Pháp luật – Luật pháp ở Việt Nam đều do Đảng cộng sản lãnh đạo

Pháp lý hợp lý là gì ?

Vân Khanh, VNTB, 15/01/2021

"Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý, tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam và thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".

phapluat1

Ở Việt Nam khi ai đó lên tiếng về những sai lầm ấy của Đảng, thì Đảng dùng quyền lực để buộc người đó phải im tiếng bằng bản án tù tội nặng nề

Bản dịch bản phúc đáp của chính phủ Việt Nam đề ngày 28/12/2020 đối với thư chất vấn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về các nhà báo thuộc Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, cùng Phạm Đoan Trang và Hồ Sỹ Quyết, có đoạn như trên.

"Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý" là như thế nào ? Phải chăng ở Việt Nam vẫn có trường hợp gọi là "cơ sở pháp lý không hợp lý", khi không cần phải tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam, cũng như không quan tâm đến sự thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên ?

Pháp luật Việt Nam có đề cập đến hành vi pháp lý, đó là hành vi thực hiện một sự kiện thực tế, cụ thể theo ý chí của con người làm xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

Hành vi pháp lý được chia thành hành vi pháp lý hợp pháp và hành vi pháp lý bất hợp pháp. 

Thứ nhất, hành vi pháp lý hợp pháp là hành vi pháp lý được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật làm xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ : ký kết hợp đồng dân sự theo đúng thủ tục; đăng ký kết hôn theo đúng quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, hành vi pháp lý bất hợp pháp là hành vi pháp lý được thực hiện trái quy định của pháp luật làm xuất hiện, thay đổi, hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật, gồm hành động và không hành động. Hành động là loại xử sự chủ động, thể hiện thành thao tác nhất định của chủ thể pháp luật, như ký kết một hợp đồng dân sự, đánh người gây thương tích, trao tặng quà… Không hành động là cách xử sự thụ động, không thể hiện thành thao tác nhất định, như hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Vậy thì nên hiểu thế nào về cách thức có vẻ ‘sính chữ’ khi dùng kết cấu câu : "Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý, tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam và thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên" ?.

Một dẫn chứng để mọi việc đơn giản hơn về chuyện chữ nghĩa : Không có gì làm phiền lòng người dân hơn khi lâm tình cảnh, hành động hợp lý thì không hợp pháp, mà hợp pháp thì không hợp lý.

Số là vào năm 2018 báo chí từng đăng vụ việc phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê, vì hành vi đổi 100 USD lấy tiền Việt tại một cửa hàng vàng ở Cần Thơ, có thể là xử phạt hợp pháp (theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP), nhưng rõ ràng là không hợp lý.

Nhắc nhở ông Rê và cho qua thì hợp lý, nhưng lại không hợp pháp. Như một giọt nước phản chiếu cả bầu trời, thí dụ cụ thể phản ánh những vấn đề rất lớn của quy trình lập pháp. Vấn đề liên quan trực tiếp ở đây chính là tính hợp lý đã không được quan tâm đầy đủ trong quá trình soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong cuộc sống, cái hợp lý bao giờ cũng chiến thắng, nhưng nhiều khi – với những "khổ đau" không đáng có. Việc người dân bị đẩy vào tình cảnh đã nghèo còn bị phạt trắng tay; chi phí tuân thủ pháp luật tăng cao; cuộc sống khó khăn, tốn kém… là những "khổ đau" nhiều khi quả thật không đáng có. Khổ đâu chỉ của một mình ông Rê, mà của nhiều người trong xã hội. Mặc dù… cái hợp lý thì vẫn chưa chiến thắng.

Khi cái hợp lý và cái hợp pháp xung đột với nhau, thì những "khổ đau" nói trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng bất hạnh. Trong phần chìm của nó, tiềm ẩn những tai họa còn lớn hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều.

Một dẫn chứng, đó là việc kỷ cương, phép nước khó được xác lập. Cuộc sống bao giờ cũng đòi hỏi phải hành động theo cái hợp lý. Nếu pháp luật không cho phép làm điều đó thì người dân buộc lòng phải tìm cách lách luật hoặc trốn tránh việc tuân thủ. Tệ hại hơn, một sự phản cảm đối với pháp luật và cơ quan thi hành pháp luật có thể hình thành trong xã hội. Và trong một bối cảnh tâm lý xã hội như vậy, bao giờ chúng ta mới xác lập được nhà nước pháp quyền ? !

Trở lại với phúc đáp được lập luận, "Các thủ tục pháp lý được thực hiện trên cơ sở pháp lý hợp lý, tôn trọng đầy đủ pháp luật Việt Nam và thống nhất với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".

Rất có thể các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn cũng hệt như ông Nguyễn Cà Rê. Nhu cầu đổi ngoại tệ sang tiền Việt là có thật. Và cũng có thật khi Đảng vì không phải là thần, thánh nên Đảng cũng không tránh được sai lầm. Và khi ai đó lên tiếng về những sai lầm ấy của Đảng, thì nếu Đảng dùng quyền lực để buộc họ phải im tiếng bằng bản án tù tội nặng nề, thì có khác nào vụ phạt vạ 90 triệu đồng cho tờ 100 Mỹ kim đổi ngoài tiệm vàng…

Vân Khanh

Nguồn : VNTB, 15/01/2021

***********************

Làm luật ở Việt Nam

Hoài Nguyễn, VNTB, 15/01/2021

"Nếu có nhiều luật quá, Quốc hội không làm kịp, không có đủ kinh phí, thời gian để làm thì tôi xin thưa, cá nhân tôi sẽ nhận, vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp".

luat0

 Bộ Công an vẫn là nơi tiếp tục được giao chấp bút ‘làm luật’ 

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đã nói như vậy tại buổi thảo luận tổ vào chiều 24/5/2013, khi thấy Luật Biểu tình không có tên trong chương trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội.

"Qua trao đổi với một số anh em công an, nhiều anh em họ cũng mong có Luật Biểu tình để dễ quản lý và đáp ứng mong mỏi của người dân. Với công cụ hiện nay quản lý không phù hợp, quy định đã lỗi thời, dễ đánh đồng giữa việc người dân biểu tình chính đáng đòi hỏi quyền lợi cho mình, với việc tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự. Chúng ta đã nợ Luật Biểu tình quá lâu rồi, cần phải ban hành càng sớm càng tốt" – luật sư Trương Trọng Nghĩa, nói tiếp.

Dĩ nhiên là đề xuất này của ông nghị Trương Trọng Nghĩa đã không được Quốc hội chấp nhận, và phía Bộ Công an vẫn là nơi tiếp tục được giao chấp bút ‘làm luật’ về quyền biểu tình được Hiến định tại Điều 25 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Liên quan chuyện ‘làm luật’ ở Việt Nam, mới đây, trong buổi trò chuyện với học viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, luật sư Nguyễn Mạnh Dũng đã chia sẻ lại quá trình biên soạn, và vận động để thông qua hai luật quan trọng đặt nền móng cho tranh tụng thương mại quốc tế là Luật Trọng tài thương mại và Nghị định của Chính phủ về hòa giải thương mại cùng với tầm nhìn của ông về đào tạo thế hệ luật sư trẻ cho Việt Nam.

"Luật và phát triển : Câu chuyện của người trong cuộc" – là những gì mà luật sư Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ. Xin trích giới thiệu bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo về biết thêm về lát cắt hậu trường ‘làm luật’ ở Việt Nam.

Vào tháng 11/2008, Hội luật gia Việt Nam được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo Luật Trọng tài Thương mại; đây là một trong ba luật mà Hội luật gia là cơ quan biên soạn trong khi thông thường ở Việt Nam các luật sẽ do cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm soạn thảo.

Tại thời điểm năm 2008, hai năm sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng hơn với hệ thống thương mại quốc tế. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài cùng với các hợp đồng thương mại có giá trị cao và độ phức tạp tinh vi ngày càng tăng đòi hỏi phải có một hệ thống pháp lý đủ năng lực đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp khi có mâu thuẫn xảy ra giữa các đối tác trong những hợp đồng đầu tư, mua bán và tài chính.

Thực tiễn lúc đó là tòa án quá tải thụ lý hơn 108.000 vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động và chỉ có 81.000 vụ được giải quyết tại tòa. Trọng tài thương mại còn là một khái niệm xa lạ với công chúng và cả giới kinh doanh.

Các tranh chấp thương mại lớn có đối tác nước ngoài rất ít được giải quyết tại các tổ chức trọng tài. Đồng thời chưa có một bộ luật chính thức nào được ban hành để điều chỉnh hành vi và hoạt động của các tổ chức trọng tài thương mại, và quy trình giải quyết tranh chấp của các trọng tài viên.

"Quá trình thẩm định luật tại Vụ Tư pháp giúp việc cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kéo dài hơn một năm, lúc đó tôi và một số thành viên khác của ban soạn thảo là những người trực tiếp giải trình. Vì cơ quan thẩm định không tham gia vào quá trình soạn thảo và vì lĩnh vực trọng tài thương mại mới du nhập vào Việt Nam, những vấn đề nêu ra trong luật không tương thích với lăng kính của các thành viên hội đồng thẩm định khi họ nhìn nhận sự việc chủ yếu từ góc độ của tòa án" – luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, nhớ lại.

Luật sư Dũng cùng với các thành viên soạn thảo đã phải giải thích gần như toàn bộ các điều luật và nội dung của bộ luật; tuy vậy, vẫn có nhiều chương và nội dung điều chỉnh lại từ luật mẫu nước ngoài bị Hội đồng Thẩm định đánh giá là mâu thuẫn, hoặc chưa phù hợp với khung pháp lý hiện tại của Việt Nam.

Sau giai đoạn thẩm định sơ bộ tại Ủy ban Tư pháp, luật được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vì một luật khi được ban hành sẽ có hiệu lực và tác động trên toàn quốc, lúc này các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ và trong Quốc hội có thể đặt ra những câu hỏi đa dạng hơn mang màu sắc và yếu tố chính trị thể hiện quan điểm và tiếng nói cho địa phương hay tầng lớp mà họ đại diện.

Ví dụ, trong quy định ngôn ngữ sử dụng trong trọng tài thương mại, có đại biểu nêu ý kiến cần phải bổ sung thêm tiếng của dân tộc thiểu số thay vì chỉ tiếng Việt và tiếng nước ngoài (tiếng Anh) như đề xuất ban đầu của dự luật.

Theo diễn giả Nguyễn Mạnh Dũng, để Quốc hội thực hiện hiệu quả chức năng lập pháp đặc biệt là trong những vấn đề chuyên môn hẹp cần phải tăng cường đội ngũ hỗ trợ tại các Vụ chuyên môn như Vụ Tư pháp và năng lực của đội ngũ này cho các đoàn đại biểu hoặc cá nhân từng đại biểu. Đồng thời, phải khuyến khích và đẩy mạnh quá trình cộng tác giữa các hệ thống và cá nhân định hình một bộ luật như ban biên soạn, ban thẩm định và cuối cùng là các đại biểu Quốc hội.

Diễn giả cũng chỉ ra cho dù là quá trình lập pháp, hành pháp hay tư pháp, yếu tố con người luôn là chìa khóa quyết định.

"Đằng sau những bộ luật chính là con người, nếu có được những người tài năng sẽ tạo ra được những văn bản luật tốt, những thể chế tốt và bộ máy tốt. Trong tổ biên tập Luật trọng tài thương mại, chúng tôi rất may mắn có những con người tâm huyết và tài năng như Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa.

Tôi đặt niềm tin Trường Fulbright và các học viên đang học tập ở đây có thể giúp chúng tôi rút ngắn lại quá trình này, và chúng ta không cần đợi đến 10 hoặc 20 năm để chứng kiến sự tiến bộ xảy ra mà có thể là ngay bây giờ và ngay lúc này" – luật sư Nguyễn Mạnh Dũng, kỳ vọng.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 15/01/2021