Bỏ cọc : Đại gia đất đai vờn mặt chính quyền Sài Gòn (Nhiều tác giả)
Mùi này e là có mùi theo đàn, chờ ít bữa nữa khéo hai anh ấy lại làm cái tâm thư thống thiết "vì yêu nước, để bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, đưa lợi ích của xã hội, của tập thể lên trên" nên tự nguyện hy sinh lợi ích từ miếng đất", chấp nhận bỏ mấy trăm tỷ như Tân Hoàng Minh mà thôi !
Bỏ cọc Thủ Thiêm và sự phẫn nộ
của các bộ chủ quản - Diễn cả thôi quý vị ơi !
Tân Hoàng Tôn, RFA, 10/02/2022
Vài ngày qua lại thêm một doanh
nghiệp nữa bỏ cọc lô đất vàng Thủ Thiêm. Hai doanh nghiệp còn lại thì đã quá bốn
ngày chưa nộp xu nào (tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ, khoảng xấp xỉ 4.000
tỷ đồng/doanh nghiệp) cho Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị thu tiền).
Mùi này e là có mùi theo đàn, chờ
ít bữa nữa khéo hai anh ấy lại làm cái tâm thư thống thiết "vì yêu nước, để
bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, đưa lợi ích của xã
hội, của tập thể lên trên" nên tự nguyện hy sinh lợi ích từ miếng đất",
chấp nhận bỏ mấy trăm tỷ như Tân Hoàng Minh mà thôi !
Thiệt hết sức dzui ! Bề ngoài thì
cung kính thành tâm như Hoàng Thùy Linh đi xin quẻ bói đầu năm, nhưng bên
trong, đó là sự đắc chí không thể giấu vì đã lừa được luật pháp một vố to.
Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng, đề
nghị chỉnh sửa một số quy định pháp luật liên quan trong đấu giá đất. Bộ Tài
nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh theo lệnh của UBND
Thành phố đều đã ban hành các văn bản có nội dung rà soát và thắt chặt việc đấu
giá đất. Tuy nhiên, cũng như hàng tấn nghị quyết và văn bản tương tự, tôi cam
đoan tất cả những động thái ấy chỉ nhằm trấn an dư luận, gọi thẳng là chém gió,
không thể có tí hiệu quả nào thật sự nào.
Là bởi vì nguyên nhân cốt lõi của
việc trục lợi từ đất đai thì không Bộ nào, văn bản nào dám nhắc đến cả. Thậm
chí cả Thủ tướng, Tổng bí thư cũng không.
Đất đai là sở hữu toàn dân
nhưng Nhà nước quản lý !
Nó được quy định hẳn hoi trong Hiến
pháp Việt Nam 1992 rằng "đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện
quản lý".
Quyền quản lý của Nhà nước bao
trùm toàn bộ và triệt để, gồm :
- Quyết định mục đích sử dụng đất
thông qua việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
- Quy định về hạn mức giao đất và
thời hạn sử dụng đất ; quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép
chuyển mục đích sử dụng đất ; định giá đất.
- Quyền điều tiết các nguồn lợi từ
đất đai như thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ; thu thuế sử dụng đất, thuế
thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất ; điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất
mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.
- Trao quyền sử dụng đất (gồm
giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất).
- Quy định quyền và nghĩa vụ của
người sử dụng đất.
(Đọc mãi chỉ thấy quyền của ông
quản lý, còn quyền của Chính chủ chả thấy đâu cả).
Nhà nước lại chỉ là một thể thức
quản lý. Nói theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, chế độ hiện tại ở Việt Nam đã tuyển dụng
một hệ thống quan lại để vận hành Nhà nước. Tại sao ông dùng từ "quan lại"
mà không phải "công chức" như danh xưng trong các văn bản chính thống
? Đó là vì trong tâm thức người Việt, từ "quan lại" gắn liền với ngạn
ngữ "Một người làm quan cả họ được nhờ".
Cốt lõi của hệ thống quan lại đã
được chính những người sống lâu trong bộ máy chính quyền tổng kết chính xác là
"nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ".
Hệ thống quan lại xuất thân từ
quan lại này xác định rất rõ ràng và kiên định trách nhiệm của họ, đó là giữ vững
bằng mọi giá những đặc quyền đặc lợi mà gia đình họ đang hưởng, đồng thời luôn
cố gắng "tiến lên một tầm cao mới"
Nguồn lợi có từ đâu ? Từ mọi việc
kinh doanh, đầu tư của người dân và doanh nghiệp, mà lớn nhất, an toàn nhất
chính là nguồn tài nguyên của đất nước.
Như trích dẫn ở trên, hệ thống
quan lại vận hành Nhà nước được giao những quyền cực lớn định đoạt toàn bộ tài
nguyên đất đai, từ đó hình thành những đường dây, phe nhóm lợi ích chằng chịt
và thu lợi khủng khiếp. Dễ hiểu vì sao người dân sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để
chạy một vị trí làm việc trong Ủy ban cấp xã, huyện, hay sở ngành nào đấy. Là
vì chỉ khi ở trong bộ máy quản lý và trao quyền sử dụng đất đai, cụ thể hơn là
nằm trong các đường dây, với việc đầu tư quan hệ và lợi ích nhất định thì mới
được biết các thông tin giá trị hơn vàng. Đó là những thông tin quy hoạch, dự
phóng đường, giải tỏa, xây dựng…
Chỉ cần biết được thông tin hoặc
xuất sắc nhất là có quyền quy hoạch thì họ mua hàng loạt vị trí đất đai sẽ trở
thành có giá trị sau khi quy hoạch. Lúc ấy nó rẻ bèo. Khi thông tin quy hoạch
được công khai, đất đai tăng giá lên gấp chục lần, vài chục lần thì bán sang
tay. Chẳng cần đầu tư chất xám, sản xuất hay nghiên cứu gì nhưng giàu lên, đổi
đời cực chóng vánh. Làm ăn giỏi giang mấy cũng không lại.
Quý vị hãy xem lại hàng loạt đại
án liên quan đến tham nhũng trong những năm qua, có bao nhiêu vụ liên quan đến
đất đai ? Thậm chí các doanh nghiệp có tiếng (cả tiếng tăm lẫn tai tiếng) như
Vingroup cũng được gọi (mỉa) là doanh nghiệp có công nghệ lõi là bán đất.
Thế thì ai ngu mà đi công khai
minh bạch ?
Trong công văn 413 ngày
20/01/2022 do Bộ Xây dựng gửi các địa phương, tại điều 4, Bộ này yêu cầu :
"Tổ chức công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy
hoạch có liên quan, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các
dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập các
đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng
tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp".
Nghe rất hay, rất kiên quyết.
Nhưng chém gió thôi, chủ yếu để mị dân chút đỉnh (mới qua Tết nói gì nói) ! Sức
mấy đi làm. Bởi vì lợi nhuận quá lớn vỗ béo vô số thế hệ và gia tộc cầm quyền
chính trị ở Việt Nam trong hơn 50 năm qua là do chính chính thể này đẻ ra và
nuôi nấng. Nó phải sống chết để độc quyền. Chẳng có thể chế nào tự tay phải đi
chém tay trái như thế cả.
Cho nên, bất kể các chiến dịch củi
và lò rầm rộ nào thì cái khối lợi ích ấy vẫn đích thực là một khối cố kết thực
hiện triệt để nhất khẩu hiệu "đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết". Bất
cứ yếu tố nào đe dọa đến nguồn lợi chung sẽ bị trừng trị ngay lập tức. Không có
thanh "củi" đơn độc nào tồn tại được cả. Vài vụ bị đem ra xử chẳng
qua vì "thằng ấy" ăn tham quá, ăn hết cả phần người khác mà thôi.
Người dân Thủ Thiêm là một ví dụ
rõ ràng cho những chính sách đặc quyền đặc lợi của giai tầng quan lại. Cha ông
họ khai phá nó từ đất hoang, họ đổ mồ hôi và xương máu thuần thục nó qua hàng
trăm năm. Đáng lẽ khi Nhà nước quy hoạch, chính những người dân sở tại phải được
hưởng lợi đầu tiên. Giá trị đất tăng lên nhờ được bố trí các tiện ích xung
quanh nó, chênh lệch với giá trị đất của người dân trước đó thì quy đổi nó bằng
đất với các hệ số ưu tiên. Những người có vài ngàn m2 đất ruộng chắc chắn đều
vui vẻ và cảm thấy công bằng khi chỉ còn vài trăm mét đất ở, nhưng họ vẫn sinh
sống tại chỗ và giá đất của họ đã tăng giá trị lên nhiều lần. Với giá trị đó, họ
có thể tiếp tục ở lại, dùng nó để kinh doanh, nếu bán đi vẫn có vốn liếng để bắt
đầu lại cuộc sống ở nơi khác.
Nhưng không, cũng giống như vườn
rau Lộc Hưng hay rất nhiều địa điểm nóng về giải tỏa bồi thường đất đai, khi đất
chưa có giá trị thì người dân là người sử dụng ổn định bền vững. Khi nó trở
thành vàng, họ lập tức bị chỉ rõ "chỉ là người được giao quyền sử dụng"
chứ không có quyền sở hữu. Đất đai được "bồi thường" với giá rẻ mạt.
Họ bị bẩy ra khỏi chính miếng đất nuôi thân của mình để từ nay về sau chỉ được
ngơ ngác ngắm nó biến thành vàng, thành kim cương, thành nơi độc quyền cho những
người giàu sang trưng trổ.
Các bác cứ vỗ tay, tiền em đã
thu đủ
Cho nên, quý vị ơi, một mình Tân
Hoàng Minh hay cái công ty bỏ cọc thứ hai kia không bao giờ có cái gan to đến mức
dám giễu cợt quyền lực Nhà nước như thế đâu, nếu trên đầu không có những gốc cổ
thụ để che đỡ và dựa vào. Rồi quý vị cứ dài cổ ra mà chờ xem bọn họ có bị xử
lý gì không nhé !
Bởi vì, khi nào luật lệ gốc về đất
đai vẫn còn chưa thay đổi, người dân vẫn chưa được thừa nhận quyền sở hữu đất
đai thì những tân hoàng minh vẫn còn tha hồ chơi đùa với pháp luật và vẫn còn
béo tốt. Ba cái động thái giơ cao của bộ này bộ nọ chỉ để biểu diễn cho quý vị
xem vỗ tay mà thôi. Tiền vé, họ đã thu đủ cả.
Tân Hoàng Tôn
Nguồn : RFA, 10/02/2022
Tham khảo :
https://thanhnien.vn/hai-bo-kien-nghi-thu-tuong-xu-ly-vu-dau-thau-thoi-gia-dat-post1427921.html
https://thanhnien.vn/hai-bo-kien-nghi-thu-tuong-xu-ly-vu-dau-thau-thoi-gia-dat-post1427921.html
*********************
Đất và vài chuyện chẳng đâu
vào đâu !
Trân Văn, VOA, 09/02/2022
Công ty Bình Minh - doanh nghiệp
giành được quyền sử dụng một trong bốn lô đất mà thiên hạ ví von
như vàng ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, tại cuộc đấu
giá do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hồi trung tuần
tháng 12 năm ngoái (1), vừa thông báo bỏ cọc chứ không trả thêm
tiền để nhận quyền sử dụng lô đất họ từng giành nữa
(2).
Qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Zing.vn)
Nói cách khác, ngoài Công ty Ngôi
Sao Việt thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh, thêm một nhà đầu
tư giành phần thắng trong cuộc đấu giá từng làm rúng động
dư luận (giá chấp nhận trả cao hơn giá khởi điểm từ bốn
lần đến tám lần) bỏ cuộc. Tuy hai nhà đầu tư còn lại (Công
ty Dream Republic và Công ty Sheen Mega) chưa tuyên bố bỏ cọc
nhưng đến nay, cả hai nhà đầu tư chưa nộp thêm đồng
nào cho đủ 50% số tiền họ từng cam kết sẽ trả dù đã quá hạn ấn định
(6/2/2022) ba ngày !
Khoảng 37.346 tỉ đồng
mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dự trù thu được từ việc
tổ chức đấu giá bốn lô đất đã kể giờ hụt đi
khoảng 29.500 tỉ vì mất 24.500 tỉ dự thu từ Công ty Ngôi
sao và 5.026 tỉ dự thu từ Công ty Bình
Minh. Đó là chưa kể dấu hiệu cho thấy 7.820 tỉ còn lại
dường như cũng thuộc dạng tiền khó thu !
Trước mắt, so khoản thất thu với
734 tỉ tiền cọc mà Ngôi Sao Việt và Bình Minh cúng dường
do đơn phương hủy hợp đồng, rõ ràng là chẳng thấm
vào đâu, đặc biệt là những thiệt hại khó có thể lượng định
từ việc trả giá rất cao rồi bỏ đối với kinh tế -
xã hội cũng như lần tổ chức đấu giá sắp tới !
Nếu sau đấu giá, hệ thống
công quyền không yêu cầu một số ngân hàng giải trình về quan hệ với
các doanh nghiệp tham gia đấu giá (đã cho vay hoặc hứa cho vay bao
nhiêu, mục đích các khoản vay là gì, có phân loại chi tiết về nợ gốc,
nợ lãi, kèm phân tích kế hoạch – khả năng trả nợ,
phía hỏi vay có nợ xấu – nợ khó trả hay
không) (3).
rồi một số viên chức hữu
trách không đồng loạt cảnh báo về tình trạng một số doanh nghiệp
vay mượn tứ tung, từ ngân hàng đến phát hành giấy mượn nợ (trái
phiếu doanh nghiệp), nợ cao gấp nhiều lần vốn thực có, cho nên yêu cầu tổ chức
kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường chứng
khoán...
thì chắc chắn đã không
có chuyện thi nhau đơn phương hủy hợp đồng. Nhà đầu tư bỏ cọc
khiến ngân sách mất vài chục ngàn tỉ nhưng không biết sợ, không yêu cầu, cảnh
báo và hành động như vừa đề cập, bong bóng sẽ nổ,
hậu quả đối với kinh tế - xã hội – dân sinh chắc chắn
sẽ trầm trọng hơn nhiều.
Tiền hung hậu cũng hung đối
với cuộc đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới
Thủ Thiêm nhắc thêm, gần như toàn bộ nguồn lực của quốc gia, cả công
lẫn tư vẫn chỉ có một chỗ để dốc vô và trông
vào là bất động sản. Sự nghiệp bạo phát không nhờ trí lực
hay tâm lực mà phụ thuộc vào việc có liều và có giỏi
mượn đầu heo nấu cháo hay không !
***
Theo báo chí Việt Nam, báo cáo
tài chính năm 2021 của Vingroup cho thấy, năm vừa qua, tập đoàn này lỗ khoảng
7.500 tỉ đồng. Vingroup là một doanh nghiệp đa ngành nhưng trừ bất động
sản, các lĩnh vực khác đều lỗ. Nguồn thu chính của Vingroup vẫn là bất động
sản, thu được 78.800 tỉ, tương đương 63% tổng doanh thu (5).
Vingroup đã tuyên bố từ bỏ việc
sản xuất xe hơi chạy xăng – một trong những quyết định đầu
tư từng khiến cả chính quyền lẫn nhiều người Việt phấn chấn, tự hào
vì cuối cùng, dường như cũng đã có doanh nghiệp Việt Nam chọn
công nghệ như một hướng phát triển sự nghiệp.
Ngoài Vinfast (thương hiệu xe hơi
của Vingroup), doanh nghiệp này còn tuyên bố sẽ sản xuất nhiều thứ có dáng
dấp hiện đại như điện thoại thông minh, TV thông minh, và các
con đường được hỗ trợ khai phá để trở thành đại
lộ đó đều sớm là đường cụt. Năm 2021, hoạt động sản xuất của
Vingroup tạo ra khoản lỗ là 23.948 tỉ - hơn một tỉ Mỹ kim.
Nếu không nhờ bất động
sản, Vingroup không thể trở thành doanh nghiệp nổi đình, nổi đám
và đến giờ, nếu không có bất động sản để dựa vào,
khó mà biết được Vingroup sẽ đi đâu, về đâu. Việt
Nam có nhiều doanh nghiệp nhờ đất đai, bất động sản
mà bạo phát như Vingroup nhưng có quốc gia nào chỉ phát triển,
vững bền nhờ đất đai và bất động sản ( ?).
***
Cách nay khoảng bốn năm (5/2018),
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục
Thuế thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Phụng, cảnh báo
:Chúng ta đang sống bằng đất. Bán đất để ăn. Ăn hết phần
của con cháu trong tương lai (6). Bao nhiêu trong tỉ lệ tăng trưởng
hàng năm – nền móng của tự hào là từ đất và bao
lâu nữa thì xong ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/02/2022
Chú thích :
(1) https://vnexpress.net/toan-canh-dau-gia-4-lo-dat-vang-thu-thiem-4416081.html
(5) https://doanhnghieptiepthi.vn/hon-5-ty-usd-doanh-thu-cua-vingroup-den-tu-dau-161220802155210483.htm
(6) https://tuoitre.vn/chung-ta-ban-dat-de-an-va-dang-an-het-phan-cua-con-chau-20180509144803819.htm
**********************
Lũng đoạn thị trường bất động
sản : trách nhiệm thuộc về ai ?
Thới Bình, VNTB, 09/02/2022
Nếu như nhà nước với tư cách là
cơ qua quản lý được ủy quyền của nhân dân để thực hiện quyền chủ sở hữu về đất
đai, thì khi xảy ra lũng đoạn thị trường, nhất thiết phải xử trí cơ quan quản
lý cao nhất là Bộ Chính trị.
Lũng đoạn thị trường bất động
sản : Suy cho cùng vẫn là cán bộ mà ra đấy
Về nguyên lý, quyền sở hữu đất
đai thuộc về toàn dân mà nhà nước làm đại diện. Nhưng nhà nước là ai ? Là tổ chức
hay cá nhân thì hiện nay đang có lạm dụng. Người ta nhân danh tập thể để làm những
chiêu trò. Đặc biệt là cá nhân trá hình tập thể.
Ví dụ doanh nghiệp "đi
đêm" với người đứng đầu – trong khi đó người đứng đầu chi phối tập thể, để
rồi cuối cùng bỏ phiếu thông qua việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất, rồi
thay đổi quy hoạch.
"Suy cho cùng vẫn là cán bộ
mà ra. Đấy là điều quan trọng nhất. Cho dù hoàn thiện cơ chế, chính sách đến mấy
nhưng trao công cụ pháp luật vào tay những kẻ bất tài, thất đức thì chỉ có phá
hoại hình ảnh Đảng, Nhà nước, gây mất niềm tin trong nhân dân mà thôi. Cho nên
vấn đề cốt tử và căn bản nhất hiện nay vẫn là cán bộ. Cùng với đó cần phải tăng
cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương của người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các sai
phạm mới đủ sức răn đe".
Với ý kiến trên cho thấy nếu thực
sự tôn trọng điều 4 của Hiến pháp thì trách nhiệm cuối cùng ở đây là Bộ Chính
trị với cụ thể là Tổng bí thư Đảng.
Một số ý kiến khác cho rằng trong
bối cảnh các thủ tục pháp lý cho một dự án bất động sản còn khá phức tạp cũng
như mặt bằng giá đất đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp khi đã được dự án sẽ có
khuynh hướng phát triển các phân khúc trung cao cấp, đem lại biên lợi nhuận hấp
dẫn hơn là các dự án nhà ở thương mại có mức giá bình dân.
Một lưu ý khác về các dự án nhà ở
giá cả bình dân, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng
Việt Nam, nếu giá đất tiếp tục lên cao trong khi những vướng mắc về cơ chế,
chính sách khiến một dự án phải làm thủ tục mất 2 – 3 năm, thì nếu để tự nguyện
sẽ không có doanh nghiệp nào lựa chọn làm nhà giá rẻ đáp ứng nhu cầu rất lớn của
người dân.
Đơn cử như tại Thành phố Hồ
Chí Minh, theo số liệu thống kê gần đây của Sở Xây dựng, năm 2020, tổng số dự
án nhà ở đưa ra thị trường giảm 34% so với năm 2019, trong đó phân khúc căn hộ
bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) giảm đến 98,7%.
Cũng theo Sở Xây dựng Thành phố
Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản trên địa bàn cơ cấu sản phẩm đang rất mất
cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững và đảm bản an sinh xã hội. Bởi lẽ,
nếu theo nhu cầu thực tế thì tỷ lệ phân khúc căn hộ bình dân luôn chiếm tỷ trọng
cao nhất. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ căn hộ bình dân giảm từ 51% xuống còn
1% (giảm 98,7%), chiếm tỷ lệ thấp nhất.
Ngược lại, phân khúc căn hộ trung
cấp tăng từ 23,8% lên 56,9% (tăng 66,2%), phân khúc căn hộ cao cấp tăng từ
25,2% lên 42,1% (tăng 16%). Đây là dấu hiệu lệch pha cung cầu và chỉ rõ sự phát
triển thị trường bất động sản thiếu bền vững.
Về mặt pháp luật chuyên ngành, đồng
ý rằng Luật Đấu giá 2016 có quy định "phải nộp tiền đặt trước" với mức
"tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá", nhưng lại không
quy định nhà đầu tư phải nộp thêm "tiền đặt trước", hoặc phải có văn
bản cam kết nộp bổ sung "tiền đặt trước", hoặc phải có văn bản bảo
lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư "trả
giá" tài sản đấu giá cao hơn rất nhiều lần so với "giá khởi điểm của
tài sản đấu giá", để chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư và đảm bảo
nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá.
Do thiếu các quy định pháp luật về
điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là điều kiện chứng minh nhà
đầu tư "không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp
đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất để thực hiện dự án đầu tư khác", và
điều kiện chứng minh "có năng lực tài chính" của nhà đầu tư, nên Trung
tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã ban hành "Quy chế cuộc đấu giá tài sản"
yêu cầu nhà đầu tư "phải thực hiện cam kết bằng văn bản" và các cam kết
để chứng minh năng lực tài chính, nhưng thực ra thì nó mang tính hình thức và lỏng
lẻo của hình thức về thủ tục hành chính.
Trở lại về câu chuyện trách nhiệm
cuối cùng ở đây là Bộ Chính trị.
Ngày 10/1/2022, Chủ tịch Tập đoàn
Tân Hoàng Minh có tâm thư gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng,
Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ ở khu đô thị mới Thủ
Thiêm, sẵn sàng chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu
giá lô đất ở nơi này.
Trong tâm thư, Chủ tịch Hội đồng
Thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng nêu lý do "nhận thấy kết
quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản
nói riêng" nên xin bỏ tiền cọc (588,4 tỷ đồng).
Vì sao tâm thư này là gửi đến Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải chăng điều đó đến từ Điều 4/2 Hiến pháp, rằng Đảng
"chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình"
(?!).
Không rõ Tổng bí thư hồi đáp tâm
thư đó của ông Đỗ Anh Dũng ra sao ?
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 09/02/2022
***********************
Thị trường đất nhiễu loạn, ai
chịu trách nhiệm ?
RFA, 09/02/2022
Vào ngày 10 tháng 12 năm 2021, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bán đấu giá lần lượt bốn lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bốn doanh nghiệp trúng thầu là Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) ; Công ty Cổ phần Dream Republic ; Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh ; Công ty Cổ phần Sheen Mega.
Các lô đất "vàng" ở
Thủ Thiêm được đấu giá vào ngày 10/12/2021. P hoto : chinhphu.vn
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
nhận định : "Đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường".
Ngày 10 tháng 1 năm 2022, Tập
đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc cho lô đất 3-12 tại Thủ Thiêm, chấp nhận mất 588,4 tỷ
đồng sau khi bỏ giá trúng đấu giá cao kỷ lục, gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm,
tương đương gần 2,5 tỉ đồng/m2. Một ngày sau, Tân Hoàng Minh có tâm thư gửi
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước giải thích việc bỏ
cọc là do "nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực
kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng".
Ngay khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc,
chuyên gia kinh tế Huy Vũ đã phân tích với RFA rằng, với chính sách "đất
đai thuộc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước quản lý", người dân mất
quyền sở hữu đất thì chính quyền địa phương dễ dàng đẩy họ đi và bán mảnh đất
đó cho người khác nhằm kiếm lợi. Bên cạnh đó là vấn đề tư bản thân hữu cấu kết
với chính quyền để nâng giá đất lên làm lũng đoạn thị trường.
Đến ngày 8 tháng 2 năm 2022, Công
ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh lại có văn
bản gửi đến các cơ quan chức năng về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9 tại Thủ Thiêm.
Doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với cả chục doanh nghiệp khác để
trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường Đặng Hùng Võ nêu quan điểm của ông với RFA sáng ngày 9 tháng 2 :
"Chúng ta phải nhìn nó dưới
góc độ kinh tế. Tức là việc bỏ cọc mang lại cho họ lợi ích nhiều hơn việc họ tiếp
nhận để phải trả tất cả với số tiền cao hơn. Về mặt quản lý chúng ta có thể thấy
đây là hành vi muốn làm cho giá đất đai ở Việt Nam cao lên nhiều hơn. Cao lên
như vậy thì ai có lợi ? Chắc chắn là chỉ những người hiện nay đang giữ nhiều đất
muốn thông qua việc đấu giá đất, đưa giá đất lên cao làm cho giá đất trên thị
trường tăng cao. Như thế, đất mà họ đang nắm trong tay thì nó hơn rất nhiều lần
so với việc họ mất tiền trong việc bỏ cọc.
Tôi cho đây là những người chuyên kinh doanh đất sẽ tính một bài toán kinh tế. Họ không quan tâm tới việc làm nhiễu loạn thị trường, làm cho nền kinh tế thiếu ổn định".
Một phần khu Đô thị mới Thủ
Thiêm bên bờ sông Sài Gòn. RFA
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Trao đổi với truyền thông Nhà nước
hôm 9 tháng 2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, kết quả trúng đấu
giá đất cao bất thường sẽ ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác thu hồi đất, bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích quốc
phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ; dễ kích động người dân bị thu hồi
đất đã nhận tiền bồi thường hoặc chưa nhận tiền bồi thường khiếu nại đòi mức bồi
thường cao hơn phương án bồi thường đã được phê duyệt, gây mất ổn định xã hội.
Theo ông Sinh, cần nghiên cứu sửa
đổi pháp luật về đất đai, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc xác định
giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất
phù hợp với thực tiễn, đảm bảo nguồn thu và tránh thất thoát ngân sách của Nhà
nước.
Còn với ông Đặng Hùng Võ, chuyện
đấu thầu đất với giá cao kỷ lục rồi bỏ cọc gây lũng đoạn thị trường như hiện
nay, chứng tỏ ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có tinh thần của một nhà nước pháp
quyền. Trách nhiệm thuộc về những nhà quản lý. Ông phân tích :
"Tôi cho rằng việc quản lý đất
đai ở Việt Nam là rất kém. Không phải là kém do trình độ hoặc không hiểu biết.
Họ hiểu biết hết nhưng họ chấp nhận như vậy vì đất đai nằm trong tay khá nhiều
những nhà quản lý. Các nhà quản lý bây giờ sống bằng đất nhiều hơn sống bằng đồng
lương.
Họ có khi cũng mong muốn giá đất
hiện trạng lên cao hơn nữa để họ có lợi nên họ không làm gì cả. Ngay việc bây
giờ sửa luật đất đai như thế nào cũng chỉ là vấn đề đặt ra chung chung, lúc vào
cuộc thì không đủ nhiệt tình, không như là một chủ trương lớn để chúng ta phải
thiết lập được một hệ thống quản lý đất đai có lợi cho nền kinh tế.
Tôi cho rằng, những người quản lý
đáng trách hơn là những người đang làm ra những thủ thuật đẩy giá đất
lên".
Luật Đất đai nước Cộng hò axã
hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ, đất đai là sở hữu toàn dân do
Nhà nước quản lý. Tuy nhiên người dân thực chất không có quyền sở hữu, mà khi
mua đất hay đất do ông bà cha mẹ để lại thì sẽ được Nhà nước cấp cho giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất.
Giới siêu giàu ở Việt Nam hiện
nay được cho là những doanh nhân và quan chức, và đa số họ giàu lên từ đất. Cuối
tháng 10 năm 2021, khi Quốc hội thảo luận tại tổ về quy hoạch sử dụng đất, Chủ
tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu : "Vừa qua, người giàu lên nhờ đất
rất nhiều, tù tội vì đất cũng rất nhiều".
Trước đó, ông Nguyễn Phú Trọng từng
gián tiếp xác nhận có hiện tượng cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản
không nguồn gốc khi nhấn mạnh không để những cán bộ này lọt vào trung ương
trong công tác nhân sự Đại hội 13. Sau đó, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ
nhiệm kỳ 2021-2026, khi nói về "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn
chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống" ông
Trọng nhắc lại một câu làm nhiều người để ý : "Tiền bạc lắm làm gì, chết
có mang theo được đâu ; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất !"
Phát biểu của ông Trọng khiến nhiều
người lại thấy thực tế lộ rõ bao quan chức Đảng và Chính phủ rơi vào vòng lao
lý vì tham nhũng, dù khi chưa bị phát hiện họ cũng rao giảng, kêu gọi ‘cần kiệm,
liêm chính, chí công, vô tư’.
Nguồn : RFA tiếng Việt,
09/02/2022
*************************
Lại bỏ cọc đất đã trúng thầu ở
Thủ Thiêm
Phú Nhuận, VNTB, 09/02/2022
Ông Lê Duy Minh – Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong chiều 8-2-2022, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan trong đó có Cục thuế thành phố về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9. Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng – gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Sau Tân Hoàng Minh, Bình Minh
là đơn vị thứ hai xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá hơn 5.000 tỷ đồng ở Thủ
Thiêm.
Nếu tính theo đơn giá đất, Công
ty Bình Minh đã bỏ ra 1,003 tỷ đồng cho mỗi m2 đất lô 3-9, vượt xa 593 triệu đồng/m2
mà Dream Republic bỏ ra cho lô 3-5 hay 467 triệu đồng/m2 mà Sheen Mega đã bỏ ra
cho lô 3-8, và chỉ thua Tân Hoàng Minh với mức giá gây sốc 2,45 tỷ đồng/m2 cho
lô 3-12.
Việc bỏ giá 5.026 tỷ đồng, gấp
6,9 lần mức khởi điểm cùng đơn giá cao không mấy kém cạnh Tân Hoàng Minh cho thấy
tham vọng lớn của Công ty Bình Minh, một doanh nghiệp được thành lập ngày
24-09-2021, đặt trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện
theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992). Công ty ban đầu có vốn điều
lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng.
Theo quy định, đơn vị trúng đấu
giá sẽ bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng nếu không nộp đủ tiền mua tài
sản khi quá 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế. Không nộp hoặc nộp không đủ
tiền theo thời gian trên, các doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tiền đặt trước
là 20% so với giá khởi điểm.
Động thái xin bỏ cọc của Tân
Hoàng Minh và Bình Minh, theo các chuyên gia, một mặt có nguy cơ khiến đấu giá
đất trở thành kẽ hở thổi giá tài sản tăng nhanh, làm lợi cho nhóm lợi ích thiểu
số. Mặt khác hoạt động đấu giá đất đang khoét sâu thêm nghịch lý Nhà nước mong
đấu giá cao để thu tiền về cho ngân sách, nhưng lại lo giá ảo làm nhiễu loạn thị
trường, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trúng giá cao rồi bỏ cọc không loại
trừ có chủ ý, vì quy định về thời gian và tiền đặt cọc đấu giá khiến nhiều người
chỉ mong kiếm lời, sang tay, mà không có ý định thực. Theo quy định, người tham
giá đấu giá sẽ chỉ phải đặt cọc từ 5 – 20% giá khởi điểm. Khi tham gia đấu giá,
họ không xác định mục tiêu ban đầu là sử dụng đất, mà kỳ vọng lướt sóng để ăn
tiền chênh lệch.
Có ý kiến cho rằng khả năng việc
đẩy giá khu đất không loại trừ trường hợp có chủ ý, có sắp đặt của một nhóm người
nhằm kéo mặt bằng giá chung của cả khu vực đó lên cao. Nói cách khác, họ chịu
chi cao cho một mảnh đất, nhưng bù lại sẽ bán những mảnh đất xung quanh ở mức
cao. Cuối cùng mức thu về lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra. Đây là một chiêu
trò thị trường khó được kiểm soát, nhưng nó có sức tạo ra làn sóng rất lớn.
Những vấn đề trên được giải quyết
thế nào ? Chắc chắn là phải bằng pháp luật.
Hiện tại thì đúng là pháp luật dù
chưa thể đi trước cuộc sống, nhưng cũng không nên để đi sau cuộc sống quá xa.
Những kẽ hở pháp lý đã được nhận diện, do vậy bên cạnh các biện pháp hành chính
như siết tín dụng, nâng tiêu chuẩn các doanh nghiệp được tham gia đấu giá…, cần
tiến hành song trùng việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý.
Nếu như nhà nước với tư cách là
cơ quan quản lý được ủy quyền của nhân dân để thực hiện quyền chủ sở hữu về đất
đai thì phải hết sức tỉnh táo với những động thái bất thường trong hoạt động đấu
giá. Ý kiến về vấn đề này, theo nhiều chuyên gia tài chính, khả thi nhất là sớm
điều chỉnh tăng tỉ lệ tiền cọc/ giá khởi điểm, chẳng hạn từ 20% lên 50%, sẽ khiến
nhà đầu tư chùn tay nếu định sử dụng chiêu trò. Để ngăn đe hiệu quả hơn, chẳng
hạn như cần tu chỉnh luật hình sự qua việc bổ sung tội danh "Lũng đoạn thị
trường bất động sản" vào Bộ luật hình sự.
Lưu ý ở đây ngoài việc trục lợi
ra, thì nó còn làm thay đổi trật tự quản lý nhà nước khi họ làm lũng đoạn thị
trường bất động sản. Thiệt hại ở đây chính là nhà nước và người dân, đặc biệt
là dân nghèo không có nhà ở rất khó tiếp cận đất đai, nhà ở với giá cao ngất
ngưởng.
Phú Nhuận
Nguồn : VNTB, 09/02/2022
*********************
Hậu đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm
: Chuyện như đùa nối tiếp chuyện như đùa
Thế Lâm, Lao Động online,
09/02/2022
Mới khoảng 1 tháng kể từ khi Công
ty Ngôi Sao Việt thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc từ thương vụ thắng đấu
giá lô đất tại Thủ Thiêm (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), chiều
ngày 8/2 đã có thêm doanh nghiệp thứ hai bỏ cọc sau
khi thắng đấu giá.
Thêm một doanh nghiệp bỏ cọc thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Ảnh : A.D
Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu
tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Hà Nội), trước đó đã thắng đấu giá lô đất
3-9 sau 140 lượt gọi giá, vượt qua 13 doanh nghiệp khác, với giá trúng đấu giá
lô đất là 5.026 tỉ đồng, gấp 6,9 lần so với mức giá khởi điểm.
Cần nhớ rằng, vụ bỏ cọc trước đó
của Tân Hoàng Minh đã bị dư luận gọi là trò đùa : Đùa với sự nghiêm túc đưa quỹ
đất ra đấu giá để có kinh phí đầu tư hồi phục kinh tế tại Thành phố Hồ Chí
Minh sau những tháng dài bị tổn thất nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19.
Để chọn ra 4 lô đất đấu giá, một
số ban ngành phải làm việc nghiêm túc, qua bao thủ tục nhằm tuân thủ các quy
trình pháp lý bắt buộc cũng như đề cao tính minh bạch và đúng pháp luật.
Thế nhưng đến thời điểm này, những
tâm huyết đó không đạt được mục tiêu thu về số tiền như kết quả đấu giá.
"Trò đùa" thứ hai, Công
ty Bình Minh bỏ cọc, đã được xác nhận thông tin vào chiều ngày 8/2, khiến số lô
đất thắng đấu giá bị bỏ cọc đã lên tới 50%.
Muốn đưa các lô đất ra đấu giá lại
phải bắt đầu lại từ đầu nếu các doanh nghiệp xếp kế tiếp về mức giá đưa ra
không muốn nhận mua. Nhưng liệu mức giá đấu giá trong tương lai có thể bị ảnh
hưởng tiêu cực bởi 2 sự bỏ cọc của Tân Hoàng Minh và Bình Minh hay không ? Hoàn
toàn có thể.
Trong ngày 8/2, sau khi thông tin
3 doanh nghiệp thắng đấu giá đất tại Thủ Thiêm quá hạn đợt 1 vẫn chưa nộp
tiền, hiệu ứng tâm lý trên thị trường chứng khoán đã lập tức diễn ra. Theo
đó, các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc như CII, NBB, DIG giảm sàn ;
nhiều mã lớn khác như VIC, VHM, PDR cũng giảm mạnh.
"Trò đùa" thứ nhất vụ
Tân Hoàng Minh bỏ cọc cách đây khoảng 1 tháng đã khiến thị trường chứng khoán dậy
sóng với các mã cổ phiếu ngành bất động sản lao dốc không phanh trên sàn HoSE, ảnh
hưởng tới điểm số chung của VN-Index có những phiên giảm sâu nhất trong tháng
1/2022.
"Trò đùa" thứ hai với
cái tên Bình Minh bỏ cọc và 2 doanh nghiệp còn lại quá hạn đợt 1 chưa nộp tiền
thêm một lần nữa lại kéo giá cổ phiếu nhóm ngành bất động sản lao đáy.
Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm
với những thông tin như thế. Và vô hình trung, việc bỏ cọc của một doanh nghiệp
bất động sản lại bắt nhiều doanh nghiệp khác phải gánh chịu hệ lụy/hậu quả.
Tình trạng "quýt làm, cam chịu"
này trong khuôn khổ luật pháp hiện hành dường như chưa thể chế tài. Đó chính là
vấn đề mà các cơ quan quản lý cần tính đến để điều chỉnh, sửa đổi các quy định
pháp luật hiện hành, để có mức chế tài mạnh hơn, sát sao trong thời gian tới.
Vấn đề không chỉ đơn giản bỏ cọc
là xong. Mà cần nhìn từ góc độ là Thành phố Hồ Chí Minh đang khát vốn đầu
tư trong lúc này để đẩy mạnh khôi phục kinh tế sau những tổn thất nặng nề về
kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 gây ra. Từ đó, những "trò đùa"
trong lúc này còn là vấn đề đạo đức kinh doanh.
Bởi mục tiêu của thành phố là thu
về ngân sách số tiền doanh nghiệp thắng đấu giá mua 4 lô đất Thủ Thiêm chứ
không phải là khoản cọc 20% mức giá khởi điểm.
Thế Lâm
Nguồn : Lao Động online,
09/02/2022
*********************
Đại gia thứ hai vừa bỏ cọc đấu
giá Thủ Thiêm là ai ?
Huy Ngọc, Nhà đầu tư,
08/02/2022
Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh - doanh nghiệp vừa xin bỏ cọc đấu giá Thủ Thiêm nằm trong hệ sinh thái của một tập đoàn tư nhân hàng đầu có trụ sở tại Hà Nội.
Ảnh : Lý Tuấn
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Duy Minh -
Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Công ty trách nhiệm
hữu hạn Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (Bình Minh) vào ngày 8/2 đã
có văn bản gửi về việc xin không triển khai dự án trên lô đất 3-9 KĐT mới Thủ
Thiêm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tình hình tài chính khó khăn.
"Còn về việc hủy Quyết định
trúng đấu giá, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm việc với doanh nghiệp và
có Quyết định sau", ông Minh nói qua điện thoại.
Trong phiên đấu giá ngày
10/12/2021, Bình Minh đã trúng đấu giá lô đất 3-9 với số tiền 5.026 tỷ đồng - gấp
6,9 lần so với giá khởi điểm. Như Nhadautu.vn từng tính toán, nếu xét về đơn giá đất
trên mỗi mét vuông sàn xây dựng, thì con số này đối với lô 3-9 của Bình Minh
lên tới 251,4 triệu đồng/m2, chỉ thấp hơn 7,6% so với lô 3-12 của Bất động sản
Ngôi Sao Việt (thành viên Tân Hoàng Minh Group).
Như đã đề cập, Bình Minh mới thành lập vào tháng 9/2021, đóng
trụ sở tại số 151 phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội,
hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Người đại diện theo
pháp luật, kiêm Tổng giám đốc là bà Thân Thị Liên (SN 1992).
Vốn điều lệ tại thời điểm mới ra
đời là 100 tỷ đồng. Trước phiên đấu giá 4 lô đất KĐT mới Thủ Thiêm đúng 1 tuần,
Bình Minh tăng vốn lên 200 tỷ đồng.
Gần như không có thông tin về
nhóm chủ Bình Minh. Dù vậy, tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy doanh nghiệp này nằm trong hệ
sinh thái của một tập đoàn tư nhân hàng đầu có trụ sở tại Hà Nội, hoạt động đa
ngành.
Hiện tại, đã quá thời hạn 30 ngày
của đợt 1 để 2 công ty trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm là CTCP Dream
Republic (trúng lô đất 3-5) và CTCP Sheen Mega (trúng lô đất 3-8) nộp
tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Thế nhưng, cơ quan thuế cho biết vẫn chưa
nhận được tiền từ các công ty này.
Trước Bình Minh, Công ty trách
nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt vào ngày 10/1 đã xin bỏ cọc
lô đất 3-12 KĐT mới Thủ Thiêm, cùng với bức "tâm thư" dài 3 trang của
doanh nhân Đỗ Anh Dũng. Đến ngày 28/1, công ty này gửi văn bản chính thức xin
đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đến Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Cục Thuế,
Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản của Thành
phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Thành phố
Hồ Chí Minh) cũng đã báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý theo quy
trình.
Huy Ngọc
Nguồn : Nhà Đầu Tư,
08/02/2022
***********************
Thêm doanh nghiệp xin bỏ cọc đất
Thủ Thiêm, còn "tay chơi" thứ 3 thì sao ?
Đồng Tiến, VietTimes,
09/02/2020
Ít gây chú ý hơn mức giá kỷ lục
mà nhóm Tân Hoàng Minh xác lập ở lô đất 3-12, song mức giá đấu thành công của
Bình Minh ở lô đất 3-9 tại Thủ Thiêm cũng rất đáng nể, lên tới 1 tỉ đồng/m2.
Sau Tân Hoàng Minh, Bình Minh cũng xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm
Cục thuế Thành phố Hồ Chí
Minh vừa nhận được văn bản của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Phát triển
và Thương mại Bình Minh (Bình Minh) về việc xin bỏ cọc trúng đấu giá lô đất ký
hiệu 3-9 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thành lập từ tháng 9/2021, Bình
Minh có mối liên hệ với một tập đoàn hàng đầu, sở hữu nhiều bất động sản ở khu
vực phía Bắc. Doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp
khác để trúng lô đất 3-9 với mức giá 5.026 tỉ đồng - cao gấp 7 lần mức giá khởi
điểm, tương đương 1 tỉ đồng/m2.
Trong khi đó, lô đất 3-9 do Công
ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Ngôi Sao Việt) đấu
giá thành công với mức giá trúng lên tới 24.500 tỉ đồng. Các lô đất 3-5 và 3-8
lần lượt do CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega đấu giá thành công với mức
giá trúng lần lượt là 3.820 tỉ đồng và 4.000 tỉ đồng.
Như VietTimes từng đề cập, Ngôi Sao Việt là thành viên của tập đoàn Tân Hoàng Minh. Trong khi đó, CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega đều có mối liên hệ với một đế chế bất động sản – tài chính danh tiếng, sở hữu danh mục dự án đồ sộ ở vùng lõi Tp. Hồ Chí Minh.
Với quy mô lên tới 1,6 tỉ USD,
thương vụ đấu giá đất Thủ Thiêm không chỉ nhận được sự quan tâm lớn của dư luận
mà còn đặt ra vấn đề về rủi ro dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản.
Trong bối cảnh đó, cơ quan thanh
tra, giám sát Ngân hàng nhà nước đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các ngân
hàng báo cáo thực trạng cấp tín dụng gồm cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…
với các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đấu giá các lô đất Thủ Thiêm. Kết quả
rà soát tính đến trung tuần tháng 1/2022 của Ngân hàng nhà nước cho thấy, không
ngân hàng nào cho doanh nghiệp vay tiền mua đấu giá đất Thủ Thiêm .
Dòng vốn tín dụng bị siết lại đồng
nghĩa với việc các doanh nghiệp phải tự xoay sở ‘tiền tươi’ để thực hiện nghĩa
vụ thanh toán tiền trúng đấu giá với nhà nước. Giá trúng càng cao thì áp lực
càng lớn.
Và như đã thấy, lần lượt Ngôi Sao
Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) và Bình Minh – 2/3 ‘tay chơi’ trúng đấu
giá đất Thủ Thiêm - đã xin bỏ cọc. Không loại trừ khả năng ‘tay chơi’ còn lại
cũng sẽ lựa chọn phương án này.
Theo thông báo phát đi hôm 6/1 của
Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ
Thiêm sẽ phải nộp 50% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ trước ngày 6/2/2022.
Tuy nhiên, tính đến chiều ngày 8/2, hệ thống của Cục thuế Thành phố Hồ Chí
Minh vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất của các doanh nghiệp còn lại.
Đồng Tiến
Nguồn : VietTimes, 09/02/2022