Mỹ : Màu sắc xã hội trong mô hình kinh tế tự do ? - Jean-François Boittin

Hơn 40 năm trước, Trung Quốc chuyển hướng theo mô hình kinh tế « thị trường mang màu sắc xã hội chủ nghĩa ». Đến lượt Hoa Kỳ gây nhạc nhiên : chính quyền Biden thông báo tăng thuế doanh nghiệp, đánh thuế vào những thành phần giàu có nhất để « xóa bỏ bất công xã hội ». 

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về kế hoạch 2000 tỷ đô la để phát triển cơ sở hạ tầng tại Trung tâm huấn luyện  Carpenters Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 31/03/2021.

Tổng thống Biden « lấy thuế của người giàu để trợ cấp cho người nghèo » « Mỹ muốn đánh thuế các đại tập đoàn đa quốc gia »... Một số nhà bình luận tại Pháp nói đến một cuộc « cách mạng » tại nền kinh tế tự do nhất toàn cầu, khi Nhà nước ồ ạt can thiệp vào các hoạt động kinh tế qua các kế hoạch đầu tư hàng ngàn tỷ đô la. Nhưng chưa chắc tổng thống Biden là « địch thủ » của giới tư bản Hoa Kỳ.

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ và còn lại 500 ngày nữa trước bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022, tổng thống Mỹ thứ 46 đưa ra hình ảnh một nhà lãnh đạo năng động và « không buồn ngủ » chút nào.

Phải đối mặt với cùng lúc ba cuộc khủng hoảng về mặt y tế, kinh tế, xã hội, chính quyền Biden đã nhanh chóng thông qua kế hoạch Cứu Trợ Hoa Kỳ - American Rescue Plan trị giá 1.900 tỷ đô la.

Trả lời đài RFI tiếng Việt, nhà nghiên cứu Jean-François Boittin, cộng tác viên của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI nhấn mạnh đến tính « cấp bách » của gói hỗ trợ tương đương với 3 % GDP của Mỹ :

Jean-François Boittin : « Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, về mặt kinh tế chính quyền Biden đã ban hành kế hoạch Cứu Nguy Nước Mỹ gần 2.000 tỷ đô la và biện pháp được chú ý đến nhiều nhất là ngân phiếu 1.400 đô la rót vào mỗi đầu người trong một hộ gia đình có thu nhập hàng năm dưới ngưỡng 75.000 đô la. Đây là một biện pháp vừa mang tính mỵ dân vừa rất được lòng dân. Theo báo cáo mới nhất của chính phủ, nhờ ngân phiếu này mà trung bình thu nhập của các hộ gia đình đã tăng thêm được 20 %. Điều đó có nghĩa là tiêu thụ ở Mỹ cũng sẽ tăng lên. Song song với biện pháp đã thu hút mọi chú ý đó chính phủ Biden còn đưa ra nhiều quyết định quan trọng khác, chẳng hạn như tăng trợ cấp thất nghiệp.. »

Tăng thuế để tài trợ các chương trình xã hội

Không chỉ dừng lại ở gói hỗ trợ khẩn cấp 1.900 tỷ đô la sau khi chính quyền tiền nhiệm đã bơm gần 1.000 tỷ đô la vào các hoạt động kinh tế để khắc phục hậu quả virus corona gây ra, chính quyền Biden còn đưa ra một tầm nhìn bao quát hơn với tham vọng « làm thay đổi cục diện » của nước Mỹ.

Để đánh dấu 100 ngày đầu nhiệm kỳ, phát biểu trước Quốc Hội Lưỡng Viện, tổng thống Joe Biden tuyên bố dành ưu tiên nâng đỡ tầng lớp trung lưu bởi vì « giới Wall Street không gây dựng lên nước Mỹ, mà đó là công lao của giới trung lưu, công lao của các công đoàn bảo vệ tầng lớp trung lưu ». Nghe qua những lời lẽ này có vẻ như tấn công vào tầng lớp tư bản. Thế rồi Joe Biden thông báo luôn hai chương trình phục hồi kinh tế cho siêu cường số 1 thế giới tổng trị giá 4.000 tỷ đô la. Hơn phân nửa số tiền nói trên dự trù đầu tư vào cơ sở hạ tầng (Infrastructure Plan), phần còn lại nhằm trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình dưới nhiều hình thức (Families Plan). Một cách cụ thể hơn, trong kế hoạch chủ yếu nhắm vào các hộ gia đình này, chính phủ Mỹ dành đến 1.800 tỷ cho các khoản trợ cấp trực tiếp nhằm tạo những điều kiện thăng tiến trong xã hội bình đẳng hơn cho tất cả những người dân Mỹ.

Nhìn xa hơn về tương lai, chương trình đầu tư của tổng thống Biden dự trù từ việc hiện đại hóa hơn 32.000 cây số đường xa lộ và các trục giao thông, trùng tu khoảng 10.000 cây cầu trên toàn quốc, hiện đại hóa hệ thống đường xe lửa, thay thế 20 % những chiếc xe buýt cũ kỹ đưa đón học sinh bằng một thế hệ xe điện đời mới, xây dựng thêm hay nâng cấp trường học, bệnh viện, mở rộng thêm các viện dưỡng lão … 

Để đương đầu với Trung Quốc, để chống hiện tượng khí hậu bị hâm nóng, để tạo công việc làm cho « hàng triệu người dân Mỹ » tổng thống Biden dành hẳn một ngân sách trên 2.000 tỷ đô la và ngay sau phát biểu tại điện Capitol trước các dân biểu của hai đảng Cộng Hòa và dân Chủ, ông « Joe buồn ngủ » đã lên đường đến Pittsburgh, một trong những thành phố công nghiệp đã giúp ông vào Nhà Trắng, và tại đây ông tuyên bố « không có lý do gì để những cánh quạt tạo ra năng lượng gió được sản xuất tại Bắc Kinh thay vì ở Pittsburgh ». Nguyên thủ Mỹ một lần nữa khẳng định với cử tri của thành phố này : « kinh tế Hoa Kỳ sẽ vững mạnh hơn trước, (…) nước Mỹ sẽ là nền kinh tế có sức sáng tạo cao nhất thế giới » và điều này sẽ giúp cho Hoa Kỳ « ghi bàn thắng » trong cuộc đọ sức với Trung Quốc.

Tính khả thi

Nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tài trợ cho chương trình Build Back Better – tái thiết tốt hơn đó ?

Jean-François Boittin : « Trước mắt các khoản ‘chi-thu’ không nhất thiết cân bằng, nhưng điều cốt lõi ở đây là chủ đích huy động những người giàu có, huy động các doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là chính quyền Biden đang xóa bỏ phần nào các biện pháp ưu đãi thuế khóa cho người giàu và doanh nghiệp từng được chính quyền Trump ban hành. Hồi trước tổng thống Trump đã giảm thuế doanh nghiệp đang từ 35 % xuống còn 21 %. Thì bây giờ chính quyền Biden đẩy tỷ lệ đó lên thành 28 %. Nhà Trắng chủ trương tăng mức thuế đánh vào 1 % những người Mỹ giàu có nhất ».

Đương nhiên các đề xuất đầy tham vọng này còn phải vượt qua cửa ải của Thượng và Hạ Viện Mỹ. Đầu tháng 3/2021 gói kích cầu 1.900 tỷ trong kế hoạch American Rescue Plan đã chỉ được thông qua nhờ lá phiếu quyết định của phó tổng thống Kamala Harris. Điều đó có nghĩa là đảng Dân Chủ đã không thuyết phục được một thượng nghị sĩ nào của bên đảng Cộng Hòa đối lập. Do vậy để hai dự án trị giá 4.000 tỷ đô la sắp tới được thông qua, hành pháp Hoa Kỳ phải vượt qua ít nhất ba rào cản, mà trở ngại đầu tiên là về mặt chính trị. Chuyên gia Boittin, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp sống và làm việc từ lâu năm tại thủ đô Washington tương đối lạc quan :

Jean-François Boittin : « Trong bài diễn văn phát biểu trước Quốc Hội lưỡng viện, tổng thống Joe Biden được cử tọa nhiệt liện hoan hô, bao gồm cả các đại biểu của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, là khi ông bất ngờ đề cập đến vế « Buy American » tức là khuyến khích tiêu thụ hàng của Mỹ. Rõ ràng là có một sự tiếp nối với chính quyền tiền nhiệm của ông Trump. Tương tự như Donald Trump, Joe Biden cũng chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ quay trở lại nguyên quán, mở thêm xí nghiệp trên lãnh thổ Hoa Kỳ thay vì hoạt động tại những nơi có nhân công rẻ. Rõ ràng về điểm này hai chính quyền Trump và Biden rất ăn ý với nhau. Đây là một chính sách kinh tế mang nặng màu sắc dân tộc chủ nghĩa được cả giới công đoàn, lẫn giới chủ cùng hoan nghênh và đặc biệt là những công ty đang kỳ vọng nhiều vào các kế hoạch đầy tham vọng của ông Biden để vực dậy kinh tế Hoa Kỳ ».     

Doanh nghiệp và công luận cũng tán đồng

Thế còn về phía các doanh nghiệp thì sao ? Liệu số này có dễ dàng chấp nhận đóng thuế cao hơn vì những mục tiêu công bằng xã hội tại Hoa Kỳ ?

Jean-François Boittin : « Đương nhiên là các doanh nghiệp phản đối biện pháp tăng thuế, song số này cũng ý thức được rằng họ cần có một sự đồng thuận từ phía người tiêu dùng. Cũng đừng quên là ở Mỹ các doanh nghiệp tiên phong trên khá nhiều lĩnh vực, như là môi trường và kể cả những chuẩn mực về mặt xã hội. Do vậy không hẳn có một sự chống đối mạnh mẽ từ phía các nhà sản xuất. Hơn nữa chính quyền Biden đang dự trù đầu tư rất nhiều cho các công ty, thành thử có phải trả thuế thêm một chút là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được ».

Thiên thời địa lợi nhân hòa

Cuối cùng công luận Mỹ nói chung đón nhận các kế hoạch cải tổ sâu rộng bộ mặt xã hội và kinh tế của đất nước ra sao ? Tại một quốc gia dân chủ, tự do như Hoa Kỳ công luận có dễ dàng chấp nhận một mô hình mà ở đó chính quyền liên bang can thiệp nhiều hơn vào cả mảng kinh tế lẫn xã hội ?

Jean-François Boittin : « Tôi vừa đọc được một bài phân tích mà tác giả không hẳn là một người có khuynh hướng thiên tả. Trên báo The Wall Street Journal, một cựu cộng tác viên của tổng thống Reagan đánh giá : những dự án ông Biden đề xuất sẽ làm thay đổi cục diện của xã hội Mỹ. Một trong những hậu quả đại dịch Covid-19 đem lại đó là mỗi cá nhân cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn với xã hội, với những người chung quanh. Nhìn chung công luận có vẻ hài lòng về các kế hoạch Biden và xét cho cùng, theo tôi đây không phải là một chính sách kinh tế theo đường lối xã hội chủ nghĩa như là bên đảng Cộng Hòa trước đây từng tố cáo. Chính quyền hiện tại đang mở ra một mô hình kinh tế và xã hội tương tự như mô hình của các nước Tây Âu ».

Biden không là một nhà « lãnh đạo cánh tả »

Theo thăm dò của trung tâm nghiên cứu Mỹ Pew Research được công bố hôm 15/04/2021, có tới 55 % những người được hỏi đánh giá « tích cực », gói kịch cầu 1.900 tỷ đô la tổng thống Mỹ đã phê chuẩn và được thông qua hồi tháng 3/2021 và sau 100 ngày đầu nhiệm kỳ, 59 % cho rằng Joe Biden « làm tốt nhiệm vụ ».  

Dù vậy còn quá sớm để cho phép bên đảng Dân Chủ có thể tự mãn, bởi chưa chắc dấu ấn Biden trong lĩnh vực kinh tế đạt được đồng thuận rộng rãi như vừa nêu. Trong thông cáo với lời lẽ gay gắt cựu tổng thống Donald Trump đã chỉ trích kế hoạch đầy tham vọng của người kế nhiệm, xem chiến lược kinh tế của ông Biden là « một sự đầu hàng hoàn toàn », tăng thuế doanh nghiệp là một « món quà to lớn » mà chính quyền Biden dành tặng cho Trung Quốc. Cũng ông Trump gọi chính sách kinh tế của tổng thống bên đảng Dân Chủ này là « một đòn chí tử tấn vào giấc mơ Hoa Kỳ… làm hủy hoại kinh tế của Mỹ ».

Theo thăm dò hôm 30/04/2021 thực hiện cho đài truyền hình Mỹ CNN hơn 100 ngày kể từ khi tổng thống Biden bước vào Nhà Trắng trong hàng ngũ cử tri trung thành với đảng Cộng Hòa vẫn có 70 % cho rằng ông Biden « không đủ tính chính đáng » để lãnh đạo đất nước.

Về đường lối « tả khuynh » của chính sách kinh tế dưới chính quyền Biden, hãng tin Mỹ Bloomberg nêu lên một vài con số : trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của vị tổng thống bị chụp mũ là không hữu hảo với giới tư bản này, tài sản của 10 người giàu có nhất nước Mỹ đã tăng thêm được 255 tỷ đô la. Không chắc giới tư bản xem tổng thống Biden là người của « cánh tả ».

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt