Một cái nhìn khác về xung đột Do Thái – Palestine hiện nay

Hoa Kỳ phải ngừng làm người biện giải cho chính phủ Netanyahu

Bernie Sanders, Nhã Duy, 17/05/2021

"Do Thái có quyền tự vệ".

Đây là những lời mà chúng ta hay nghe mỗi khi chính phủ Do Thái trả đũa các cuộc tấn công bằng phi đạn từ Gaza bằng sức mạnh quân sự khổng lồ của mình, từ cả phía nội các Dân chủ lẫn Cộng hòa.

gaza1

Không quân Do Thái oanh tạc những địa điểm tình nghi là căn cứ quân sự của quân Hamas - Ảnh minh họa

Chúng ta hãy nói cho rõ ràng. Chẳng ai tranh cãi rằng Do Thái hay bất kỳ chính phủ nào không được quyền tự vệ hoặc bảo vệ người dân của mình. Vậy sao cụm từ này cứ được lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác ? Và tại sao một câu hỏi hầu như chẳng bao giờ được đặt ra là, "người dân Palestine có những quyền gì ?".

Và tại sao chúng ta dường như chỉ chú ý đến bạo lực ở Do Thái và Palestine mỗi khi đạn pháo rơi xuống Do Thái ?

Trong thời điểm khủng hoảng này, Hoa Kỳ nên thúc giục một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Chúng ta cũng nên hiểu rằng, trong khi Hamas phóng phi đạn sang các khu vực Do Thái là hoàn toàn không thể chấp nhận được, thì cuộc xung đột hiện nay không khởi đầu bằng chuyện bắn những phi đạn đó.

Các gia đình người Palestine tại khu vực Sheikh Jarrah thuộc Jerusalem đã phải sống dưới nguy cơ bị đuổi khỏi nhà trong nhiều năm trời, chịu đựng một hệ thống pháp luật được kiến tạo nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc cưỡng chế di dời họ. Và trong những tuần qua, những người cực đoan đã gia tăng những nỗ lực tống xuất họ.

Bi thảm thay, những vụ tống xuất đó chỉ là một phần của hệ thống đàn áp về kinh tế và chính trị to lớn hơn. Trong nhiều năm trời, chúng ta đã chứng kiến ​​s ln chiếm ngày càng sâu rng ca Do Thái ti West Bank và Đông Jerusalem, tiếp tục phong tỏa dải Gaza khiến đời sống người Palestine ngày càng trở nên khốn đốn hơn. Với khoảng hai triệu dân tại Gaza, 70% thanh niên thất nghiệp và chẳng có mấy hy vọng gì cho tương lai.

Hơn nữa, chúng ta đã thấy chính phủ của Benjamin Netanyahu đang loại trừ và đối xử tàn nhẫn các công dân Palestine tại Do Thái, theo đuổi các chính sách được dàn dựng nhằm ngăn chặn khả năng có được một giải pháp hai quốc gia và thông qua các luật lệ gây bất công có hệ thống giữa người Do Thái và Palestine cùng là công dân Do Thái.

Không phải để bào chữa cho các cuộc tấn công của Hamas nhằm khai thác tình trạng bất ổn tại Jerusalem hoặc sự thất bại của nhà cầm quyền tham nhũng và yếu kém Palestine mà gần đây đã hoãn các cuộc bầu cử quá hạn từ lâu, nhưng thực tế là Do Thái vẫn là nhà cầm quyền có chủ quyền duy nhất trên đất Do Thái và Palestine, thay vì chuẩn bị cho hòa bình và công lý thì họ đã củng cố sự kiểm soát bất công và phi dân chủ của mình.

Trong hơn một thập niên nắm quyền cánh hữu tại Do Thái, ông Netanyahu đã nuôi dưỡng một loại chủ nghĩa dân tộc kỳ thị ngày càng cố chấp và độc đoán. Trong nỗ lực điên cuồng nhằm duy trì quyền lực và tránh bị truy tố tội tham nhũng, Netanyahu đã hợp pháp hóa phe nhóm bằng cách đưa Itamar Ben Gvir và đảng Jewish Power cực đoan của ông vào chính phủ. Thật là sốc và đáng buồn khi một đám đông kỳ thị chuyên tấn công người Palestine trên các đường phố Jerusalem mà giờ đây lại có đại diện tại nghị viện.

Những xu hướng nguy hiểm này không phải chỉ có tại Do Thái mà trên khắp thế giới, ở Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ và ngay chính tại Hoa Kỳ này, chúng ta cũng đã thấy sự trỗi dậy của các phong trào chủ nghĩa dân tộc độc tài tương tự. Các phong trào này khai thác sự thù hận sắc tộc và chủng tộc để xây dựng quyền lực cho một số ít lũng đoạn hơn là sự phồn thịnh, công bằng và an bình cho nhiều người. Trong bốn năm qua, những phong trào này đã có một người bạn như vậy trong Bạch Ốc.

Đồng thời, chúng ta cũng đang chứng kiến ​​s tri dy ca mt thế h mi ca nhng nhà hoạt động muốn xây dựng xã hội dựa trên những nhu cầu con người và sự bình đẳng chính trị. Chúng ta đã nhìn thấy những nhà hoạt động này trên đường phố nước Mỹ vào mùa Hè năm ngoái sau vụ sát hại George Floyd. Chúng ta thấy họ tại Do Thái. Chúng ta thấy họ tại các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Với một tân tổng thống, Hoa Kỳ giờ đây có cơ hội phát triển một cách tiếp cận mới với thế giới, cách tiếp cận dựa trên công lý và dân chủ. Bất kể đó là việc giúp các nước nghèo có được thuốc chủng ngừa họ đang cần hay lãnh đạo thế giới chống lại sự biến đổi khí hậu hoặc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trên toàn cầu, Hoa Kỳ phải lãnh đạo bằng cách thúc đẩy sự hợp tác hơn là xung đột.

Tại Trung Đông, nơi mà chúng ta viện trợ cho Do Thái gần bốn tỷ đô la mỗi năm thì chúng ta không thể cứ là những người biện giải cho chính phủ cánh hữu của Netanyahu, cũng như thái độ phản dân chủ và phân biệt chủng tộc của họ. Chúng ta phải thay đổi đường lối và áp dụng một cách tiếp cận công bằng, cái cách gìn giữ và củng cố luật pháp quốc tế liên quan đến việc bảo vệ dân thường, cũng như luật lệ hiện hành của Hoa Kỳ đã quy định rằng việc viện trợ quân sự của Hoa Kỳ không được để xảy ra những vi phạm nhân quyền.

Đường lối này phải công nhận rằng, Do Thái có quyền tuyệt đối được sống trong hòa bình và an ninh, nhưng người Palestine cũng được vậy. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Hoa Kỳ có vai trò to lớn trong việc giúp đỡ người Do Thái và người Palestine để xây dựng tương lai đó. Nếu Hoa Kỳ trở thành một tiếng nói tín cẩn về nhân quyền trên toàn cầu, chúng ta phải duy trì các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền một cách nhất quán, ngay cả khi có khó khăn về mặt chính trị.

Chúng ta phải công nhận rằng những quyền của người Palestine là quan trọng. Mạng sống của người Palestine là quan trọng.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders

Nguyên tác : Bernie Sanders : The U.S. Must Stop Being an Apologist for the Netanyahu Government, The New York Times, 14/05/2021

Nhã Duy chuyển dịch

(17/05/2021)

Ghi chú : Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là một người Mỹ gốc Do Thái.

*********************

Xung đột tại Trung Đông : Palestine bị bỏ rơi ?

Đâu là phía nạn nhân ?

Đọc các trang facebookers Việt Nam về bạo lực gia tăng ở Do Thái, ta chỉ thấy tin "một chiều". Kiểu lên án 1800 rốc kết của Hamas bắn vô lãnh thổ Do Thái, hoặc ca ngợi người "chiến sĩ anh hùng" Netanyahou đọc bài diễn văn "hay chưa từng thấy", hoặc hệ thống phòng thủ "nắp vung sắt" của Do Thái là bất khả... lủng v.v. Một số khác dầu vậy đăng tin 180 người Palestine bị chết ở Gaza trong khi phía Do Thái có 8 người chết...

gaza2

Rốc kết của Hamas bị hỏa tiễn Do Tái đánh chặn trên vòm trowgi Palestine - Ảnh minh họa

Chỉ nhìn con số người chết ta cũng đã biết đâu là phía nạn nhân. Chỉ cần coi các tấm hình dãi Gaza bị bom Do Thái tàn phá "nát bét" ta cũng biết đâu là nơi xuất phát bạo lực. Do Thái là một "cường quốc nguyên tử" được Mỹ chống lưng còn dân Palestine là một giống dân bị bỏ quên, không có (hay chưa có) quốc gia. Lãnh thổ của Do Thái ngày càng lớn, lãnh thổ của dân Palestine ngày càng "teo". Đâu phải dân Do Thái đã từng là nạn nhân của Đức quốc xã thì bây giờ họ "có quyền" đối xử với dân Palestine như là Nazi đối với họ ?

Một quốc gia có trách nhiệm là quốc gia "thủ tín", cam kết cái gì thì giữ lời cái nấy và "làm cái gì cũng theo luật mà làm". Do Thái là quốc gia duy nhứt vi phạm luật quốc tế nhiều hơn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới này. Tất cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về Palestine đều bị Do Thái bỏ vô thùng rác. Qui chế "quốc tế" của Jerusalem từ lâu đã bị Do Thái "xâm phạm", bằng chiến tranh. Mới đây ông Trump nhìn nhận "thủ đô" của Do Thái là Jerusalem và dời tòa Đại sứ Mỹ về đây. Jerusalem là "thánh địa" của ba tôn giáo Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo... Còn các cam kết về lãnh thổ Palestine, chỉ nhìn lên bản đồ là ta có thể kết luận rằng Do Thái là một "đế quốc thực dân"...

Nguyên nhân vì đâu có vụ bạo loạn mấy hôm nay ? Phải có cái gì người Palestine mới chống Do Thái dữ thần như vậy. Không thấy ai nói vụ này hết cả...

Đâu phải cái gì cũng đổ cho Hamas ?

Cuộc "bạo loạn" mấy hôm nay, nguyên nhân, thứ nhứt đến từ việc quân đội Do Thái xâm nhập ngôi "đền thiêng" của đạo Hồi Al-Aqsa tại Jerusalem, nhân các ngày lễ trọng đại liên quan đến đạo Hồi (như lễ kết thúc Ramadan). Thứ hai việc trục xuất và truất hữu quyền sở hữu đất đai của một số dân gốc Palestine sinh sống từ nhiều đời ở Đông Jerusalem. Những gia đình này đã ở đây trước khi Do Thái lập quốc năm 1948. Thứ ba, một bộ luật về "quốc gia Do Thái dành riêng cho dân Do Thái" đã được QH Do Thái thông qua. Như vậy 20% dân Ả rập có quốc tịch Do Thái sống trên lãnh thổ Do Thái từ nay trở thành "người nước ngoài"... Cuộc bạo loạn mấy hôm nay, trong lãnh thổ Do Thái, không liên quan đến các hoạt động của Hamas. Tổ chức này chỉ "tát nước theo mưa".

Câu hỏi đặt ra là quốc gia nào, tổ chức nào cung cấp tiền bạc cho Hamas, một tổ chức được Mỹ, Do Thái và nhiều quốc gia khác liệt vào hàng "khủng bố", hoạt động tại Gaza ?

Câu trả lời "té ghế" là Do Thái chớ ai. Mỗi tháng hàng chục triệu đô la được Netanyahou chở đến Gaza.

Netanyahou học sách của cộng sản là nuôi dưỡng kẻ địch để có lý do và để làm phương tiện "đấu tranh", phục vụ cho chính sách đàn áp và bành trướng của Do Thái....

Hamas không chỉ "thọ" mà thế lực còn được củng cố

Một khi Hamas đã bị Mỹ và nhiều nước liệt vô nhóm "khủng bố" thì số mạng của nhóm này sẽ không thọ. Vấn đề là Hamas không chỉ "thọ" mà thế lực còn được củng cố, thắng phe "hòa bình" của Mahmoud Abbas, bạn đồng chí của của cố chủ tịch Arafat (Tổ chức giải phóng Palestine – OLP/PLO). Phe Hamas kiểm soát dãi Gaza còn Mahmoud Abbas kiểm soát Cisjordanie.

Vì sao Hamas được củng cố thế lực, lâu lâu bắn rốc kết "quậy" Do Thái vài phát, mà không bị Do Thái tiêu diệt ?

Bởi vì Hamas cực đoan, chống Do Thái điên cuồng nhưng thuộc thành phần "hữu dụng". Netanyahou dung túng hành vi khủng bố của Hamas nhằm hai mục đích : một là chia rẽ lực lượng Palestine, không để cho khối dân này đoàn kết, đứng dưới một lãnh đạo. Nếu Palestine đoàn kết thì "quốc gia Palestine" sẽ ra đời. Hai là giúp cho phe diều hâu (chủ trương chiếm đất, xóa bỏ Palestine) thắng các cuộc bầu cử.

Tổng thống Biden ủng hộ "quyền tự vệ" của Do Thái

Tổng thống Biden khẳng định sự ủng hộ của Mỹ về "quyền tự vệ" của dân Do Thái trước sự tấn công của nhóm khủng bố Hamas. Vấn đề là cuộc xung đột Do Thái - Hamas nguyên nhân ban đầu hoàn toàn thuộc "nội bộ" của quốc gia Do Thái.

Thật vậy, các việc như "truất hữu" quyền sở hữu đất đai và "tịch thu gia sản" của 28 gia đình người dân Palestine tại Đông Jerusalem, vốn là "chủ trương lớn" của Do Thái từ nhiều thập niên. Đây là một chuyện "nội bộ" của quốc gia Do Thái. Bởi vì trong rất nhiều trường hợp "truất hữu và trục xuất" sở hữu chủ, nạn nhân là người Ả rập quốc tịch Do Thái.

Việc khác, cũng thuộc "nội bộ" của quốc gia Do Thái, là phe cực hữu Do Thái từ vài năm nay, ngày càng thêm hung hãn. (Nên biết thủ tướng Yitzhak Rabin bị giết là do phe cực hữu Do Thái). Họ chủ trương "tiêu diệt dân Ả rập", "thanh lọc chủng tộc". Hình ảnh chiếu trên TV tây phương cho thấy khẩu hiệu "morts aux arabes - giết chết bọn ả rập", ta thấy nạn nhân Ả Rập bị đám đông Do Thái hung hãn chặn lại, đuổi rượt, sau đó bắt lại đánh đập thê thảm. Tệ hại là các việc này xảy ra dưới những con mắt dửng dưng của cảnh sát và quân đội Do Thái. Điều nhấn mạnh, những nạn nhân này vốn cũng là dân Do Thái.

Xem ra còn độc ác hơn nạn kỳ thị da trắng - da màu bên Mỹ. Rõ ràng phong trào cực hữu Do Thái có khác chi "chủ nghĩa chủng tộc ưu việt" Nazisme thời Đức quốc xã ?

Hai nguyên nhân gây đến sự "nổi loạn" ở các tỉnh Do Thái, rõ ràng là "chuyện riêng" của Do Thái mà trách nhiệm là sự bất tài của Netanyahou. Ông này bị tố cáo "tham nhũng", cuộc bầu cử vừa qua ông thắng sít sao, như những lần trước, mà lần này khủng hoảng nội bộ khiến Netanyahou không lập được chính phủ.

Những năm dưới triều Trump, "bạn lớn" của Netanyahou, chủ trương "thực dân", tức chiếm đất, chiếm đoạt của cải của dân Ả rập được áp dụng rộng rãi. Chủ nghĩa "chủng tộc Do Thái ưu việt" cũng được khuyến khích. Những phản đối của dân thiểu số Do Thái gốc ả rập luôn bị cảnh sát hay quân đội đè bẹp.

gaza3

Lãnh thổ của người Palestine (màu xanh lục) teo hẹp dần sau mỗi bại trận của liên quân ả rập và tổ chức giải phóng Palestine

Những tấm hình hai ngày nay thấy tung lên mạng, trong đó vẽ một bên lính Do Thái cầm súng đứng lên phía trước bảo vệ người dân. Còn bên kia, quân khủng bố Hamas cầm súng núp sau người dân.

Thật là mĩa mai. Quân đội Do Thái, cùng với cảnh sát Do Thái, hợp đàn với đám cực đoan "chủng tộc Do Thái ưu việt", sử dụng bạo lực ăn cướp của cải, truy lùng đánh đập, lăng mạ... những người dân Do Thái gốc thiểu số.

Hành vi này có khác chi Đức quốc xã đã đối xử với những người dân gốc Do Thái của mình ngày trước ?

Và ta cũng không thấy tên khủng bố Hamas nào cầm súng. Ta chỉ thấy quân Do Thái "bắn nát" dãi Gaza, nói là tiêu diệt Hamas, mà không thấy đâu là "xác quân thù" mà chỉ thấy toàn là xác chết đàn bà, con nít... Có gia đình 8 người chết toàn bộ dưới bom đạn "chính xác" của quân Do Thái...

Bây giờ thì thế giới hoàn toàn "mù", nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tòa cao ốc của báo chí đã bị bom Do Thái đánh sập. Người ta khâm phục sự "chính xác" và "mạnh mẽ" của vũ khí Do Thái. Điều quan trọng là tự do báo chí bị súng đạn Do Thái bịt miệng.

Tổng thống Biden nếu chỉ tuyên bố như vậy là không công bằng. Dân Do Thái có quyền sống, quyền được tự vệ mà quyền này cũng tương đương với quyền của một người ả rập Palestine. Tức là dân Palestine cũng có quyền tự vệ chính đáng, như là dân Do Thái.

Đâu phải khi dân Do Thái có "quốc gia" mà dân Palestine chưa có quốc gia thì "quyền" tự vệ của Do Thái lớn hơn, do đó được "ưu tiên" hơn trong chính sách của quốc gia Mỹ ?

Tôi ủng hộ ý kiến sau đó của Tổng thống Biden, qua bản thông cáo báo chí của Nhà Trắng : nhân phẩm của dân tộc Palestine cần được tôn trọng (la dignité), cũng như sự an ninh, các quyền tự do và các cơ hội thành công về kinh tế.

Điều quan trọng hơn cả là Tổng thống Biden ủng hộ giải pháp "hai quốc gia". Bởi vì chỉ khi nào dân tộc Palestine có một "quốc gia, độc lập có chủ quyền" thì nhân phẩm của họ mới được thực sự tôn trọng.

Không có hiệp ước hòa bình nào cứu nỗi "hòa bình" hết cả

Trump đã từng "nổ" rằng ông ta là tổng thống duy nhứt "đem lại hòa bình cho xung đột Do Thái và Ả rập". Ông Trump khoe hàng loạt "hiệp ước hòa bình" được ký kết, giữa Do Thái với một số nước Ả rập.

Vấn đề là, các quốc gia Ả rập có ký hiệp ước hòa bình với Do Thái, không có quốc gia nào có chiến tranh hay có xung đột với Do Thái cả. Kiểu Maroc. Mắc mớ gì Maroc và Do Thái phải ký hiệp ước "hòa bình" ?

Không có chiến tranh, không có xung đột... hiệp ước hòa bình ký để làm chi ?

Trong khi phía Do Thái xung đột từ nửa thế kỷ nay với Palestine thì không thấy ông Trump nhắc tới (chớ đừng nói là mời ký "hiệp ước hòa bình").

Khủng hoảng sẽ xảy ra, chỉ sớm hay muộn. Và khi dân ả rập bị Do Thái khủng bố, kiểu từ vài tháng nay, không có hiệp ước hòa bình nào cứu nỗi "hòa bình" hết cả.

Lò lửa Gaza có thể là một cái bẫy để Mỹ "sa lầy"

Chỉ có một tổng thống Cộng hòa kiểu G.W Bush mới có thể đem lại một nền hòa bình thực sự cho hai phe Palestine và Do Thái. G. Bush chủ trương mạnh mẽ "hai quốc gia" Do Thái và Palestine hiện hữu song song, đúng như nội dung hiệp ước Oslo 1993. Chỉ khi nào hai bên Do Thái và Palestine đều thỏa mãn các yêu sách của mình, hòa bình đương nhiên sẽ đến.

Biden cho thấy "kế thừa" di sản của Trump về hồ sơ Trung Đông. Biden nhìn nhận "thủ đô" Do Thái là Jerusalem. Biden im lặng về các tuyên bố Trump ủng hộ cao nguyên Golan (của Syria) thuộc chủ quyền Do Thái. Biden ủng hộ các "hiệp ước hòa bình", trị giá 50 tỉ đô la do con rể Trump là Jared Kouchner "dàn dựng". Biden ủng hộ "quyền tự vệ chính đáng của Do Thái" trước các đợt tấn công của quân khủng bố ở Gaza trong khi Biden "làm ngơ" trước thảm cảnh thường dân Palestine "chết như rạ" trước bom đạn "chính xác" của Do Thái...

Chính sách của Mỹ về Trung Đông của Biden xem ra là chính sách của "Trump mà không Trump". Tức là các chính sách đã khiến các chuyên gia luật quốc tế đặt tên Trump là "kẻ giết chết công pháp quốc tế".

Biden kế thừa di sản của Trump, tức nhìn nhận các hành vi "ngồi trên luật" của Trump là đúng. Biden làm gì còn chính danh để bảo vệ khu vực đông và đông nam Châu Á, chống Trung Quốc với khẩu hiệu "bảo vệ trật tự quốc tế trên nền tảng luật lệ" ?

Nhìn rộng ra một chút. Clip vdeo của hai nhà báo Việt Nam kỳ cựu Ngô Nhân Dụng và Lê Mạnh Hùng hôm qua, người điều khiển chương trình Song Chi có đặt câu hỏi thú vị : "Trong tranh chấp Mỹ-Trung, Mỹ sợ cái gì và Trung Quốc sợ cái gì ?". Mỗi người mỗi ý.

Theo tôi, điều làm dân Mỹ sợ là Mỹ sẽ thua kém Trung Quốc. Các đời tổng thống Mỹ sứ mạng của họ không khác : không cho Trung Quốc qua mặt.

Còn Trung Quốc, dân Trung Quốc không có quyền chi cả. Điều làm Đảng cộng sản Trung Quốc sợ là chế độ sụp đổ.

Hai bên Mỹ-Trung sẽ tìm cách đánh vào điểm yếu để cầm chân đối phương.

Lò lửa Gaza có thể là một cái bẫy để Mỹ "sa lầy" vào một cuộc chiến tranh đầy phiêu lưu mới. Cái bẫy này sẽ giúp Trung Quốc vượt Mỹ về GDP.

Ngày xưa, cuộc chiến 6 ngày, chỉ có hai quốc gia ủng hộ Mỹ và Do Thái đó là Iran và Thổ nhĩ kỳ. Mỹ và Do Thái thắng trận, các quốc gia Ả rập dầu hỏa không ngả về Liên xô, mặc dầu các quốc gia này được sự chống lưng của Liên Xô trong cuộc chiến chống Do Thái.

Ở điều này ta thấy điển hình quan hệ các quốc gia : không có bè bạn muôn năm mà chỉ có quyền lợi là muôn năm.

Đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến này sẽ có rất nhiều bất ngờ. Mỹ sẽ có thể sa lầy…

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuantruong, 15-17/05/2021