Thấy gì từ việc đệ nhất đả nữ ‘vác tù và hàng tổng’ liên tiếp ‘thảm bại’ ? (Hoài Nguyễn)
Rồi qua Tết Nhâm Dần, sự kiện hay sự cố chính trị nào sẽ diễn ra tiếp ? Lúc đó, dư luận lại miệt mài với việc nghệ sĩ đi kiện bà ‘vác tù và’. Ván cờ được đoán định sẵn, dư luận đám đông lao theo như tính toán. Kit test chưa xong, kinh tế cần vực dậy, ghế chưa yên vị, nên ‘thổi tù và’ chưa thể kết thúc…
Khi muốn nói về một việc làm tốn công, vô ích vì không mang lại được hiệu quả gì, người Việt thường ví von là "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng" hay "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".
Ngược dòng lịch sử, ngày trước ở nông thôn, tổng là đơn vị hành chính bao gồm một số xã, nhiều tổng mới hợp thành một phủ – tương đương huyện bây giờ. Trong bộ máy hành chính của tổng, to nhất là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và thấp nhất là mõ làng. Khi có việc gì của làng như ma chay, đình đám… anh mõ cầm mõ tre đi gõ để báo tin cho làng xã biết. Ngoài ra người này còn đi tuần phòng ban đêm và gõ mõ báo hiệu giờ giấc.
Mõ làng làm việc này không có lương bổng. Tuy nhiên anh ta thường được làng cấp cho một mảnh đất công nhỏ để cày cấy hoặc đến mùa gặt được các địa chủ cho một ít thóc. Dù làm ít hay nhiều thì lợi ích của anh mõ cũng chỉ có vậy. Ngoài một công cụ truyền tin là cái mõ, ngày xưa các anh mõ còn dùng cái tù và, là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng.
Việc phải trầy trật vác tù và đi thổi khắp làng xã của cả tổng mà lợi lộc được hưởng chẳng là bao chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ "ăn cơm nhà vác/thổi tù và hàng tổng". Chuyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" thường bị mọi người chê cười. Họ cho rằng, những người đó làm việc vô bổ, làm chuyện thiên hạ một cách rảnh rỗi và dở hơi.
Vậy thì bà Nguyễn Phương Hằng có phải là người giàu có dở hơi, hay bà có ‘động cơ’ như kẻ đốt đền Herostratus ?
Sử sách Hy Lạp ghi, một đêm hè của năm 360 trước công nguyên, một sự kiện đã gây chấn động toàn bộ thế giới văn minh thời điểm đó : Một ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở đền Artemis, bắt đầu là những đồ cúng tế và bức màn che trước tượng thần, ngọn lửa sau đó lan đến các cửa ra vào bằng gỗ tẩm dầu, rồi táp lên mái nhà. Trong chốc lát, ngôi điện biến thành những đống đổ nát, khói lửa mù mịt, dưới bầu trời đen tối chỉ còn thấy nhô lên hình bóng những chiếc cột đá cẩm thạch.
Nói theo ngôn ngữ bây giờ là sau khi lửa tắt, công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra nguyên nhân ngôi đền bị cháy, và không khó khăn lắm để xác định thủ phạm chính là Herostratus – một cái tên mãi mãi được lưu truyền với hậu thế với biệt danh "kẻ đốt đền".
Tại phiên tòa xét xử Herostratus sau đó, Herostratus đã làm ngỡ ngàng các quan tòa khi thừa nhận việc mình đốt ngôi đền chỉ vì muốn được lưu danh muôn thuở. Herostratus bị treo cổ kèm theo hình phạt bổ sung bằng một nghị quyết của người dân toàn thành phố : Mãi mãi không được nhắc đến cái tên gắn liền với tội ác hủy diệt thế giới văn minh theo cách mạn rợ này !
Tuy nhiên, ngôi đền không bị hủy diệt hoàn toàn. Và kỳ diệu hơn là trong đống đổ nát ấy, người dân thành Ephesus đã tìm thấy tượng Artemis hầu như không bị hư hại.
Với họ, đó là một chỉ dấu của thần linh. Lập tức, công cuộc tái thiết, xây dựng lại một ngôi đền mới ở đây được gấp rút thực hiện với sự quyên góp vàng bạc, châu báu, tiền của không những trong mà cả ngoài đất nước Hy Lạp.
Nền móng ngôi đền mới được chồng lên đền cũ, tại nơi 127 cây cột bị phá hủy đã mọc lên 127 cây cột mới, trong đó 35 cột ở phần dưới được trang trí các hình chạm nổi lớn bằng người thật, kể về chiến công của các vị thần, gồm cả thần phì nhiêu nhiều vú và các vị anh hùng Hy Lạp.
Herostratus đốt đền Artemis một đêm hè của năm 360 trước công nguyên và ngôi đền Artemis ở Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày nay
Sau hơn 10 năm ròng rã xây dựng, cuối cùng, ngôi đền đã "đứng lên từ những đổ nát" đúng nghĩa và cao hơn đền cũ đến 2 mét và hoàn toàn bằng đá để những kẻ điên loạn như Herostratus không còn có cơ hội để nổi tiếng.
Phải chăng với việc liên tiếp, bền bỉ bằng phương thức ‘livestream’ và gửi đơn tố cáo cụ thể nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi về hành vi gian dối, cố tình chiếm đoạt tiền từ thiện do nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ cứu trợ miền Trung năm 2020, cho thấy động cơ của bà Nguyễn Phương Hằng trong vị trí ‘streamer’ chẳng khác mấy Herostratus, vì ở đây bà Hằng không tố cáo trên cương vị là ‘bị hại’, mà dường như chỉ là ‘người vác tù và’ – vì ở đây không thấy ‘người bị hại’ nào lên tiếng sau tố cáo của bà Hằng.
Từ góc nhìn trên, với thực tế là bà Nguyễn Phương Hằng khoe gia sản giàu có, cũng như cương vị của một giám đốc điều hành, chắc chắn bà không thể là người ôm đồm ‘thổi tù và hàng tổng’, bà càng không ngu dại cầu danh như Herostratus. Bà cũng không thể là người bị bệnh tâm thần, vì cùng tham gia với nữ ‘streamer’ trong các tố cáo còn có doanh nhân Huỳnh Uy Dũng cùng khách mời là luật sư, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Vậy thì rất có thể đây là kịch bản được soạn sẵn cho các vai diễn nhằm phục vụ ý đồ chính trị nào đó ; và giờ thì vở tuồng đang vào hồi kết, hay chỉ là ‘chuyển cảnh’, và đào chính sẽ ‘sống’ để tiếp vai ra sao đang hứa hẹn về ‘drama’ không kém hấp dẫn trong năm Nhâm Dần tới đây.
Sở dĩ có ngờ vực tấm màn nhung chỉ tạm khép, vì thử nghĩ coi, vì sao đang rộ chuyện nữ quân y ăn ngủ trong phòng nghiên cứu, gây mất mặt cả hệ thống của vụ kit test do Học viện Quân y cầm chịch, thì lại đưa ra vụ minh oan cho nghệ sĩ. Tại sao không sớm hơn ? Hay phải đúng lúc để chặn sự cố có thể xảy ra, ém và điều khiển thời gian bung tin cũng là một loại chiến lược ?
Rồi qua Tết Nhâm Dần, sự kiện hay sự cố chính trị nào sẽ diễn ra tiếp ? Lúc đó, dư luận lại miệt mài với việc nghệ sĩ đi kiện bà ‘vác tù và’. Ván cờ được đoán định sẵn, dư luận đám đông lao theo như tính toán. Kit test chưa xong, kinh tế cần vực dậy, ghế chưa yên vị, nên ‘thổi tù và’ chưa thể kết thúc…
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 24/01/2022