nga nay bị cắt đứt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Các nhà xuất khẩu sẽ gặp chậm trễ trong việc vận chuyển hàng và chi phí vận chuyển tăng cao do chiến tranh Ukraina.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị vạ lây vì chiến tranh Ukraina có hàng thủy sản. Trong lĩnh vực thủy sản, Nga chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam, nhưng lại là một trong những thị trường đang tăng trưởng mạnh. Hiện nay Nga đứng thứ thứ 9 về nhập khẩu tôm của Việt Nam.
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó trước căng thẳng do xung đột Nga-Ukraina khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Đài này trích lời ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tình hình chiến sự Nga - Ukraina khiến nhiều hãng tàu biển đã thông báo không vận chuyển container đi Nga vì những rủi ro liên quan. Bên cạnh đó, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống Swift ( Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế ) đã khiến cho tình hình xuất khẩu thủy sản sang Nga và Ukraina đều phải tạm dừng.
Xung đột Nga-Ukraina còn ảnh hưởng vận tải liên vận bằng đường sắt sang châu Âu. Trả lời Thông tấn xã Việt Nam ngày 08/03, ông Vương Khả Sơn, Trưởng Ban vận tải - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết, hàng hóa liên vận đường sắt quốc tế giữa Việt Nam và châu Âu theo lộ trình qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan để sang Đức và các nước Tây Âu có khả năng bị ảnh hưởng nếu đường sắt Ba Lan dừng vận chuyển qua biên giới với đường sắt Belarus.
Sau chuyến tàu khai trương sang châu Âu (Bỉ) vào tháng 7/2021, ngành đường sắt Việt Nam hàng tuần vẫn có khoảng 3 đoàn tàu chuyên vận chuyển container đi châu Âu. Đến nay, hình thức tàu liên vận quốc tế ngày càng phát triển, được nhiều khách hàng lựa chọn. Nhưng đà phát triển này như vậy là sẽ bị khựng lại do tình hình chiến sự Ukraina.
Nguồn tin RFI Tiếng Việt