Thất bại của mô hình "dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (Thanh Hà)

Tỷ lệ 70% cử tri Hồng Kông không đến các phòng phiếu là một vố đau, bởi cả hai đã huy động rất nhiều phương tiện để đạt được mục tiêu mong muốn. Mục tiêu đó là kiểm soát toàn bộ Nghị Viện Hồng Kông. Để đạt đến đích, Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông một mặt tạo điều kiện để người dân đi bầu, mặt khác dùng đòn hù dọa nhắm vào những ai kêu gọi tẩy chay bầu cử, kể cả trong trường hợp những lời kêu gọi bất phục tùng đó do những người Hồng Kông lưu vong phát động và sau cùng là kiểm duyệt tất cả các ứng viên ra tranh cử.  


Hồng Kông : Thất bại của Bắc Kinh về mô hình "dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ?

Toàn bộ Hội đồng Lập pháp Hồng Kông trong tay phe thân Bắc Kinh sau cuộc bầu cử ngày 19/12/2021. Điều đó không cấm cản trưởng đặc khu hành chính này mãn nguyện vì mô hình "một quốc gia hai chế độ" vẫn được duy trì và kết quả bầu cử lần này bảo đảm cho Hồng Kông vẫn có được một sự "tự chủ".

Tại Bắc Kinh, báo chí cũng hài lòng không kém, bởi lá phiếu của cử tri Hồng Kông là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy "những điều bịa đặt của các lực lượng thù nghịch bên ngoài" không làm người dân nao núng. Trong chuyến công tác tại Bắc Kinh, lãnh đạo Hồng Kông giải thích thế nào về tỷ lệ 70 % cử tri tẩy chay các phòng phiếu ? 

Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông, đưa ra một cái nhìn khác về cùng một cuộc bầu cử. Theo ông, đây là một thất bại kép của Bắc Kinh và của chính quyền Hồng Kông, cho dù bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là người chấp hành. 

Tỷ lệ 70% cử tri Hồng Kông không đến các phòng phiếu là một vố đau, bởi cả hai đã huy động rất nhiều phương tiện để đạt được mục tiêu mong muốn. Mục tiêu đó là kiểm soát toàn bộ Nghị Viện Hồng Kông. Để đạt đến đích, Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông một mặt tạo điều kiện để người dân đi bầu, mặt khác dùng đòn hù dọa nhắm vào những ai kêu gọi tẩy chay bầu cử, kể cả trong trường hợp những lời kêu gọi bất phục tùng đó do những người Hồng Kông lưu vong phát động và sau cùng là kiểm duyệt tất cả các ứng viên ra tranh cử. 

Hơn nữa Bắc Kinh tới nay vẫn rao giảng với công luận Hồng Kông rằng cuộc bầu cử theo thể thức mới sẽ là "một tiến bộ" về dân chủ. Nhưng tỷ lệ vắng mặt cao chưa từng thấy (70 %) chứng tỏ công luận Hồng Kông không chấp nhận mô hình dân chủ đó. Tỷ lệ vắng mặt kỷ lục nói trên là một hình thức kháng cự của cử tri trước gọng kềm của Bắc Kinh. 

Hội đồng lập pháp Hồng Kông bao gồm 90 đại biểu. Trong cuộc bầu cử lần này, chỉ có 20 người được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu và đã có tổng cộng 153 ứng viên ra tranh cử để giành được 20 ghế đó. Bắc Kinh đã duyệt qua lý lịch của toàn bố 153 ứng viên đó để bảo đảm rằng tất cả các nghị viên trong Hội đồng lập pháp Hồng Kông tới đây đều phải là "những người yêu nước và trung thành với Hoa Lục".

Nhà nghiên cứu Cabestan lưu ý rằng, luật bầu cử mới của Trung Quốc chỉ được tiết lộ vào tháng 3/2021, đồng thời từ đầu năm đến nay các nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông đều đã lần lượt "bị loại" khỏi các hoạt động chính trị của đặc khu hành chính này. Ông nhấn mạnh : đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh giờ đây "không để lọt một kẽ hở nào cho các tiếng nói dân chủ Hồng Kông" như là trong những đợt bầu cử lần trước. Bắc Kinh muốn bằng mọi giá, không bao giờ còn trông thấy hình ảnh người biểu tình Hồng Kông đòi dân chủ, không muốn con virus dân chủ Hồng Kông lây lan sang bất kỳ một nơi nào.

Giáo sư Cabestan không mấy lạc quan cho rằng ngày nào mà đảng Cộng Sản Trung Quốc còn trong tay phe cứng rắn, và ông Tập Cận Bình còn lãnh đạo đất nước, thì "không có một chút hy vọng nào cho nền dân chủ Hồng Kông".  

Vậy câu hỏi kế tiếp là tại sao đã biết trước kết quả bầu cử và đã vô hiệu hóa gần như toàn bộ các tiếng nói bất đồng, nhưng chính quyền Hồng Kông được báo The Guardian của Anh trích dẫn vẫn phải đã huy động hơn "10.000 nhân viên cảnh sát" để bảo đảm rằng cuộc bầu cử hôm qua diễn ra suôn sẻ ? Phải chăng Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông mong muốn giành được một thắng lợi trên mặt trận tuyên truyền với công luận quốc tế ? 

Phát biểu của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sáng nay về tính "tự chủ" của Hồng Kông với Hoa Lục, về mô hình "một quốc gia, hai chế độ" của vùng lãnh thổ này, về "việc Hồng Kông không rập theo khuôn mẫu mô hình dân chủ của phương Tây", có thể là dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh muốn quảng bá một "mô hình dân chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc. Trước mắt như chuyên gia Chung Kim Wah, thuộc Viện Nghiên cứu về Công luận tại Hồng Kông, ghi nhận "căng thẳng giữa dân chúng với chính quyền sẽ tồn tại, bởi Hội đồng Lập pháp Hồng Kông không còn đóng vai trò trung gian hòa giải" và 7,5 triệu dân Hồng Kông "bắt buộc phải tuân thủ các luật chơi do Bắc Kinh áp đặt". 

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 20/12/2021